PDA

View Full Version : L - Lạy Chúa, Xin Ban Bình An Cho Con (Bài 6 )



Dan Lee
05-30-2008, 08:44 PM
Bài 6: Lạy Chúa, Xin Ban Bình An Cho Con

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Cuộc sống của chị em An cứ thay đổi triền miên, không bao giờ ổn định. Hết ở với mẹ, lại về với cha. Chỉ ít lâu sau, ông Bình lại đưa các con về sống với ông ở tiểu khu K., sát cạnh một nghĩa địa ở gần đường Chi Lăng, thuộc vùng Phú Nhuận, Sàigòn. An vẫn chưa được trở lại trường. Em Phu lại dược giao cho bác Đắc, người lính già trung thành của ông Bình. Ông Bình lại có thêm vài cô nhân tình khác, và ông đi chơi đêm thường xuyên, để mặc ba đức con nhỏ ở nhà với người lính già.

Ông Bình vẫn khoe khoang với bạn bè rằng ông muốn cho hai đứa con lớn học đàn dương cầm vì đã có người bạn của ông cho con học đàn rồi. Tuy đó chỉ là một lời nói không bao giờ được thực hiện nhưng ý tưởng được học đàn ấy đã ăn sâu và gắn chặt vào tâm khảm của An. Nó thích có đàn dương cầm và muốn được học đàn.

Lâu lâu, ông Bình lại chở các con đi chơi. Mỗi lần về buổi tối là An sợ run vì nó phải ngồi đàng sau của chiếc xe Vespa mà lối đi về trại là phải đi qua nghĩa địa toàn là mồ mả và lân tinh.

Khi rảnh rỗi, An lại trồng cây. Nó tạo cho mình một mảnh vườn nhỏ chừng một thước vuông rồi đánh luống ngăn nắp. Nó trồng bắp, ớt và mướp đắng. Nó đầu tư rất nhiều thì giờ và công sức vào mảnh vườn nhỏ để lấp đầy nỗi nhung nhớ mẹ hiền.

Khoảng tháng năm, 1957, ông Bình lại năn nỉ bà Tâm về ở chung dù rằng hai người đã ly thân và đang chờ ly dị. Bà Tâm mủi lòng lại thương con mà trở về sống với chồng con. Chị em An rất mừng khi thấy cha mẹ xum họp sau bao ngày chia tay. Hai ông bà lại ríu rít suốt ngày. Họ quấn quít nhau như đôi uyên ương mới cưới, lũ con lại cười nói rộn ràng.

Ngày vui qua mau, khi ông Bình nghe tin bà Tâm mang thai là lúc ông kiếm chuyện đánh đập bà vợ. Ông ta hằn học bảo:

--Cái thai này không phải của tao, mày đi lang chạ với cậu ruột rồi về đổ cho tao. Mày bỏ tao bao nhiêu ngày thì tao sẽ đánh mày bấy nhiêu trận để trả thù những lúc vất vả ra tòa.

Thế là ông ta đánh vợ một trận thừa sống thiếu chết. Trong đêm khuya, chị em An tỉnh choàng dậy, chúng khóc thét lên rồi nhào đến ôm chầm lấy mẹ để đỡ đòn thay cho mẹ. Ngọn roi oan nghiệt đã rớt lên người An và Tịnh. Hai đứa thi nhau khóc vì quá sức chịu đựng. Cả nhà ồn ào làm hàng xóm cũng thức giấc theo.

Sau đó, An mệt quá nên ngủ thiếp đi. Gần sáng khi nó mở mắt ra thì mẹ nó đã bỏ đi mất rồi. Đường đi từ Tiểu khu K. ra đường Chi Lăng thì phải đi qua một nghĩa địa tối om và âm u. Thế mà bà Tâm đã đi bộ một mình để chạy trốn, đủ biết bà ta sợ chồng còn hơn qủy dữ hay ma trơi ở nghĩa địa.

An hốt hoảng đánh thức ba nó dậy để báo tin buồn cho ông ta biết. Ông Bình ôm chặt hai đứa con vào lòng và khóc to thành tiếng. Xong ông nắm tay An, nơi mà ông đã lỡ đánh trúng, hôn tay nó và khóc nức nở. An ngạc nhiên trước sự ăn năn của ba nó. Nó như không tin những gì nó đã chứng kiến. Nó nói thầm những câu không thành tiếng:

-- Ba ơi, ba còn có trái tim sao ba? Ba nỡ lòng nào đánh đập mẹ con tàn nhẫn vậy? Mẹ con đi lần này sẽ không bao giờ về với ba con mình nữa. Ba ơi, con hận ba! Con thương mẹ con. Con hận vì con đã là con gái của một gia đình bất hạnh. Con muốn chết! Con muốn chết!

An vật vã khóc cho mẹ nó, một người vợ hiền hậu, ngoan và đạo đức, một người mẹ suốt đời lo cho con cái, không lo chưng diện se sua như những người đàn bà khác.

Qủa nhiên, sau lần bị đòn thù ấy, bà Tâm đã tức tốc đâm đơn ra toà xin ly dị khẩn cấp. Luật sư là bà Hậu, bà đã vì thông cảm mà giúp cho bà Tâm ly dị thật sớm.

Một buổi sáng An đang loay hoay với mấy cây bắp trong mảnh vườn thì ba nó báo tin là chúng nó phải sửa soạn hành lý để đi ra toà. Lần ấy, An không trở lại Tiểu khu K. nữa mà đi theo mẹ luôn. Tòa đã chia cho bà Tâm nuôi An và cái bào thai trong bụng. Còn ông Bình thì nuôi Tịnh và bé Phu. Mặt khác, ông ta phải cấp dưỡng cho hai chị em của An. Trên thực tế, ông Bình đã không hề cấp dưỡng cho hai đứa con gái nhỏ của ông dù chỉ một xu.

Một cuộc đời mới đã mở ra. Chị em An chia ly từ đấy. Chị em chia tay không kịp một lời từ giã, một lần bắt tay nhau hay một cái ôm hôn giã từ. An đau đớn và nhớ thương hai em quay quắt. Muốn về tìm em út cũng không biết đường về. An khóc thương một nhưng mẹ An khóc thương ngàn lần.

Từ đấy gia đình xé hai. Từ đấy An làm quen với cô đơn và sầu thương. Từ đấy mỗi lần nghe bài hát ”Đêm Đông”, An lại nức nở, cám cảnh mà ngậm ngùi:

”Đêm đông, ôi ta nhớ nhung, đường về xa xa.
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương.
Đêm đông, ta lê gót chân phong trần tha phương.
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà?

Bà Tâm vừa mang thai mà không có công việc nên đành lên Đà Lại để tá túc với gia đình người bác ruột.. Bà sống tạm để chờ ngày sinh nở. Còn An thì tiếp tục đi học ở một trường công ở Đà Lạt.

Bà giáo dạy lớp ba ở trường Đoàn Thị Điểm là bà Phi, em gái của bà Đốc Lương. Dáng bà Phi thấp bé nhưng bà có một mái tóc thật dài và đen mượt như một giòng suối. Mỗi lần chải đầu, bà Phi phải đứng trên giường, nếu không thì tóc sẽ chạm mặt đất. Tuy còn bé, An đã say sưa ngắm nhìn giòng tóc của bà Phi.Cũng nhờ có mái tóc đẹp mà bà Phi trở nên duyên dáng và có đầy nét nữ tính:

”Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi,
Hay đi tìm giòng suối tóc trên vai.”

Qủa Văn Phụng đã có một nhận xét tinh tế và tuyệt diệu khi đề cập đến suối tóc!

Lúc ấy bà Phi độ bốn mươi tuổi. Bà goá chồng và chỉ có một người con trai cỡ mười chín tuổi là chú Tráng. Hai mẹ con rất thân thiết và thương yêu nhau.

Trong lớp học, bà Phi rất nghiêm khắc với học trò. An cũng thường bị nếm đòn của bà vì thế nó cũng không ưa gì bà Phi. Bà Phi cận thị nhưng chỉ đeo kính khi đọc sách hay dạy học mà thôi. Bà có một thói xấu là tham ăn, xấu ăn và háu ăn. Trong mâm cơm, bà có thói quen ghé đầu vào món ăn, đưa lên gần mắt rồi nếu không thích thì bỏ lại vào dĩa, và bà lại tiếp tục chọn món khác mà không kể đến sự bất mãn cuả kẻ khác. Tuy vậy, hễ ai khác gắp đồ ăn thì bà nhìn chòng chọc làm cho người ta phải ngại ngùng mà không dám ăn. Cái vẻ ăn uống thô lỗ và sống sượng của bà Phi là đầu đề của những trò cười mà lũ con cháu đem ra bàn tán.

Rất nhiều lần, An bắt gặp bà Phi ăn vụng. Khi bà Đốc cúng Phật thì các đồ cúng quẩy như thịt quay, thịt gà luộc hay xôi chè được bày ra la liệt. Đó cũng là lúc bà Phi rón rén đến bốc đồ ăn vụng. Tới một dĩa xôi thì bà lật ngược tảng xôi, móc hết phần dưới ăn lấy, ăn để rồi lại để xôi trên dĩa . Nhìn thì thấy dĩa xôi vẫn đầy vun nhưng thật ra thì phần ruột đã rỗng tuếch hết cả rồi. Còn chè thì bà cứ lén húp mỗi chén một chút mà thôi. Thịt thì bị bà bốc vài miếng một.

An có lẽ là người độc nhất thấy được những điều xấu và bí mật của ba. Nó hay tha thẩn bên cạnh tủ sách gia đình ở cạnh phòng ăn, vì thế bà Phi mải ăn nên không để ý. Một vài lần, khi đang ăn vụng, bà Phi chợt thấy An lảng vảng gần đấy, bà ta trợn mắt, vì miệng còn gậm đầy đồ ăn nên chỉ biết dùng tay ra dấu đuổi con bé ra vườn sau. An lúng túng, lầm lũi lủi đi trước khi bà Phi nổi cơn tam bành lên.

Cho dù bà Phi là cô giáo của An nhưng nó không cảm thấy gần gũi bà ta. Nhiều lần cùng đi chung một chuyến xe buýt để đến trường, cả hai cũng hề trao đổi một lời nào. Khi đến lớp học, bà rất nghiêm khắc với nó. Chỉ có nó và bà ta hiểu lý do tại sao có cuộc chiến tranh lạnh đó.

Sau giờ học, An về nhà là quanh quẩn chơi một mình ở vườn trước và vườn sau. Nó lớn lên và yêu mến cảnh thiên nhiên một cách mật thiết là nhờ những ngày cô đơn nơi xứ hoa đào thần tiên và hữu tình đó.

Hoa muôn vẻ muôn màu sắc rực rỡ. Bươm bướm bay nhởn nhơ tới từng cành hoa để hút nhụy. Cành thông xanh đứng cao ngạo bên những cây Mimosa hoa vàng nho nhỏ. Những giò hoa Phong Lan trắng tím cao sang. Đàlạt đẹp một cách bí hiểm vì sáng chiều đều có sương mù giăng phủ nơi nơi.

Chơi ngoài vườn chán, An đợi đến mỗi buổi trưa, khi cả nhà ngủ trưa là lúc nó mò ra phòng khách. Đến trước tủ sách gia đình của ông bà Đốc, nó lén rút ra một quyển sách rồi chạy lên lầu, về nơi phòng dành cho mẹ con nó và đọc ngấu nghiến cuốn sách cho đến hết.

Tủ sách rất lớn, lớn đến có thể dùng làm bình phong chia hai phòng khách và phòng ăn. Kể từ ngày lén mượn sách đọc, An cảm thấy đời mình có ý nghĩa và vui tươi hơn xưa. Sách có rất nhiều loại: nào là sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Văn Hoá Ngày Nay, có cả những tiểu thuyết của các nhà văn Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh và bà Tùng Long. Ngoài ra còn có truyện chưởng của Kim Dung. Thêm vào đó, còn có các sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng của Pháp, Nga, Anh và Trung Hoa.

Ngày qua ngày, An đọc sách và sống thân thiết với các nhân vật trong chuyện. Cô bé dệt mộng theo tình tiết của các nhân vật trong truyện. Nó tìm thấy cuộc đời êm đềm và kết cuộc đẹp như thơ từ những cuốn tiểu thuyết.

An đâm ra thương mến và gần gũi với các nhân vật trong một truyện của nhà văn Nhất Linh, tác phẩm ”Xóm Mới” với Nhỡ, Bé, Tí, Út, Thêm, Nữa, Thôi và vợ chồng bác Lê. Một gia đình nhà quê nghèo nàn nhưng đầm ấm và hạnh phúc. Một cô Mùi lãng mạn còn quá trẻ mà vẫn giỏi quán xuyến mọi việc nội trợ và kiếm cơm cho gia đình.

An rất thích tác phẩm ”Gia Đình Tôi” của nhà văn Duy Lam, một gia đình rất thật, rất ”tếu” và rất đáng yêu với những tính xấu nhưng vẫn duyên dáng và gần gũi thực tế. Các nhân vật đôi khi gấu ó nhau nhưng vẫn đoàn kết và thương nhau.

An yêu thích tác phẩm ”Hồn Bướm Mơ Tiên” của nhà văn Khái Hưng. Từ đó nó mơ cảnh chùa tịch mịch và êm đềm. Sau này, khi được ở gần hai ngôi chùa ngoài Huế, An đã lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga, thánh thót mà lòng bâng khuâng. Nó cảm thấy lòng buồn man mác, nhưng lại thấy mình thanh thản với những bình an khó tìm.

An rất thích đọc các chuyện ngắn của nhà văn Thạch Lam. Câu chuyện về hai chị em ngồi bán hàng tạp hoá, hàng họ ế ẩm, rồi buồn bã ngóng chờ từng chuyến tầu hoả đi qua làm cô bé An trạnh nhớ đến thân phận cuả hai chị em nó lúc còn nhỏ ở nhờ nhà của cô chú Phượng.

Đọc sách là một nguồn vui vô tận đối với một đưá bé nghèo và cô đơn như An. Nó thầm cảm ơn ông bà Đốc đã có một tủ sách đầy đủ. Cũng nhờ được đọc nhiều sách mà sau này An luôn đứng đầu trong những lớp Việt văn ở trường Đồng Khánh và Gia Long.

Rất nhiều lần vì mải mê đọc sách, An đã quên cả giờ ăn và giấc ngủ. Mẹ nó cằn nhằn mãi nó mới chịu buông cuốn sách để làm việc, học bài hay ăn uống. Sự đam mê đọc sách đã cho nó nhiều kiến thức, đã giết chết nhưng giờ nhàn rỗi và cũng đã làm nó cận thị. Khi đọc truyện chưởng thì An phải chui vào nơi các kẹt cửa hay nhà kho để khỏi bị ai làm phiền. Sách thì dày, chữ thì nhỏ li ti nhưng nó vẫn thích thú đọc.

Vì mê sách nên An mơ ước làm chủ một tiệm sách có bán quà tặng và hoa để các nam thanh nữ tú có thể đến mua và tặng qùa cho người tình.

Cứ chiều chiều đến thì An lại được nghe nhạc. Các cô chú hễ đi học về là mở máy và dĩa nhạc để nghe nhạc Ngoại Quốc. Thôi thì Dalida, Francois Hardy, Sylvie Vartan, Pat Boone, Nat King Cole, Frank Sinatra, Connie Francis và cả đến Elvis Presley nữa. Nhạc rộn ràng làm căn biệt thự như có thêm sức sống.

Từ khung cảnh thần tiên của vườn cây hoa cỏ đến thế giới tuyệt vời của sách vở rồi vùng âm thanh tuyệt diệu của âm nhạc, An mải miết sống và tận hưởng những ân huệ mà đời sống đã riêng tặng nó một cách đặc biệt. Cô bé trưởng thành rất nhanh.

Mơí tám tuổi đời, An đã biết tránh những điều gì làm cho người khác phật ý. Nó rất ít nói nhưng chịu khó nghe và hiểu rất nhiều. Bề ngoài, nó rất nhẹ nhàng, từ tốn và im lặng, vì thế mọi người đánh giá nó rất thấp. An có khuôn mặt tròn và ngây thơ nên một người trong đại gia đình ông bà Đốc đặt tên cho nó là”Con Ngỗng Ỉa”. Từ đó cả nhà vui miệng gọi tên nó bằng cái biệt hiệu quái ác ấy.

Mọi người không hề biết rằng An đau khổ vì sự miệt thị tàn nhẫn và vô ý thức ấy. Nó tự dặn lòng rằng sau này là” Con Ngỗng Ỉa” sẽ làm được nhiều việc phi thường để chứng minh cho mọi người rằng nó không ngu và khờ khạo như họ từng chế nhạo nó.

Vì ông bà Đốc nuôi rất nhiều cháu nên nhà lúc nào cũng đông vui. Có những người là cháu của bà nên dù không có tình máu mủ, An vẫn phải gọi họ bằng cô và chú. An chơi thân với chú Việt, cháu bà Đốc và con Oanh là con chú tài xế Hữu vì cả ba cùng sàn sàn lứa tuổi bằng nhau. Chú Việt rất hiền và tốt, còn con Oanh thì lẻo mép xạo nên An ít tâm sự với nó.

Việt là người bạn tâm tình đầu tiên của đời An. Chúng nó lớn lên bên nhau hồn nhiên như cây cỏ. Mỗi ngày sau buổi học, chúng chơi lò cò, nhảy dây, rượt bắt, trốn tìm và chơi banh chuyền bằng đũa tre. Dù là con trai, Việt vẫn chơi các trò chơi dành cho con gái. Tuy mới chỉ hơn mười tuổi, Việt đã biết nhường nhịn An đủ cách, có khi nó còn biết dỗ dành con bé như anh cả dỗ em út. Khi chơi chung, Việt thường giả thua để cho An vui mừng.

Một hôm cả ba đứa cùng chơi ngoài vườn, Việt bắt được con chuồn chuồn kim có đôi cánh mỏng manh và lấp lánh ánh vàng. Nó bảo với An và Oanh rằng hễ để con chuồn chuồn cắn nơi rốn mình thì mình sẽ biết bơi. An mừng qúa, xin được cất con chuồn chuồn kỹ trong một hộp diêm. Hai ngày sau, khi nó nhớ ra thì con chuồn chuồn đã chết rồi.

An buồn thương cho kiếp chuồn chuồn nên khóc nức nở. Việt và Oanh phải dỗ mãi nó mới nín. Sau đó, ba đứa rủ nhau làm đám ma cho con chuồn chuồn. Vừa khóc vừa đào đất chôn chuồn chuồn ngay nơi bãi cát, ba đứa buồn ủ rũ cả ngày hôm ấy. An nhớ chuyện Tấm Cám nên dặn dò hai đứa kia chờ cho đủ một trăm ngày thì đào lên sẽ tìm được vàng ngọc như cô Tấm ngày xưa tìm vàng ở mộ xương cá bống.

Suốt hơn ba tháng chờ đợi hồi hộp, ba đứa hì hục đào mộ con chuồn chuồn để rồi chẳng kiếm được gì cả. Mộng và thực thật là khác nhau. Cả ba nhìn nhau thất vọng và chán nản.

Ngày ấy, nghe radio cũng là một thứ xa xỉ phẩm mà chỉ có người lớn mới có quyền vặn lên nghe mà thôi. Vì thế, lũ trẻ con chỉ lanh quanh chơi với nhau. Tình thân của chúng cứ kết chặt dần. Vào những buổi trưa, khi người lớn ngủ trưa thì ba đứa nhỏ đi lang thang qua các biệt thự chung quanh để bắt bướm, hái hoa hay hái trái cây.

Từ ngôi nhà trên đường Quang Trung, cả ba đi dọc qua đường dốc quanh co để đến phía ga xe lửa ĐàLạt. Trời lành lạnh sương mù, cỏ cây xanh đầy lối, hoa đủ loại tranh nhau khoe hương sắc. Các ngôi biệt thự kiểu Pháp đứng sừng sững và ngạo nghễ như thách thức với nắng mưa. Nghe tiếng dương cầm vang lên trầm bổng từ một ngôi nhà cả ba đứa trẻ đều dừng lại để lắng nghe.

Đời sống của chúng êm đềm như bài thơ. Rất nhiều lần, cả ba đứa rủ nhau mở cánh cửa nhỏ ở sau vườn để đi tới một rừng thông xanh ngát ở ngay sau nhà. Đây cũng là lối tắt để đi qua trường Lycée Yersin. Tiếng thông gặp gió thổi reo vi vu. Ba đứa bé chạy nhảy tung tăng như đàn chim non. Cuối cùng, cả ba nằm dài trên thảm cỏ non, ngửa mặt nhìn lên vòm cây xanh nơi có những tia nắng vàng nhảy nhót rọi đùa trên mặt chúng. An mê nhìn từng rặng thông xanh tươi đứng thi gan với cái lạnh buốt gía. Nó mong ước sau này làm kiếp cây thông:

”Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”

Có lúc, An thầm mơ trở thành vị công chúa Aurora ngủ trong rừng để chờ ngày một hoàng tử đẹp trai đến tìm và hôn nàng để đưa nàng ra khỏi giấc ngủ ngàn năm. Bên cạnh An, Việt huýt gío những bài hát vui tươi, còn Oanh thì ư ử hát theo. Cả ba đứa mải mê sống với niềm vui và tình bạn thắm thiết.

An đã biết mơ mộng rất sớm, nó thường lặng lẽ ước mơ, nhiều lần nó quên cả hai người bạn bên cạnh. Cơn gió nhẹ thoảng đến làm rơi những qủa thông gìa khiến An bừng tỉnh mộng. Thế là cả ba đứa nắm tay nhau đi bách bộ và đuổi bắt nhau quanh các gốc thông gìa. Chúng thi nhau la hét để nghe tiếng vang vọng lại bốn phía.

Việt luôn tỏ ra vẻ đàn anh và khôn ngoan. Nó dạy Oanh và An rút từng cánh hoa ngũ sắc ra khỏi cành để hút mật hoa ngọt dịu. Nó còn dạy hai đứa con gái cách leo cây để hái trái cây. Cả ba đứa cả ngày trèo cây ổi để ăn. Nhiều lúc thú vị quá, tụi nó tựa cành cây mà giỡn. Có trái ổi nào to, Việt đều âu yếm dúi vào tay An. Vì thế An rất thương và qúy Việt, nó cứ quấn quýt đi theo Việt.

An và Việt giống nhau ở chỗ là trẻ cô độc và thiếu tình thương phụ tử. Việt lớn hơn An ba tuổi. Nó là kết qủa của một mối tình ngang trái và lãng mạn. Ba Việt là một vị bộ trưởng đẹp trai và đa tình. Cho dù đã có gia đình, ông vẫn yêu say đắm mẹ Việt. Bà là một qủa phụ còn trẻ, đẹp và cô đơn. Họ gặp nhau trong một bữa tiệc tại nhà ông bà Đốc Lương. Chỉ một lần gặp và nói chuyện, họ đã phải lòng nhau. Từ đó, đôi trai tài gái sắc mê nhau như điếu đổ: “Rượu nồng không uống mà say”. Mặc dư luận khắt khe đàm tiếu, mặc cho lễ giáo trói buộc, họ yêu nhau không điều kiện. Chàng bèn thuê một căn biệt thự bên cạnh nhà nàng để đi lại cho dễ.

Khi chàng hết những ngày nghỉ hè thì nàng cũng biết được là mình thụ thai, nàng can đảm nhận chịu hậu qủa để chàng yên tâm trở về Sàigòn làm tròn nhiệm vụ với quốc gia và gia đình. Sau khi Việt ra đời, bà mẹ vì bận sinh kế nên gửi con để đi làm ở Sàigòn. Việt sau này về ở với gia đình bà Đốc Lương và lớn lên tại đó.

Việt còn kể chuyện cho An nghe, từ chuyện cổ tích đến chuyện ngàn lẻ một đêm. Việt rất chăm chỉ đọc sách, nhất là những chuyện bằng tranh hoạt họa của Walt Disney mà mẹ Việt đã đặt mua định kỳ để nhà xuất bản gửi đến.

Có hôm, tìm được một tổ chim có chim non, Việt lật đật mang tặng cho An dù cho Oanh đã năn nỉ xin nó từ trước. Con bé Oanh giận quá nói hỗn, thế là Việt và An nghỉ chơi nó ra.

Đời sống của An trở nên vui tươi và hào hứng hẳn lên, nó mải mê chơi với bạn bè ngoài giờ học. Trong lúc ấy, mẹ nó là bà Tâm thì bụng ngày càng lớn nên bà di chuyển một cách nặng nề và khó khăn. Nếu không làm gì thì cũng ngại nên bà phải xuống nấu cơm phụ với các chị bếp hay dọn dẹp nhà cửa. Đêm đến bà hay khóc thầm một mình, những tiếng nấc nghẹn ngào cùng với cơn trăn trở làm cho đứa trẻ bảy, tám tuổi như An cảm thấy buồn theo:

”Cái đau trong cõi tinh thần
Đã đau một phút lại dần dần đau.” ( Xuân Diệu)

Khoảng tháng hai năm 1958, ông Bình tìm lên Đàlạt để năn nỉ xin bà Đốc Lương cho ông đón vợ về lại Saìgòn. Bà Lương mặt lạnh như băng gía, hỏi gằn ông Bình làm cho ông chột dạ:

”Đã bao lần cậu hứa không đánh đập vợ nhưng cậu có giữ lời hứa của mình không? Cháu tôi có phải là thú vật đâu mà nay cậu chửi, mai cậu đánh đập và hành hạ? Thôi cậu tha cho nó đi, đừng tiếp tục làm cho nó khổ sở nữa!”

Ông Bình cứng họng, không trả lời lại đươc câu nào. Ông ta lủi thủi ra dỗ dành vợ:

”Tâm ơi, anh xin lỗi em. Anh có tính nóng nảy, lúc giận lên là quên hết lẽ phải, đánh em đau, anh cũng hối hận. Các con mình cần em, bé An cũng cần anh. Vậy em cho anh được đón em và con về lại Sàigòn để lo cho em khi em sinh nở. Chả gì mình cũng đã có năm mặt con với nhau. Con sống có, con chết có. Mười năm tình nghĩa em ơi, tha cho anh nhé!”

-Không còn một chút cảm động nào dành cho người chồng bạc tình và tàn ác, bà Tâm lạnh lùng nói:

”Những lời ngọt và đắng của anh tôi đã thuộc cả rồi, chúng ta đã không còn là vợ chồng nữa, anh hãy cho tôi được sống đời sống riêng của tôi. Nếu có gặp lại, thì mối hận trong lòng tôi vẫn không hề tan vì chén nước đã đổ rồi thì làm sao còn đong đầy như cũ được?”

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi
,Bận lòng chi nữa lúc chia phôi.'

Ngượng ngùng,ông Bình bả lả:

“Em nói vậy chứ, mình đem chén nước để ngoài trời mưa là đầy ngay chứ gì?”

Tuy vậy, ông Bình đã lầm to. Bà Tâm dứt áo quay đi, dù ông đã tìm mọi cách để bà mủi lòng mà trở lại. Vợ chồng không kính trọng nhau ”tương kính như tân” thì làm sao cuộc tình bền vững được. Người đàn bà dù yêu cách mấy, dù si tình và chung thuỷ đến đâu vẫn không thể quên được những lời miệt thị và sự khinh thường của chồng mình.

Trong lúc hai người đôi co, lời qua tiếng lại với nhau thì An lặng lẽ đứng nhìn. Nó cúi đầu chào ba nó nhưng không hề chạy lại ôm chân ba như ngày xưa. Hình như đã có cái gì đó ngăn cản tình cha con của họ. Hình như một cái gì đẹp đẽ đã bị vỡ nát bởi sự tàn nhẫn của cha nó.

Thế rồi ông Bình thất thểu quay về Sàigòn. Trước lúc chia tay lần cuối, ông quay lại nhìn vợ cũ và con gái. Một cái nhìn thật đau khổ và nói rất nhiều lời. Trong lúc ấy, bà Tâm quay mặt đi và thở dài nghe não nuột:

“Cùng quay lại mà cùng chẳng thấy
, Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai?”
(“Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đoàn Thị Điểm)

Sau đó, ngày bà Tâm sinh đứa con gái thứ năm lại đúng vào ngày lễ Phục Sinh, tháng tư năm 1958. Các chị em họ của bà lăng xăng chọn tên Lệ Châu (giọt nước mắt ngọc) cho đứa bé.

Đứa bé bị bịnh triền miên, bé đi tiêu chảy nên khóc cả ngày lẫn đêm. Tiếng khóc ngằn ngặt của nó làm cả nhà mất ngủ. Vì thế, mẹ con bà Tâm phải dọn ra một căn phòng ở nhà dưới để khỏi làm mọi người mất ngủ vì tiếng khóc của bé Châu.

Có con mọn, bà Tâm phải thức khuya dậy sớm, lo cho con. Bé Châu càng khóc thì bà càng ôm con vào lòng và ru bé bằng những bài ru con buồn vời vợi. Trong đêm tối vắng vẻ, tiếng ru à ơi của mẹ hiền đã làm An mủi lòng chảy nước mắt. Tự nhiên, nó đâm ra yêu thích những bài hát ru con và giọng hát thanh tao của mẹ nó.

Bài ru con nào của mẹ nó cũng như ẩn chứa nỗi niềm tâm sự đau đớn của bà, một cơn đau chao đảo và canh cánh bên lòng:

”Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.”

Tuy hận chồng nhưng bà Tâm vẫn quay quắt nhớ thương về những kỷ niệm xa xưa khi gia đình còn đầm ấm và vợ chồng còn yêu thương nhau:

”Nhớ chàng như mảnh trăng gầy,
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm dêm.”

Hình như những lời ru lấy từ những câu thơ và từ ca dao đã tạo cho An thêm tình yêu quê hương và dân tộc. Nó bắt đầu thấy kho tàng văn chương của dân tộc thật dồi dào và phong phú. Văn chương bình dân thật thâm thúy, đáng được trân qúy và bảo tồn. Tình tự dân tộc phải được phát huy và truyền tụng. Từ đó tâm tình của những người mẹ cũng đã được con cái ghi nhận trong ký ức non nớt của chúng:

“Kiếp sau xin lại làm người,
Để nghe non nước vọng lời mẹ ru.”
(Hồ Dzếnh)

Nhiều lúc bé Châu khóc không ngừng làm cho bà Tâm lo buồn mà khóc theo con, An cũng thấy tội nghiệp mẹ nên cùng khóc với mẹ. Chỉ có những lúc ấy ta mới cảm thấy tình yêu mẫu tử cao qúy và đáng yêu biết bao.

Sinh nở xong, bà Tâm phải tự túc làm lấy mọi việc, ngay cả việc giặt đồ dơ của mình. Trời lạnh căm căm nhưng bà vẫn cố gắng làm. An được thêm việc giữ em bé. Một hôm, bà Tâm cởi chiếc đồng hồ đeo tay để nhờ An giữ hộ. An cẩn thận để cái đồng hồ ở dưới gối của em bé. Chả hiểu kẻ nào tham lam đã ăn cắp chiếc đồng hồ độc nhất của bà Tâm. Thế là con bé bị mẹ mắng cho một trận nên thân.

Từ ngày có em, An bớt đi chơi với Việt và Oanh nhưng vẫn tiếp tục lén mượn sách đọc vì đó vẫn là cách giải trí tao nhã và thú vị nhất đối với nó. Tối đến, nó ra phòng khách nghe nhạc lóm và xem ké báo chí và tạp chí Văn Hoá Ngày Nay.

Thời gian êm đềm qua, trong cái lặng lẽ của đời sống vẫn là sự nhàm chán và niềm ước ao một cái gì nhộn nhịp và sôi nổi. Cái sôi nổi trong ngày được thể hiện bằng sự xuất hiện của một xe bán mì sợi và hoành thánh Tàu. Cứ chiều chiều thì một cậu bé đi rảo bộ và đập hai thanh tre nhỏ vào nhau để tạo một âm thanh vui tai:

”Xục tắc, xục tắc.”

Trăm lần như nhau, mỗi lần nghe tiếng xục tắc là cả đám người trong nhà bà Đốc chạy ra và leo qua cửa sổ để kêu từng tô mì hay tô hoành thánh mà húp thổi. Cậu bé lấy thực đơn và trở ra xe để báo cho ông đầu bếp nấu. Thế rồi cậu lếch thếch bưng mì tới, bà con chen nhau ăn lấy ăn để. Ai cũng lấm lét nhìn quanh vì sợ bà Đốc biết được, cho dù bà chưa hề biết được chuyện họ ăn vụng.

Hình như trên đời, cái gì lén lút cũng tạo sự thú vị. Ăn uống xong ai cũng hể hả, cười nói huyên thuyên. Họ bàn tán chuyện trên trời dưới đất. Bà Tâm chẳng làm gì ra tiền nên chỉ lâu lắm bà mới dám mua một tô mì và chia cho con một nửa. Chẳng hiểu vì sự thèm khát lâu ngày hay vì chủ xe mì nấu ngon, An cứ xít xoa và tấm tắc khen ngon lấy ngon để. Hôm nào được ăn mì là An mừng như bắt được vàng.

Vào mỗi buổi sáng thường có một bà người Huế gánh mì Quảng đến từng nhà để bán rong. Bà ta bán được khá nhiều ở nhà ông bà Đốc Lương vì bệnh nhân của ông rất nhiều. Con cháu của ông bà cũng ghiền món ăn thơm ngon và lạ miệng. Sợi mì được nhuộm màu vàng, rau chuối xắt nhỏ trộn chung với các loại rau thơm. Nước lèo gồm có vài con tôm và vài lát thịt ba rọi xắt nhỏ như sợi bún. Trên cùng là đậu phụng giã nhỏ và bánh tráng nướng bóp vụn ra. Chút chanh và ớt hiểm trộn chung vào làm tăng thêm hương vị cho món ăn đặc biệt này.

Chiều đến, lại có người bưng bắp ngô đem bán. Trái bắp vừa hái, đem nướng lửa than thơm lựng, lại có chút mỡ hành trét chung quanh trái bắp làm An mải miết ăn quên hết mọi sự.

Trong thời gian tá túc nhà ông bà Đốc Lương, bà Tâm còn được sự nâng đỡ tinh thần của người chú ruột là ông Năm. Cứ mỗi tuần, ông Năm đều mang hai tấm vé số cho cháu gái với lời chúc trúng số. Ông bà Năm có bốn đứa con nhỏ. Đứa con lớn nhất tên Bích, chỉ lớn hơn An có một tuổi nhưng rất khôn ngoan và láu lỉnh.

Bích và An học chung một trường, nhưng khác lớp. Biết tên mọi người ở nhà gọi An là”Con Ngỗng Ỉa” nên Bích đến trường rêu rao tên ấy cho cả trường biết. Tuổi trẻ thường vô tình và quái ác, vì thế cả bọn xúm lại trêu chọc An với cái tên”chết người” ấy.

Cực chẳng đã, An trả thù Bích bằng cách kêu ầm lên:”Bích Ghẻ Tàu”. Bích có rất nhiều ghẻ ở chân nên cái biệt hiệu ấy rất hợp với nó. Từ đấy, cả trường đều chọc hai đứa bằng các ”mỹ từ” ác độc đó.

Từ những xung đột ấy, Bích cứ hăm he và gây sự với An. Hai đứa kéo phe kình chống nhau và gây ra nhiều trận thư hùng. Kết quả An bị bà giáo Phi phạt ở lại trường sau giờ học. Khi mọi người ra về hết chỉ còn có mỗi mình An và một ông cai quét dọn lớp học. An sợ cuống quít, nó muốn trốn về nhưng lại sợ ông cai mách lại với bà giáo Phi. Vì thế mà nó cứ phải đứng khoanh tay, quay mặt vào tường mà nước mắt ngắn, nước mắt dài. Cuối cùng, sau khi dọn dẹp xong, ông cai đã cho phép nó ra về. Bây giờ, nếu ở xứ Mỹ này, thì chắc chắn bà Phi sẽ bị phạm tội hành hạ trẻ thơ (child abuse) và có thể đưá trẻ ấy bị người cai trường lợi dụng.

Từ những sự cay chua của tình thân thuộc, An tìm cách tránh né sự giao thiệp với Bích. Xét chung, Bích tốt số hơn An đủ thứ: nó có đầy đủ cha mẹ, con ông cháu cha, gia đình giàu có, vai vế cũng lớn hơn. Còn An chỉ là một đứa bé ăn nhờ ở đậu, mồ côi cha. Cái lý của kẻ yếu thế bao giờ cũng thua.

Cũng từ đó, An đâm sợ đám đông vì đám đông luôn có sự lập phe đảng. Dĩ nhiên, những kẻ yếu thế luôn bị đem ra làm trò cười cho thiên hạ. Khi có các con của ông bà Năm đến chơi là An rút vào phòng chơi với em hay đọc sách. Nếu cực chẳng đã, khi bị lôi kéo ra chơi chung thì nó luôn ở thế thủ.

Lúc chơi trò trốn tìm, thì chúng nó luôn tìm cách cho con bé An bị bịt mắt để đi tìm. Tuổi trẻ hồn nhiên nhưng rất tàn nhẫn. Khi lớn lên, An luôn ghét sự bất công và phe phái. Nàng tâm nguyện luôn giúp đỡ những kẻ thế cô và bị đời bỏ quên hay ăn hiếp.

Bà Tâm luôn khuyến khích con gái cầu nguyện và đọc kinh chung với mẹ. Đến phần cầu nguyện riêng thì An luôn lặng lẽ cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cho ba nó trở nên ngoan đạo và cho gia đình nó xum họp và sống hòa thuận với nhau.

Mỗi ngày chủ nhật, bà Tâm và An thường đi lễ ở ngôi nhà thờ lớn. Con đường phố nơi có nhà thờ thật đẹp. Đường dốc đồi và đầy cây cao bóng mát. Càng ngày An càng yêu thích Đàlạt vì cái khí hậu ôn hòa và vì nó có rất nhiều thắng cảnh.

Hồ Xuân Hương nằm ngay giữa thành phố, chung quanh là đồi cỏ xanh êm và cây cối um tùm. Khách du thường đạp xe di thuyền phao trên hồ để giải trí.

Sương mù của Đàlạt là một cái gì đặc biệt và bí ẩn. Buổi sáng đứng nhìn sương mù dầy đặc, rồi từ từ tan dần, An có cảm tưởng như đang lạc vào động tiên hay thiên thai của hạ giới.

Cơn mưa lạnh, tiếng thông reo vi vu, cây xanh tuyệt vời, hoa nở rực rỡ, những cành Mimosa vàng chen lẫn những cánh hoa hồng thắm cuả hoa Anh đào. Đàlạt thật hữu tình. Đàlạt còn nổi tiếng với những cô thiếu nữ yêu kiều và má hồng rám nắng, với những cậu thanh niên vạm vỡ, ăn mặc chững chạc, quần aó thời trang đúng mốt. Đàlạt còn là quê hương của những nhà thơ nhà văn tài tử. Ở một nơi trời lành lạnh, luôn có sương mù, cảnh vật hữu tình, người ta thường có khuynh hướng đọc sách hay mơ mộng.

Khi bé Châu được sáu tháng thì bà Tâm cùng với một chị người làm của bà Đốc mở một quán phở ngay tại nhà ga Đàlạt để kiếm tiền chi dụng. Mỗi ngày, bé Châu được một chị người làm khác trông nom buổi sáng, khi tan trường thì An có nhiệm vụ trông em. Tuy không còn được thong thả để đi dạo với Việt và Oanh nữa nhưng An vẫn giữ thói quen đọc sách và nghe nhạc tình.

Cứ chiều đến thì nó bế em ra phía sau vườn nhìn ngắm hoa lá và cảnh mặt trời chìm dần sau những ngọn núi. Mỗi buổi chiều tà đến là An lại cảm thấy lòng mình nao nao một nỗi buồn vô cớ không tên. Nó nhớ các em và ba nó. Nó nhớ những bữa cơm ngày xa xưa khi gia đình còn quây quần bên nhau. Nó nhớ mẹ nó và những lần mẹ cầm lược chải đầu và cột nơ xanh đỏ sau khi đã thắt bím tóc cho nó.

Bàn tay của mẹ tuyệt vời thật. Bàn tay mẹ tuy không sơn móng tay xanh đỏ nhưng rất đẹp. Đẹp ở chỗ nâng niu con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, đan len thoăn thoắt, nấu cơm canh ngon ngọt. Bàn tay mẹ đẹp vì mẹ hay dùng để vuốt ve con, vỗ về con, xoa bóp con và ôm chặt con lúc chúng cần sự che chở hay trong cơn bệnh.

Nếu có ai tò mò hỏi An rằng cái gì đẹp nhất trên cuộc đời này, có lẽ An sẽ không do dự mà nói rằng:”Người Mẹ.” Động từ nào diễn tả được nhiều ý nghĩa nhất, thì đó là:”Yêu.” Trái tim người mẹ là một kỳ công của Thượng đế. Tình yêu mẹ dành cho con luôn vô vụ lợi và đầy ắp sự hy sinh. Vậy mà đã có hàng ngàn đưá con nỡ bỏ bê mẹ mình, hỗn hào và lợi dụng tình yêu cao qúy ấy để mưu lợi cho cá nhân mình, mặc cho mẹ đau buồn và cô đơn trong tuổi già chiếc bóng.

Từ ngày bà Tâm đi buôn bán, mẹ con ít gặp nhau, An tập sống trong thinh lặng. Sự cô đơn và thiêú vắng tình gia đình đã làm cho nó trưởng thành rất mau. Nó luôn sống vơí những cơn mơ và ảỏ ảnh. Tiếng đàn dương cầm thánh thót từ bên căn biệt thự hàng xóm vẳng lại bài: “Tiếng Dương Cầm” của Văn Phụng:

“Bước chân lạc nơi đây chốn nao
Bên lầu ai kia ngất cao, vang tiếng dương cầm thiết tha...”

Đây là một trong những bài nhạc mà An rất thích, cũng như bài nhạc”Tôi đi giữa hoàng hôn”của Văn Phụng:

”Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương.
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài, Mà lòng mình thấy u hoài...

Trong lúc An chìm trong mơ mộng và thế giới tuyệt vời của âm nhạc thì mẹ nó vất vả với cơm áo, công việc và con mọn. Sau gần một năm bon chen với nghề bán quán phở, bà Tâm trông hốc hác hẳn đi. Nụ cười đã tắt lịm trên đôi môi hồng của bà. Ánh mắt reo vui và đầy tình tứ đã được thay bằng những tia nhìn lờ đờ và chán chường. Thanh Tâm thơ mộng ngày xưa đã dược thay thế bằng một người đàn bà thực tế và cau có.

Không làm thì không thể sống độc lập được, mà bán phở và giao tiếp với đủ mọi giới người tứ chiếng giang hồ thì không phải là ý thích của bà Tâm. Vì thế bà đã viết thư cho các thân bằng quyến thuộc để họ xin việc giùm cho bà. Trời đã mở một đường sống mới cho gia đình bà Tâm. Cậu ruột của bà ở tận ngoài Huế đã viết thư gọi bà ra Huế để đi làm việc.

Một buổi tối, An nghe câu chuyện mà bà Đốc và mẹ nó bàn bạc với nhau. Bà Đốc bảo:

”Bác rất thương cho hoàn cảnh của cháu. Nhưng tùy ý cháu, nếu cháu muốn tìm việc làm để lo cho tương lai con cái thì rất tốt. Còn nếu cháu muốn ở lại đây thì bác cũng không phản đối. Lúc nào bác cũng xem cháu như con ruột cùa bác.”

Bà Tâm cung kính trả lời:

”Thưa bác, công ơn hai bác che chở và bảo bọc cho mẹ con cháu gặp lúc cháu sa cơ lỡ vận , cháu xin ghi nhớ cho đến suốt đời cháu. Nhưng cháu nghĩ sau này hai đứa con cháu lớn lên, chúng cũng cần tiền để vào trung học và đại học. Chúng cũng cần một căn nhà nhỏ để đón tiếp bạn bè. Nếu ở đây mãi thì mẹ con cháu chỉ làm gánh nặng cho hai bác mà thôi. Cháu cũng rất muốn tự lực cánh sinh, “Để xem con tạo xoay vần đến đâu.”

Hai người đàn bà cùng thở dài não nuột, bà Tâm thút thít khóc còn bà Đốc thì dỗ dành. Thấy vậy, An cũng mủi lòng khóc nức nở theo và nó chìm vào giấc ngủ.

Đến ngày đã định, mẹ con An giã từ Đàlạt của yên bình và sương khói để dấn bước phiêu lưu ra Huế, vùng cố đô ở miền Trung xa xôi và hẻo lánh. An buồn da diết vì nó phải xa Việt và Oanh. Nó nuối tiếc căn nhà đầy kỷ niệm đẹp nơi nó đã học hỏi rất nhiều qua tủ sách qúy báu qua những lần nghe nhạc ké, và qua những sự đối đãi dù tốt dù xấu của những người trong ngôi nhà ấy.

(còn tiếp) Bài 7: Quê Hương Yêu Dấu Ngàn Đời (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22771)

Kim Hà