PDA

View Full Version : S - Suy niệm Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A



Dan Lee
08-11-2008, 12:14 PM
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHÚA

1V.19, 9.11-13; Rm.9, 1-5; Mt.14, 22-33

Cần nhau, tin vào nhau, yêu thương nhau, là những nét diễn tả tương quan giữa con người. Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài đi tìm con người, Ngài có những chương trình và sáng kiến tuyệt vời trong tương quan với con người.

1. Thiên Chúa đi tìm con người

Trong bài đọc sách Các Vua hôm nay, người ta nhận thấy Thiên Chúa muốn tỏ mình cho Elia. Ngài đã truyền cho Elia ra khỏi hang động nơi tiên tri đang trú ẩn và đứng chờ vì Thiên Chúa sắp ngang qua. Thiên Chúa không ở trong cơn giông, không ở trong cơn động đất, không ở trong ngọn lửa… Thiên Chúa không muốn đến với con người qua những gì làm con người sợ hãi.

Không phải Elia chủ động đi tìm Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa đã có ý muốn tỏ mình cho Elia. Thiên Chúa muốn có tương quan với con người. Khi Adam và Evà không tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, nên đã nghe lời ma quỷ bất tuân lệnh Thiên Chúa mà ăn trái cây Ngài cấm ở vườn Eden, thì chính Thiên Chúa đã chủ động đi tìm con người, gọi con người, bắt chuyện với con người. Khi con người không còn tin vào Thiên Chúa, muốn trốn Thiên Chúa, không muốn nói chuyện, không muốn có tương quan với Ngài nữa, thì Thiên Chúa vẫn muốn nối lại tương giao với con người bằng đối thoại. Mỗi người khi phạm tội là chối bỏ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục tác động nơi lòng mỗi người, làm mỗi người nhận ra lỗi lầm của mình, ăn năn sám hối để bắt đầu lại.

Thiên Chúa là nguồn bình an. Cơn giông, động đất, lửa, là những dấu chỉ Thiên Chúa sắp đi ngang qua, nhưng bình an nhẹ nhàng thanh thản là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hiện diện. Bình an là một dấu chỉ đặc biệt cho người ta thấy mình đi đúng đường, cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện cách đặc biệt với con người.

2. Khiêm tốn chấp nhận chương trình của Thiên Chúa

Thánh Phaolô có một tình yêu đặc biệt đối với đồng bào của ngài. Với Phaolô, Đức Yêsu là tất cả, và thánh nhân sẵn sàng đánh đổi tất cả để được Đức Yêsu. Khi Phaolô thấy dân Do Thái, đồng bào của ngài, không nhận biết Đức Yêsu thì ngài buồn biết bao. Nói theo ngôn ngữ con người, ngài sẵn sàng và ao ước các anh em của Ngài nhận biết Đức Yêsu, và nếu ngài bị những tai ương bất hạnh mà đổi lại các anh em Do Thái của ngài nhận biết Đức Yêsu, thì ngài sẵn sàng và muốn được điều đó.

Chắc chắn Thiên Chúa không yêu dân riêng của Ngài thua thánh Phaolô. Chắc chắn Thiên Chúa luôn làm điều tốt nhất cho dân riêng của Ngài. Thánh Phaolô cũng tin như vậy. Thánh Phaolô biết mình không hiểu chương trình của Thiên Chúa về dân riêng của ngài; và thánh nhân đã phải chấp nhận sự thực như nó đang là trong niềm phó thác vào Thiên Chúa: đa số người Do Thái không tin nhận Đức Yêsu.

Trên thế giới hiện tại có bao nhiêu người chưa tin nhận Đức Yêsu. Kitô-hữu phải tin rằng Thiên Chúa yêu thương họ, như Thiên Chúa vẫn yêu thương dân Do Thái. Kitô-hữu phải có thái độ đối với họ như thánh Phaolô có thái độ đối với đồng bào Do Thái của ngài. Yêu thương, tôn trọng dân Do Thái. Không than trách Thiên Chúa tại sao lại để chuyện đó xảy ra, nhưng khiêm tốn nhận biết rằng chương trình của Thiên Chúa thật cao sâu vô cùng mà mình không thể hiểu thấu được.

3. Đức tin được diễn tả qua cầu nguyện, phó thác và yêu thương

Đức Yêsu cầu nguyện với Thiên Chúa sau một ngày làm việc. Đức Yêsu, một người luôn kết hiệp với Thiên Chúa nhưng vẫn cần có thời gian đặc biệt để cầu nguyện. Nếu Đức Yêsu còn cần cầu nguyện, thì mỗi người chúng ta còn phải cần cầu nguyện hơn nữa. Cầu nguyện là ý thức Thiên Chúa đang hiện diện với mình và yêu thương mình. Cầu nguyện là nhìn lại tất cả những gì mình làm trong tương quan với Thiên Chúa. Cầu nguyện để mình là mình hơn, để mình tự do với bạc tiền danh vọng tình duyên, để mình bình an và hạnh phúc hơn.

Đức tin vào Thiên Chúa và thái độ phó thác tất cả cho Thiên Chúa phải đi với nhau. Phêrô đã có thể đi trên mặt nước; nhưng một khi thiếu tin tưởng vào Đức Yêsu và vào Thiên Chúa thì ông bị chìm. Cuộc sống như con thuyền trên bể đời, không thiếu những sóng gió như thể làm chìm thuyền đến nơi. Các tông đồ cũng đã thiếu tin tưởng trên hồ Galilê nên đã phải đánh thức Chúa dậy. Phêrô cũng đã xin Chúa cứu khi thấy mình hầu chìm. Đức tin rất quan trọng để có tương quan thân tình với Thiên Chúa và đứng vững trong mọi nghịch cảnh.

Không ai thấy Thiên Chúa bằng mắt trần, nhưng Thiên Chúa vẫn hiện diện đó. Với đức tin, người ta như thể thấy được Thiên Chúa là Đấng Vô Hình. Với niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu, người ta có thể chịu đựng và vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, để có thể bình an trong mọi hoàn cảnh. Cũng nhờ đức tin vào Thiên Chúa, con người có thể tin tưởng vào nhau; vì tin rằng con người luôn có thể được Thiên Chúa biến đổi. Chính nhờ tin vào Thiên Chúa, mà con người có thể tin tưởng và yêu thương nhau. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người liên hệ mật thiết với nhau. “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối; vì nếu anh em là những người hữu hình mà người đó không yêu thương thì làm sao người đó có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng vô hình được” (1Ga.4, 20).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có tin Thiên Chúa yêu thương bạn không? Đâu là bằng chứng?

2. Theo bạn, cầu nguyện thì được lợi ích gì?

3. Theo bạn, “Thiên Chúa cần con người” hay “con người cần Thiên Chúa” hơn?

Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J.