PDA

View Full Version : X - Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Chúa Nhật 11 Thường Niên, Năm A)



Dan Lee
06-13-2008, 03:59 PM
XIN CHỦ MÙA GẶT SAI THỢ RA GẶT LÚA VỀ


Chúa Nhật 11 Thường Niên, Năm A

Xh 19:2-6a; Rm 5:6-11; Mt 9:36-10:8

Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay nói lên tính cách khẩn thiết của việc tông đồ. Chúa Giêsu phán: Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt. Vậy chúng con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ đến gặt lúa (Mt 9:38). Theo nghĩa rộng thì mỗi người tín hữu nhờ Bí tích Rửa tội được gọi để làm thợ gặt cánh đồng truyền giáo. Tuy nhiên theo nghĩa chặt chẽ, thì chỉ có giáo sĩ được coi là thợ gặt cánh đồng truyền giáo. Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa chọn có mười hai người làm môn đệ thân cận, nghĩa là làm tông đồ. Và rồi Chúa ban quyền bính cho nhóm Mười hai, đặt Phêrô làm người lãnh đạo các tông đồ cũng như Giáo hội. Mục đích là để liên kết và hiệp nhất người tín hữu trong cùng một đức tin.

Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục của Công Ðồng Vaticanô II có ghi: Chúa Kitô đã sai các Tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và rồi qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ mệnh của Người. Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành ở một cấp độ kế tiếp (Linh mục # 2).

Sau Công đồng Vaticanô II, người công giáo chứng kiến những đổi thay đáng kể trong Giáo hội Công giáo nhất là về lễ nghi phụng vụ. Từ sau Công Ðồng cho tới gần nửa thế kỉ sau đó, Giáo hội công giáo vẫn cỏn trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về ơn gọi làm linh mục và tu sĩ nam nữ nhất là tại Âu Mỹ. Giáo hội mất đi nhiều linh mục cũng như tu sĩ nam nữ vì những lý do khác nhau như khủng khoảng về đức tin, khủng hoảng căn tính, khủng hoảng tâm lý và khủng hoảng tính dục. Có những linh mục bỏ cuộc vì không còn được cử hành lễ Triđentinô bằng tiếng La tinh với lời đọc và lễ nghi đồng nhất trên khắp thế giới, với bối cảnh quen thuộc trong nhà thờ và trên cung thánh giống nhau.

Mất đi một lớp linh mục tu sĩ mà không được bổ sung tương xứng bằng lớp linh mục tu sĩ mới. Lý do là vì sau Công đồng Vaticanô II, người thanh thiếu niên ít khi thấy bóng linh mục tu sĩ nam nữ ngoài đường phố, tại trường học hay nơi công cộng. Không phải là vì linh mục và tu sĩ không có mặt ở những nơi này, nhưng là vì các vị không muốn khoác áo nhà tu. Vì thế hình ảnh người đi tu ít nằm trong đầu óc người thanh thiếu niên. Sự kiện đó làm giảm cơ hội cho người thanh thiếu niên nghĩ về ơn gọi làm linh mục tu sĩ. Có những dòng tu nam hoặc nữ chủ chương đi vào đời trong lối ăn bận, trang điểm và lối sống với ý hướng cải hoá đời.

Nhóm chủ chương đi vào đời như vậy có cải hoá được một số nhỏ người đời. Tuy nhiên khi đi vào đời như vậy, họ lại thiếu vắng hay mất đi nếp sống tu trì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống tu của họ. Vì thế có những dòng tu đi vào đời gặp khủng hoảng về nếp sống tu trong nội bộ và giảm thiểu ơn kêu gọi từ ngoài vào. Còn những dòng tu vẫn giữ được nếp sống tu cổ truyền thì lại không thiếu ơn kêu gọi. Ðiều đó phù hợp với lập luận của thanh thiếu niên ngoài đời. Người trẻ ngoài đời cho rằng đi tu thì phải có gì khác biệt với đời. Còn nếu không có gì khác biệt thì họ thà ở ngoài đời thôi.

Ðể đối phó với cái nhìn bi quan, người công giáo phải nhận thức rằng mỗi khi đối đầu với những đổi thay lớn hoặc trong Giáo hội, hay chính phủ hoặc tổ chức mà người ta thuộc về, người ta phải tiên đoán có phản ứng hoặc thuận hay nghịch. Với đức tin, người tín hữu phải hi vọng rằng khi thời gian chuyển tiếp của Công đồng Vaticanô II qua đi, để bước sang gian đoạn ổn định của Giáo hội và khi mà linh mục và tu sĩ nam nữ nhận ra căn tính và sống căn tính của người tu hành, lúc đó ơn gọi sẽ được tăng triển.

Vậy thì làm sao để làm tái phát sinh ơn kêu gọi sống đời linh mục tu sĩ nam nữ? Linh mục Franklyn M. McAfee đề nghị gia đình thực hành bảy điều cụ thể sau đây để giúp ấp ủ và phát triển ơn gọi làm linh mục được tóm lược theo ý chính như sau: (1) Khi con cái thấy gia đình đi dâng thánh lễ Chúa nhật, có sửa soạn trước, đi sớm và ở lại mấy phút tạ ơn sau lễ. (2) Khi con cái thấy gia đình cầu nguyện, lần chuỗi chung ban tối, và đọc kinh tạ ơn trước bữa ăn. (3) Khi con cái thấy gia đình có lòng tôn sùng người Mẹ của các linh mục cách riêng một cách hiếu thảo. (4) Khi con cái được nghe những mẩu chuyện nhân đức của các thánh như thánh Gioan Bosco, thánh Gioan Vianney. (5) Khi con cái được nghe những chuyện tốt, tích cực về các linh mục: như linh mục nọ làm phép cưới cho cha mẹ, linh mục kia rửa tội cho con. (6) Khi con cái được nghe nói về tinh thần hi sinh, thay vì chỉ nghe về chuyện làm tiền và hưởng thụ. Một lý do khiến ơn kêu gọi giảm sút là khi con cái có thói quen nhận lãnh những gì chúng muốn, nên cảm thấy khó lòng cho đi và khó từ bỏ vì nước Trời. (7) Khi con cái thường nghe nói về Ðức Giáo Hoàng, thấy hình ảnh Ngài trong nhà và chứng kiến việc cầu nguyện cho Ngài trong gia đình 1.

Nếu một gia đình hội đủ những điều kiện trên, mà không thấy ơn kêu gọi làm linh mục tu sĩ trong gia đình, thì cha mẹ vẫn đạt được đích chung trong việc cổ võ và sống lý tưởng người công giáo. Những người con mặc dầu lập gia đình cũng sẽ hướng dẫn giáo dục con cái như cha mẹ mình. Và biết đâu ơn kêu gọi sẽ đến trong thế hệ sau. Vậy thì theo lệnh truyền của Chúa, ta cần tiếp tục cầu nguyện: xin Chúa sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo. Ngoài ra ta cũng cần ủng hộ, nâng đỡ đoàn thợ gặt của Chúa về vật chất cũng như tinh thần (Lc 10:7) và cộng tác với việc tông đồ của hàng giáo sĩ.

Lời nguyện xin thêm thợ gặt cánh đồng truyền giáo:

Lạy Chúa Giêsu linh mục tối cao.

Con xin cảm tạ Chúa đã lập chức linh mục.

Xin dạy con biết cầu xin thêm thợ gặt truyền giáo,

biết nuôi dưỡng và ủng hộ ơn gọi làm linh mục.

Xin ban cho các thanh thiếu niên thiện chí,

biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đặc biệt của Chúa,

đi rao giảng tin mừng Phúc âm và cử hành các Bí tích.

Xin cho họ được trung thành với việc phụng sự và phục vụ,

và cảm nghiệm được niềm vui trong đời tận hiến. Amen.

______________________

1. Bảy việc thực hành cụ thể được tóm lược từ: McAfee, Franklyn. ‘Vocations come from Families’ in Soul, Jan – Feb 1995..

LM. Trần Bình Trọng