PDA

View Full Version : H - Huế Với Con Đường Tình Ta Đi (Bài 9)



Dan Lee
06-02-2008, 08:30 PM
Bài 9: Huế Với Con Đường Tình Ta Đi

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Con đường Lê Lợi cây cao bóng mát, nơi nổi tiếng là: “Con đường tình, con đường thơ mộng, con đường hẹn hò, hay con đường áo trắng.” Con đường này là nơi chờ đón, hẹn hò của chàng và nàng. Mỗi buổi chiều, đứng trên đường ai mà chẳng thấy lòng xao xuyến rộn ràng khi từng đoàn nữ sinh áo dài trắng, tóc thề xoã ngang vai, đội nón bài thơ cột dải dây quai nón bằng nhung đen, chân mang đôi guốc mộc, cùng nhau đạp xe đi song song từng đoàn túa ra nơi cổng trường Đồng Khánh sơn màu hồng rực rỡ.

Có những đoàn con gái thì tung tăng đi bộ, áo bay lất phất y như một đàn bướm trắng bay lượn theo hương gío lả lơi. Mái tóc dài đen nhánh đẹp như những dòng suối.Thỉnh thoảng các nàng lại cười rũ rượi. Ánh mắt long lanh rực sáng có những tia nhìn đắm đuối và sắc còn hơn dao. Những đôi mắt ngây thơ ấy chỉ cần liếc nhìn cũng đủ làm rung động người đối diện. Những đôi môi hồng thắm nũng nịu, những đôi má hồng đang độ xuân thì. Những giọng nói nghe riú rít như tiếng chim vành khuyên hót véo von. Hạnh phúc chỉ từng ấy: cảnh đẹp và người xinh, tuổi trẻ và cuồng si, mộng xanh và tình hồng, thư tím và hồn say. Huế và tuổi thơ, mộng tình và người mộng, bây chỉ còn là dĩ vãng và nuối tiếc.

An còn nhớ mãi một bài hát được Thu Hồ viết tặng cho nữ sinh Đồng Khánh:

“Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi.
Cô đi về đâu sau buổi học rồi?
Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao?
Cô về Vỹ Dạ hay là Kim Long?
Cô là tất cả cuộc đời trong tôi.”

Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm về Huế, An lại thấy lòng quặn đau niềm thương nhớ da diết và hoài niệm những kỷ niệm đẹp không bao giờ còn nữa.

Rồi ngày thi đã đến, An hồi hộp đi dự thi một mình, không người đưa đón trong khi lũ bạn thì kẻ đón người đưa. Cũng vì cố gắng qúa độ nên khi vừa thi xong về là An lâm bịnh ngay. Đầu nó nhức như buá bổ, mắt nổ đom đóm và hoa lên, tay chân nó bải hoải. Cơn nóng sốt làm nó lăn lộn và vật vã. Từ đó, nó nằm liệt giường đến hơn mười ngày. Khi tỉnh, khi mê; lúc khóc lúc cười, lúc nằm im thiêm thiếp, lúc la hét .

Trong lúc bịnh hoạn, mê sảng, An mơ thấy nó lẻ loi đi trong vùng ánh sáng huyền diệu, rực rỡ và chói chang. Hoa cỏ đẹp tuyệt vời, chim hót liú lo và người người đều mặc quần áo trắng. Phải thiên đường mà nó hằng mơ ước được đến? Rồi sau đó, nó lại nằm mơ thấy ba nó đánh mẹ nó một cách hung bạo rồi chị em nó khóc thét và sợ run rẩy. Rồi nó khóc thét lên.

Cứ thế, An làm cho mẹ nó sợ điếng người. Bà Tâm lôi con ra cạo gió và giựt tóc mai. Bà chở con đi khám bác sĩ, bà chạy xất bất vì lo cho con. Khi bớt bịnh, An phải cố gắng làm bộ tỉnh táo để trấn an mẹ. Đứa con gái nhỏ đã phải đóng những vai trò người lớn để làm mẹ yên tâm.

Những đứa bạn thân của An đã tíu tít thăm viếng nó. Chúng đem tin vui và chuyện mừng đến để làm cho An bớt buồn. Ngày coi bảng, bà Tâm mừng rỡ về báo tin cho con biết là nó đã trúng tuyển vào trường Đồng Khánh. Cũng nhờ tin ấy mà An bình phục sớm.

Trong lần đi tham dự Đại Hội thánh Mẫu La Vang, Lavang ở Quảng Trị với gia đình ông bà Giao năm 1960, An đã được cha Aí, vị linh mục tuyên úy quân đội đã cố gắng dạy “dã chiến” giáo lý và chấp nhận nhận cho nó xưng tội và rước lễ lần đầu. Lần ấy, An đón Chúa vào lòng một cách hân hoan, nhưng không có nghi thức đẹp đẽ như cảnh ở nhà thờ Phú Nhuận ngày nào mà nó hằng mong ước. Ở đấy, các trẻ nữ được đội khăn voan trắng như khăn cô dâu. Ở đấy, lũ trẻ tíu tít đùa vui, gia đình hân hoan tưng bừng.

Giờ đây, chỉ có An và Chúa Thánh Thể:

“Nhưng Chúa là bạn của con nên con không còn cô đơn nữa. Con yêu Chúa và Chúa yêu con. Con dành thì giờ riêng cho Chúa. Chúa biết con và con biết Chúa. Chúa Giêsu là Cha của con, Mẹ Maria là Mẹ của con. Con sẽ không bao giờ cô đơn vì con có Chúa ngự trong linh hồn con.”

Đến mùa hè năm 1962, An lại được mẹ khuyến khích đi học giáo lý ở nhà thờ Phanxico Xavier. Cha Trọng là linh mục chánh xứ rất nghiêm nghị. Ngày ấy, An đã sợ run khi thấy cha đánh lũ trẻ ham chơi bằng roi mây. Ba mươi năm sau, An tình cờ lại gặp cha ở ngay thành phố nàng ở. Cha con gặp nhau mừng tủi trên xứ người, cha đã hết vẻ nghiêm nghị mà chỉ còn nét hiền từ của một cụ già đạo đức và nhân hậu, còn con bé hơn mười tuổi năm xưa nay đã có tóc bạc vì những ưu tư của cuộc sống.

Trong lúc chờ ngày tựu trường, An vẫn chơi với em Châu và bạn bè cùng xóm. Trong xóm của An có một đứa bé gái bằng tuổi nó tên là Pauline. Con bé lai Tây trắng nên đẹp lồ lộ. Pauline có một đưá em trai tên là Dưỡng, lai Tây đen. Hai đứa trẻ này rất sợ bố ghẻ là ông Ngọc. Chúng bị ông ta kềm kẹp đến nỗi không dám ra ngoài đường chơi với bạn mà chỉ ru rú ở nhà, lo học thêm với thày kèm tư gia là anh Thanh. Ngoài ra, chúng phải giữ hai đứa em nhỏ là con chung của mẹ chúng và Ông Ngọc.

Vì thiếu bạn gái, nên An đành phải chơi với lũ bạn trai là Khôi và Hữu. Hai đứa này luôn về phe nhau để ăn hiếp An chứ không tốt với nó như Việt ở Đàlạt. An phải tập chơi đá trái cầu (kiện) làm bằng lông gà để có thể chơi chung với bọn Khôi và Hữu. Dần dần, nó đã đá cầu khá nên bọn kia mới chịu chơi chung. Trong hai đứa, Hữu luôn muốn làm An buồn. Đang chơi vui vẻ, nó bỗng buột miệng: tuyên bố:

“Xoáy ly hương đứa mô, trừ tao và thằng Khôi.”

”Xoáy ly hương” là đụng đến bàn thờ ông bà, là một cách chửi tổ tiên của người khác. Vì thế An rất giận, nó bỏ cuộc chơi và âm thầm chạy về nhà khóc nức nở. Thấy vậy, Khôi lườm nguýt Hữu và rồi chạy theo An dỗ dành:

--Thôi mà, mi giận hắn làm chi. Đừng giận hắn nghe, tau không thích ai làm cho mi khóc. Hữu chỉ muốn giỡn thôi. Nín đi nghe. Con gái mà khóc như rứa thì mất đẹp.

Vừa nói, Khôi vừa dắt tay An kéo ra ngoài sân rồi nó lui cui vẽ mấy vòng lò cò để làm cho con bé quên đi chuyện mất vui. Tuổi trẻ dễ tha thứ nên An lại tiếp tục chơi với hai đứa bạn trai.

Trong thời gian ấy, bà Tâm chịu khó đi học Anh văn ở Hội Việt Mỹ trên đường Lý Thường Kiệt. An ở nhà với bé Châu và chị người làm mới là chị Hồng. Chi thay cho u gìa đã nghỉ vì sức khoẻ yếu.

Chính vì thấy con gái chơi với lũ con trai nên bà Tâm đâm ra lo sợ. Bà vào sở xin những tấm vé số đã xổ số mà không trúng, bà cũng đến Hội Việt Mỹ xin những tờ tạp chí mới ”Thế Giới Tự Do” để cắt theo khổ tờ vé số mà làm những bức màn sáo bằng những giấy trên. Bà mua giây kẽm sắt, cắt ngắn rồi dạy con và người làm cách làm màn sáo cửa. Mục đích là bà muốn con gái bận rộn với công tác đặc biệt ấy để quên chơi với Khôi và Hữu.

Lúc đó, phong trào xổ số kiến thiết lên rất cao. Cứ mỗi chiều ngày thứ ba trong tuần là chiếc radio nhà ông Ngọc được vặn thật to để cho cả xóm dò số. An đâm ra ghiền tiếng hát hài hước và dí dỏm của nhạc sĩ Trần văn Trạch:

”Kiến thiết Quốc Gia, giúp đồng bào ta,
Mua lấy cái nhà giàu sang mấy hồi.
Tô điểm giang san, xoá nạn lầm than.
Đó là thiên chức của người Việt Nam.
Mua số mau lên! Mua số mau lên!”

Lũ con nít xúm nhau hát theo người ca sĩ tài danh đặc biệt ấy. An cũng vừa làm màn cửa, vừa gật gù hát ư ử theo. Sau hai tháng bận rộn, hai chị em đã hoàn thành ba bức màn cửa, hai cái màn cho hai cửa sổ và một cái màn cho cưả lớn.

Bà Tâm ngày hai buổi đạp xe đi làm, lại còn đóng vai người mẹ và người cha. Lưng bà còm đi vì nỗi lo, buồn và vất vả. Ngày ấy, giờ nghỉ trưa được hai tiếng nên bà thường về nhà ăm cơm với các con và nói chuyện âu yếm với chúng. Lòng thương mẹ chan chứa nên An luôn làm sẵn cho mẹ mình một ly nước chanh có đá lạnh để mẹ có sức đi làm.

“Thân cò lặn lội nơi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi chợ đông.” (Tú Xương)

Chiều chiều, sau buổi làm, bà Tâm phải đạp xe đi chợ An Cựu để mua thức ăn cho gia đình. Khi từ chợ về, bà phải đạp xe qua một cánh đồng lúa rất rộng gọi là đồng An Cựu. Cơ khổ, vào những ngày hè thì gió thổi bạt cả xe lẫn người. Gió sỗ sàng làm bay chiếc nón hay làm ống quần bay quấn chặt vào sên chiếc xe đạp. Quần nào cũng bị sên xe ăn nát và đen vì chất dầu mỡ dính vào. Còn vào những ngày muà đông thì gío mưa càng làm người bị mưa tạt nước ướt như chuột lột. Gío tàn ác xô đẩy người lái xe té lên té xuống, rớt vào các vũng nước ngập lụt hai bên lề phố.

Trong những cảnh huống bất lợi ấy, bà Tâm vẫn vui vẻ lo chợ búa cho gia đình. Chiều đến là lúc gia đình xúm nhau thổi cơm và làm đồ ăn, còn bé Châu thì líu lo kể chuyện trong ngày cho mẹ nghe.

Ngay giữa đồng lúa An Cựu ấy là một căn nhà hai tầng đồ sộ đứng một mình chơ vơ trước gió. Chủ nhân là ông Hải, goá vợ. Nghe đồn rằng mộ của vợ ông được chôn ngay trong khuôn viên nhà. Ông Hải sống có vẻ lập dị và kín đáo. Cô con gái lớn của ông tên Thủy rất khêu gợi và xông xáo. Ngày ấy, cô ta thường lái xe Vespa đi lễ và đi chơi. Cô con gái nhỏ của ông Hải tên là Trâm thì khác hẳn chị. Cô ta nhu mì, thanh nhã và lặng lẽ. Mái tóc dài buông lơi tạo cho cô có dáng vẻ một vị nữ tu. Tóm lại, ba cha con ông Hải là những nhân vật rất đặc biệt và được ái mộ nhiều.

Trong trí tưởng tượng phong phú của An ngày đó thì căn biệt thự của gia đình ông Hải là một cái gì lạ lùng và bí hiểm. Nó hình dung căn nhà chắc chắn chứa đựng nhiều mẩu chuyện hi hữu và khác thường.

Trong xóm nhà An, vì cầu tiêu bị nghẹt nên mùi hôi thối xông lên. Người lớn thì phải đợi mỗi buổi tối đi ra đồng An Cựu để giải quyết vấn đề bài tiết. Còn lũ con nít thì ”đi” trong lá chuối rồi lén vứt qua nhà bà hàng xóm có một khu vườn trồng rất nhiều cây chuối và các cây chanh, cam và ổi. Có lẽ nhờ vậy mà cây trái của bà lên rất tốt.

Bà hàng xóm thuộc loại hàm hồ, thất học và dữ tợn. Chồng bà là một trung uý quân đội, tên là Ký. Bà Ký ngày nào cũng bắt miệng chửi qua xóm của An vì đám phân của lũ nhỏ. Bà dùng đủ mọi chữ tục tĩu nhất để thoá mạ và hạ nhục người khác. Bà còn lôi tổ tiên vạn đợi của người ta ra để chửi. Công nhận bà có sức chửi rất lâu và dài. Chỉ khi nào khản tiếng thì bà ta mới im họng mà thôi.

Lũ trẻ hàng xóm cũng tinh nghịch. Hễ bà im tiếng thì họ lại la lên, cười to, vỗ tay rồi hỏi to:

“Tại răng rứa? Mệt rồi à? Chửi lên đi cho trăng vàng sáng chói! Chửi lên đi cho cuộc đơì lên men.”

Thế là bà Ký nổi cơn giận lên, bà ta trợn mắt rồi nhảy cỡn lên, nhảy đã rồi bà nằm lăn dưới đất giãy đành đạch, hai chân bà đạp thình thịch xuống đất. Vừa chửi, bà vừa xỉa xói:

”Đồ vô hậu kế đợi, đồ dơ dáy mất vệ sinh, đồ lì lợm, không biết dị mà còn chọc họ nữa, tau chửi cho ông bà mi đội mồ lên đây tau cũng không sợ.”

Chưa hết, bà ta lột quần dài, áo cụt ra để chỉ còn có cái áo lót và quần lót mà thôi, rồi bà lại nhảy choi choi như con điên. Ở bên này, cả xóm gồm các đàn ông, đàn bà và con nít cùng đứng ngó qua, cười rộ lên và bàn tán. Việc này xảy ra như cơm bữa, đến nỗi bà ta mất giọng, mệt mỏi và đổ bịnh. Ông chồng phải năn nỉ hàng xóm đừng chọc bà Ký nữa. Đám hàng xóm cắc cớ, cứ nhắc nhở và kháo nhau chọc cho bà tắc giọng mà câm luôn. Hình như hôm nào bà Ký không chửi thì bà con bên này nhớ giọng chửi của bà.

Thú thật, không có gì thú bằng: “Thứ nhất quận công, thứ nhì .. đồng.” Cứ tối tối là cả xóm của An rủ nhau ra đồng từng đoàn như đi hội. Đồng An cựu ở ngay trên quốc lộ nên xe cộ qua lại nhiều và đèn đóm sáng choang.Phải núp sau các bụi lúa cho kín đáo hơn.

Khi “đi” xong, cả bọn còn đi hái trộm trái đậu đen, đậu xanh và bắp của người trồng. Chưa hết, lũ con nít còn đi bắt những con đom đóm rực sáng như đèn trời rồi về bắt nhốt chúng trong những chai lọ để ban đêm nhìn ngắm.

Vào mùa hè, các con thiêu thân cùng bầy cà cuống cứ thi nhau nhào đến các ngọn đèn đường ở ngoài đồng để được tự do rớt xuống và nằm la liệt trên mặt đất. Ngày ấy, người Huế không biết ăn con cà cuống, hay lấy nước trong bọng của nó để làm hương vị cho các món ăn, chẳng hạn như bánh cuốn. Vì thế, bà Tâm phải nhờ lũ nhỏ đem rổ đi bắt con cà cuống cho bà chích bọng của nó để lấy nước cốt về biếu mẹ của bà ở Sàigòn để ăn với bún thang và bánh cuốn.

Ngoài việc ăn trộm rau trái của người ta, lũ con nít còn bắt đom đóm, cà cuống và châu chấu, bọ ngựa. Hễ vào mùa sáng trăng thì cả bọn tụ nhau ca hát, nhảy múa và nhảy dây.

Đời sống êm đềm và thanh thản như một bài thơ. Thuở ấy, dưới thời cố Tổng thống Ngô đình Diệm, ai nấy vui hưởng cảnh thanh bình của đất nước. Có thể nói, thời gian ấy là một đoạn đời ngắn ngủi mà An cảm thấy an bình và hạnh phúc nhất.

Nhắc đến Huế là nhắc đến kỷ niệm và thương nhớ. Suốt tám năm dài của tuổi thơ thần tiên, An đã chứng kiến cuộc đảo chính năm 1963 chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Rồi cuộc đấu tranh của giới thanh niên sinh viên chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu năm 1965, rồi những cảnh Việt cộng pháo kích vào các cơ sở cảnh sát ở An cựu. An đã lớn lên để chứng kiến cảnh Huế trở mình theo năm tháng.

Không hiểu tại sao mà An yêu Huế và người Huế một cách lạ lùng và thắm thiết. Người Huế ăn nói nhỏ nhẹ, giọng nói ríu rít như chim se sẻ ca hót líu lo. Tình cảm của người Huế thì thâm trầm và lặng lẽ như giòng sông Hương lững lờ trôi mãi. Nhưng khi người Huế yêu thì tâm tình sóng nổi cuồn cuộn như cơn bão lụt mùa đông. Chỉ cần một tia nhìn êm ái thoáng gặp cũng đủ làm lòng rộn rã, tê tái nhớ thương. Hay chỉ cần một lời nói dịu ngọt và nhẹ nhàng cũng làm tâm hồn điên đảo.

Người Huế đài các và đa tình, dịu dàng và kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhưng bền chí. Đặc biệt những người mẹ Huế dù bận rộn và cực khổ đến đâu cũng không hề lớn tiếng đôi co hay cãi cọ.

Huế có một khuôn mặt thanh thản và êm đềm, có bầu không khí trong lành, nhưng cũng có cái thời tiết khắc nghiệt. Về mùa đông, trời làm mưa gío tầm tã, cơn mưa liên miên kéo dài cả tháng trường. Trong lúc các người già cả lom khom ôm cái lò ấp có từng nhúm than hồng bỏ trong giỏ để sưởi ấm cơn lạnh buốt da thì các em học sinh nhỏ mặc áo tơi bằng lá đi bộ đến trường co ro trong giá lạnh.

Còn các cặp tình nhân thì sóng đôi đi chơi dưới mưa lạnh. Trời lạnh nhưng tình nồng. Lắm lúc chỉ cần tay trong tay, mắt nhìn mắt, cả hai cùng đi lặng lẽ dưới những con đường có hàng phượng hay hàng cây sầu đông hoa tím thì dù có cuồng phong bão tố cũng không làm họ nao núng nhưng chỉ làm cho tình yêu thêm nồng ấm mà thôi.

An yêu thương Huế cuả thời vua chúa, Huế của an bình, Huế của thời trẻ dại. Huế của mộng ước và tình tự. Huế của áo dài trắng trinh nguyên, của tóc thề buông lơi, của nón bài thơ có quai nhung đen, của guốc gỗ mộc quai nhung. Huế cuả những ngày mùa hạ thả thuyền giong chơi trên sông với bạn hữu. Huế của những ngày mưa lụt, xăn quần lội nước vui chơi.

Cho đến nay, dù đã bỏ Huế đi gần 40 năm trời, gần một phần hai thế kỷ, An vẫn thương yêu và hoài vọng Huế như một đứa con nhỏ nhớ người mẹ hiền.

Huế đã cho An rất nhiều kỷ niệm đẹp, thi vị và đáng yêu. Chỉ có nơi Huế, nàng mới có yên bình, hạnh phúc và tình mộng. Có người đã nói:

“Huế là đi để mà nhớ, chứ không phải ở để mà thương.”

Nhưng An nghĩ rằng ai đã sinh ra và lớn lên ở Huế đều thương nhớ Huế như nàng. Mong rằng An sẽ có ngày về thăm Huế để được hôn lên mảnh đất quê hương.

(còn tiếp) Bài 10: Khi Vui Muốn Khóc, Buồn Tênh Lại (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22794)

Kim Hà