Dan Lee
07-17-2008, 09:27 PM
ChúaNhật XVI Thường niên A
GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI?
“Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” ( x. Ed 18,23 ). Câu Lời Chúa thường được lặp đi lặp lại trong suốt mùa Chay thánh nói lên tấm lòng của Đấng chúng ta tôn thờ. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XVI TN A khởi đầu bằng đoạn trích sách Khôn ngoan làm nổi rõ lòng từ nhân của Thiên Chúa đồng thời gieo rắc niềm hy vọng cho tội nhân xiết bao: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” ( Kn 12,16-19 ). Chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói thêm một số dụ ngôn về Nước Trời, đặc biệt là dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” ( Mt 13,24-29 ).
1. ĐỪNG NHỔ CỎ, KẺO NHỔ LẪN CẢ LÚA:
Một mệnh lệnh xem ra nghịch thường, nếu có một chút hiểu biết về nghề nông và kinh nghiệm trồng lúa. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Trước khi thuốc diệt cỏ ra đời, thì làm cỏ là một khâu không thể xao nhãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng tay”; “mất cả chì lẫn cả chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ.
Theo văn phong dụ ngôn thì điều muốn nói, muốn trình bày, chỉ có một hoặc hai điều mà thôi. Và điều muốn nói thường ở nơi câu kết hoặc nơi một chi tiết nghịch thường của câu chuyện. Và ta có thể nói rằng nội dung chính của dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” muốn dạy ta là đừng tự phong làm “thẩm phán” của bất cứ ai. Với lý trí suy xét và dưới ánh sáng Lời Mạc khải chúng ta có thể phân biệt điều tốt, điều xấu, hành vi chính đáng, phải đạo và hành vi bất chính…nhưng chúng ta thật khó mà quy kết ai là chính nhân, ai là quân tử. Cha ông ta đã từng truyền dạy kinh nghiệm rằng vẫn có đó nhiều người “ khẩu phật mà tâm xà” và cũng có nhiều người “ngoài miệng thì nói nam mô mà trong bụng lại chứa một bồ dao găm”. Nhân sinh quan về sự nhập nhằng đen trắng, chính nhân quân tử hay tiểu nhân, mắt người phàm khó biện phân, thì Kim Dung, một cây bút nổi tiếng loại hình tiểu thuyết võ hiệp lịch sử kỳ tình Trung Hoa đã trình bày xuyên suốt qua các pho truyện của ông như “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long…
Sau biến cố 1975, Chính quyền cộng sản đã ra lệnh bài trừ và tiêu hủy “các loại hình văn hóa phản động”, trong đó có tiểu thuyết của ngài Kim Dung. Lý lẽ đưa ra là cần minh bạch rõ ràng người xấu với kẻ tốt, phải rõ ràng “địch với ta”. Nếu không ta thì là địch. Nếu không theo cách mạng là phản động… Quả thật kiểu nhân sinh quan này tưởng rằng là triệt để nhưng thực ra là quá khích, độc đoán, một chiều… May thay, với thời gian, nhân sinh quan này hình như đang dần được chuyển hóa, đổi thay.
Con người, thường xem xét kẻ khác qua diện mạo bên ngoài, kiểu xem mặt mà bắt hình dong, vì thế, sai lầm là chuyện khó tránh. Thế mà ta lại cả gan muốn loại trừ người mà ta cho là xấu xa, là tội lỗi. Nếu giả như hễ ai đã phạm tội đều đáng bị loại bỏ, bị giết đi, thì thử hỏi có ai còn đáng sống. Và ngay chính bản thân ta cũng không đáng tồn tại. Giết người đi thì ta ở với ai ? Hơn nữa, kẻ đáng giết trước hết, chính là ta !
2. HÃY BIẾT KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ:
Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người. Thế mà Người lại chờ cho đến mùa gặt. Thiên Chúa không thích con người phải chết và cũng chẳng muốn tội nhân bị diệt vong. Chỉ một người tội lỗi sám hối ăn năn là cả triều thần thiên quốc vui mừng khôn xiết hơn chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn ( x.Lc 15,7 ). Lượng từ bi vô biên của Chúa nào ai đo lường được. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng Hoàn Thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người biết con người là hữu thể đang chuyển thành ( L’homme c’est l’être en devenir ). Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ ( quá khứ lỗi lầm ), chính vì thế, chẳng có một tội nhân nào lại chẳng có thể có một tương lai ( tương lai tốt đẹp ). Với con người nhiều khi là không thể, vì quá khó, khó hơn cả lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể ( x. Mt 19,23-26 ).
3.CHỜ ĐỢi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGỒI KHOANH TAY HAY ĐỨNG NHÌN:
Rất có thể có nhiều người viện cớ rằng mình có thể sai lầm trong phán đoán để rồi không làm gì cả. Và cũng có thể có nhiều người vì lười biếng hoặc nhát đảm nên vô tình phạm đến đức trông cậy khi khoán trắng mọi sự cho Chúa. Chúng ta cần khử trừ sự xấu nhưng không được phép loại bỏ tội nhân. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ vẹn tuyền, còn chúng ta, thảy đều là tội nhân cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa sự xấu với người xấu nhiều khi khó phân biệt ranh giới. Hơn nữa, có khi khoan dung với người xấu thì lại vô tình để cho sự xấu lan truyền. Vấn đề thật nan giải ! Một trong những cách thế xem ra khôn ngoan là chỉ lên án hay cảnh báo các hiện tượng tiêu cực cách chung chung mà không ám chỉ trực tiếp một ai để rồi “ai có tật thì giật mình”. Tuy nhiên, làm sao tránh được chuyện công luận hướng ngay về một hay những ai đó khi có một sự xấu được nêu lên và bị kết án. Đã là phương thế, đặc biệt các phương thế mang tính tiêu cực như khử trừ, loại bỏ, lên án…, thì không một phương thế nào là hoàn hảo và tối ưu.
Một kinh nghiệm nhà nông, đó là nếu lúa tốt nhanh, thì cỏ sẽ bị che rợp và khó phát triển. Cần nổ lực sử dụng các phương thế tích cực. Hãy làm chút men nồng. Chỉ một nắm men nhỏ thì cả khối bột sẽ dậy men ( x. Mt 13,33 ). Trong khi khoan dung, kiên nhẫn với tội nhân thì chúng ta cần nhân rộng các nghĩa cử bác ái, những hành vi đạo đức, thánh thiêng, cao thượng. Thà thắp lên một ánh nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Một cây nến, hai cây nến, nhiều cây nến…cả không gian sẽ bừng sáng và đêm tối sẽ phải lùi xa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI?
“Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” ( x. Ed 18,23 ). Câu Lời Chúa thường được lặp đi lặp lại trong suốt mùa Chay thánh nói lên tấm lòng của Đấng chúng ta tôn thờ. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XVI TN A khởi đầu bằng đoạn trích sách Khôn ngoan làm nổi rõ lòng từ nhân của Thiên Chúa đồng thời gieo rắc niềm hy vọng cho tội nhân xiết bao: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” ( Kn 12,16-19 ). Chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói thêm một số dụ ngôn về Nước Trời, đặc biệt là dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” ( Mt 13,24-29 ).
1. ĐỪNG NHỔ CỎ, KẺO NHỔ LẪN CẢ LÚA:
Một mệnh lệnh xem ra nghịch thường, nếu có một chút hiểu biết về nghề nông và kinh nghiệm trồng lúa. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Trước khi thuốc diệt cỏ ra đời, thì làm cỏ là một khâu không thể xao nhãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng tay”; “mất cả chì lẫn cả chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ.
Theo văn phong dụ ngôn thì điều muốn nói, muốn trình bày, chỉ có một hoặc hai điều mà thôi. Và điều muốn nói thường ở nơi câu kết hoặc nơi một chi tiết nghịch thường của câu chuyện. Và ta có thể nói rằng nội dung chính của dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” muốn dạy ta là đừng tự phong làm “thẩm phán” của bất cứ ai. Với lý trí suy xét và dưới ánh sáng Lời Mạc khải chúng ta có thể phân biệt điều tốt, điều xấu, hành vi chính đáng, phải đạo và hành vi bất chính…nhưng chúng ta thật khó mà quy kết ai là chính nhân, ai là quân tử. Cha ông ta đã từng truyền dạy kinh nghiệm rằng vẫn có đó nhiều người “ khẩu phật mà tâm xà” và cũng có nhiều người “ngoài miệng thì nói nam mô mà trong bụng lại chứa một bồ dao găm”. Nhân sinh quan về sự nhập nhằng đen trắng, chính nhân quân tử hay tiểu nhân, mắt người phàm khó biện phân, thì Kim Dung, một cây bút nổi tiếng loại hình tiểu thuyết võ hiệp lịch sử kỳ tình Trung Hoa đã trình bày xuyên suốt qua các pho truyện của ông như “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long…
Sau biến cố 1975, Chính quyền cộng sản đã ra lệnh bài trừ và tiêu hủy “các loại hình văn hóa phản động”, trong đó có tiểu thuyết của ngài Kim Dung. Lý lẽ đưa ra là cần minh bạch rõ ràng người xấu với kẻ tốt, phải rõ ràng “địch với ta”. Nếu không ta thì là địch. Nếu không theo cách mạng là phản động… Quả thật kiểu nhân sinh quan này tưởng rằng là triệt để nhưng thực ra là quá khích, độc đoán, một chiều… May thay, với thời gian, nhân sinh quan này hình như đang dần được chuyển hóa, đổi thay.
Con người, thường xem xét kẻ khác qua diện mạo bên ngoài, kiểu xem mặt mà bắt hình dong, vì thế, sai lầm là chuyện khó tránh. Thế mà ta lại cả gan muốn loại trừ người mà ta cho là xấu xa, là tội lỗi. Nếu giả như hễ ai đã phạm tội đều đáng bị loại bỏ, bị giết đi, thì thử hỏi có ai còn đáng sống. Và ngay chính bản thân ta cũng không đáng tồn tại. Giết người đi thì ta ở với ai ? Hơn nữa, kẻ đáng giết trước hết, chính là ta !
2. HÃY BIẾT KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ:
Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người. Thế mà Người lại chờ cho đến mùa gặt. Thiên Chúa không thích con người phải chết và cũng chẳng muốn tội nhân bị diệt vong. Chỉ một người tội lỗi sám hối ăn năn là cả triều thần thiên quốc vui mừng khôn xiết hơn chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn ( x.Lc 15,7 ). Lượng từ bi vô biên của Chúa nào ai đo lường được. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng Hoàn Thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người biết con người là hữu thể đang chuyển thành ( L’homme c’est l’être en devenir ). Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ ( quá khứ lỗi lầm ), chính vì thế, chẳng có một tội nhân nào lại chẳng có thể có một tương lai ( tương lai tốt đẹp ). Với con người nhiều khi là không thể, vì quá khó, khó hơn cả lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể ( x. Mt 19,23-26 ).
3.CHỜ ĐỢi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGỒI KHOANH TAY HAY ĐỨNG NHÌN:
Rất có thể có nhiều người viện cớ rằng mình có thể sai lầm trong phán đoán để rồi không làm gì cả. Và cũng có thể có nhiều người vì lười biếng hoặc nhát đảm nên vô tình phạm đến đức trông cậy khi khoán trắng mọi sự cho Chúa. Chúng ta cần khử trừ sự xấu nhưng không được phép loại bỏ tội nhân. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ vẹn tuyền, còn chúng ta, thảy đều là tội nhân cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa sự xấu với người xấu nhiều khi khó phân biệt ranh giới. Hơn nữa, có khi khoan dung với người xấu thì lại vô tình để cho sự xấu lan truyền. Vấn đề thật nan giải ! Một trong những cách thế xem ra khôn ngoan là chỉ lên án hay cảnh báo các hiện tượng tiêu cực cách chung chung mà không ám chỉ trực tiếp một ai để rồi “ai có tật thì giật mình”. Tuy nhiên, làm sao tránh được chuyện công luận hướng ngay về một hay những ai đó khi có một sự xấu được nêu lên và bị kết án. Đã là phương thế, đặc biệt các phương thế mang tính tiêu cực như khử trừ, loại bỏ, lên án…, thì không một phương thế nào là hoàn hảo và tối ưu.
Một kinh nghiệm nhà nông, đó là nếu lúa tốt nhanh, thì cỏ sẽ bị che rợp và khó phát triển. Cần nổ lực sử dụng các phương thế tích cực. Hãy làm chút men nồng. Chỉ một nắm men nhỏ thì cả khối bột sẽ dậy men ( x. Mt 13,33 ). Trong khi khoan dung, kiên nhẫn với tội nhân thì chúng ta cần nhân rộng các nghĩa cử bác ái, những hành vi đạo đức, thánh thiêng, cao thượng. Thà thắp lên một ánh nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Một cây nến, hai cây nến, nhiều cây nến…cả không gian sẽ bừng sáng và đêm tối sẽ phải lùi xa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa