PDA

View Full Version : DĐ - Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay! (Bài 2)



Dan Lee
05-29-2008, 05:01 PM
Bài 2: Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay!

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

“Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời.”
(Gl 6: 7-8)

Trong một bài giảng, cha Nguyễn Trọng Tước đã nói như sau: "Nếu không có ơn Thánh Chúa, thì người ta đối xử với nhau như loài lang sói."

Thật vậy, có những gia đình, họ hàng thân thuộc, tuy chung sống với nhau nhưng họ đối với nhau như kẻ thù. Họ bức hiếp cô nhi, quả phụ. Họ dùng sức mạnh để khống chế kẻ yếu thế, đơn chiếc. Họ sống thác loạn trên sự đau khổ của kẻ khác.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, qua sách Tiên Tri Isaia, (Is 1:10, 16-20) Thiên Chúa dậy: “Các người hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa; đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiến công lý, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và binh vực người goá bụa.”

Từ khi cha chết lúc mới 6 tuổi, Tâm sống với mẹ ruột và gia đình bên nội. Sau này, mẹ của Tâm vì không chịu nổi sự hành hạ của mẹ chồng và lũ em chồng nên bà theo bạn bè vào miền Nam và tái gía vơí ông Chức. Suốt đời, bà mẹ của Tâm sống trong cô đơn và đau khổ vì ông chồng rất cục cằn và lỗ mãng. Cuối cùng bà chết vì bịnh tim.

Còn Tâm thì sống lây lất qua tay hết các bà bác dâu rồi đến các bà thím dâu. Có bà thì tốt và quảng đại. Có bà thì thâm trầm và ác ngầm: muốn đánh cháu chồng thì bấu véo đến tím ngắt đùi non hoặc xúi chồng đánh cháu. Ngoài miệng thì vẫn thơn thớt nói cười, nhưng bà chỉ tìm cách đuổi đứa cháu mồ côi vì nó là một cái gai nhọn trong mắt bà. Khi ở với các bác thì còn được đi học, nhưng khi ở với thím dâu thì cô Tâm phải nghỉ học để cáng đáng việc nhà.

Tâm sống những ngày tủi cực của kiếp không nhà. Cô làm công việc của một người giúp việc không được trả lương. Ban ngày cô phải làm việc nhà như nấu ăn, quét dọn, giữ các em họ: nào lo cho các em ăn uống, ngủ nghỉ, nào tắm giặt, gánh nước, nuôi heo, băm chuối cho heo ăn. Về đêm, cô khóc âm thầm vì tủi cực, nhớ cha nhớ mẹ và thương thân tủi phận. Đến bữa cơm, cô phải lo phục dịch gia đình người bác hay người chú, và chỉ được ăn cơm sau khi gia đình đã ăn, thức ăn chỉ là cơm cháy và cà muối. Còn các thức ăn ngon thì bà thím luôn cất để dành cho các con của bà.

Thế rồi tức nước vỡ bờ, một ngày kia, vì ẩn ức đè nén, Tâm bị khủng hoảng nội tâm và nổi cơn điên. Cô đập phá và la hét như điên, hết khóc lại cười, hết im lặng, lại ca hát hay chửi rủa những kẻ vô hình. Cơn tâm bịnh của cô đã làm cho các bà bác và thím dâu hết hồn. Từ đó, họ cũng giảm sự hành hạ và ghen ghét. Mãi đến năm 1954, cô Tâm mới được gặp mặt lại người mẹ ruột thân yêu của mình ở miền Nam, sau gần 20 năm xa cách.

Năm 1948, cô Tâm gặp cậu Bình trong lúc tản cư. Thời gian ấy, cô Tâm đang tá túc với gia đình người chú. Trong lúc chạy loạn, gia đình cô Tâm tình cờ ở gần gia đình cậu Bình. Nàng vừa tròn mười tám tuổi, còn chàng vừa mới hai mươi.

Tiếng sét ái tình đã làm họ si mê và cưới nhau ngay. Với cô Tâm thì việc lấy chồng là sự thoát ly hợp pháp khỏi ách của các bà bác dâu và thím dâu, nào ngờ đâu…Sau đó, bà Tâm đến năn nỉ người cậu ruột lúc ấy là thiếu tá bộ binh để cho chồng bà thi vào trường Sĩ Quan Nam Định.

Danh vọng mà ông Bình có là do vợ ông tạo dựng. Gia đình êm ấm với đàn con ngoan cũng là do vợ ông bồi đắp. Thế mà ông Bình đã phụ rẫy vợ ông, một người đàn bà có một tấm lòng tốt. Ông đi chơi bời trác táng .Về nhà là kiếm chuyện đánh đập vợ con.

Bé An lớn lên để chứng kiến những sự đau khổ của mẹ mình từng ngày, từng giờ. An rất thương mến mẹ. Thật vậy, bà Tâm rất đáng yêu, bà có một nụ cười rất có duyên, khi bà cười thì thấy được cả chiếc răng khểnh và má lúm đồng tiền.

Vì lớn lên trong cảnh mồ côi nên bà Tâm chịu đựng rất giỏi, bà học được tính nhẫn nhịn và chịu đựng. Ít khi nào thấy bà nổi nóng. Khi giận hay tức ai thì chỉ biết khóc. Bà lại có lòng dễ tin người, ai nói gì là tin ngay. Sau này, đôi lúc con cái bà rất bực vì sự nhẹ dạ và nhu nhược của bà.

Bà Tâm quả là người đàn bà tốt. Bà làm cơm rất giỏi, món ăn nào cũng biết nấu, kể cả những món bánh trái và mứt. Bà còn có biệt tài đan áo len pha đủ màu sắc. Các con bà được mặc đủ kiểu áo len đẹp. Giờ rảnh, bà còn đan thuê để kiếm thêm tiền chợ cho gia đình. Bà ít khi nào chịu ngồi không, hình như bà dùng sự bận rộn để quên đi sự bất hạnh của đời mình.

Bà thương yêu con cái theo kiểu một bà mẹ Việt Nam thuần túy. Khi yêu thì hy sinh trọn vẹn, lấy cái vui của chồng con là lẽ sống của đời mình. Bà Tâm cũng rất thông minh và chăm học. Dù chỉ có bằng thành chung, bà cũng đã hiểu biết rất nhiều. Bà thích hát nhạc tình và ngâm thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận, T.T.Kh. và Nguyễn Bính. Vì thế, tâm hồn bà rất nhạy cảm, đa sầu và đa cảm. Bà vẫn thường hay khóc một mình:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.”
(Nguyễn Du)

Nói chung, dù chịu nhiều nghịch cảnh, bà Tâm vẫn đắng cay mà nuốt lệ. Bà chấp nhận cuộc đời một cách bình thản và an phận. Bà lo cho con cái được nên người. Trong hàng chục năm qua, bà đã phấn đấu làm hai ba công việc để yểm trợ cho bầy con cháu còn kẹt lại tại quê nhà.

Lòng thành và sự hy sinh cao cả của bà Tâm đã được Thiên Chúa trả công bội hậu. Bốn đứa con và gia đình họ cũng đã tụ họp tại Mỹ quốc. Bà đã có nhà cao cửa rộng, con cháu đầy đàn và kính yêu bà hết mực. Họ vẫn mong cho mẹ được yên hưởng tuổi già trong tình yêu gia đình và niềm vui đoàn tụ gia đình.

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin thương xót các cô nhi, quả phụ và bảo vệ họ thoát khỏi tay những kẻ dùng sức mạnh và quyền uy của mình để đối xử tàn ác với các người cô thế.

(còn tiếp) Bài 3: Lòng Người Độc Ác (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22721)

Kim Hà