PDA

View Full Version : C - Cô Đơn Là Bạn, Quạnh Hiu Là Nhà ( Bài 8 )



Dan Lee
06-01-2008, 11:01 AM
Bài 8: Cô Đơn Là Bạn, Quạnh Hiu Là Nhà

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Cuối năm 1960, ông bà Giao lại đổi nhà qua gần bến Phu Văn Lâu, đối diện công viên Cửu Đỉnh, có chín cái đỉnh đồng. Nhà này ở gần cửa Sập và cửa Ngang, sát bên cạnh một tiệm làm mộc, đóng bàn ghế và giường tủ. Tiệm ấy rất thích vặn máy hát có bài hát “Tà Áo Cưới” của Hoàng Thi Thơ. Vì thế, An đâm ra thuộc lòng bài hát này, dù có thích hay không thích thì nó vẫn phải nghe bài nhạc này rất nhiều lần trong ngày.

Có một công viên ngay bờ sông Hương, sát bến đò Thừa Phủ thường hay được dùng để làm rạp hát cho các đoàn Cải Lương ra lưu diễn từ Saìgòn. Trong lúc rạp được dàn dựng thì các bảng quảng cáo và hình ảnh các đaò kép được trình bày rầm rộ. Thôi thì Út Bạch Lan, Thành Được, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Việt Hùng, Tấn Tài, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Thanh Nga, Hùng Cường và nhiều danh tài khác.

Mỗi khi các đoàn lưu diễn thì bầu không khí ở khu Phú Văn Lâu vui hẳn lên. Nam thanh nữ tú dập diù tới lui để mong diện kiến những đào kép nổi danh này. Cũng nhờ thế mà con đường đông vui và nhộn nhịp và nỗi sợ hãi của An khi phải đi học qua những con đường vắng cũng giảm đi nhiều.

Cuộc đời An là những chuỗi dài của cô đơn, đau khổ và sợ hãi nên nó rất sợ khi phải đi học qua những con đường dài và vắng vẻ đìu hiu. Một lần nó bị một người đàn ông đi theo bén gót, con bé vừa chạy, vừa khóc vì sợ điếng người. Nó cũng chẳng muốn kể lại cho mẹ mình nghe vì chỉ làm cho bà Tâm lo lắng mà cũng chẳng thay đổi được chuyện gì.

Cũng tại căn nhà mới đó, đứa con trai độc nhất của ông bà Giao đã chết khi vừa khoảng hai tuổi vì chứng bịnh thương hàn. Trên bốn mươi tuổi mới có một mụn con trai nay đột nhiên con chết, ông bà Giao tưởng có thể điên lên được.

Từ lúc ấy, ông bà Giao không còn đàn hát và thưởng trăng. Vả lại căn nhà này cũng trơ trụi, không có cảnh đẹp trữ tình như căn nhà vùng Nam Phổ nữa. Mọi người đều sống trong không khí tẻ nhạt và chán chường. Tối đến, ai về phòng nấy.

Sau đó, bà Giao cho chị vú nghỉ việc. Thế là bé Châu mất người coi sóc. Bà Giao vì buồn phiền và đau đớn nên suốt ngày bà nằm ru rú trong phòng riêng. Bà chẳng thèm để ý hay chăm sóc gì cho bé Châu cả dù nó chỉ mới có hai tuổi.

Một lần bé Châu đi cầu trong bô rồi ngồi khóc đến khản cả tiếng nhưng bà Giao không chịu chùi cho bé và cho bé vào nhà. Trời lúc ấy lạnh lẽo mà bé thì mặc áo phong phanh đến nỗi hàng xóm vì nóng ruột nên phải chạy qua lo cho bé và bồng bé về nhà họ để tắm rửa và giữ bé. Lúc bà Tâm đi làm về họ mới đưa bé về và kể chuyện lại cho bà nghe.

Từ đấy bà Tâm phải năn nỉ thuê người hàng xóm tốt bụng giữ con cho bà. Từ đó, hố sâu giữa hai người đàn bà mang danh là mợ cháu trở nên sâu hơn. Bà Tâm thì chịu đủ mọi áp lực từ công việc làm rồi đến chuyện nhà nên bà trở nên ít nói, còn bà Giao thì mất con nên lúc nào cũng ủ dột và cáu kỉnh.

Mấy tháng sau, ông bà Giao vì không muốn ở ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm với đứa con nên ông Giao vận động để đổi về Saìgòn. Thế là ba mẹ con bà Tâm đành ở tạm căn nhà ấy để tìm căn nhà khác rẻ hơn mà thuê.

Những chuỗi ngày buồn bã và cô độc đã làm cho mẹ con bà Tâm khó chịu và sợ hãi. Căn nhà vắng vẻ, chiếc giường mà bé Việt nằm chết cứ ám ảnh tâm trí An. Nó đâm ra sợ ở nhà một mình. Lẽ ra ba mẹ con được sống riêng một cách tự do và thoải mái là một điều đáng mừng nhưng chẳng ai cảm thấy vui vẻ cả. Bà Tâm phải thuê một người giúp việc để căn nhà bớt cô quạnh.

Một kỷ niệm đáng hãi sợ đã làm An đau khổ ngấm ngầm và gây cho nó một cảm giác bất ổn sau này. Một hôm, vì cãi mẹ không chịu mặc bộ đồ mà mẹ nó muốn nó mặc nên An bị mẹ đánh một trận tơi bời, rồi bà ta nhốt đứa con gái mười tuổi ở nhà một mình và đi thăm gia đình ông bà Du.

Trong lúc bà Tâm và bé Châu cùng chị người làm đi chơi từ trưa đến tối thì An bị nhốt ở nhà một mình trong căn phòng nhỏ chật chội. Phòng chỉ vừa đủ để kê một chiếc giường mà thôi. Ở phòng ngoài là chiếc giường của Việt nằm lúc chết nhưng An cũng không được tung cửa chạy qua hàng xóm vì cửa phòng và nhà bị khoá chặt. An sợ đến có thể chết được vì thỉnh thoảng nó nghe rõ ràng có tiếng trăn trở của người nằm trên giường mà cục cựa trở mình nên các tấm lát giường kêu cọt kẹt. Nó sợ hồn ma của Việt trở về nhát nó. Nó sợ trộm cướp hay quân vô lại đến bắt cóc hay giết nó. Sợ đến nỗi tim nó có thể đứng, máu có thể đông đặc bất cứ lúc nào.

Càng sợ, An càng mót đi tiểu và khát nước. Nhưng là một kẻ tù trong chính ngôi nhà của mình, nó không thể làm được gì dù rất muốn đào tẩu hay chết ngay tại chỗ. Nó bắt đầu khóc thật to và gào thét để mong hàng xóm đến cưú. Khóc đến khản cổ, gào đến đứt giọng cũng chả có ai đến hỏi thăm vì hình như chuyện phạt, đánh và nhốt con là chuyện quá bình thường ở trong cái xã hội Việt Nam ngày ấy.

Cuối cùng, để tự trấn an mình, nó tự nhủ:

”Đừng sợ, đã có Chúa che chở cho mình, ma cũng chẳng làm gì được mình đâu. Hãy cầu nguyện với Chuá và Đức Me Maria.”

Thế là con bé bèn quỳ xuống và sốt sắng cầu nguyện. Căn nhà chìm đắm trong màu đen của đêm tối. An lại khóc, lần này nó thút thít khóc vì tủi thân:

“Lạy Chúa, lạy Mẹ Maria, xin cứu con với. Con sợ ma quá, con sợ bóng tối ghê rợn. Con sợ ở nhà một mình. Xin cho con ngủ đi để con khỏi phải sợ ma.”

“Mẹ ơi, sao mẹ độc ác thế. Con không thích mặc một bộ đồ mà mẹ thích thì đâu có phải là tội gì tầy trời mà mẹ nỡ đánh và nhốt con một mình trong căn nhà vừa có người chết. Con đã làm gì mà chịu hình phạt ghê gớm này?”

Cứ thế, con bé cứ vừa cầu nguyện vừa oán than mẹ nó. Nó vật vã trên giường. Nó nhủ thầm rằng nếu sau này cho dù con nó có cãi lời hay hỗn hào, nó cũng không bao giờ bắt nhốt con nó như mẹ nó đã làm cho nó hôm nay. Nếu lỡ nhà cháy thì đứa bé sẽ ra sao, nếu nó sợ quá, nó có thể hóa điên thì sao. Phạt qùy là sỉ nhục lòng tự trọng của đứa bé. Phạt nhốt con là vô tình đưa nó vào tình trạng bất an, lo lắng hão huyền và mất sự tự tin sau này.

Qủa thật sau này, An luôn bị ám ảnh bởi những nguyên nhân không lấy gì làm quan trọng: đi thuyền thì sợ thuyền đắm. Đi máy bay thì sợ máy bay rớt. Ra khỏi nhà thì sợ bị trộm dọn nhà. Nhìn bảng hiệu tên ”Danber” thì đọc là ”Danger”. Thấy bảng hiệu ở Khách sạn Thuận Hóa đề là Phái bộ Maag (Tên tắt của một phái bộ cố vấn người Mỹ) thì đọc ra là ”Phải bỏ mạng”.

Nó làm điều gì cũng sợ người khác không bằng lòng. Nằm mơ thì thấy toàn ác mộng và thấy mình bị mất cắp...

Thế rồi An vì sợ và mệt nên nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nó đã học được một kinh nghiệm tốt trong đời: cầu nguyện và giao phó. Khóc lóc chỉ làm dịu cơn đau nhất thời nhưng cầu nguyện sốt sắng sẽ cảm thấy được an ủi và tâm hồn lắng dịu và thanh thản.

Vài tháng sau khi ông bà Giao trở về Sàigòn, bà Tâm vì không đủ sức trả nổi tiền nhà nên bà thu dọn để dọn về phía gần khu bưu điện và nhà thờ thánh Phanxico Xavier. Căn nhà mới này ở trên đường Duy Tân, cũng còn là Quốc lộ số một chạy ra miền bắc. Vì còn đang học nửa chừng ở lớp Nhất trường Đoàn thị Điểm nên An lại phải tiếp tục đi học ở đó.Khoảng cách ngày càng xa hơn nên An càng vất vả hơn, nhất là vào những ngày mưa lạnh triền miên và kéo dài lê thê bất tận.

Dù rất vất vả nhưng An không hề ta thán hay phàn nàn gì cả. Mỗi ngày bà Tâm lo bới cơm và thức ăn cho con vào cà mên để con bé xách theo. Ngày ấy, học sinh phải học hai buổi. Vì thế vào buổi trưa, An phải một mình ở lại trường. Sau khi ăn xong thì nó leo lên các bàn học và đánh một giấc.

Sáng nào nó cũng chạy bộ theo mấy bà mấy cô bán bún bò và cơm hến để mau đến trường. Từ đường Duy Tân, gần khách sạn Thuận Hoá, nó lần theo cầu Tràng Tiền rồi đi qua cửa Thượng Tứ để đi đến đường Đinh Bộ Lĩnh và quẹo theo vài con đường nhỏ là đến trường.

Dọc đường, nơi những cây Phượng đỏ có những con sâu đo buông sợi tơ treo lủng lẳng như đùa với gió. Hầu như ngày nào An cũng bị những chú sâu đo bám vào quần áo. Mới đầu, con bé sợ đến tái tê, khóc thầm một mình, riết rồi quen đi, nó làm tỉnh gạt từng chú sâu đi một cách thản nhiên.

Vì chịu khổ từ nhỏ, An biết chỉ còn một con đường duy nhất để thoát cảnh bần cùng là học thật chăm và giỏi để có nghề nghiệp vững chắc hầu giúp mẹ lo cho em. Có những ngày bị bịnh, nó vẫn âm thầm lội bộ đi học. Đến buổi trưa, sau khi ăn, nó bị nóng sốt và ói mửa. Nó vẫn gắng gượng tự dọn chỗ ói và tiếp tục học để khỏi bị mất một bài học nào.

Mỗi buổi chiều khi tan trường, thấy nhiều cha mẹ học trò đem xe đạp và xe gắn máy đón con về, An lại tủi thân nghĩ đến người cha và ứa nước mắt. Vì không sợ trễ lớp như các buổi sáng nên An thường lững thững đến bến đò Thừa Phủ gần bến Phú Văn Lâu để đón thuyền qua sông về nhà.

Bến sông rất đẹp và nên thơ. Khi hoàng hôn đến, mặt trời trở nên tím sẫm, gió nhè nhẹ hôn mái tóc các cô nữ sinh, giòng sông trôi thật lặng lờ và êm đềm, thuyền đò qua lại tấp nập, các cô lái đò uốn mình cong cong bên mái đẩy, cử động nhịp nhàng và mềm mại. Vì thế, An cứ đứng say sưa ngắm vẻ đẹp mà chỉ có tìm được ở quê hương Việt Nam mình mà thôi.

An rất thích đi qua đò. Hình như nó tìm được một chút êm ái, an lành, thú vị và thoải mái khi được đi đò. Nó cảm thấy yêu quê hương, yêu buổi chiều xuống, yêu sông nước, yêu mái chèo, yêu những con thuyền nhỏ bằng gỗ đóng đơn sơ, yêu những con người bình dị, đơn sơ nhưng đầy tình cảm và hay mơ mộng.

Như một thói quen, An ngồi thụp xuống thò tay ra ngoài để vọc nước sông. Dòng nước trong xanh đến nỗi thấy cả được những con cá tôm bơi lội nhởn nhơ. Rất nhiều lần, trong lúc chờ chuyến đò đến, An xăn quần lên để lội nước và bắt những con ốc to bám quanh bờ sông. Hồi đó, ốc rất nhiều, tha hồ mà bắt. Vì không có đồ đựng nên An phải ngả nón ra để làm đồ đựng ốc rồi đem về cho mẹ nấu bún ốc. Tuy của không đáng là bao nhưng trong lòng con bé rất vui vì nó có thể giúp mẹ một tí.

Nhớ Huế là phải nhớ cảnh những con đò cắm sào bên giòng nước. Rất nhiều gia đình sống cả nhà chen chúc trên một con thuyền. Họ thường cập bến ở khu chợ Đông Ba, cầu Gia Hội, bến Huỳnh Thúc Kháng và cầu Đông Ba. Họ sống rất đơn giản: nấu cơm, uống, tắm giặt, rửa chén, tiêu tiểu …Tất cả đều bằng nước sông.

Vào mùa hè, khi màn đêm buông xuống thì khách hào hoa và thi nhân thường thuê đò bao chuyến để ngủ trên sông. Thuyền sẽ đi ngược lên phía bắc của sông Hương, về phía vùng Kim long, Long thọ hay cầu Bạch hổ ( Hay còn gọi là cầu Bạch Thổ.)

Đây cũng là lúc các cô gái giang hồ ở trên thuyền trổ tài hò Huế, hát các điệu Nam Ai Nam Bình hay đàn tranh và lục huyền cầm. Đời sống trở nên thơ mộng, con người hưởng thụ đời sống một cách ung dung, thong dong và tự tại. Từ đấy, các tài tử và giai nhân, các tao nhân mặc khách, các trai anh hùng và gái thuyền quyên thi nhau họa thơ vịnh phú.

Nhìn ánh trăng vàng rực rỡ rơi trên giòng sông, cùng đón làn gió nhẹ thoảng đến, ngắm nhìn cảnh vật đẹp hai bên bờ, ngồi giữa các bạn tri âm và tri kỷ trên con thuyền bồng bềnh, lênh dênh không định hướng, ta có cảm tưởng hạnh phúc no đầy hay vẫn chỉ là một nỗi cô đơn vô tận và một niềm lo lắng viễn vông của một cuộc chơi: “Chưa vui xum họp đã sầu chia ly.”

Có trăng gió, có rượu chè, có từng chuỗi cười thâu đêm rồi cũng có những tiếng khóc sầu thương của kiếp cầm ca:

“Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;
.................................
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.”
( Xuân Diệu.)

Tuy cơn mơ nào cũng đẹp nhưng rồi người mơ lại vẫn phải trở về hiện tại ê chề. Mẹ con An ở thuê nơi một căn nhà nhỏ ở trong một góc kẹt, sát cạnh một cái cầu tiêu công cộng rất hôi thối vì nó bị nghẹt đã lâu nhưng không ai sửa chữa. Gia đình An và hàng xóm đều đau khổ vì phải ngửi mùi hôi thối suốt ngày đêm.

Vì đồng lương khiêm nhường mà phải thuê nhà và thuê người làm để giữ con nhỏ và nuôi bốn miệng ăn nên bà Tâm rất vất vả và lo lắng. Thấy mẹ chật vật vì lo sinh kế, An chẳng bao giờ dám mơ ước một món đồ gì dù rằng là một cái áo đẹp hay cái xe đạp cũ để đi học. Lúc ấy, cái xe đạp là cả một ước mơ cao sang qúa tầm tay của nó.

Khi ở lớp học, An là một đứa trẻ ưa lý luận và đặt nhiều câu hỏi về bài học, nhiều đến nỗi đôi khi cô giáo bí, không trả lời được. Cô giáo lớp nhất là Cô Như Lan, cô trẻ, giỏi và thông minh. Cô Như Lan rất nghiêm khắc, cô hay dùng roi để sửa phạt học trò. Cô thích An vì sự thông minh lanh lợi của nó nhưng cô ghét nó vì tội hay lý sự, lì lợm và cứng đầu.

An bị cô đánh vì những lý do trên. Mỗi lần bị đòn là học sinh phải nằm dài trên mặt đất, trước cả lớp để nhận từng lằn roi bằng gỗ cuả cô giáo. Chẳng những bị đau về thể xác, đứa trẻ còn bị nhục vì bạn bè chế nhạo. An rất bất mãn vì việc cô giáo đánh. Tuy cắn răng để khỏi khóc nhưng nó không hề khuất phục vì nó cho rằng cô giáo đã dùng bạo lực của quyền uy để khống chế nó. Mỗi lần bị cơn mưa roi dội xuống, nó lẩm bẩm một câu thơ mà mẹ nó dạy từ lâu. Câu thơ của cổ nhân là kim chỉ nam cho nó suốt đời:

”Phú qúy bất nan dâm,
Bần tiện bất nan di,
Uy vũ bất nan khuất.”

Có một lần, cô Như Lan tức giận gằn hỏi An:

“Em lầm bầm trong miệng cái chi rứa? Chửi tui phải chưa?”

An lùng bùng vừa khóc vừa trả lời:

“Thưa cô, em chỉ đọc câu thơ mẹ em dạy em hồi đó, chứ có dám chửi cô chi mô.”

“Nói láo,có giỏi thì đọc cho tui nghe thử đi.”

“Dạ, mẹ em biểu: 'Uy vũ bất nan khuất', có nghĩa là không bao giờ khuất phục những kẻ dùng oai quyền và bạo lực để mà khống chế mình.”

Cô Như Lan giận tím mặt. Cô ngưng đánh và liệng cái roi nghe cái rầm rồi ngồi chống tay trên bàn. Cũng từ đó, cô bớt đánh học trò. Cô làm mặt giận An nhưng An thừa biết rằng cô đã nể sợ một đứa học trò mười tuổi của cô.

Tuy vậy, cô Như Lan cũng rất công bằng; tận cùng, cô vẫn đánh gía sự thông minh của nó đúng mức. Kết qủa cuối năm học, con bé ra trường với bằng “Danh dự toàn trường”. Cái may của An là nó học lớp Nhất A nên được chọn nhận cái vinh dự tối cao đó. An ngạc nhiên vì sự sáng suốt và không định kiến của cô Như Lan.

Ngày ra trường, có lễ phát thưởng long trọng và An là đứa học sinh xuất sắc nhất. Cả ngàn con mắt nhìn nó và thán phục sự thành công của nó. An nhận được phần thưởng gồm rất nhiều sách vở, tự điển, giấy bút và văn phòng phẩm. Khi ra lãnh thưởng, con bé không thể cầm hết vì đống qùa xếp lên cao vừa bằng chiều cao của nó. Tiếng vỗ tay tán thưởng, những lời chúc mừng của thầy bạn, những nụ cười hân hoan và những tình cảm chân thành của mọi người đã sưởi ấm lòng đứa bé côi cút và bị đời hắt hủi.

Tuy cười nói vui vẻ nhưng An lại tủi thân vì nó không có cha mẹ đến tham dự và chia xẻ niềm vui với nó trong ngày trọng đại ấy. Nó không trách mẹ vì bà bận cơm áo mà không đi dự, nhưng nó buồn vì ba nó chẳng hề đoái hoài, thư từ thăm hỏi hay gửi tiền trợ cấp cho chị em nó như tòa án đã ra án lệnh.

Lần ấy, An phải gởi một phần qùa lại trường rồi lếch thếch bưng qùa về nhà. Từ thành nội, gần hồ Tịnh Tâm mà đi hết con đường Đinh Bộ Lĩnh, qua đường Trần Hưng Đạo, rồi đến cầu Trường Tiền về đường Duy Tân. Món qùa qúy trở thành gánh nặng, vì dọc đường nó phải ngồi nghỉ mệt cả trăm lần.

Thế là An đã bước vào một đoạn đường mới, từ giã trường tiểu học. Nhìn lại, các cô giáo của nó đều khó khăn, bắt nạt và hành hạ lũ học trò non nớt. An không bao giờ quên bà giáo lớp một (lớp năm cũ) đã cấm đoán đủ thứ. Còn bà giáo lớp ba là bà Phi thì phạt nó ở lại trường sau giờ học. Cô giáo lớp nhất thì đánh nó như cơm bữa. Những lối giáo dục phản khoa học và phản giáo dục đã để lại vết hằn trong đời học sinh: phạt qùy, phạt nhốt, đánh học trò bằng cách bắt chụm năm ngón tay để dùng thước đánh trên năm ngón tay ấy.

Trong gia đình, bà Tâm dù thương con nhưng cũng rất khó khăn với nó trong việc ăn mặc hàng ngày. Dù An mới mười tuổi nhưng bà Tâm bắt con phải mặc quấn lót ở trong quần thường. Bà ta may cho con một lô quần lót bông xanh đỏ, lại bắt con mặc những quần này ở trong những quần dài màu trắng. Thế là An trở thành nạn nhân của những đứa bạn rắn mắt. Bọn chúng thường xúm lại vạch quần nó ra và hét lên chói lói:

“Ê, ê tụi bây ra coi con An dị ghê chưa? Hắn mặc cái quần xì líp bông xanh đỏ trông dị òm, ai bầy mi làm chuyện vô duyên rứa?”

“Con An ni bầy đặt làm người lớn, mặc đồ còn muốn họ nhìn rứa thê. Tau mà như mi thì tau chui vô gậm bàn cho khỏi ai chọc.”

An tức giận nhưng không nói lại được vì bản thân nó cũng đã thấy chuyện đó là kỳ cục. Vì thế, nó chỉ biết khóc mà không dám nói lại. Khi về nhà, nó cằn nhằn mẹ thì bị mẹ đánh cho một trận đòn. Rốt cuộc chỉ vì những vụ ăn mặc mà nó bị nhốt, bị đánh và bị bạn bè chế nhạo. Càng bị đời ức hiếp, An càng hận đời và cố gắng vươn lên bằng cách học thật chăm để có một chỗ đứng trong xã hội sau này.

Vào mùa hè năm 1961, An phải học ngày đêm để thi vào lớp đệ thất của trường nữ trung học Đồng Khánh. Vì là kỳ thi tuyển nên họ sẽ chỉ chọn những người đậu cao mà thôi. Trở thành nữ sinh của Đồng Khánh là một vinh dự lớn cho tất cả con gái ở Huế.

Ngày ấy, những gia đình khá giả thì mướn thày dạy kèm cho con cái hoặc cho con đi học kèm ở các lớp luyện thi. Những đứa có anh chị lớn thì được anh chị dạy toán và luận văn. Còn bé An kém may mắn thì đành phải cố gắng một mình. Nó biết rằng nếu không đậu thì sẽ phải trả tiền học trường tư suốt bảy năm, sẽ là một gánh nặng cho mẹ nó. Vì thế nó chỉ có một lối đi: học thật chăm để thi đậu cho mẹ vui lòng.

Lo quá hóa bịnh. An đành phải bỏ thì giờ ra trồng cây ớt, cà chua để giải trí cho đầu óc bớt căng thẳng. Ở hàng xóm của An lúc ấy có một anh học sinh tên Thanh, học lớp đệ nhị. Quê Anh Thanh ở làng Truồi nên anh phải nhận kèm trẻ tư gia để có chỗ ăn và ở. Còn hai chị em ruột Hoa và Bảo là em con cô cậu ruột với anh Thanh thì thuê nhà ở gần nhà An. Anh Thanh ở trọ nhà ông bà Ngọc cũng trong xóm nên ba anh em họ rất gần gũi và thân ái. Họ đàn hát cả ngày. Nhà chị Hoa là trung tâm của lớp trẻ trong xóm để họp và giải trí.

Có nhiều hôm bí toán, không biết làm sao, An bèn phải gãi đầu gãi tai đến năn nỉ anh Thanh dạy cách giải toán, nhất là loại toán vận tốc và nước đổ vào và múc ra từ bể nước. Tính anh Thanh rất bốc đồng và gàn bướng. Khi anh ta vui thì anh ta giải toán với điều kiện:

“Em phải quạt cho anh để anh khỏi chảy mồ hôi.”

Hay: “Em phải pha cho anh một ly chanh đường có đá lạnh.”

Rồi thì: “Em phải gọi anh bằng chú xưng cháu.”

Nghĩa là anh Thanh phải hành họ con bé đủ cách để làm điều kiện trao đổi. An biết thân biết phận nên cắm đầu đứng quạt cho anh ta cả buổi. Nhưng có khi anh Thanh đang buồn bực thì anh sẽ nạt cho con bé một trận nên thân. Rồi thấy con bé khóc thút thít, anh ta lại xoa đầu nó và dạy toán cho nó.

Nhờ anh Thanh mãi cũng ngại ngùng, An bèn thủ thỉ nhờ chị Hoa. Chị Hoa thì nhẹ nhàng hơn, chị chỉ sai nó vút gạo, lặt rau hay nhóm củi lửa cho chị thôi. Dù vậy, nó cũng thích thú hơn là bị anh Thanh sai.

Bà Tâm dường như biết được nỗi khó khăn của con gái nên bà nhờ gia đình một người họ xa để kèm toán cho con. Thế là một ngày hè nắng đẹp, An thu dọn quần áo, từ giã mẹ, em Châu và u già giúp việc để đi lên nhà ông bà Tham Truờng ở vùng cầu Bạch Hổ ở tạm.

Nhà ông bà Tham là một ngôi nhà cũ kỹ ba tầng, rất hoang tàn và cũ kỹ. Vì là nhà của chính phủ cấp nên ông bà ở tạm mà không sửa chữa gì thêm. Đằng sau nhà là dòng sông Hương xanh trong, có hàng cây rợp bóng mát. Khi ông Tham đi làm ở bộ Xã Hội thì bà ở nhà săn sóc một người con bị mất trí là chú Viên.

Nghe kể lại thì chú Viên là một thanh niên rất thông minh, học giỏi và tốt bụng. Sau khi thi đậu Tú tài Pháp, vào mùa hè, chú về thăm nhà rồi trèo cây khế hái trái. Bất ngờ, chú Viên bị té, chấn thương não và trở nên mất trí từ đó.

Đó là nỗi buồn đau của cả nhà, nhất là của bà mẹ. Từ đấy, trong suốt cuộc đời còn lại, bà Tham đã hy sinh thì giờ và công sức để săn sóc và thương yêu người con bất hạnh của bà. Ngày nào chú Viên cũng lẩm bẩm nói một mình và loay hoay với cái đập ruồi. Sau này chú tiêu tiểu trong quần và không còn biết gì. Trời cũng thương gia đình nên chỉ sau khi chú Viên chết rồi, bà mẹ mới chết theo:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”

Cuộc đời bà Tham là một tấm gương sáng của sự kiên nhẫn và hy sinh. Bà ngày xưa là tiểu thư khuê các, biết làm thơ, đánh đàn, biết thêu thùa may vá. Bà rất dịu dàng với con cháu, thờ chồng và lo cho con. Các con của bà đều hiển đạt và thành công. Một trong những người con của bà Tham là chú Trọng, lúc ấy là sinh viên Y khoa Huế đã tình nguyện dạy An môn Toán và Văn.

Ngày ngày, An học bài với chú Trọng vào buổi sáng, còn buổi chiều rảnh rang thì nó tha thẩn chơi bên bờ sông để xem chị giúp việc tên Liên làm việc nhà.

Cạnh bờ sông là một cây sung lớn um tùm và có nhiều trái chiũ chịt. Cành cây mọc chiả ra bờ sông nên An thường leo lên nằm dài trên cành cây để nhìn ánh mát trên đầu. Chị Liên rất thích hò các bài hát ca dao nói về Huế, nhất là khi chị rửa chén bát bên sông hay giặt đồ và gánh nước. Tiếng hò của chị nghe nặng âm hưởng quê hương xứ Thần kinh: buồn bã, não nuột và đầy vẻ oán than. An thường ngẩn ngơ lắng nghe với niềm thích thú và ngưỡng mộ. Tiếng chị thanh, âm vang dài và tiếng láy thuần túy của người Huế chánh gốc:

“Hò ơi! Chiều chiều trước bến Văn Lâu.
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm.
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.”

Hay là:

”Gió đưa cành liễu la đà
Hồi chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương.”

Hết hò rồi chị quay ra hát các bài hát ru con. Bài nào cũng buồn bã làm cho bé An nhiều lúc muốn chảy nước mắt. Nó nhắm mắt lại và cố dỗ giấc ngủ trưa và tưởng tượng như đang được mẹ ru trong vòng tay êm ái của bà:

“Hù ơi, ru em cho thét cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...”

Hoặc:

“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cưụ, nắng đục mưa trong.”

Dần dần An đâm mê tiếng hát ru ngọt ngào của chị Liên . Nó nói chuyện với chị bằng tiếng Huế. Từ đấy hai chị em tíu tít bên nhau như hai con chim nhỏ cùng trao mồi cho nhau. Chị Liên cưng chiều An và tìm cách bắt nhốt các con chim se sẻ bay lạc vào bếp để tặng cho An. An sớm tìm thấy nơi chị Liên một thứ tình đơn sơ mộc mạc và đầy tình nghiã thủy chung của người dân miền quê.

Chị Liên tâm sự rằng nếu chị có con thì sẽ gửi con đi học với An, còn nó sẽ trở thành cô giáo tốt của con cháu chị Liên. Dạo ấy, nghề giáo rất được trọng vọng và là mộng ước của tất cả giới trẻ ở Huế. Lúc ấy, lương một giáo viên đủ nuôi một gia đình một cách thoải mái.

Chơi mỗi chiều nhưng phải học mỗi sáng. Tính chú Trọng rất nghiêm vì chú ít cười nên An sợ chú một phép. Phòng học ở lầu hai nên rất yên tĩnh và mát mẻ. Cửa sổ rất nhiều và bóng cây xanh toả mát khắp nơi, lắm lúc An mải mê thừ người ngắm cảnh phải đợi chú Trọng lên tiếng nhắc, nó mới hoàn hồn trở về với thực tế.

Thần hồn nát thần tính, con bé rất sợ ở trong căn phòng này một mình vì có chút gì lạnh lẽo và ghê rợn ám ảnh tâm tư nó. Khi chú Trọng xuống nhà là An vội vàng chui xuống nhà dưới ngay để quanh quẩn bên chị Liên. Trong lúc chú Viên lẩm bẩm nói bâng quơ thì bàTham ngồi may vá hay đọc sách. Bà ít khi nào dám bỏ con một mình.

Trong suốt hai tháng trời trọ học miễn phí, thỉnh thoảng bà Tâm cũng đem bé Châu lên thăm An hoặc đón nó về thăm nhà. Gần ngày thi, bà đến xin phép bà Tham đón con gái về để chuẩn bị. Không ngờ buổi chia tay giữa hai chị em Liên và An đã làm hai người khóc thút thít. Tay nắm tay, hai chị em không muốn nói lời từ biệt.

”Chị Liên ơi, em thương nhớ chị nhiều, chị là hình ảnh chân thật nhất và đẹp nhất của người dân quê miền Trung. Tâm hồn chị trong sạch và êm ái như nước của dòng sông Hương.”

Đường về nhà sao mà dài qúa, ngồi sau yên xe đạp của mẹ, An buì ngùi ngó lại căn nhà mà nó đã có nhiều kỷ niệm êm đẹp.

Dù về nhà nhưng tâm trí An vẫn nghĩ đến tấm lòng người mẹ hiền của bà Tham đối với chú Viên và tình cảm ngọt ngào đơn sơ của chị Liên đối với nó. Nơi hai người phụ nữ của hai thế hệ, hai giai cấp, hai nền giáo dục ấy, An tìm thấy tình yêu chân thật và nó cảm tạ ơn Trời cho nó được sống những chuỗi ngày ngắn ngủi với họ. Quay trở lại gia đình nó, An cảm thấy gia đình nó không có tình thương chân thành, chỉ là sự xung đột, gấu ó và khó chịu.

(còn tiếp) Bài 9: Huế Với Con Đường Tình Ta Đi (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22793)

[/COLOR=Blue"]Kim Hà[/COLOR]