PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 16 Quanh Năm A Ðọc Tin Mừng Mt 13,24-43 (hay 13,24-30)



Dan Lee
07-16-2008, 05:06 PM
Chúa Nhật 16 Quanh Năm A
Ðọc Tin Mừng Mt 13,24-43 (hay 13,24-30)

Ðức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời thì ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?" Ông đáp: "kẻ thù đã làm đó!" Ðầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: Ðừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðược cuốn hút vào nền linh đạo:
Mọi người đều là anh em trong vòng tay Cha

Một phụ nữ kia thú thật chị đã từng là một người hết sức nhạy cảm, ít khi nhoẻn một nụ cười, do đó không có nhiều bạn. Cả với Thiên Chúa, mối tương quan của chị cũng dựa trên nỗi sợ hãi đối với hình phạt mà Thiên Chúa có thể giáng xuống trên người tội lỗi.

Người phụ nữ ấy đã tìm được hạnh phúc qua hôn nhân với hai người con trai sinh ra lấp đầy khoảng trống cho tới khi chồng chị đột ngột chết trong một tai nạn. Tinh thần chị hoàn toàn suy sụp đến nỗi hai người con đã lớn cũng không thể nào an ủi được chị. Còn Thiên Chúa thì trở nên đối tượng của những trách móc về mọi rủi ro và bất hạnh mà chị phải chịu.

Cũng may vào thời đó chị được tiếp xúc với một số anh chị em năng chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa. Chị Mai Linh đặc biệt được lôi kéo bởi nền linh đạo "Tứ hải giai huynh đệ": Mọi người đều là anh em một nhà có Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, không trừ một ai. Lời Chúa từ từ thấm nhuần tâm can chị. Tính tình chị được đổi mới nhờ cái nhìn đức tin về mọi sự.

Bi quan thành lạc quan

Người phụ nữ bi quan này đã trở nên lạc quan. Mọi sự chung quanh chị đều trở nên rõ nét như quà tặng từ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Chị nhìn một bông huệ mới nở trước nhà hoặc nghe tiếng chim hót líu lo trên cành và nhận ra không có gì chung quanh chị mà không nhắc nhở chị về Thiên Chúa là hiện thân của tình yêu. Chính Chúa Giêsu vạch cho thấy cả đến bộ đồ sang trọng của Salomon cũng không sánh được với bông huệ đó. Hãy coi đàn chim sẻ, chúng không lo lắng bon chen, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Ngày nào có gánh nặng của ngày ấy, cho nên đừng quá lo lắng làm gì.

Gia đình con cả sum họp trở lại

Nhờ thoát khỏi muôn vàn lo lắng vô bổ, chị Mai Linh được vững tin nên có khả năng giúp đỡ người khác khi chị có cơ hội. Con cả của chị một hôm xách vali về nói với mẹ rằng anh không còn có thể tiếp tục sống được với vợ nữa nên đến giã từ mẹ để đi vắng xa một thời gian. Phản ứng đầu tiên của chị Mai Linh là muốn quát mắng người con cả vô trách nhiệm với vợ và 5 đứa con. Nhờ được thấm nhuần Lời Chúa, chị đã noi gương Mẹ Maria đứng kề thập giá Chúa Giêsu. Chị chọn nối dài đời sống gương mẫu của Mẹ Maria. Chị lặng lẽ dọn bữa ăn và dọn phòng ngủ cho người con cả, tâm niệm rằng điều thiết yếu của người mẹ là yêu thương con. Nguyên việc chị ở lặng đã khiến cho con chị bắt đầu nghĩ lại.

Sáng hôm sau là Chúa Nhật, chị Mai Linh cùng đi lễ với người con cả. Chị đã sốt sắng cầu nguyện nhiều cho đứa con nóng nảy vô trách nhiệm. Lạ lùng, bước ra khỏi thánh lễ, chính anh lên tiếng hỏi mẹ xem anh phải làm gì. Mẹ anh đã có câu trả lời sẵn là "Hãy trở về sống với vợ con. Mẹ sẽ cùng đi." Quả thật, người vợ vô cùng sung sướng trong nước mắt vì nhờ mẹ chồng mà gia đình nàng được sum họp trở lại.

Người con thứ được ban cho chị
một thời gian mà thôi

Người con thứ khác hẳn người con cả. Ngay về thể lý, anh đã là điểm tựa cho gia đình sau khi cha anh thiệt mạng vì tai nạn. Anh thường chia sẻ niềm vui nỗi buồn và những điều anh ưa thích với mẹ anh. Anh không hề ngã bệnh bao giờ, thế mà tai biến mạch máu não đã quật ngã anh một cách đột ngột; chỉ trong ba ngày anh đã tắt thở. Chị Mai Linh hoàn toàn chưng hửng, không hiểu tại sao Chúa lại để cho chị phải đau khổ như vậy. Trước kia chị đã từng than trách Chúa, nhưng nay nhờ được kết hợp với các anh chị chia sẻ đời sống Tin Mừng, chị được giúp nhận ra sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu, nên chị được bình thản để nhận ra nhiều điều trước kia chị không thấy. Chị nhận ra mọi sự đều là quà tặng từ nơi Thiên Chúa tình thương, kể cả đau khổ cũng cần được vận dụng như chất liệu để nên giống Chúa Giêsu. Chị nhận ra bản thân chị chẳng thể sở hữu được gì, kể cả người con mà chị đã đưa vào đời. Người con ấy được ban cho chị một thời gian mà thôi. Tốt nhất là chị cần đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa về mọi sự. Chị phải vui vẻ đón nhận mọi sự như Chúa để cho xảy ra hầu sống gắn bó với Người theo gương Mẹ Maria dưới cây thập giá. Nhờ vậy chị Mai Linh đã có thể thông hiệp được với người con dâu như chưa bao giờ chị đã có thể thông hiệp tới mức đó. Hai mẹ con thực sự đã tìm được ơn bình an, với niềm vui lớn khi cùng nhau khám phá ra tình yêu vô bờ bến Chúa dành cho mình để theo gương Mẹ Maria.

Xây dựng nền văn minh tình yêu

Vượt ngoài phạm vi gia đình, chị Mai Linh còn có cơ hội giúp đỡ người khác cách cụ thể. Tại sở làm việc xảy ra có vụ kiện liên quan tới một phụ nữ muốn cách ly với chồng mà chị Mai Linh là người có nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ. Chị đã có cơ hội lắng nghe đương sự và góp ý. Chị đã khuyến cáo người vợ liên hệ nên tha thứ cho chồng như cách duy nhất để mang lại bình an cho gia đình dựa vào Lời Chúa dạy là "điều Thiên Chúa đã nối kết loài người không ai được phân ly." Một tuần sau, người phụ nữ ấy đã cho biết kết quả của việc hoà giải mà chị Mai Linh đề nghị: Hai vợ chồng được bình an và hạnh phúc trở lại.

Cũng ở nơi chị Mai Linh làm việc, một số nhân viên có thói quen ra ngoài giải khát uổng phí thì giờ. Chị Mai Linh đã xung phong cung cấp đồ giải khát tại chỗ với giá rẻ. Ai nấy đều được thỏa mãn mà không thấy có nhu cầu phải ra ngoài nữa. Ấy là chưa nói đến người này người kia cùng sở làm việc cảm thấy mắc nợ chị Mai Linh chỉ vì được chị tôn trọng, quí mến và giúp đỡ đôi việc bình thường thôi. Chẳng hạn, một nhân viên mới được tuyển dụng bị lạc lõng vì không được người trong sở nhìn nhận. Thái độ của chị Mai Linh khác hẳn. Chị luôn thâm tín về Lời Chúa dạy là phải yêu thương mọi người không trừ một ai, nên chị luôn chào hỏi vồn vã với thái độ quí mến nhân viên mới đó. Chỉ bằng cách ấy chị Mai Linh đã nâng đỡ người nhân viên mới ấy rất nhiều đến nỗi mẹ anh ta cảm thấy phải tới cám ơn chị với quà cáp dịp lễ sinh nhật của chị!

Hai mươi thế kỷ trôi qua:
cuộc chuyển giao sự nghiệp

Câu chuyện vừa kể không trực tiếp để áp dụng bài Tin Mừng hôm nay. Qua dụ ngôn cỏ lùng Ðức Giêsu có ý cắt nghĩa lý do tại sao lời dạy của Người không được đại đa số thính giả chấp nhận. Lời đó ví được như hạt giống tốt, hạt giống ấy khi mới gieo khó mà phân biệt được với những lời bàn tán ví được như cỏ lùng mà kẻ thù (c.25) gieo vãi. Dụ ngôn cỏ lùng này có ý khuyến cáo người nghe nên có thái độ thích hợp về hoàn cảnh Ðức Giêsu giảng dạy mà không được phần đông thính giả chấp nhận. Hãy có thái độ bao dung và kiên nhẫn dựa vào phán quyết cuối cùng của Thiên Chúa trong ngày chung thẩm. Mùa gặt (c.30) trong Cựu Ước chỉ về ngày chung thẩm đó. Qua cc.28-29 Ðức Giêsu có ý dạy các môn đệ đừng nên có thái độ loại bỏ khắt khe đối với những người chưa tin vào Ðức Giêsu. Tin hay không tin, điều đó sẽ rõ khi Nước Thiên Chúa xuất hiện.

Hai mươi thế kỷ trôi qua, lời Chúa Giêsu dạy và những người nghe Người nay đã ở trong hoàn cảnh khác hẳn. Ðức Giêsu đã hoàn tất nơi bản thân Người toàn bộ ơn mạc khải qua sự sống, sự chết và sự sống lại của Người và đã chuyển giao ơn đó để Chúa Thánh Linh trao ban cho những ai tin thì được tháp vào thân thể của Người là Giáo Hội. Chị Mai Linh trong câu chuyện gợi ý là điển hình của hoa trái của niềm tin đó. Chị càng yếu đuối bất lực thì hoa trái ấy càng nở rộ một cách rõ nét.

Chị Mai Linh không tin một cách đơn độc. Niềm tin ấy đến với chị từ Giáo Hội; mang lại sức triển nở trong Giáo Hội và ảnh hưởng ra chung quanh như vết dầu loang giữa xã hội, tất nhiên do sức mạnh của Thiên Chúa hiện thân của tình yêu.

Nơi chị Mai Linh niềm tin ban đầu là niềm tin thiếu tình yêu, nó èo uột chỉ vì sợ Chúa phạt. Nhưng nhờ đụng chạm vào ngọn lửa Thiên Chúa tình yêu là ngọn lửa đã cháy lên giữa những anh chị em chia sẻ Lời Chúa nên chị Mai Linh đã ra khác hẳn.

Không có gì ở chung quanh chị mà không nhắc nhở chị về Thiên Chúa là hiện thân của tình yêu.

Trước kia chị đã từng than trách Chúa, nhưng nay nhờ được kết hợp với các anh chị chia sẻ đời sống Tin Mừng, chị được giúp nhận ra sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu.

Nhờ được thấm nhuần Lời Chúa, chị đã noi gương Mẹ Maria đứng kề thập giá Chúa Giêsu.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Nơi cuộc đổi đời của chị Mai Linh, bạn tâm đắc nhất: về tinh thần bi quan thành lạc quan? Gia đình con cả sum họp trở lại? Người con thứ được ban cho chị một thời gian mà thôi? Xây dựng nền văn minh tình yêu? Bạn có ý kiến khác?

2. Hai mươi thế kỷ trôi qua, bạn nghĩ gì về cuộc chuyển giao sự nghiệp: sự nghiệp mà Ðức Giêsu hoàn tất được giao cho Chúa Thánh Thần khai thác? Chị Mai Linh hưởng được gì trong cuộc khai thác đó? Dụ ngôn cỏ lùng chủ yếu nói về thái độ tin hay không tin của người thời nay mà điển hình tích cực là trường hợp chị Mai Linh? Bạn có ý kiến khác?

Linh Mục Augustine, SJ.