PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 19 Quanh Năm A



Dan Lee
08-05-2008, 11:51 AM
Chúa Nhật 19 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 14,22-33

Sau khi Ðức Giêsu hoá bánh ra nhiều và cho hơn năm ngàn người ăn no, Người liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!", và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài". Ðức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Ðức Cha Thể, nhà truyền giáo lỗi lạc

Khi Ðức Cha Thể (Thánh Têphanô Théodore Cuenot Thể 1802-1861) phái một số thừa sai đi truyền giáo vùng Cao Nguyên, ngài nhắm không những là Phúc Âm hóa các dân tộc ít người nhưng còn thiết lập chủng viện để đào tạo linh mục cho Giáo Hội Việt Nam đang bị cấm cách. Ý định lập chủng viện không thành nhưng công cuộc truyền giáo do ngài khởi xướng đã đặt nền móng đầu tiên cho Giáo Phận nay là Kontum, với diện tích 25,536 km2 và số giáo dân 120,000 người trên tổng số 900,000 dân cư.

Huấn luyện thừa sai qua thử thách

Ðức Cha Thể đã chỉ thị cho nhóm thừa sai phải tìm cho ra một đồng bằng trải rộng về cuối những con sông Dak Bla, Pơ Kô và Pơ Nông, trước khi chúng đổ vào sông Mêkong. Ngay về việc khám phá ra đồng bằng ấy các thừa sai đã phải vất vả rất nhiều. Cả những người dân tộc gần gũi nhất với họ như ông Hồ Mua cũng từ chối không muốn dẫn họ tới cánh đồng mầu mỡ đó. Tình cờ có mấy người dân làng Kon Rơ Bang đến tận nơi ở của các thừa sai để bán gạo. Vì chiều lòng khách hàng, mấy người này đã bằng lòng để các vị thừa sai đi đến làng họ. Cuộc hành trình bằng sỏng xuôi dòng Dak Bla đã đưa các vị ấy đến đồng bằng Rơ Ngao, đáp ứng nguyện vọng của Ðức Cha Thể khi phái họ lên vùng Cao Nguyên. Sau nhiều chuyến đi về, các thừa sai đã mua được căn nhà với trị giá 5 đồng phật lăng Pháp và đã cho thầy sáu Do và một ít người Kinh ở đó.

Nhưng ích gì nếu các thừa sai chỉ đến kiếm nhà ở mà không tiếp xúc được với dân địa phương! Ít ngày sau khi tậu được căn nhà, cha Cung (Combes), thầy sáu Do và cha Bộ (Dourisboure) theo giòng sông Dak Bla mở cuộc thám sát. Họ bảo nhau: "Nước sông là chung cho mọi người. Nếu những làng ở hai bên bờ sông không đồng ý mở cửa cho chúng ta thì chúng ta lại lên sỏng, có sao đâu!" Họ mang đủ gạo ăn rồi đặt sỏng bồng bềnh trên sông nước. Sau chừng hai tiếng đồng hồ, họ gặp một người đàn ông tự xưng là chủ làng và mời cả ba người khách tới nhà ông. Ðó là làng Tơ Bầu cách sông chừng 15 phút đi bộ.

Sau khi cột sỏng vào bờ và đi theo chủ nhà chừng 5 phút, thì cả bốn người phải dừng chân lại, do một cuộc gặp gỡ không mấy dễ chịu. Cách họ chừng năm mươi bước và theo một lối mòn khác, một cọp mẹ với cọp con đã lớn bằng một cừu đực, đứng lại vài giây để nhìn nhóm người lạ mặt trên đường. Cha Bộ thú thực tim cha khi ấy nhảy loạn xạ vì đó là lần đầu tiên cha đối diện với một cọp hoang. Cha Bộ cũng như cha Cung, tiến sát lại một gốc cây để có thể lập tức trèo lên nếu xảy ra con thú dữ tỏ dấu hiệu thù địch. Nhưng Chúa đã an bài để biến cố đó qua đi.

Hai mẹ con con cọp vừa khuất vào rừng rậm thì một vật lạ khác xuất hiện khiến cho nhóm thừa sai phải trố mắt nhìn! Ðó là một pho tượng đàn ông không biết làm bằng kim loại nào nhưng cao độ một mét và tứ chi được đúc rất mỹ thuật. Pho tượng đứng dưới gốc một thân cây, chung quanh cách độ mười lăm bước, có một cái mương bảo vệ và bên ngoài là một hàng cây lớn đứng dọc suốt chu vi. Pho tượng này và một vài vật khác được hình thành do những bàn tay khéo léo hơn bàn tay anh em dân tộc Bana rất nhiều, có thể làm ta tin rằng trước kia xứ này đã có một giống dân khác ở, văn minh hơn dân tộc thiểu số hiện nay đang ở.

Người có công dẫn các thừa sai đến nhà ông ở làng Tơ Bầu, tên là Phi Hùng (Piunch). Ông đã tiếp đãi khách rất tử tế. Sáng hôm sau ông còn tình nguyện chèo sỏng đưa các thừa sai đến một làng lớn nằm ở ngã ba sông Dak Bla và sông Pơ Kô. Sông Pơ Kô cũng lớn bằng sông Dak Bla nhưng trước khi nó nhập vào giòng sông này thì đã chảy từ Bắc xuống Nam. Cả hai con sông nhập thành một giòng sông khá lớn và chảy theo hướng Tây Nam và sau khi được sông Bơ Nông tăng cường thêm thì đổ vào sông lớn Mêkông. Làng lớn nói trên chính là Peley Krông, địa điểm cuối cùng của đồng bằng Rơ Ngao.

Thừa sai của Chúa phải luôn tin tưởng vào Người

Khi các thừa sai ngủ đêm tại làng Tơ Bầu, cha Bộ trải qua một cơn sốt nặng khiến cha không thể tham gia cuộc khảo sát tiếp theo với các bạn và cha đành phải nằm tại nhà anh Phi Ái (Piâi), người em của Phi Hùng. Chính ở đây cha Bộ đã trải qua một đêm chẳng bình an chút nào, khiến cha hết muốn ở lại lâu hơn nữa. Số là sau một ngày mệt mỏi và chán ngấy cơm cháo vì cơn sốt đã đến thăm viếng đêm hôm trước, cha Bộ nằm nghỉ trên một chiếc chiếu, cạnh bếp lửa. Gần bên là cái gùi cha thưòng mang theo, trong đó lần này chỉ có một quần, một áo, vài giây chuỗi hạt thủy tinh và ít đồng thiếc. Hai thứ vừa nói dùng làm tiền trao đổi gạo ăn hàng ngày. Lúc ấy có vài thanh niên và một người lớn tuổi ngồi chổm hổm bên bếp lửa hút thuốc và nói chuyện rì rầm. Cha Bộ nhắm mắt để dỗ giấc ngủ mà không sao ngủ được, nhưng bọn họ cứ tưởng cha đã ngủ nên nói với nhau bằng những lời sau đây mà cha hiểu được: "Có gì trong gùi hử? Nếu là vật quý giá thì chúng mình dễ dàng trừ khử người lạ này. Nó ngủ, nó không thấy chúng ta đâu. Ðể coi xem." Lập tức một thanh niên lén đến gần cha Bộ lấy cái gùi và lượm từng món đồ ra trước mặt cả bọn. Xem ra chúng không được hài lòng nên người đàn ông lớn tuổi nói: "Ðể tất cả vào gùi, không có gì đáng để làm hại một mạng người. Vả lại ai biết được người lạ này là người thế nào, có uy lực ra sao?" Thế là phán quyết tha bổng cho cha Bộ đã được tuyên bố! Hơi thở dồn dập của cha đã trở lại bình thường. Sáng ngày hôm sau, mặc dầu e ngại mẹ con nhà cọp hôm qua có thể trở lại và mặc dầu chưa chắc có ai chịu chèo sỏng ngược chiều cho mình, cha Bộ vẫn dứt khoát ra về. Và cha cám ơn Chúa đã cho cha về nhà bình an, tâm niệm rằng thừa sai của Chúa phải luôn tin cậy vào Người, bởi lẽ Chúa biết rõ số tóc trên đầu ta. Ngài sẽ không để một sợi nào rụng xuống mà Ngài không biết.

Chúa Giêsu huấn luyện nhóm đặc nhiệm

Câu chuyện vừa kể là một trang sử nhỏ của thời khởi công truyền giáo vùng Cao Nguyên nay là giáo phận Kontum. Câu chuyện ấy phần nào tương tự trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Chính Ðức Giêsu là Ðấng đứng ra thiết lập Nước Thiên Chúa nơi bản thân Người với những con người mỏng dòn mà Người huấn luyện nên nhóm đặc nhiệm của công trình. Ðó chính là công trình của lòng thương xót như Matthêu ghi nhận: "Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương" (14,14).

Vì thương nhân loại nên khi về trời Ðức Giêsu đã sai môn đệ đi đến với muôn dân và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (28,19). Người còn hứa với họ "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (c.20). Do đó mới có người môn đệ của Chúa tên là Têphanô Théodore Cuénot từ Pháp tới cống hiến 32 năm truyền giáo tại Việt Nam. Ðược phong Giám Mục 1835, Ðức Cha Thể rất ý thức mình là người thừa kế nhóm đặc nhiệm 12 Tông Ðồ của Chúa.

Chúa Giêsu, như Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy, luôn lợi dụng mọi cơ hội để huấn luyện các môn đệ. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều khiến năm ngàn người ăn no, chắc họ không ngớt lời ca ngợi thầy trò. Nhưng Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia (Mt 14,22). Rồi Người đi riêng lên núi cầu nguyện (c.23). Gương cầu nguyện của Thầy phải làm cho trò xét lại đời sống cầu nguyện của mình. Trong thực tế, các môn đệ tách rời khỏi Thầy sẽ thấy rõ bản thân mình là con người thế nào. Các ông thấy thuyền các ông giữa canh tư rồi mà chỉ như dậm chân tại chỗ trên biển hồ (c.24). Tệ hơn nữa, không cầu nguyện, các ông sẽ chẳng nhận ra Thầy mình. Ngược lại các ông còn trở nên nạn nhân của hoảng hốt và sợ hãi (c.26). Phêrô được Ðức Giêsu huấn luyện để bước ra khỏi tình trạng đáng thương đó bằng cách thưa chuyện với Thầy. Ông nhận được chỉ dẫn để cùng với các môn đệ khác nhận biết Thầy Giêsu là ai (c.33).

Chúa cũng ban ơn đặc biệt giúp Ðức Cha Thể lợi dụng mọi cơ hội để huấn luyện đoàn chiên. Họ được chỉ dẫn để sống và loan Tin Mừng trong hoàn cảnh cấm đạo khốc liệt nhất. Quả thật suốt 32 năm truyền giáo ở Việt Nam, không một ngày nào Ðức Cha Thể được bình an không bị cấm cách. Thế mà dưới thời ngài, đạo Chúa được loan truyền mãnh liệt. Ở vùng Cao Nguyên, ngài sai các thừa sai đến với những dân tộc thiểu số và luôn sắp đặt họ vào đúng vị trí và huấn luyện họ. Ở Việt Nam, giữa những cơn cấm đạo, các linh mục vẫn phải viết và nộp cho Ðức Cha bài về tín lý và luân lý mỗi kỳ tĩnh tâm năm. Với giáo dân, Ðức Cha Thể chủ trương "Phương pháp tốt nhất để đức tin của giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo". Cả với những tín hữu vì sợ hãi mà xuất giáo, ngài cũng sẵn lòng thay mặt Chúa tha thứ. Nhưng ngài xin họ nhận điều kiện là hứa giúp cho một lương dân theo đạo công giáo. Ngài thực sự làm cho các tín hữu ý thức Giáo Hội tự bản chất phải là Giáo Hội Truyền Giáo.


Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn nghĩ gì về cách Ðức Cha Thể lợi dụng mọi cơ hội để huấn luyện đoàn chiên biết sống và loan Tin Mừng? Bạn nghĩ phương pháp ấy ngày nay còn có giá trị nữa chăng? Bạn nghĩ ngày nay phải huấn luyện con em thế nào về tinh thần truyền giáo?

2. Nhưng bạn nghĩ chính Ðức Giêsu đã huấn luyện các môn đệ như thế nào theo bài Tin Mừng hôm nay? Bạn tâm đắc câu nào nhất: c.22? c.23? c. 24? C.25? c.26? c.27? c.28? c.30? c.31? c.33?

Linh Mục Augustine, SJ.