PDA

View Full Version : M - Mất cảm thức về tội (Chúa nhật X TN)



Dan Lee
06-04-2008, 04:00 PM
Chúa nhật X TN

MẤT CẢM THỨC VỀ TỘI

Trang tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại gợi lên một bức tranh thật là đẹp. Bức tranh này vẽ nên một bữa tiệc mà khách mời phải nói là gồm nhiều thành phần trong xã hội: Matthêu – nhân viên thu thuế – chủ tiệc, nhiều người thu thuế – bạn chủ tiệc – và nhiều người tội lỗi, kéo đến cùng ăn; bữa tiệc ấy có cả sự hiện diện những người Phariêu; bữa tiệc ấy có cả sự hiện diện của thầy trò Giêsu nữa. Không hẹn mà gặp để rồi qua sự đối đáp của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta một sứ điệp hết sức quan trọng. Sứ điệp này phải nói là sứ điệp lớn nhất của Ngài, sứ điệp này là sứ điệp trọng tâm trong đời Ngài và cũng vì sứ điệp này mà Ngài xuất hiện trong trần gian. Sứ điệp ấy hôm nay lại đặt trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, hoàn cảnh hết sức đẹp đó là sứ điệp ấy công bố tại nhà của một người mà dưới con mắt của người đời đó là con người tội lỗi.

Ta đã biết, ai cũng ghét tội cả nhưng không ai ghét người có tội. Chúa Giêsu cũng thế, Ngài ghét tội vô cùng nhưng Ngài cũng thương người có tội vô cùng. Chính vì lẽ ấy mà Ngài đã sinh xuống làm người, sống cái thân phận của con người mỏng dòn non yếu, tội lỗi để mà cứu những con người hay phạm tội.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, thời nào cũng thế, chúng ta là những con người tội lỗi, chúng ta có nhận ra tình thương của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta hay không mà thôi.

Một hình ảnh rất quen thuộc với mỗi người chúng ta, đó là thánh Phaolô tông đồ. Ngài là người ngoại trở lại đạo. Không cần nói nhiều, chúng ta cũng biết được chút ít về quá khứ chẳng đẹp đẽ gì của Ngài. Thế nhưng, sau khi nhận ra con người lầm lỗi, con người tội lỗi của mình và quay về với Chúa. Ngài đã để lại cho chúng ta niềm xác tín, một sứ điệp hết sức quan trọng: “Đức Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương co những ai sẽ tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (1Tm 1,15.16).

Niềm xác tín của thánh Phaolô nếu ai cảm nhận được sẽ rất vui và bình an, hân hoan bước đi trong cuộc đời đầy dang dở, đầy bể nát này.

Nhớ đến cảm nghiệm của thánh Phaolô, tôi nhớ ngay đến cha già đáng kính Michel Nguyễn Hữu Phú. Trước đây Ngài là cha giải tội của anh em chúng tôi thời chúng tôi ở Nhà Tập. Mỗi lần giải tội, mỗi lần khuyên bảo anh em, Ngài mời gọi anh em suy niệm và cùng với Ngài hát bài hát mà do cảm nhận được tình thương của Chúa từ thánh Phaolô đã truyền lại: “Đây là lời đáng tin đáng nhận, là Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi mà người thứ nhất là tôi !”. Không phải chỉ anh em tập sinh Ngài giải tội cho nhưng mà hầu hết anh em trong Dòng đều bị ảnh hưởng của Ngài qua tâm tình này. Người tội lỗi được cứu nhất đó chính là tôi vì xét cho cùng, tôi cảm thấy tôi tội lỗi hơn anh em.

Đó là tâm tình của Thánh Phaolô khi ngài nhìn thân phận của Ngài, ngài nhìn vào ơn cứu độ mà Thiên Chúa thương dành cho Ngài.

Trở lại với trang tin mừng, có thể nói rằng ngày hôm nay người vui nhất, mừng nhất đó chính là ông Matthêu. Hôm nay ông quá hạnh phúc, niềm hạnh phúc đấy làm ông cảm thấy ngây ngất và sướng cả người. Người ta vẫn thường nói là song hỷ, có nghĩa là có 2 niềm vui đến cùng một lúc. Hôm nay Matthêu cũng thế, ông cũng có được cái song hỷ mà nhiều người mơ ước đó là việc Chúa Giêsu đã đến dùng bữa tại nhà ông. Cái hỷ thứ hai đó là hôm nay Chúa công bố cho ông rằng Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi như ông. Và, không chỉ có ông có cái hỷ thôi nhưng mà bạn bè ông nữa, những người bạn mà từ lâu bị nhiều người trong đó có người Pharisiêu cho là tội lỗi đã được hỷ như ông đó là được cứu !

Thử hỏi mỗi người trong chúng ta, nếu như chúng ta sống trong tình trạng bệnh hoạn tật nguyền mà chúng ta được cứu chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc đến dường nào. Nếu chúng ta đang sống trong cái thân phận yếu đuối tội lỗi mà có ai dang tay ra cứu chúng ta thì còn gì hạnh phúc bằng.

May quá ! Hôm nay không chỉ Matthêu được cứu mà những người bạn của ông cũng được cứu. Bạn của ông là ai ? Bạn của ông phải chăng là những người như chúng ta, những người mang trong mình cái phận mỏng dòn, yếu đuối của con người xác thịt đầy dẫy nhưng cái tham sân si của cuộc đời.

Thế nhưng, chúng ta quay lại phần đầy của đoạn tin mừng, chúng ta thấy có một điều gì đó rất đơn giản nhưng quả là một thách thức lớn cho mỗi người chúng ta. Để ý một chút chúng ta sẽ thấy: Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi”. Ông đứng dậy đi theo Người.

Một chi tiết hết sức nhỏ nhưng cũng hết sức quan trọng: đứng dậy. Kinh Thánh không nói là ông chần chờ hay suy nghĩ tính toán dẫu rằng cái nghề thu thuế, cái nghề đụng đến tiền nong của Matthêu cần sự cân đo đong đếm hơn thua chứ không thì kẹt nhưng đàng này, hành động của ông cho chúng ta thấy ông đứng dậy.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, sau những lần sa ngã, sau những lần yếu đuối chúng ta có can đảm đứng dậy như Matthêu hay không ? Hay chúng ta cứ mãi chần chừ với Chúa, không dám quyết định như Matthêu quyết định.

Tại sao Matthêu lại quyết định nhanh như thế ? Xin thưa đó chính là nhờ vào lòng tin của Matthêu. Thật sự ra mà nói thì Matthêu giữa cái chức vị mà ông đang giữ đấy mang lại cho ông không biết bao nhiêu lợi lộc theo nghĩa trần gian nhưng có lẽ nhìn ra cái lợi lộc trần gian đó nó chẳng là gì, nó chẳng còn ý nghĩa gì trên cuộc đời ông khi ông nghe nhiều người đồn về con người Giêsu. Giêsu đã lang thang khắp nẻo đường để đi rao giảng Tin mừng, Matthêu cũng nghe ngóng, cũng tìm hiểu một thời gian đã lâu và cuối cùng đáp trả bằng chính lòng tin của mình.

Cũng lại nhắc đến thánh Phaolô. Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi cho cộng đoàn ở Rôma đã nói cho chúng ta rằng: Mặc dầu ông Abraham không còn gì để trông cậy, ông vẫn trong cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc … Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa, trái lại nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng để thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính … (Rm 4,18.20-22)

Ngài còn xác tín với chúng ta: Chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết (Rm 4,23).

Vấn đề còn lại của chúng ta quá rõ: Tin.

Đứng trước một xã hội mà người ta tôn thờ chủ nghĩa vật chất, giữa một xã hội thế tục như thế này, lòng tin của mỗi người chúng ta như thế nào ? Còn hay là mất, còn nhưng mà còn được bao nhiêu ?

Phải nói rằng, ngày hôm nay khoa học kỹ thuật phát triển tột bậc để rồi qua sự phát triển đó chính là thách thức của con người trước niềm tin vào Thiên Chúa. Ngày hôm nay con người bị xoáy vào vòng xoáy của của cải, vật chất và hưởng thụ. Thế nhưng xét cho cùng vật chất nó không bao giờ làm thỏa mãn được lòng tham của con người. Bình thường thôi khi con người muốn vươn lên. Nhưng phải biết điểm nào là điểm dừng mới quan trọng vì nếu không chúng ta sẽ đam mê vật chất, thờ vật chất đến độ chẳng còn tin vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này nữa. Vật chất rất cần cho cuộc sống lữ hành trần gian này nhưng nó không phải là cùng đích của con người, nó chỉ là phương tiện mà thôi.

Thái độ đứng lên của Matthêu hôm nay là bài học lớn cho mỗi người chúng ta khi đối diện với sứ điệp cứu những người tội lỗi như Matthêu, như chúng ta đây. Thái độ ấy là thái độ dứt khoát với tiền bạc, với vật chất. Còn chúng ta, trước thái độ của Matthêu chúng ta xử như thế nào với Chúa hay là chúng ta cứ mãi cắm cúi đi tìm tiền, tìm danh. Bi đát ở chỗ là tất cả những cái mà ngày hôm nay chúng ta cắm cúi đi tìm, chúng ta cắm cúi xây dựng để rồi cuối cùng chúng ta lại để dành cho người khác thôi. Chúng ta đâu có thể nào mang những cái mà chúng ta nhọc công tìm kiếm ở trần gian này về theo mộ phận. Tất cả, cuối cùng chỉ gói ghém trong ba tấc đất và cái bi đát của mỗi người chúng ta là chúng ta cứ tưởng ba tấc là cùng đích.

Thái độ thứ hai của Matthêu ngày hôm nay quả là bài học vô cùng lớn cho nhân loại. Bài học thứ hai mà chúng ta học nơi Matthêu đó là dám chấp nhận với con người giới hạn, con người tội lỗi, con người yếu đuối của mình.

Khi và chỉ khi chúng ta nhận ra chúng ta là bệnh nhân thì chúng ta mới đi tìm đến bác sĩ để bác sĩ chữa lành cho chúng ta.

Khi và chỉ khi chúng ta nhận ra mình là con người yếu đuối, tội lỗi chúng ta mới cần đến Chúa để Chúa chữa cho con người tật nguyền trong tâm hồn của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói rằng: Con người ngày hôm nay không còn cảm thức về tội nữa ! Cái bi đát của con người ngày hôm nay là không còn nhận ra tội nữa. Từ sự bi đát ấy nhìn vào cuộc sống chúng ta, chúng ta thấy rõ hơn ai hết.

Chẳng hiểu ảnh hưởng từ đâu và cũng chẳng dám trách ai. Trẻ nhỏ ngày hôm nay đánh mất chữ “cám ơn” sau khi nhận được quà và “xin lỗi” sau khi làm lỗi. Không chỉ trẻ con nhưng người lớn cũng thế. Dường như ngày hôm nay, con người cố thủ trong cái vỏ bọc của mình nhiều quá để rồi không nhận ra cái dở, cái yếu của mình để cân chỉnh. Nhìn vào thực trạng xã hội chúng ta thấy quá rõ, con người ngày hôm nay ai cũng muốn phủi trách nhiệm, phủi hậu quả do mình gây ra. Làm thiệt hại không biết bao nhiêu cho người khác để rồi cuối cùng nhận được bản án: thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho … Tội gì chứ tội ấy ngày hôm nay nhan nhản trong cuộc đời.

Đơn cử chỉ xét trong đời sống gia đình nhỏ bé của mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ thấy ngay. Ngày hôm nay trong gia đình, lối hành xử với nhau thật là khác. Lẽ ra sau những lần hiểu lầm, sau những lần vấp váp, đụng chạm, vợ chồng con cái ngồi lại với nhau để đối thoại với nhau để nhìn ra vấn đề của nhau để hóa giải. Nhưng, thực tế thì chẳng ai chịu ngồi lại cả vì lẽ ai cũng cho mình là đúng, cho mình là tốt chứ chẳng ai nhận ra lỗi lầm của mình cả. Không nhận ra lỗi lầm thì làm sao mà cân chỉnh, sao mà sửa đổi được ?

Ngày hôm nay, cái chủ nghĩa cá nhân nó đã ăn sâu vào từng người từng người chúng ta. Mấy ai trong chúng ta dám can đảm đứng ra để nhận sự yếu đuối của mình. Ai trong chúng ta vẫn có cái xu hướng tìm đủ mọi cách để che đậy yếu điểm của mình. Điều này chúng ta cần phải học hỏi và phải sống.

Mới đây, tôi có hai người bạn đi ra nước ngoài tu học. Sau một thời gian, vị hữu trách bên nước bạn cho vị hữu trách ở Việt nam nhận xét về khả năng học của hai người bạn đấy là hai người ấy học chưa đạt đến mức yêu cầu bình thường. Sau khi vị hữu trách gợi ý cho hai người bạn ấy thì hai người bạn ấy bảo rằng vị hữu trách ở nước bạn ấy nhận xét chưa chính xác vì thật ra hai người bạn ấy thấy hai người bạn ấy đạt như thế là đủ !?

Cái bi đát nằm ở chỗ đó, người Việt chúng ta nói chung là không chịu nhìn ra cái dở của mình để mà sửa. Chuyện này chúng ta khác người phương Tây nhiều. Người Tây phương rất rõ ràng và thẳng thắn trong chuyện này. Họ cảm thấy họ dở, họ yếu thì họ nhận dở, yếu để mà thăng tiến.

Thực tế cuộc đời chúng ta cũng thế thôi ! Có nhiều người không có khả năng, không có trình độ nhưng khi nắm chức nắm quyền rồi chúng ta cứ cố vị, chúng ta không rời cái ghế đó dẫu rằng chúng ta không có đủ năng lực. Cứ mãi sống trong cái vỏ bọc ấy sẽ khó phát triển và không chỉ không phát triển mà còn gây thiệt hại cho biết bao nhiêu người xung quanh.

Nếu như ngày hôm nay, trong Tin mừng, Matthêu không nhận ra phận người yếu đuối của mình thì làm sao mà Chúa có thể đến với ông để mà chữa lành cho ông, để mà công bố cho ông sứ điệp hết sức quan trọng được.

Tưởng chừng cái cảm thức về tội của Matthêu hôm nay ít người bị nhưng khá nhiều người ngày hôm nay đánh mất đi cái cảm thức ấy. Ngày hôm nay người ta đánh mất cảm thức về tội cũng như cảm thấy mình không cần đến sự tha thứ, ơn hòa giải của Chúa qua vị linh mục để không còn đến với tòa giải tội nữa.

Bước đầu tiên là nhận biết tội mình. Đầu thư Rôma, Phaolô đã giúp ta thấy rõ: "Mọi người đều bị tội lỗi thống trị" (Rm 3,9). Rồi khi nói về cuộc Khổ nạn, Phaolô cũng nói là Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta.

Nhưng đây là lúc chúng ta phải nhận biết tội lỗi lúc này của chúng ta, trong tình huống riêng biệt của mỗi người, nghĩa là đi vào chính đời sống cụ thể hôm nay. Nhiều người đã mất ý thức về tội, hoặc coi tội như ba cái chuyện nhỏ, kông đáng kể, ngay cả tội nặng. Người ta sợ mọi thứ: sợ ô nhiễm môi sinh, sợ chiến tranh hạt nhân, sợ khủng bố, sợ thiên thạch va chạm địa cầu. , trừ ra sợ tội. Trong khi đó, Đức Giêsu dạy: "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục" (Lc 12,4-5).

Một bầu khí như vậy, một não trạng như vậy tác hại không nhỏ đối với những ai muốn sống Tin Mừng. Nó làm cho lương tâm của họ có thể cùn nhụt, mất cảm giác về phương diện thiêng liêng, có thể ngủ vùi trong tội. Có thể họ còn không nhận ra kẻ thù thực sự, người đang bắt mình làm nô lệ.

Có người nói về tội mà không có một ý tưởng cân xứng về tội hoặc dường như tội không ở trong con người, mà ở chỗ đâu đâu. Chúa nói với người biệt phái: "Triều đại Thiên Chúa không phải ở chỗ này chỗ kia, mà ở chính trong các ngươi" (Lc 17,21). Cũng có thể nói tương tự về tội: tội không phải ở chỗ này chỗ nọ, nhưng ở chính trong lòng ta. Người nào nói mình không có tội, là người lừa dối mình (1Ga 1,8-10), phủ nhận công trình của Đức Kitô là "Đấng đã chết vì tội ta" (1Cr 15,3), làm cho ơn cứu độ của Ngài ra vô ích.

Thừa nhận mình có tội là một điều đúng vơi giáo lý, theo nghĩa: thừa nhận như thế là nhận giáo lý của Kinh Thánh và của Giáo Hội về tội. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Không chỉ thừa nhận trên lý thuyết và tổng quát, nhưng còn phải thừa nhận cụ thể trong chính đời sống riêng của từng người, tức là: ý thức tội ở ngay bên cạnh ta, nhất là ở chính trong lòng ta. Thừa nhận mà phải run sợ, như người đang ngủ đột nhiên thức giấc thấy có con rắn bên cạnh mình.

Vậy bước đầu tiên để giải thoát tội là nhận ra nó. Nhận biết tội là một vấn đề nghiêm trọng.

Một phụ nữ cũng đứng tuổi đến nói với tôi rằng bà khổ lắm vì chồng bà lâu năm không xưng tội vì với ông, ông nghĩ rằng ông không có làm gì nên tội hết !? Thử hỏi trong mỗi người chúng ta có ai là không vấp váp chuyện này chuyện kia từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử của chúng ta với người thân cận.

Cách đây khoảng 3 tuần, đang lang thang đọc báo ké trong nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mới đọc được vài trang báo tôi gặp lại một người bạn học thời trung học. Sau vài lời thăm hỏi, anh ấy nhờ tôi tìm Cha giải tội giúp. Tôi nhờ Cha giải tội và trước khi giải tội tôi giúp anh ta xét mình. Hỏi ra anh ta đã bỏ xưng tội ngót 10 năm ! Hỏi tại sao thì anh ta nghĩ rằng mình phạm tội mình tự thú với bản thân là được rồi !

Cũng chẳng trách ai nhưng cảm thấy đáng tiếc rằng cả một con người mong manh, yếu đuối mà lại không nhận ra tội lỗi của mình thì thấy hơi bị lạ. Nếu nghĩ rằng mình vô tội thì ta có phải là quá phiêu lưu chăng ?

Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại chính bản thân mình, chúng ta có nhận ra chúng ta là những người yếu đuối tội lỗi để cần đến ơn cứu độ của Chúa hay không ? Nếu chúng ta nhận ra chúng ta tội lỗi thì chúng ta cứ chạy đến nép bên lòng Chúa để Chúa thứ tha cho chúng ta vì những yếu đuối, những vấp váp của chúng ta trong cuộc đời.

Nguyện xin Chúa Giêsu như Chúa Giêsu nói với Matthêu trong Tin mừng hôm nay là Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi hôm nay cũng đến kêu gọi những người tội lỗi như chúng ta đây.

Nguyện xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết mở lòng ra để đáp lại tiếng Chúa mời gọi một cách dứt khoát như Matthêu hôm nay đã đáp lại với Chúa để chúng ta được Chúa chữa lành cho mọi tội lỗi, mọi yếu đuối thể xác cũng như tâm hồn.

Anmai, CSsR