PDA

View Full Version : H -Hay Là Sự Bỏ Mình



Dan Lee
06-27-2008, 05:32 PM
NHÂN GIỖ LẦN THỨ 13
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH
TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN (1.7.1995 – 1.7.2008)
… HAY LÀ SỰ BỎ MÌNH

Sau năm 1975, cũng như các chủng viện, các dòng tu tại Việt Nam, chủng viện thánh Giuse Sài Gòn cũng bị ngừng hoạt động. Rồi đến khi chủng viện thánh Giuse Sài Gòn được hoạt động trở lại, chúng tôi, lúc ấy là chủng sinh của một trong ba niên khóa đầu tiên của Chủng viện, được may mắn sống gần cận Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn trong nhiều năm, mãi cho đến ngày Đức Tổng về cùng Chúa (1.7.1995).

Chúng tôi còn nhớ rõ, kể từ mùa hè1992, sức khỏe của Đức Tổng vốn đã yếu, đột nhiên suy yếu nhiều. Ở tuổi 82, không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật, Đức Tổng đã nhiều lần vào ra bệnh viện. Ngoài nhà nghỉ tĩnh dưỡng Bãi Dâu, Vũng Tàu, có thể coi bệnh viện Thống Nhất là ngôi nhà tĩnh dưỡng thứ hai của Đức Tổng.

Khoảng giữa tháng 8.1993, trong khi tất cả các chủng sinh còn đang nghỉ hè, thì chuyện bất ngờ xảy đến: Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình lâm trọng bệnh. Đức Tổng bị nhũn não, phải nằm liệt giường hơn một tháng tại bệnh viện Thống Nhất. Sau khi từ bệnh viện trở về Tòa Giám mục, tuy sức khỏe có hồi phục phần nào, nhưng Đức Tổng không thể làm việc được nữa. Kể từ đó, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Phan Thiết làm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn. Đối với Đức Tổng, tuy chức vụ vẫn là Tổng Giám mục chánh tòa của Giáo Phận, nghĩa là tòa đầy (sede plena), nhưng đây cũng chính là thời gian Đức Tổng hưu dưỡng. Gần hai năm cuối đời, Đức Tổng chọn chủng viện làm nơi nghỉ ngơi. Đức Tổng đã vào ở hẳn trong chủng viện. Đức Tổng bắt đầu một cuộc tĩnh tâm dài chuẩn bị cho ngày kết thúc hiến lễ đời mình…

Từ sau ngày Đức Tổng sống bên cạnh chúng tôi trong chủng viện, Đức Tổng đã để lại cho riêng tôi nhiều bài học quý giá cho đời tu của tôi. Những bài học này đã theo tôi từ khi còn là đại chủng sinh mãi đến bây giờ. Chắc chắn nó sẽ còn đi theo suốt cuộc đời linh mục của tôi. Bài học mà tôi thấm thía nhất, đó là sự chấp nhận bỏ mình của Đức Tổng.

Khuôn viên đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn ngày ấy thoáng mát, trong lành, có nhiều cây xanh, có những làn gió từ hướng sông Sài Gòn thổi tới. Nhất là vào mùa hè trời nóng bức, khuôn viên đại chủng viện cũng đỡ oi nồng.
Tuy dễ chịu là thế, nhưng để an toàn hơn cho sức khỏe của Đức Tổng, chủng viện lắp đặt một máy điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ của Đức Tồng…
Hôm ấy, vẫn như thường lệ, tiếng máy vẫn chạy rì rì, trời bỗng chuyển mưa, gió thổi mạnh. Không khí trong phòng trở nên man mát, lành lạnh. Sợ Đức Tổng bị cảm, chúng tôi định tắt máy lạnh. Để chắc ăn, dì Luca (dì phước được giao nhiệm vụ chăm sóc Đức Tổng) thưa với Đức Tổng: “Con tắt máy lạnh nghe Đức Cha?”. Đức Tổng hiền từ trả lời: “Ừ, tắt đi, lạnh rồi!”. Thế là chúng tôi tắt máy.

Rất lâu sau, trời vẫn chuyển và gió nhưng không mưa. Tôi lại gần thăm chừng Đức Tổng. Nhìn thấy những giọt mồ hôi lăn tăn trên trán Đức Tổng, tôi hốt hoảng. Vội đưa tay sờ vào áo Đức Tổng, tôi giật mình nhận ra, toàn lưng Đức Tổng mồ hôi thấm ướt áo. Tôi vội thưa: “Thưa Đức Tổng, Đức Tổng mồ hôi nhiều lắm. Chắc Đức Tổng khó chịu, con mở máy lạnh nghe?”. Đức Tổng nhìn tôi bằng một nụ cười hiền từ và bảo: “Ừ, con mở máy đi, nực rồi!”.
Tôi mở máy lạnh theo lời Đức Tổng mà lòng cứ dâng lên một niềm cảm mến và kính phục: Hình như Đức Tổng không những không muốn sống cho riêng mình, chỉ muốn sống vì người khác, mà còn là một sự bỏ mình!

Nhưng đâu chỉ là sự bỏ mình “cục bộ”. Càng suy nghĩ về nội tâm bình an đúng như tên gọi, về lối sống gần như chấp nhận dễ dàng hết mọi người, hết mọi hoàn cảnh (đến nỗi có người hằn học cho rằng Đức Tổng ba phải, nhu nhược…) của Đức Tổng, tôi càng nhận ra, sự bỏ mình ấy đã đi theo Đức Tổng từ lâu rồi. Nó dường như không còn chỉ là thói quen, nhưng đã thấm vào từng giọt máu, từng thớ thịt của Đức Tổng. Nói mạnh hơn, sự bỏ mình ấy đã từ lâu trở thành một phần sự sống của Đức Tổng.

Những năm tháng dài làm giám mục của một giáo phận không chỉ lớn, mà còn là một giáo phận giữa lòng một thành phố năng động, thành phố của sự hội nhập và phát triển mau chóng, một thành phố mà trong đó không ít phức tạp, nhất là những năm tháng phải sống cùng mọi thử thách của giáo phận, Đức Tổng đã hy sinh nhiều, đã chấp nhận nhiều. Chắc chắn, Đức Tổng cũng phải trút bỏ chính mình nhiều. Sự chấp nhận và chịu đựng lớn nhất có lẽ là chấp nhận và chịu đựng bị hiểu lầm nhằm giữ vững con thuyền giáo phận trong dòng chảy của đức tin, giữ vững việc sống và cao rao Lời Chúa giữa vô vàn khó khăn vây bũa. Sự trút bỏ chính mình giữa một hoàn cảnh đầy những bóng đêm, đã tạo nên nơi Đức Tổng nghị lực lớn, không chỉ cho Đức Tổng mà còn cho giáo phận đứng vững và vượt qua…

Có nghe Đức Tổng nói về sự mất mát, nào là nhân sự, đất đai, các cơ sở, rồi hoạt động tôn giáo, cũng như rất nhiều hoạt động khác… của Hội Thánh tại miền Nam cũng bị mất mát sau biến cố 30.4, ta mới hiểu hết thế nào là sự chấp nhận trút bỏ của con người Đức Tổng để có được bình an nội tâm, có được sự hòa dịu hết sức có thể cho hoàn cảnh sống của tôn giáo mình nói chung, của giáo phận mình nói riêng: “Chúa lấy bằng tay này, nhưng Chúa lại cho bằng tay khác. Chúa lấy người, lấy của, Chúa hạn chế những hoạt động của chúng ta, nhưng Chúa cho chúng ta một Giáo Hội nghèo khó, thanh sạch hơn, khiêm tốn hơn”.

Hoặc nếu có lần nào, ta nghe một người thân thuộc nào đó kể về Đức Tổng, ta càng thấy rõ hơn khuôn mặt của con người sống một đời đầy sự trút bỏ này. Chẳng hạn, linh mục nhạc sĩ Kim Long có lần kể rằng, khoảng năm 1993, sau một lần cha phải giải phẫu khối u trong ruột, lúc đó cũng là lúc Đức Tổng đã rất yếu, phải đi tĩnh dưỡng một thời gian khá dài. Nhưng sau khi về lại Sài Gòn, nghe tin linh mục Kim Long đang dưỡng bệnh tại gia đình ở Tân Bình, Đức Tổng đã đến thăm. Linh mục Kim Long nói: “Hôm ấy, tôi thấy một xe hơi đậu trước nhà. Ngay lúc ấy, một cụ già đang lần bước men theo xe, bước chậm chạp. Tôi vội chạy ra. Tôi nhận ra Đức Tổng. Đức Tổng nói: ‘Tôi đi nghỉ ở Long Hải về, nghe tin cha bệnh, tôi thương quá. Tôi đang mệt lắm, nhưng tôi nghĩ phải đến thăm cha một chút vì tôi còn có thể đi được’”. Vì tuổi cao, sức yếu, lại đang bệnh tật, nếu Đức Tổng không đến thăm cha Kim Long, chắc cũng không ai dám trách. Nhưng nghĩ đến người anh em linh mục của mình, dù người anh em đó không thuộc giáo phận mình đang coi sóc, Đức Tổng đã bất chấp sự mệt nhọc của bản thân để thăm cha Kim Long cho bằng được.
Một sự bỏ mình lớn như thế, triền miên như thế, thì bây giờ, một chút hy sinh nóng hay lạnh, đối với Đức Tổng có đáng là gì. Bởi đã một đời chấp nhận, thì sự chấp nhận ấy đã trở thành chính lẽ sống của Đức Tổng mất rồi!
Vì thế, nhớ về Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, tôi thấy Đức Tổng chính là bài học dạy tôi, sống với mọi người, không chỉ là chiều ý người khác, tìm làm đẹp lòng người khác, mà còn là sự bỏ mình để nên hữu ích cho danh Chúa và cho mọi người. Nhớ về Đức Tổng, tôi học bài học bỏ mình, để thêm sức mạnh, thêm can đảm giúp mình trưởng thành hơn, biết đương đầu để vượt qua khó khăn hơn…

(Có sử dụng “Chứng từ yêu thương” của Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, nhân kỷ niệm giỗ một năm Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình).

Lm. VŨ XUÂN HẠNH