PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (36)



Dan Lee
05-30-2008, 08:19 PM
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (36)

351. Thái độ vô cùng quyết liệt của Chúa Giêsu khi mặc khải Mầu Nhiệm Thánh Thể

Sau bài giảng về Phép Thánh Thể, mặc dầu biết toàn thể dân chúng đang xầm xì phản đối, cho là điều chói tai, không thể nào chấp nhận được, Chúa Giêsu vẫn cương quyết tiếp tục khẳng định điều mầu nhiệm nầy. Ngài không rút lui lời Ngài vừa tuyên bố về Mầu Nhiệm Thánh Thể, trái lại, còn nhấn mạnh rõ thêm về Mầu Nhiệm nầy.

Sau khi dân chúng bỏ Ngài mà đi hết, Chúa Giêsu không mất tinh thần. Đứng trước 12 môn đệ còn lại, chưa bỏ đi theo dân chúng, Chúa Giêsu bắt họ chọn lựa dứt khoát: một là không tin vào Mầu Nhiệm Thánh Thể mà Ngài vừa mặc khải, thì hãy bỏ Ngài mà đi theo dân chúng, hai là muốn ở lại với Ngài thì phải tin vào Mầu Nhiệm Thánh Thể. Lúc đó, được Chúa Thánh Thần soi sáng, Phêrô nói lời thay mặt Nhóm Mười Hai: “Bò Thầy, chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

352. Gương một nữ tu sống đời Thánh Thể

Mẹ bề trên Gertrude chú trọng tất cả đời sống bên trong của mình vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Bà viết:

- “Bây giờ, tôi sống đời Thánh Thể, một đời sống thật sống động, do Chúa Giêsu luôn luôn làm cho tôi trở nên trọn lành, còn tôi thì hoàn toàn kết chặt với Ngài, biến tan tronầiNgì bằng tình yêu… như thế là tôi luôn sống trong sự cầu nguyện, luôn sống trước mặt Chúa. Đạt đến đời sống nầy cũng khá dễ dàng. Đó chính là sự thánh thiện.”.

353. Tìm cách gặp Chúa Giêsu Thánh Thể hai mươi lần

Một chị kia sống đời tội lỗi nhưng sau đó, trở lại và đi tu.

Mỗi ngày, chị tìm cách gặp Chúa Giêsu Thánh Thể hai mươi lần.

Khi tay chân nhớp, khi đang mắc làm việc, chị kính trọng Chúa Giêsu, không dám vào nhà thờ, nhưng chỉ nhìn qua ổ khoá và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa rõ ràng, con yêu mến Chúa!”

354. Chúa Giêsu Thánh Thể làm cho đời sống tông đồ của ta đắc lực

Các linh mục và các tu sĩ già yếu, về hưu, không hoạt động gì được, nhưng các vị chầu Mình Thánh Chúa, sống trước Mình Thánh Chúa. Ai dám bảo những năm âm thầm bên cạnh Chúa Giêsu Thánh Thể nầy lại có ít kết quả hơn những năm các ngài hoạt động bên ngoài?

Một linh mục quản xứ trẻ kia điều khiển ba giáo xứ, mà giáo xứ nào cũng khô đạo, không đếm xỉa gì đến những lời cha sở giảng dạy.

Trong nhà thờ vắng lặng, một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, vị linh mục quản xứ trẻ nầy đọc tất cả những giờ của Kinh Nhật Tụng. Ngài nói: “Đây là những giây phút đẹp nhất trong ngày của đời tôi.”

355. Người yêu của họ, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể

Khi trái tim ta yêu ai, thì lòng ta luôn nghỉ đến người đó, trí ta luôn nhớ đến người đó. Bà thánh Têrêxa Avila nhận xét: “Kẻ nào yêu thật thì nơi nào cũng yêu và người yêu của họ, họ luôn luôn nhớ trước mặt.”

Người yêu của các linh hồn đạo đức, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể.

Bà thánh Catarina Siêna luôn rạng rỡ và vui vẻ giống như một vị hôn thê hạnh phúc.Khi thì bà cầu nguyện, khi thì bà ca hát. Trong quả tim và trên môi miệng mình, bà chỉ có Chúa Giêsu. Khi đi đường, bà tin rằng bà đang đi bên cạnh Chúa Giêsu. Đôi mắt bà chỉ tìm Chúa Giêsu. Bà chỉ để ý đến những gì có thể đưa bà đến với Chúa Giêsu mà thôi.

Thật đúng như lời Sách Gương Phước dạy: “Sống và chết, bạn hãy luôn ở gần Chúa Giêsu.”

356. Các thánh đều tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể

Những lúc được ở bên Chúa Giêsu Thánh Thể, các thánh cho là quá ít, quá ngắn ngủi.

Các ngài đến với Chúa Giêsu để thờ phượng, chúc tụng, cầu nguyện như Mađalêna ngồi dưới chân Chúa, nhìn ngắm Chúa vô tận, yêu mến Chúa vô vàn.

Vua thánh Wenceslas viếng Chúa Giêsu Thánh Thể vào ban đêm.

Thánh Louis Gonzague cầu nguyện hằng giờ trước Thánh Thể.

Thánh Foulcauld, trong vùng sâu hút của sa mạc Sahara, thức những đêm dài để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thánh Gérard Majella, vì luật nhà dòng nên phải thôi chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, vì thế, khi ra về, cứ ngoái lui nhìn Nhà Tạm.

Nữ tu Marie Eustelle, biệt danh “Thiên Thần của Phép Thánh Thể”, lúc nào rãnh được đôi chút thì đi viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Nữ tu Aimée de Jésus, thuộc Dòng Kín Paris, thổ lộ: “Khi nào có thể được, tôi đều làm các việc thiêng liêng trước Mình Thánh Chúa.”

Khi còn là sinh viên, đi gặp nhà thờ nào, Đức Hồng Y Bellarmin cũng vào viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Hỏi thì ngài đáp: “Đi ngang qua nhà Bạn Hữu mà không vào chào hỏi sao?”

357. Trong số hai trăm ngàn em mồ côi, có sáu trăm em làm linh mục

Thánh Bosco, trong thế kỷ thứ mười chín, điều khiển hai trăm ngàn em mồ côi. Phương pháp giáo dục quan trọng nhất của ngài là đem các em đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài luôn luôn thúc giục các em lên rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ vậy, ngài đã làm cho các em trở thành những người đạo đức chẵc chắn.

Trong số hai trăm ngàn em mồ côi nầy, do thánh Bosco giáo dục, có sáu trăm em sau nầy trở thành linh mục.

358. Cần thiết của sự Rước Chúa Giêsu Thánh Thể

Thánh Bônaventura khuyến khích:

- “Anh em rước lễ khô khan sao? Anh em hãy cứ rước lễ mà tin tưởng ở lòng thương xót của Chúa. Càng đau yếu, càng cần thầy thuốc.”

Thánh Phanxicô Salêsiô cũng thúc giục:

- “Có hai hạng người phải năng rước lễ: hạng trọn lành và hạng không trọn lành. Hạng trọn lành thì để giữ đức trọn lành, hạng không trọn lành thì để tiến đến bậc trọn lành, chỉ buộc một điều là hết lòng mong ước tiến tới trên đường kính mến Chúa.”

Tại một nhà thờ ở Tôrinô, Italia, sớm mai nào cũng có một ông đi dự lễ.

Ông là một người thợ. Ông đến dự lễ và rước lễ trước khi đi làm.

- “Nếu tôi không đi rước Chúa - lời ông nói – thì tôi cứ say rượu hoài. Đó là tính xấu tôi mắc từ lâu. Nó làm cho tôi tàn rụi sức khoẻ, sạch hết tiền của và gia đình bất hoà. Cách đây sáu tháng, tôi nghe một linh mục giảng rằng muốn từ bỏ tính xấu, phải năng đi rước Chúa. Tôi đã thực hành điều đó và giờ đây, tôi đã thấy mình khác hẳn. Lòng tôi được bằng an và gia đình tôi hiện nay là một gia đình nhỏ. Tôi đã kinh nghiệm rồi: nếu hôm qua tôi không hứa mai nay đi rước Chúa thì chắc chắn hôm nay, tôi sẽ say sưa lại. Và nếu hôm nay, tôi không quyết ngày mai đi rước Chúa lại, thì chiều nay, chắc chắn tôi sẽ lại say sưa.”

359. Giá trị vô song của sự Rước Chúa Giêsu Thánh Thể

Công Đồng Triđentinô dạy: “Rước lễ là một phương thế rất hiệu nghiệm để chữa ta khỏi các tội nhẹ, và giữ ta khỏi phạm tội trọng.”

Thánh Vixentê Ferrier nói: “Một lần rước lễ thì ích lợi cho linh hồn hơn một tuần lễ ăn chay chỉ bằng cơm với nước lã.”

360. Chúa Giêsu có thật trong Phép Thánh Thể

Một mục sư kia có một con gái nhỏ.

Thấy Nhà Thờ Tin Lành của mình chỉ có ngày Chúa Nhật là có kẻ đến nghe giảng, còn bên Nhà Thờ Công Giáo thì ngày nào cũng có người đến, nên thiếu nữ nầy lấy làm lạ. Cô hỏi cha thì mục sự cứ nói lảng đi chuyện khác, hoặc chỉ trả lời cho qua chuyện mà thôi.

Chiều ngày Chúa Nhựt nọ, hai cha con đi dạo ngang qua một nhà thờ công giáo đang có buổi Chầu Phép lành. Đứa con gái níu tay cha lại:

- “Cha, vào xem họ đang làm gì?”

Mục sự không bằng lòng, cứ tiếp tục đi. Nhưng cô gái cứ nói to lên:

- “Cha, vào xem họ đang làm gì?”

Sau cùng, mục sự cực chẳng đã phải đem con vào nhà thờ.

Vào nhà thờ, cô gái cứ hỏi cha mãi:

- “Cha, cái gì trắng ở giữa cái hộp vàng mà họ đang lạy kia?”

Mục sư miễn cưỡng trả lời:

- “Họ cho đó là Chúa Giêsu. Xác Chúa Giêsu thật đang ở đó. Nhưng không phải vậy đâu, con ạ.”

Trên đường về, cô gái vẫn luôn thắc mắc:

- “Có phải thật vậy không cha? Chúa không có thật ở trong ấy sao?”

Và ở trong nhà, cô con gái, mỗi lần gặp cha mình, cứ đưa ra câu hỏi thắc mắc đó mãi.

Mục sư thấy lòng mình khó chịu, nữa chắc, nữa không.

Ông nghiên cứu lại sâu xa Phúc Âm và ông đã hiểu rõ: Chúa Giêsu có thật trong Phép Thánh Thể vì những lời trong Phúc Âm nói về Phép Thánh Thể thì quá rõ ràng, không thể nào chối cãi được.

LM Nguyễn Vinh Gioang