PDA

View Full Version : C - Cầu nguyện cho chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh



Dan Lee
05-29-2008, 05:26 PM
Cầu nguyện cho chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh

Một mẩu tin đang được truyền đi trong Giáo Hội Việt Nam. Mẩu tin nhỏ. Cách truyền đi nhẹ. Đó là: Phái đoàn Toà Thánh Vatican sắp sang Việt Nam.

Tin đó đang khơi dậy nhiều dự đoán và nhiều hy vọng. Có nghĩa là phái đoàn đang được chờ đợi với nhiều thiện cảm.

Phần tôi, tôi đón chờ phái đoàn với tâm tình cầu nguyện. Xin phép cho tôi được chia sẻ tâm tình cầu nguyện ấy. Điều tôi cầu nguyện nhiều nhất cho chuyến đi này của phái đoàn Toà Thánh là: Đem lại cho người Việt Nam nói chung và cho người công giáo Việt Nam nói riêng một hướng đi nội tâm đúng đắn.

Trên đất nước Việt Nam hiện nay, người ta thấy chằng chịt những hướng đi khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau về cuộc đời, với những bậc thang khác nhau về các giá trị điều khiển lòng trí con người. Trước tình hình như vậy, rất nhiều người khao khát những nhắc nhở chân thành về một hướng đi nội tâm đúng đắn. Khao khát ấy thường đặt nơi những ai được Hội Thánh Chúa sai đi cách này cách khác. Hướng đi đó thế nào?

1/ Một hướng đi nội tâm sâu hơn những sinh hoạt tôn giáo thường thấy

Những sinh hoạt tôn giáo đang giữ một vai trò khá quan trọng hiện nay tại Việt Nam là: Đi lễ, hội họp, đóng góp, xây cất, đào tạo nhân sự, tổ chức hội đoàn, huấn luyện đại chúng, các việc từ thiện bác ái.

Những sinh hoạt đó có thực sự gây được một hướng đi nội tâm đúng đắn không? Thưa tuỳ đấy.

Xưa, Chúa Giêsu đã phán: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn Cha Thầy mà thôi" (Mt 7,21).

Biết được đâu là ý Chúa không phải dễ. Thực thi ý Chúa đã được biết càng không dễ dàng.

Xin đưa ra một ví dụ dễ thấy, đó là cử hành một thánh lễ, tham dự một thánh lễ, tổ chức một thánh lễ. Có trường hợp, sau thánh lễ, người ta cảm thấy gần lại Chúa. Có trường hợp sau thánh lễ, chỉ đọng lại sự mệt mỏi, bực mình và trống rỗng. Một phần lớn nguyên nhân là do có tinh thần cầu nguyện và tìm sáng danh Chúa thực sự, hay nặng về tinh thần thế tục, tìm lợi ích riêng tư. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào những sinh hoạt tôn giáo bề ngoài để tìm ra hướng đi nội tâm cho con người, thì sẽ dễ lầm.

2/ Một hướng đi nội tâm rộng hơn những thao thức cục bộ

Xưa, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: "Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này, giờ của những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế" (Ga 4,21-23).

Lời Chúa phán trên đây đã giúp Hội Thánh đón nhận rộng rãi những người thiện chí và có khả năng. Tuy nhiên, tinh thần cục bộ vẫn còn. Tại Việt Nam, tinh thần cục bộ còn được nhận thấy một cách khá rõ, ở sự nhiều người vẫn câu nệ vào nhãn hiệu và gốc gác. Kinh nghiệm cho thấy có những người tốt, lợi cho Nước Chúa đã bị loại trừ. Lý do vì không cùng gốc gác và nhãn hiệu như một số người cục bộ đòi hỏi.

Tinh thần cục bộ có thể ví như một chiếc gai lẩn trong áo người mặc. Gai nhỏ, nhưng đủ để gây nên những cơn đau và vết thương lâu dài.

Đã từ lâu rồi, tôi thấy, khi chọn nhân sự lãnh đạo, Toà Thánh thường quan tâm nhiều đến khả năng phân định của ứng viên. Với khả năng tự nhiên và với ơn Chúa, họ phân định được đâu là bóng tối, đâu là con đường từ bóng tối dẫn đến ánh sáng giải cứu cách tự nhiên và đâu là ánh sáng cứu độ siêu nhiên.

Những nhân sự như thế không bị bó buộc trong khuôn khổ cục bộ, mà phải cởi mở trong một cái nhìn rộng rãi, vừa mang tính cách trưởng thành tự nhiên, vừa được hướng dẫn bởi ơn Chúa Thánh Thần, dẫn về Đức Kitô.

3/ Một hướng đi nội tâm vượt qua những tự mãn nguy hiểm

Trong đời sống đạo thường xuất hiện nhiều thứ tự mãn. Tự mãn về trí thức, tự mãn về kinh nghiệm, tự mãn về thành công này nọ, tự mãn về tiền bạc, tự mãn về đạo đức. Người ta thích nghỉ ngơi trong cái tự mãn của mình. Cho dù tự mãn đó chỉ là ảo, chỉ là chủ quan hẹp hòi. Thế mới nguy cho sự nhận ra hướng đi nội tâm.

Một tình trạng đạo đức khá phổ thông được coi như dễ chấp nhận, nhưng thực sự lại là nguy hiểm, đó là tình trạng tầm thường. Tình trạng đó được nói đến trong sách Khải Huyền một cách rất nặng nề. Chúa phán: "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Ngươi nói: Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi. Nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng" (Kh 3,15-17).

Tôi thấy lời Chúa phán trên đây đang là thời sự của nhiều người, nhiều nơi tại Việt Nam. Thời sự đó coi như bình thường. Nhưng nó làm cho sự sống đạo dần dần trở thành máy móc, hình thức và cằn cỗi.

Một hướng đi nội tâm mở ra lý tưởng thánh thiện và truyền giáo đang được vạch ra bằng lý thuyết và nhất là bằng gương sáng. Nó cũng là một hy vọng, mà nhiều người thầm mong nơi Phái đoàn Toà Thánh.

Có lẽ ước vọng của tôi hơi nhiều, không hợp với mục đích thực tế của chuyến đi sắp tới của Phái đoàn Toà Thánh. Nhưng tôi vẫn đưa hy vọng đó vào tâm tình cầu nguyện. Biết đâu chuyến đi của Phái đoàn còn vượt quá những hy vọng trên đây của tôi.

Xin Chúa Thánh Thần cùng đi với Phái đoàn.

+ GM JB Bùi Tuần