PDA

View Full Version : C - Câu Chuyện Mùa Giáng Sinh (Bài 4)



Dan Lee
05-29-2008, 05:33 PM
Bài 4: Câu Chuyện Mùa Giáng Sinh


http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Mùa Giáng Sinh năm ấy, gia đình chú Phượng tổ chức mừng lễ trong bầu không khí ấm cúng của gia đình. Trong khi đó, ông Bình lại đi chơi suốt đêm không về, để mặc cho ba đứa con nhỏ sống lạc loài trong nhà người ta. Khuya hôm Giáng sinh, cô chú Phượng bảo ba đứa con của họ đem giày ra để nơi cửa chính để ông gìa Noel cho qùa.

Bé An nghe lóm nên cũng bảo hai em cùng đem giày và guốc ra để cùng chỗ với lũ con cô chú Phượng để xin quà theo.

Cả đêm hôm Giáng Sinh, An mong ngóng ba về để mừng lễ với chị em nó, nhưng càng chờ thì càng thất vọng.Long lanh giọt lệ, nó hồi hộp chờ đón ông già Noel tới cho quà. Trong trí nhớ non nớt, nó hình dung ra ông già Noel chắc phải là người cha tốt bụng, không bỏ bê con cái như ba của nó. Chợt nhớ đến mẹ đang sống ở nhà bà ngoại một mình cô đơn, nó thương mẹ đứt ruột:

“Mẹ ơi, mẹ có nhớ đến chúng con không? Tại sao gia đình họ êm ấm mà gia đình mình thì chia ly, buồn thảm?”

Cuối cùng, nó thiếp đi và mơ được rất nhiều quà của ông già Noel.

Sáng sớm hôm sau, nó lặng lẽ nhảy xuống giường để tìm quà. Lạ lùng thay, nó thấy nơi giầy của ba đứa con chú Phượng thì có đầy quà và đồ chơi, còn giầy của ba chị em nó thì chẳng có lấy một món quà nào cả. Buồn tủi quá, nó khóc rú lên. Vừa lau nước mắt, nó vừa lay ba nó dậy và hỏi tới tấp:

--Ba ơi, ba ơi, sao ông già Noel ghét tụi con quá vậy? Tại sao ông ấy chỉ cho quà anh em thằng Hùng mà không cho gì cho tụi con cả vậy?

Đang ngủ say, ông Bình lơ mơ trả lời:

--Ai bảo con là ông ấy quên các con? Đêm qua ba về thấy trong giày của các con có kẹo Chocolate nên ba cất giùm cho tụi con đấy chứ. Này, cầm lấy kẹo mà chia cho các em đi!

An lặng lẽ cầm kẹo mà không tin những gì ba nó vừa nói. Nó cảm thấy vô cùng tủi thân vì ông già Noel đã thiên vị mà bỏ quên chị em nó.

Trong lúc chị em cùng ba tá túc nhà chú Phượng thì mẹ nó ở nhà bà ngoại để học may và tìm việc làm. Lâu lâu, bà Tâm cũng lén lút ghé thăm con nhưng chỉ vào những lúc ông Bình đi làm mà thôi. Lần nào khi gặp lại mẹ là chị em An mừng cuống quít. Cười xong rồi mẹ con lại khóc lóc thảm thiết. Chị em An không bao giờ muốn mẹ ra đi. Tụi nó cứ ôm mẹ mà khóc lóc và đòi đi theo mẹ.

Cảnh mẹ con bịn rịn làm cho bà Tâm đứt ruột, bà ôm một lúc ba đứa con nhỏ mà khóc nức nở. Để đền bù sự mất mát to tát đó, bà mua cho con đủ mọi thứ quà bánh và quần áo đẹp. Lũ nhỏ cũng sớm biết rằng tình yêu mẫu tử là một món quà cao trọng nhất mà chúng cần hơn tất cả mọi thứ trên đời nên chúng cũng chẳng thiết ngó ngàng đến quà cáp.

Thời gian sau, ông Bình đem các con đi ở thuê trên một căn gác nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, gần một ngôi nhà thờ Tin lành. Chị em An vẫn không được đi học. Ngày ngày, An vẫn lo giữ em và săn sóc cho hai em trai.

An vì sớm chịu cảnh khổ nên nó biết dành giụm từng xu. Bao nhiêu tiền mẹ cho, nó bèn mua một con heo đất có màu đỏ cam và xanh vàng rồi dồn hết tiền vào đó. Nó định bụng sẽ đợi đến gần tết rồi mới lấy tiền ra để mua qùa cho các em.

Một hôm, An tìm con heo đất nhưng nó đã biến mất. Nó hoảng hốt chạy tìm khắp nơi. Cuối cùng nó chỉ tìm thấy mảnh vụn của xác heo ở một góc phòng. Không do dự, nó thảng thốt kêu lên:

--Ba ơi, tại sao ba lại làm vậy? Tại sao ba không hỏi con trước?

Ông Bình cười thẹn thùng và nhỏ giọng bảo con:

--Con ơi, ba đang kẹt tiền nên ba phải mượn con. Mai mốt ba có tiền, ba sẽ trả lại cho con sau. Đừng khóc nữa nghe con!

An ngao ngán gật đầu nhưng lòng nghe đắng cay cho mình và thương xót cho ba mình trong cảnh sa cơ. Nó cũng học được một bài học:

”Ở đời: mượn thì phải hỏi trước, lấy mà không hỏi là ăn cắp. Đã hứa thì phải trả, còn nếu không trả được thì đừng hứa, cứ xin đi là xong.”

Sau đó, Ông Bình đã không bao giờ trả tiền lại cho con cái. Tuy ông quên nhưng đứa con gái của ông thì nhớ mãi trong trái tim non nớt.

Thỉnh thoảng, ông Bình đưa các con đi ăn chè ở vùng ĐaKao. Nơi ấy cũng là nơi bán rất nhiều giầy dép, các tiệm giầy mọc ra như nấm. An thường lặng lẽ ngắm những đôi giày cỡ chân mình làm bằng nhung đen hay nhung đỏ. Nó vẫn mơ được có một đôi giày nhung đỏ, một cái áo đầm đỏ để đi tung tăng giữa ba và mẹ nó.

An được ba nó cưng hơn cả vì nó rất ngoan hiền và giỏi chịu đựng. Nó lại là đứa con gái đầu lòng và độc nhất lúc ấy. Ông Bình vẫn âu yếm gọi nó la: ”Con gái rượu”, đọc trại theo giọng Bắc là ”con gái diệu”.

Ngày xa xưa, ông Bình đã biết sắm quần aó đẹp cho chị em nó ở trong các thương xá của người Pháp. Còn bà Tâm thì ngồi kiên nhẫn đan len cho các con. Ngày tươi đẹp vàng son ấy đã chìm mất kể từ khi cô Thanh xuất hiện như một bà phù thủy làm phá tan hết một gia đình êm ấm.

Ngày ở khu phố Trần Hưng Đạo, An cảm thấy thiếu sự thoải mái. Đường phố lúc nào cũng ồn ào và nhộn nhịp xe cộ. Căn gác nhỏ thì chật chội và dơ dáy. Quần áo, đồ đạc và chăn gối vứt bừa bãi khắp nơi. An chán ngán và khóc thầm:

--Nơi này nhất định không phải là tổ ấm của gia đình họ Trần. Đây cũng không phải là gia đình của mình vì mẹ mình không có mặt ở đây. Chỗ này là một cái ổ chuột thối tha và hôi hám, một cái thùng rác bẩn thỉu.

“Mẹ ơi, mẹ ở nơi đâu? Tại sao mẹ bỏ tuị con bơ vơ nơi này? Nhà mình từ trước đến nay lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Quần aó tụi con lúc nào cũng tươm tất và thơm tho. Bữa cơm nào cũng nóng sốt và đầy đồ ăn ngon lành và đặc biệt. Con thèm những đêm nghe mẹ kể chuyện cổ tích cho tụi con ngủ. Con nhớ những lúc mẹ ôm con vào lòng và bảo:”Con gái qúy của mẹ”. Con thích nghe mẹ hát nhạc tình và ngâm những bài thơ buồn đến não nuột. Con thích rúc vào nách mẹ mỗi đêm được ngủ chung với mẹ. Mẹ ơi, con nhớ mẹ, con thèm một mái ấm gia đình. Con cần một gia đình có tiếng cười đùa của lũ trẻ và có tiếng nói thánh thót của bà mẹ cùng tiếng cười trầm ấm của một ông bố.”

“Ba ơi, tại ai mà gia đình mình ly tán? Tại sao ba hành hạ và mắng chửi mẹ con tàn nhẫn? Mẹ con đã làm gì nên tội mà ba đánh đập như quân thù? Đã không thương yêu thì cũng nên đối xử với vợ một cách lịch sự và có tình người một chút. Con hận ba, con ghét ba, con đã bất hạnh mà đầu thai vào nhà này. Ba đã giết chết tuổi thơ hồn nhiên và đẹp đẽ của chúng con. Ba đã cướp lấy hạnh phúc của gia đình mình. Ba đã đánh đổi những giọt nước mắt của vợ con dể thay vào những trận cười mua vui hằng đêm. Ba đã chôn vùi tuổi thanh xuân qúy báu, niềm tin yêu thần thánh và lòng tự ái của mẹ con trong hố sâu của dục vọng và đốn mạt. Con sẽ hận ba cho đến suốt kiếp này.”

Cứ mỗi chiều chiều, An lại tắm rửa cho em xong rồi một tay dắt Tịnh, một tay bồng Phu, cả ba đưá ra ngồi ngay trên bậc cầu thang của ngôi nhà thờ Tin lành mà chơi. Trong khi các em vọc đất hay chơi lò cò thì An ngồi mơ mộng và thẫn thờ suy nghĩ. Suy nghĩ rồi thì nó lại ôm em khóc thút thít.

Mỗi buổi chiều thường có từng đàn chim bay đi về tổ, An cũng ước ao được biến thành chim để bay đi tìm mẹ:

“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau”

Sau đó,có lẽ do sự can thiệp của luật sư và toà án, chị em An lại về sống với mẹ và bà ngoại, nơi nhà của ông ngoại ghẻ Chức tàn ác và lạnh lùng.

Bà ngoại An ngày càng ghét bỏ chị em nó. Bà hay hằn học mắng chửi và lườm nguýt chúng, có lẽ bà còn ghét ông Bình nên ghét lây đến lũ cháu vô tội. Bà xúi con bà gửi lũ cháu ngoại vào viện Dục Anh ở gần chợ Thái Bình, gần đường Cống Quỳnh và rạp Quốc Thanh. Bà nại cớ là chúng nó làm bận chân mẹ chúng. Nếu muốn tìm việc thì phải cho tụi nó vào ở trong ấy.

Bà Tâm vì tính cả nể, lại đang ăn nhờ ở đậu nên đành phải nghe lời mẹ để đem con đi. Từ đấy, cứ sáng thì bà dắt các con bỏ vào viện Dục Anh, đến chiều lại đón các con về.

Ngày đầu tiên khi bị gửi vào viện Dục Anh, An đã tủi thân khóc ai oán. Nó đã sớm hiểu rằng chẳng còn ai thương chị em nó, rằng chúng nó là nạn nhân của sự tranh chấp phi lý và bất công, rằng thân phận chúng không khác gì những trái banh bị đá từ đông sang tây mà người thắng hay kẻ thua đều là những kẻ chiến bại và đau khổ.

Viện Dục Anh có rất nhiều lớp cho từng lứa tuổi. Ba chị em An phải thay quần áo ra đồng phục màu xám và áo quần ấy được may bằng vải thô. Sau đó, ba đứa bị chia đi ba lớp khác nhau. An thương cho mình thì ít nhưng thương hại cho hai em thì nhiều. Nó cứ băn khoăn cho bé Phu, khi ấy chỉ độ gần hai tuổi.

Đến giờ ăn trưa, chúng nó được nhận đồ ăn từ những tô cơm hôi mùi bao, ở trên có lèo tèo vài ba miếng thịt mỡ chan chung với miếng bí hay bầu. Có hôm cơm có vài miếng thịt nách dai nhách kho với củ cải, ăn chung với dưa gía. An không hề thấy đói mà vẫn phải cắm đầu ăn cho xong bữa. Nuốt xong là nghẹn ngay nơi cổ. An cố ngăn giòng lệ mà nước mắt cứ thi nhau chảy ràn rụa trên mặt và nhỏ giọt vào tô cơm. Các bà giám thị nào có để cho nó yên thân đâu, họ cứ lom lom chiếu tướng và bắt bẻ những đưá bé không chịu ăn như nó.

Mỗi lần nghe tiếng trẻ con khóc thét từ đằng xa là An lại giật thót người nhớ đến em Phu. Nó thương đứa em bạc phước khi còn ở trong bụng mẹ đã bị bố đá lên đá xuống. Từ khi chào đời thì đã bị chuyền tay từ mẹ qua ba rồi đến bác Đắc, bà Ba, bà ngoại và viện mồ côi Dục Anh.

Đến giờ ngủ trưa thì An cứ len lén chạy qua phòng của Phu để xem em có khóc không hay có bị ai đánh không. Bé Phu cứ thấy chị là khóc òa lên. Vì thế, An chỉ dám lén nhìn mà không dám cho em thấy mặt mình.

Tịnh lúc ấy đã gần năm tuổi nên cũng tự lo cho mình được. Nói chung cả ba chị em của An đều biết thân, biết phận nên chẳng dám đòi hỏi ai cả.

Mỗi chiều là An dắt tay Tịnh và bồng Phu ra đứng ngoài cổng để ngóng chờ mẹ đến đón về. Trong tâm tư non nớt, nó đã dặn lòng là sau này sẽ cố làm một nghề gì để săn sóc các trẻ mồ côi bị bỏ rơi vì nó đã từng là nạn nhân đau khổ.

Mười tám năm sau đó, An đã trở lại viện Dục Anh với tính cách là một kiểm sự xã hội, nàng đã lặng người quay lại cuốn phim bi thương cuả đời mình. Với nước mắt nóng hổi và trái tim nồng ấm, nàng đã giang tay ôm từng đứa trẻ mồ côi trong tay như ôm trọn tâm sự của một thời đau thương trong qúa khứ. Nàng đã săn sóc các em như chính em mình. An đã thực hiện được giấc mộng cao đẹp mà nàng hằng tâm niệm từ lâu:

”Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.”

Mỗi mùa Giáng sinh thì An lại dành dụm tiền để giúp cho các cô nhi viện vì nơi đó, nàng luôn tìm thấy hình ảnh của mình và của các em khi còn thơ ấu. Khi hình dung ra những khuôn mặt rạng rỡ của các trẻ mồ côi khi nhận được quà mà các nữ tu trao tặng do việc dành dụm và tình thương của mình, bất giác, An mỉm cười thích thú. Cho đi còn hạnh phúc hơn nhận lãnh.

Đêm Giáng sinh nữa lại về, khi nằm trên giường với chăn êm, nệm ấm, An bùi ngùi thương xót cho những trẻ mồ côi nơi quê nhà, đến những trẻ em người Dân tộc ở nơi miền núi cao nguyên đang run rẩy trong cơn giá lạnnh của mùa Đông buốt lạnh.

Lạy Chúa, xin giúp cho chúng con biết hy sinh thêm để làm một nhịp cầu thương yêu giữa hai vùng đất nước cách nhau bằng biển Thái Bình. Xin Chúa ban ơn bình an đến cho những gia đình đang ly tán, cho những trẻ thơ mất cha mẹ vì chiến tranh, cho những người nghèo có cơm ăn, chăn ấm khi mùa Đông về, và cho những ai đang sống trong sự giầu có biết ra tay giúp đỡ người nghèo khổ cơ hàn.

“Vinh danh Thiên Chúa Trên Trời!
Bình An Dưới Thế cho người Thiện Tâm!”

(còn tiếp) Bài 5: Mùa Xuân Nhớ Nhà (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22736)

Kim Hà