PDA

View Full Version : C - Cơn Khát Núi Sọ



Dan Lee
08-14-2008, 02:28 PM
Biệt Tặng Các Hồn Nhỏ

của Tình Yêu Nhân Hậu Chúa Giêsu
http://www.thoidiemmaria.net/THANHTHE/Con%20Khat%20Nui%20So/main_files/image002.jpg

CƠN KHÁT NÚI SỌ



Chỉ khi nào con người cảm nghiệm được

Lòng Thương Xót Chúa,

bấy giờ họ mới có thể thực sự hiệp thông với nhau.

Thánh nhân và tội nhân đều gặp nhau nơi

Lòng Thương Xót Chúa.

MỤC LỤC



Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ân Tình Thánh Tuyệt Vời


Xa Cha Phung Phá - Gần Cha Hoang Đàng……


Chúa Giêsu đã Viết Những Gì Trên Đất?


Giakêu, Người Thu Thuế lên Đền Thờ Cầu Nguyện


Satan và Ngụy Thần cũng Tin Có Thiên Chúa


Hai Lời Tuyên Tín với Đấng Tử Nạn Phục Sinh


Cho Đến Tận Cùng Yêu Thương…….


Cốt Lõi Yêu Thương - Tột Đỉnh Trọn Lành


Thiên Chúa Trừng Phạt là Người Cha Tội Nghiệp


Bàn Tay Kẻ Thù - Cỏ Lùng Trong Ruộng


Hỏa Ngục Chỉ Lượm Được Cặn Bã Thế Gian


Ánh Mắt Giêsu – Con Tim Maria


Đụn Cát Lún của Một Bãi Bùn Lầy


Ngươi Đang Ở Đâu?


Khiết Tâm Maria: Nơi Nương Náu - Đường Đến Chúa


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ân Tình Thánh Tuyệt Vời


Chương 1





Thánh Tâm Chúa Giêsu

Ân Tình Thánh Tuyệt Vời




Mỗi lần nghĩ đến Thánh Tâm Chúa Giêsu là tôi hết sức nghẹn ngào cảm động, đến nỗi, đúng như một câu đáp ca Thánh Vịnh đã diễn tả: “Lưỡi tôi dính vào cuống họng” (Ps 137:6). Bởi khi nghĩ đến Thánh Tâm Chúa tôi thường cảm nhận sâu xa những điều sau đây:



Thứ nhất, Thiên Chúa không phải chỉ là một Thần Linh Toàn Năng mà còn là một Người Cha Toàn Thiện nữa. Nếu trong thời Cựu Ước, Ngài đã tỏ ra Ngài là một Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất Toàn Năng thế nào thì trong thời Tân Ước Ngài cũng đã tỏ ra Ngài là vị Thiên Chúa Ba Ngôi Toàn Thiện như vậy. Ngài Toàn Thiện ở chỗ yêu thương con người. Ngài yêu thương con người ở chỗ muốn cho họ được Hiệp Thông Thần Linh với Ngài, được sống chính Sự Sống Thần Linh vô cùng trọn hảo và viên mãn của Ngài. Để con người được Hiệp Thông Thần Linh với Ngài, Ngài chẳng những đã tỏ mình ra cho họ qua Lời Nhập Thể là Con Một của Ngài, mà còn, ngay trong chính khi tỏ mình ra cho họ nơi Con Người Giêsu Kitô Thiên Sai của mình, Ngài đã ban Thánh Thần của Ngài cho họ nữa, để đúng như lời Chúa Giêsu đã mạc khải ở Lời Nguyện Hiến Tế kết Bữa Tiệc Ly “như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được hiệp nhất trong Chúng Ta” (Jn 17:21-22). Mối Hiệp Thông Thần Linh này đã được hiện thực một cách cụ thể ngay trên trần gian này nơi Bí Tích Thánh Thể, một Bảo Chứng Hiệp Thông Vĩnh Hằng.



Thứ Hai, Thiên Chúa Toàn Thiện chẳng những tỏ mình ra cho chung con người qua biến cố Lời Nhập Thể và Vượt Qua, cũng như ban Thánh Thần của Ngài cho chung Giáo Hội qua biến cố Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, mà còn tiếp tục tỏ mình ra với mỗi một con người, trong đó có tôi, như con chiên lạc thứ 100 của Ngài (x Lk 15:4), một ngôi vị con người đã được Ngài biết trước khi tôi xuất hiện trong lòng thai mẫu (x Jer 1:5). Nghĩa là Ngài tiếp tục tỏ mình ra và thông mình ra cho tôi, cho mỗi một người chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta được nhận biết Ngài hơn như Chúa Kitô nhận biết Ngài, cũng như được hiệp thông với Ngài hơn bằng Thánh Thần của Ngài. Đó là lý do tôi cảm thấy vô cùng xúc động và thấm thía khi đọc đến những lời mạc khải tư sau đây của Chúa Giêsu với nữ giáo dân Magarita trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu của Người. Vì tôi thấy những lời ấy chẳng những hợp với cảm nghiệm sống đạo thực tế của tôi mà còn hoàn toàn hợp với tinh thần Phúc Âm nữa.



Lời mạc khải tư thứ nhất về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Thời giờ con sống trong những khoái lạc hão huyền là thời giờ Cha đợi chờ con” (ngày 11-7-1967). Ôi, thật là chí lý. Thật là cảm kích. Trong khi tôi sống trong tội lỗi, đang tìm kiếm những sự giả trá mau qua một cách mù tối, thì Thiên Chúa là Cha tôi ở trên trời vẫn đợi chờ tôi. Đó là hình ảnh một vị Thiên Chúa Nhập Thể đang ngồi ở bờ giếng Giacóp vào buổi trưa nóng bức để chờ đợi và gặp cho bằng được người nữ Samaritanô ngoại lai tội lỗi sống với 6 người chồng, một con người cảm thấy mình tội lỗi chỉ dám ra giếng kín nước vào lúc vắng người nhất nhưng có ngờ đâu lại là lúc Thiên Chúa đang ngồi chờ gặp chị (x Jn 4:6-7).



Lời mạc khải tư thứ hai về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Trong con mắt của Cha, một tội nhân tìm kiếm Cha thì không còn là một tội nhân nữa, mà là một linh hồn bị thương đang trên đường tìm về Ánh Sáng và Chân Lý” (ngày 21-1-1969). Ôi, Cha trên trời luôn sẵn sàng tha thứ cho tội nhân chúng ta trước khi chúng ta ngỏ lời xin Ngài tha thứ nữa kìa. Bởi thế, điều Ngài làm đau lòng nhất và tội phạm đến Ngài nhất không phải là tội sát nhân, loạn luân, trộm cướp v.v. mà là thái độ không tin tưởng vào lòng thương xót vô cùng nhân hậu của Ngài, tức là tội phạm đến Thánh Linh, một tội không thể tha thứ cả ở đời này lẫn đời sau. Không phải hay sao, trong thời gian đứa con thứ đang phung phá gia tài ân sủng được Cha chia cho, thì Ngài chẳng những đợi chờ nó, mà còn trông ngóng nó về, đến nỗi, vừa trông thấy bóng nó xuất hiện từ đằng xa, nghĩa là nó chưa thấy Cha nó, thì chính ông đã tự động chạy lại với nó, đón nó, ôm choàng lấy nó mà hôn lấy hôn để rồi (x Lk 15:20). Chứ không cần phải đợi nó bước chân vào đến nhà và quì xuống van lạy ông mới tha cho nó, thậm chí bị ông chửi cho một trận rồi mới chịu tha, như thường xẩy ra nơi người cha trần gian hay sao?



Lời mạc khải tư thứ ba về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Một Thiên Chúa báo oán chỉ là một Người Cha tội nghiệp khi phải trừng phạt con cái mình để buộc chúng phải hồi tâm nghĩ lại” (ngày 19-12-1973). Ôi, tội nghiệp Cha tôi, vì mỗi khi con người tội lỗi gặp khổ đau là hậu quả xẩy ra cho họ bởi tội lỗi do chính họ gây ra, họ chẳng những không thức tỉnh mà còn lao đầu thêm vào tội lỗi, phạm thêm tội lỗi, ở chỗ than trách trời cao không có mắt. Tất cả mọi đau khổ trên đời này thật sự không phải trực tiếp từ Thiên Chúa mà đến. Thiên Chúa Toàn Thiện không bao giờ lại dựng lên sự dữ, như đau khổ và chết chóc. Thế nhưng, Ngài Toàn Thiện và Toàn Năng ở chỗ Ngài đã dùng chính những hậu quả bởi tội lỗi loài người này để cứu chuộc họ, để làm cho họ nhận biết bản thân yếu đuối của họ mà tin tưởng Ngài hơn. Đó là lý do, cho dù vô cùng toàn năng và khôn ngoan thượng trí, Ngài đã không dùng cách nào khác để cứu chuộc con người, ngoài Thập Giá Chúa Kitô. Đúng thế, nếu người đàn bà ngoại tình không bị Thiên Chúa công minh trừng phạt bằng sự kiện chị bị bắt quả tang đang làm việc tồi bại trước mắt thế gian và phản luật Moisen cũng là luật Chúa, thì chị đâu có dịp được trực diện với Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa là Tình Yêu ở giữa loài người, và nhờ đó, chị đã cảm nhận được Người xót thương nhân hậu là chừng nào để có thể nhận biết mình mà trở về với Người bằng cuộc sống tốt lành hơn (x Jn 8:3-4, 10-11).



Lời mạc khải thứ tư về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Trước khi Cha đến như một Vị Quan Án công minh, thì Cha đến như một Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thẳng, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận”.



Riêng lời mạc khải này, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Maria Faustina. Trong lễ phong thánh cho vị thánh nữ được Ngài gọi là vị thánh đầu tiên trong ngàn năm thứ ba này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trích ra một câu Chúa Giêsu nói với chị rằng: “Nhân loại sẽ không tìm thấy bình an cho tới khi nó tin tưởng vào lòng thương xót Chúa” (Nhật Ký, p. 132 – Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ phát hành ngày 3/5/2000, trang 1). Rất đặc biệt là câu được Đức Thánh Cha trích lại này lại sát liền với câu được trích dẫn trên đây (Divine Mercy in My Soul – Diary St. M. Faustina Kowalska, Marian Press 1987, Bản dịch Anh Ngữ trang 139: câu ĐTC trích ở đoạn 300, còn câu ở đây trích ở đoạn 301). Nếu Đức Thánh Cha là vị Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, tiêu biểu cho Đức Tin Công Giáo, đã tin vào lời mạc khải tư của Chúa Giêsu nói với chị Faustina thì câu được trích dẫn ở đây cũng là những điều chân thật, tức những điều chắc chắn sẽ xẩy ra đúng như Chúa Giêsu báo trước. Nghĩa là, trước khi Thiên Chúa tỏ đức công minh của Ngài ra thì Ngài tỏ lòng thương xót, để sau đó không ai còn oán than Ngài được nữa. Thế nhưng, Ngài đã tỏ lòng thương xót trước khi ra tay công thẳng như thế nào, nếu không phải, trước hết, nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.



Thật vậy, ngày 30/4/2000 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho chị nữ tu Faustina người Balan, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa. Và vào tháng sau đó, Giáo Hội đã chính thức thiết lập Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh là Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương, và Lễ Chúa Tình Thương này đã được Giáo Hội chính thức cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh Năm 2001. Chúa Giêsu, vào thời điểm giữa hai Thế Chiến I và II, thật sự đã yêu cầu chị thánh Faustina xin Giáo Hội cho thiết lập Lễ Kính Chúa Tình Thương này vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh. Vì bài Phúc Âm của Chúa Nhật này phản ảnh nội dung sứ điệp Người tỏ cho chị thánh biết và qua chị cho thế giới biết, đó là Thiên Chúa yêu thương con người tội lỗi và muốn họ hãy hoàn toàn tin tưởng vào Người. Đúng thế, hơn bao giờ hết, con người ngày nay càng văn minh vật chất càng băng hoại về luân lý và đạo đức. Tất cả những gì được Thiên Chúa thiết lập ngay từ ban đầu là hôn nhân nam nữ và sinh con đẻ cái, thì con người văn minh ngày nay chẳng những phá đổ bằng luật pháp cho phép ly dị và phá thai, mà còn thay thế vào đó, vào những gì được Thiên Chúa thiết lập ngay từ ban đầu ấy những thần tượng, những con bò vàng do họ đúc nên, như luật cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh sao bản phi tính dục cloning.



Bởi thế, Hãy Đến Với Cha:



1. Dù các con là người ngoại giáo mới thấy dấu hiệu của Cha như ba nhà đạo sĩ Đông phương khi Cha mới được sinh ra ngày xưa, chỉ cần các con nhận biết dấu chỉ thời đại của Cha và thật lòng tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ, là các con sẽ tìm thấy Cha là Đấng Tối Cao của các con (x Mt 2:1-2, 9-11).



2. Dù các con chỉ đang tò mò muốn nhín thấy Cha xem Cha như thế nào, như người trưởng ban thu thuế Giakêu lùn, thì dù con tội lỗi, miễn là các con đừng sợ ánh sáng và vẫn thiện tâm tìm kiếm chân lý là các con sẽ nghe thấy tiếng của Cha (x Jn 18:37) và sẽ được chân lý giải phóng (x Jn 8:32; Lk 19:9).



3. Dù các con chưa hề biết Cha là ai, như hai môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả (x Jn 1:37), nhưng miễn là khi được đánh động (x Jn 1:36), đã mau mắn theo đuổi Cha và thành tâm “đến mà xem” (Jn 1:39), thì các con sẽ trở thành chứng nhân cho Cha: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô” (Jn 1:41).



4. Dù các con, sau khi đã ngờ ngợ nhận ra Cha (x Jn 1:3), tuy vẫn còn nhát sợ thế gian, song lại tìm cách lén lút đến gặp Cha trong đêm tối cho bằng được, như trường hợp Nicôđêmô thuộc Hội Đồng Do Thái (x Jn 3:1-2), các con cũng sẽ gặp được Cha, vì Cha là “ánh sáng thế gian, ai theo Cha sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ được ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).



5. Dù các con đang sống trong vũng bùn lầy đầy tội lỗi xấu xa nhơ nhớp, như người phụ nữ Samaritanô đang sống với người chồng thứ sáu của chị (x Jn 4:16-18), các con vẫn có thể gặp được Cha, vì chính Cha chẳng những không tránh né các con, trái lại, Cha luôn tìm cách để chặn đầu các con (x Jn 4:4-9), làm cho các con nhận ra chân lý là Cha và từ đó các con thấy được chính bản thân hèn yếu lỗi lầm của các con (x Jn 4:15-20, 39).



6. Dù các con bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, như người phụ nữ bị nhóm người Pharisiêu và luật sĩ dẫn đến với Cha trước khi bị ném đá chết theo luậỉt Moisen (x Jn 8:3-4), thì các con hãy nhớ rằng, chính vì tội lỗi của các con mà các con lại gặp được Cha, Đấng đến không phải để luận phạt (x Jn 3:17) mà là để cứu vớt những gì đã hư trầm (x Lk 19:10), bằng việc cứu chuộc và tha thứ tội lỗi cho các con: nếu loài người các con còn biết thứ tha cho nhau thì chẳng lẽ Cha lại hẹp hòi hơn họ hay sao (x Jn 8:11)!?!



7. Dù các con tội lỗi có tiếng trong thành đi nữa (x Lk 7:37), nhưng nếu các con nhận ra ánh sáng liền đến với ánh sáng chứ không sợ ánh sáng (x Jn 3:19-21), được tỏ ra bằng tất cả tấm lòng thống hối ăn năn đầy tình mến yêu Cha (x Lk 7:38, 44-46), thì dù tội lỗi của các con có nhiều đến đâu và nặng đến đâu, cũng được hoàn toàn thứ tha, vì yêu nhiều được tha nhiều (x Lk 7:47).



Hãy Đến Với Cha:



8. Vì Cha lúc nào Cha cũng dong duổi tìm kiếm các con, từ trời xuống để tìm kiếm các con, như tìm cho bằng được một đồng bạc bị thất lạc, cho đến khi tìm thấy các con đang lạc bước trên các nẻo đường đời đầy cạm bẫy và vui mừng vác lên vai từng con chiên lạc trở về đàn (x Lk 15:8-9,4-6).



9. Vì Cha hằng trông ngóng các con trở về, những đứa con đã được Cha ban gia tài Thánh Sủng cho qua Bí Tích Rửa Tội, nhưng đã phung phá gia tài Thần Linh vô cùng cao quí này bằng cuộc đời buông tuồng tội lỗi của mình, Cha sẽ chẳng những trả lại cho các con tất cả những gì các con đã đánh mất, nơi Bí Tích Hòa Giải, mà còn cho các con lại được ngồi vào hoan hưởng Bàn Tiệc Thánh Thể vô cùng thịnh soạn xứng hợp với thân phận làm con cái của Cha (x Lk 15:11-24).



10. Vì Cha nhất định sẽ minh oan cho các con (x Lk 18:7-8), khi các con bị thế gian hiểu lầm, đối xử bất công, chống đối, khinh bỉ, bắt bớ, thậm chí sát hại, vì danh Thày (x Jn 15:18-21), bằng cách Cha sẽ biến đổi nỗi buồn đau của các con ấy thành niềm vui chứa chan, để, như người đàn bà vui mừng quên hết đớn đau khi đưa con vào đời (x Jn 16:20-22), các con cũng vui vì được chịu khổ vì Cha như thế (x Acts 5:41).



11. Vì Cha đang ngủ trên khoang thuyền (x Mk 4:37-38) tâm hồn của các con, dù con thuyền cuộc đời của các con có nghêng ngả gần chìm trước giông ba bão tố thử thách nổi lên, bởi những chước cám dỗ của quỉ ma, những lôi cuốn chiều chuộng của thế gian, cùng với những đòi hỏi thấp hèn của đam mê nhục dục nơi bản thân con người, nó cũng không thể chìm được, không thể nhận chìm Đấng “là sự sống lại và là sự sống” (Jn 11:25) trong các con.



12. Vì Cha đang đồng hành với các con, như với hai môn đệ đi về làng Emmau ngày xưa vào ngày thứ nhất trong tuần khi Cha sống lại từ trong cõi chết (x Lk 24:15), để soi sáng và hâm nóng tâm trí các con, bằng việc tỏ mình ra cho các con, vào chính lúc cây đèn đức tin của các con đã cạn dầu đức cậy và hầu như lịm tắt lửa đức mến.



13. Vì Cha đang ở ngay bên các con, như ở ngay trước mắt Mai Đệ Liên đang khóc lóc tìm xác Cha quanh mộ của Cha nhưng không nhận ra Cha, dù nhìn thấy Cha, Đấng sẽ đáp lại tấm lòng thiết tha gắn bó của các con bằng việc gọi đích danh các con của Cha (x Jn 20:14-16), cho các con thấy rằng Cha biết các con hơn là các con biết Cha, và các con chỉ nhận ra Cha khi Cha tỏ mình ra cho các con mà thôi.



14. Vì Cha muốn sống thân tình với các con, muốn sống trong các con, hơn là muốn các con chỉ chuyên tâm phục vụ Cha như Matta ở Bêtania, một con người lo lắng nhiều chuyện cho Cha song lại thiếu vắng Cha, đến nỗi, không có Cha, cô chẳng những đã tỏ ra ghen tị với em cô mà còn trách móc cả Cha (x Lk 10:40-41), trái lại, nếu các con ở trong Cha, như cành nho dính liền với thân nho, các con sẽ sinh muôn vàn hoa trái (x Jn 15:4-5).



15. Vì Cha muốn trẻ nhỏ đến cùng Cha, không cho ai ngăn cản chúng (x Mt 19:13-14), thành phần nhỏ bé đến nỗi không tự đến cùng Cha được, cần phải được Mẹ Maria mang đến cho Cha, nhưng lại là thành phần chiếm được Nước Trời và trở nên cao trọng nhất trên Nước Trời, ở chỗ chúng được Cha trên trời tỏ cho biết mầu nhiệm Nước Trời, mầu nhiệm Ngài giấu không cho thành phần khôn ngoan thông thái thế gian biết (x Lk 10:21).


Chương 2

Xa cha phung phá

Gần cha hoang đàng



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (15:1-3, 11-32)

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông nầy đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con.

Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xưœ với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó.

Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xoœ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”.

Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hoœi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoœe”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhoœ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.





Thật vậy, nếu người con phung phá không tin tưởng vào người cha từ bi nhân hậu của mình, trái lại, biết chắc chắn rằng người cha sẽ giết chết mình khi vừa thấy mình, hoặc bỏ thương vương tội nhưng vẫn đối xử tàn tệ với mình cho bõ ghét, hay để mặc cho người anh, thậm chí cả kẻ ăn người ở trong nhà tha hồ mà nhục mạ chửi rủa mình, thử hỏi người con phung phá có dám mò về với cha hay chăng, hay thà chết cũng không bao giờ chịu trở về với cha.



Trong dụ ngôn này chúng ta thấy có nhiều màn xẩy ra cho người con phung phá, thứ tự như sau:



1. Người con xin cha chia phần gia tài của mình cho.



2. Sau đó người con này đã đem gia tài của cha và được cha chia cho đi phung phí vào những đam mê trụy lạc của mình.



3. Hậu quả của cuộc đời phung phá là người con phải trải qua một cảnh bần cùng khốn khổ hết sức nhục nhã và chán chường.



4. Thế nhưng, chính trong cơn hoạn nạn khốn khó ấy người con mới tỉnh ngộ và đã nghĩ về cha, để rồi quyết định trở về với cha.



5. Người con hoang đường chẳng những được cha thứ tha mà còn được cha vừa mở tiệc ăn mừng vừa phục hồi lại cho tất cả những gì quí giá người con đã làm mất đi trong quãng đời phung phá quá khứ của mình.



Thật vậy, qua dụ ngôn này chúng ta mới thấy rằng chỉ có duy một mình Thiên Chúa mới quả thực là người cha đích thật, mới xứng đáng mang danh làm cha và được gọi là “cha”. Bởi vì, Ngài vô cùng nhân hậu và xót thương, thông cảm với đứa con yếu đuối và lầm lạc, chẳng những không chấp nhất nó, trừng phạt lỗi lầm của nó, mà còn hết sức nhẫn nại, ngong ngóng trông đợi nó hồi tâm nghĩ lại mà trở về với mình, để rồi khi vừa thấy nó tỏ ý muốn và dứt khoát trở về liên tự động nhào tới đón nhận nó, chứ không cần đợi nó phải mở miệng xin lỗi trước rồi mới tha sau, như thể muốn giải hòa với nó trước (x Mt 5:23-24), thậm chí đã tự động bù đắp lại cho nó những gì nó đã đem phung phá, nhất là còn mở tiệc linh đình mừng nó trở về, như thể nó đã lập được một thành tích lớn cho cha, một hành động làm cho người con cả tức điên lên, hận đến nỗi không chịu bước vào nhà, làm cho người cha phải khuyên giải mới nguôi ngoai.



Một dụ ngôn ba bí tích


Phân tích dụ ngôn này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã ngấm ngầm tỏ cho các môn đệ biết Ngài có ý định lập 3 bí tích cho Giáo Hội, đó là bí tích rửa tội, bí tích giải tội và bí tích Thánh Thể.



Bí tích rửa tội trong dụ ngôn này được thể hiện nơi việc người con xin chia gia tài, thái độ của con người muốn lãnh nhận phép rửa, muốn được phần gia tài sự sống thần linh, và người cha đã theo ý nó chia phần gia tài thuộc về nó cho nó, như Cha trên trời đã thông ban sự sống thần linh của Ngài, bằng Ơn Thánh Sủng cùng với các thần đức Tin Cậy Mến cho con người khi họ lãnh nhận phép rửa.



Bí tích giải tội trong dụ ngôn này được thể hiện ở chỗ người con phung phá xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội. Nó chẳng xét mình là gì khi nghĩ lại thân phận của mình trong lúc cùng cực nhất cuộc đời? Nó chẳng dốc lòng chừa là gì khi cương quyết chỗi dậy trở về cùng cha, không phải chỉ vì để tránh khỏi cảnh cùng khốn của mình, một tình trạng dù sao cũng tạo điều kiện để nó nghĩ lại, cho bằng vì thấy mình sống bất xứng với thân phận làm con, tức làm nhục cho cha, làm ô danh cha, “không xứng đáng làm con cha”? Nó đã chẳng xưng tội khi xót xa thống hối mà thưa cùng cha “con đã xúc phạm đến trời và đến cha”? Nó đã chẳng đền tội là gì khi bị anh nó căm giận thù ghét, hậu quả không phải chỉ ở việc nó bỏ nhà ra đi phung phá gia tài của cha mà còn được cha nồng hậu tiếp nhận khi nó trở về nữa?



Bí tích Thánh Thể trong dụ ngôn này được thể hiện qua việc người cha mở tiệc linh đình để ăn mừng người con “như chết mà sống lại”. Thật vậy, người cha không ăn mừng rồi mới trang sức lại cho người con phung phá, trái lại, như bí tích giải tội trả về cho con người đã chết bởi trọng tội chẳng những Thánh Sủng họ đã đánh mất mà còn tất cả mọi công nghiệp họ lập được nhờ các thần đức là khả năng thần linh của họ, người cha cũng đã tái trang sức cho nó những gì xứng với phẩm vị của nó là một người con trong nhà, để nó có đủ tư cách tiếp tục ngồi vào bàn của cha và với cha, bàn tiệc Thánh Thể Lời Nhập Thể, bàn tiệc Sự Sống Thần Linh, “sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10) là chính mạng sống của vị mục tử nhân lành đi tìm từng con chiên lạc (x Jn 10:10; Lk 15:4).



Một Mái Nhà Hai Cuộc Sống


Bài dụ ngôn trong Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc vào Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay Năm C này còn cho thấy một điểm rất đặc biệt nữa, đó là sự kiện người con ở gần cha nhất lại là người con hoang đàng, còn người con phung phá lại là người con gần cha hơn hết. Không phải hay sao, người con phung phá đã luôn ở gần cha, ở chỗ tin tưởng vào tình yêu nhân hậu của cha và đã trở về với cha, để từ tình trạng chết đi mà được sống lại, tình trạng mất hết mọi sự không còn gì mà lại được tất cả mọi sự. Trái lại, người con cả gần cha, không lúc nào rời xa cha, bao giờ cũng làm theo ý muốn của cha, lại không hề hiểu cha, cho rằng của cha khác với của mình, chứ không phải “mọi sự của cha là của con”, bởi đó mới có thái độ tranh chấp, mới thành đứa con hoang đàng, cách biệt cha.



Đó là lý do chúng ta đừng khinh thường thành phần chúng ta cho là “tội nhân” đáng thương. Chẳng biết họ đáng thương hay chúng ta đáng thương, nếu chúng ta tự phụ cho mình là đạo đức tốt lành, đọc kinh hằng ngày, đi lễ hằng tuần, xưng tội hằng tháng, mà lại hay phán xét người khác và khinh thường những người anh chị em “phung phá” của mình. Họ quả thực đã có lúc là đứa con nói với cha “con không đi” làm vườn nho cho cha, nhưng sau đó lại đi, như một Mathêu (x Mt 9:9-13), Giakêu (x Lk 19:1-10), Mai Đệ Liên (x Lk 7:36-50, 8:2), thành phần tiêu biểu cho tội nhân có những hành động gian tham của cải trần gian như bọn thu thuế và/hay có những xu hướng đam mê xác thịt như đám gái điếm bán thân phụng sự các thứ ngẫu tượng hay thần tượng (x. Mt 21:31), hay như người đàn bà Samaritanô (x Jn 4:19,28-30), thành phần tiêu biểu cho dân ngoại ô uế trước con mắt dân Do Thái, còn chúng ta, như nhóm luật sĩ và Pharisiêu trong dân Do Thái xưa, lúc này có vẻ như đang sẵn sàng đi làm theo ý cha của mình đấy, nhưng thực ra chẳng làm gì cả, thậm chí còn làm trái với ý cha của mình nữa mà không biết là đàng khác (x Mt 21:28-32).



Ở đây chúng ta cũng nên lưu ý một điều hết sức quan trọng nữa là tình thương của Thiên Chúa được phát xuất bởi tình yêu vô cùng trọn lành, một tình thương là tất cả dung nhan của một Vị Thiên Chúa vô cùng toàn hảo trọn lành, do đó, không phải là một thứ thương hại, làm giảm giá trị của đối tượng được thương và cần thương, mà là tôn trọng ngôi vị của họ, phục hồi phẩm giá cho họ và thăng hóa đời sống của họ. Đó là ý tưởng đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong Thông Điệp “Giầu Lòng Thương Xót” Dives in Mesericordia của Ngài, ở đoạn 5 và nhất là đoạn 6, ban hành ngày 13/11/1980, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng.



Có lẽ con người đầy quyền lực về khoa học và kỹ thuật ngày nay nhưng lại quá yếu đuối về tâm lý và bại hoại về luân lý cần đến lòng thương xót Chúa hơn bao giờ hết. Dường như con người càng bại hoại, càng làm méo mó hình ảnh thần linh vô cùng cao cả của mình, qua những trào lưu công khai sống đồng tính luyến ái và đồng tính lấy nhau, qua những thứ kỹ thuật tạo sinh sao bản con người, qua những hành động phá thai và khủng bố coi sự sống vô giá như đồ bỏ của nền văn hóa sự chết từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, thì dung nhan vô cùng yêu thương nhân hậu của “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) càng tỏ hiện. Đó là lý do, ngay từ đầu thế kỷ 20, vào chính thời điểm của Thế Chiến Thứ I, Mẹ Maria đã bảo 3 Thiếu Nhi Fatima, sau khi đã tiết lộ cho các em Bí Mật Fatima, với phần thứ nhất là thị kiến hỏa ngục, là sau mỗi chục Kinh Kính Mừng, hãy đọc thêm lời “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”. Ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, Mẹ Maria đã cho 3 Thiếu Nhi Fatima được thị kiến thấy hỏa ngục và dậy các em Lời Nguyện Fatima này là để làm gì, nếu không phải để nhắc nhở và cảnh báo con người nói chung và thành phần môn đệ Chúa Kitô nói riêng về những gì Chúa Giêsu đã kết thúc dụ ngôn phán xét chung: “Hỡi đồ bị kết án các ngươi, hãy xéo đi cho khỏi nhan của Ta mà vào lửa đời đời đã giành sẵn cho ma qủi cùng các thần của hắn” (Mt 25:41).



Từ đầu thế kỷ 19, mở màn cho Thời Điểm Maria của mình, Mẹ Maria đã “tiến lên như Rạng Đông” ở Biến Cố Thánh Mẫu Paris năm 1830, nơi Mẹ bảo làm một mẫu ảnh Mẹ Ban Ơn đứng trên quả cầu và đạp đầu rắn quỉ; “đẹp như mặt trăng” ở Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức 1858, nơi Mẹ xưng mình “Vô Nhiễm Thai” và là nơi duy nhất Mẹ mỉm cười trong tất cả các nơi Mẹ hiện ra; “rực rỡ như mặt trời” ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nơi Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi” và là nơi xẩy ra phép lạ cả thể mặt trời nhẩy múa trên không trung; và “oai hùng như đạo binh dàn trận”, qua phong trào Tượng Mẹ Thánh Du Quốc Tế đi khắp nơi trên thế giới, nhất là qua Biến Cố Đông Âu sụp đổ cuối năm 1989, cũng như qua biến cố Liên Sô Nga Cộng giải thể vào Giáng Sinh năm 1991. Mẹ đến để đem con người về với Chúa là Cha trên trời. Bởi vì, bỏ Cha mà đi, cho rằng Thiên Chúa đã chết, để sống một sống vô thần duy vật, con người đã và đang trở thành những tên làm nô lệ cho nhục dục, thưởng thức cả những thứ đớn hèn của loài heo mà cũng không thỏa. Chỉ có trở về với Cha, sống xứng với vai trò và thân phận làm con Thiên Chúa của mình, xứng với bản chất là hình ảnh thần linh của mình, con người mới được hoàn toàn tự do, với tư cách là chủ nhân ông của mình, như trường hợp sau khi trở về của người con phung phá.



Như thế, trong Thời Điểm Maria, thời điểm được Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) gọi là “vào những thời gian sau này”, tức sau thời của ngài là đầu thế kỷ 18, và đã suy diễn trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (khoản 49 và 50.4) về vấn đề hai lần đến của Chúa Kitô, có thể gọi là Mùa Vọng Cánh Chung, Mẹ Maria đã đến để dẫn con người phung phá, con người văn minh hầu như tuyệt đỉnh về vật chất và nhân bản, nhưng đang phá sản văn hóa và khủng hoảng đức tin, về nhà Cha, về với dự án nguyên thủy của Thiên Chúa giành cho họ, đó là dự án con người “làm chủ trái đất” (Gen 1:28), với tư cách là con Thiên Chúa.



Dung Nhan Đích Thực của Thiên Chúa là Tình Yêu


Trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi cho các Hồn Nhỏ, qua nữ thư ký Magarita người Bỉ của mình, Chúa Giêsu đã nói những lời rất phản ảnh nội dung của bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C tuần này, đúng hơn phản ảnh tình yêu nhân hậu của người cha đối với cả người con phung phá trở về lẫn người con hoang đàng không muốn vào nhà. Đọc dụ ngôn của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này và đọc những lời Chúa Giêsu lập lại tình yêu nhân hậu của Người với con người thời đại ngày nay, chúng ta thấy rằng con người không thể nào hư đi được, trừ phi họ không chấp nhận tình thương của Ngài, tức xúc phạm đến chính bản tính trọn lành của Ngài, xúc phạm đến Thánh Linh, một tội không thể tha thứ được cả đời này lẫn đời sau (x Mt 12:32).



“Nếu con cảm thấy mình yếu đuối và bất lực, chính là vì Cha đã mặc cho con đức khiêm hạ của một vị Thiên Chúa bị đóng đanh” (18/12/1967)



“Hãy dâng cho Cha nhân tính của con. Cha lại đã chẳng mặc lấy nó khi vì yêu thương mà làm người hay sao? Cha sẽ mặc cho con thần tính của Cha để con yêu mến Cha bằng tình yêu của các thần trời” (10/4/1967)



“Cha không phải là một Thiên Chúa kềm kẹp con, mà là một Thiên Chúa làm cho con hoàn toàn phát triển theo ánh sáng của lòng con ưng thuận trước những ơn soi động của Cha. Ngay cả khi Cha muốn con nên trọn lành, trong khi đó tình yêu của con vẫn cứ bất toàn, thì hỡi con nhỏ của Cha, Cha lại đã chẳng mặc lấy nhân tính của con làm như của Cha hay sao?... Ngày gặp đêm rồi mất hút trong đêm thế nào. Cũng vậy, từ ánh sáng mà ra, linh hồn đi sâu vào tăm tối. Thế nhưng, ân sủng phát sinh một ngày mới còn tươi sáng hơn cả ngày trước đó, vì nó giải cứu linh hồn khỏi bóng đêm phong tỏa linh hồn” (19/8/1967).



Qua dụ ngôn người con phung phá và người cha nhân lành này, cũng như qua những lời mạc khải tư hiện đại rất hợp với mạc khải Phúc Âm vừa được trích dẫn, tôi cảm nghiệm được những điều sau đây:



1) Tột đỉnh của tình yêu chính là tình thương, vì yêu mà không thương sẽ đi đến chỗ vị kỷ và chia rẽ (kỳ thị hay ly dị) một khi đối tượng được yêu không còn hợp với mình nữa, trái lại tình thương sẽ biến chủ thể yêu trở thành đáng thương hơn đối tượng được thương, tới nỗi, làm cho chủ thể yêu hoàn toàn hiệp thông với đối tượng yêu.



2) Nếu tình thương là chân dung đích thực của tình yêu như thế thì tình thương không phải là những gì hạ giá đối tượng được thương mà còn thăng hóa đối tượng thương đến độ thậm chí đối tượng được thương còn trở thành cao quí hơn cả chủ thể thương, một chủ thể hiến mạng sống mình cho đối tượng được thương.



3) Trong Cựu Ước, vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân Do Thái biết rằng Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, cũng được Ngài chứng thực chân lý cứu độ bằng tình thương bao la vô đối của Ngài, một tình thương thể hiện qua việc Ngài trung thành cho đến cùng những gì Ngài đã tự hứa với tổ phụ của dân tộc này, dù dân tộc này liên lỉ bất trung với Ngài. Như thế, tình thương không phải là dung nhan đích thực của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất hay sao.



4) Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã hoàn toàn tỏ hiện dung nhan đích thực của mình ra trên thế gian này qua Lời Nhập Thể Tử Giá, và chỉ nhìn lên Dung Nhan Thần Linh không còn hình tượng con người này loài người tội nhân mới được cứu độ (x Jn 3:14), mới được hiệp thông với Đấng đã yêu thương họ đến ban Con Một mình, Đấng yêu thương con người khi họ còn là thành phần tội nhân đáng phạt, thậm chí Ngài đã yêu thương con người tội nhân đáng phạt này đến phó nạp Con mình (x Rm 5:8;8:32).



5) Đó là lý do tội phạm đến Thiên Chúa nhất đó là tội không tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài, một tội không thể thứ tha (x Mt 12:32) và là một tội xúc phạm đến Thiên Chúa nhất, chẳng khác gì như lưỡi đòng đâm thâu qua cạnh sườn vị Thiên Chúa làm người đã tử giá mà vẫn còn những con người tự do không chấp nhận tình thương của Thiên Chúa, tức không nhìn nhận chân dung của Ngài, hay không chấp nhận Chúa Giêsu Kitô cũng vậy.



6) Nếu Thiên Chúa chân thật duy nhất là Vị Thiên Chúa cứu độ (x Lk 1:47), Vị Thiên Chúa của lòng xót thương (x Lk 1:54-55), Vị Thiên Chúa đã thực sự và hoàn toàn tỏ chân dung của Ngài ra nơi Lời Nhập Thể Tử Giá, và nếu "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Jn 17:3), thì sự chết đời đời là ở chỗ không tin vào một Vị Thần Linh có thể yêu thương con người, đến chẳng những hóa thân làm người như họ mà còn hiến mạng sống mình cho họ.



7) Linh đạo chính yếu của Kitô hữu là ở chỗ yêu thương hơn là lễ vật và việc lành: "Khi các con đến bàn thờ dâng của lễ mà chợt nhớ rằng anh em có điều gì với các con thì các con hãy bỏ của lễ đó mà về làm hòa cùng anh em các con trước đã rồi hãy đến dâng lễ vật" (Mt 5:23-24); "các người hãy đi học cho hiểu ý nghĩa của điều này là Ta mong muốn lòng xót thương chứ không phải hy tế" (Mt 9:13). Đứa con cả luôn ở gần cha, luôn làm việc cho cha và giữ tất cả những gì cha muốn, nhưng chỉ vì không có lòng thương xót như cha, nên vẫn không hiệp thông với cha, vẫn là một đứa con hoang đàng, còn đáng thương hơn cả đứa em phung phá nhưng lại biết tin vào lòng thương xót của cha và trở về với cha vậy!








Chén Đắng Vườn Nhiệt

(tiếp trang 4)



“Tất cả mọi vinh quang trần thế cũng không thể nào bù lại được một độ nhỏ của vinh quang thiên đình. Một đàng là cái trống không chẳng có gì cả. Một đàng lại là sự phong phú của các việc thiện chiếm được nhờ một đời sống quảng đại và nguyện cầu. Một đàng là niềm ủi an khi giáp mặt với cái chết. Một đàng là nỗi tuyệt vọng vô danh khi đối diện với thực tại không thể tránh.



“Như thế đó, hỡi con cái đáng thưông của Cha, các con hãy chọn lựa đi. Dư dật ở thế giới đầy châu lệ này rồi đời đời bần cùng, hay yêu mến Thiên Chúa hằng sống ở thế gian này rồi vinh quang chiếm được Người trên Thiên Đàng.



“Vì Cha nói thật cho các con hay, ai tìm kiếm thì sẽ gặp được. Và người gặp được là gặp được điều họ đã kiếm tìm. Các con há không thể mong muốn ôm lấy mọi thánh giá cách sốt sắng để an tồn đạt đến cùng đích mà Cha đã hứa ban cho các con theo lòng trung thành của các con ư?



“Biết được điều phải biết, các con lại còn có thể gắn bó vô độ với những cái tầm phào và vô ích, những vật vô hồn, song là những thứ ve vãn tinh thần tư hữu trong các con sao?



“Cha hỏi các con nhé, sự xa hoa mà các con vui thú ấy có ích gì không? Nó có thể làm cho các con chiếm lấy một độ nhỏ tình yêu thần linh chăng? Ngược lại, nó lại không đưa các con ra xa hôn cái phải là và đáng lẽ phải là. Cha có tạo dựng các con nên cho nó không? Và nếu các con đi quá xa khỏi lý do hiện hữu của các con, thì làm sao các con có thể tiến đến với Đấng mà một ngày kia sẽ phán xét các con về tình yêu hay thù ghét của các con đối với Người? Về lòng khinh thò mà các con tỏ ra đối với những giáo huấn của Người?



“Các con hãy lắng nghe tiếng gọi đau thưông của Thiên Chúa các con. Vẫn còn thời gian. Hãy đến với Cha. Hãy nhận biết nôi Cha Đấng duy nhất có thể cứu vớt các con và ban cho các con hạnh phúc mà các con hào hứng kiếm tìm vẫn không gặp được.



“Với Cha, tất cả đều mỹ miều, tinh tuyền và cao qúi. Và Cha đã tạo dựng các con theo hình ảnh của Cha. Đó là lý do ngoài Cha ra các con không thể nào có được hạnh phúc”.




Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu của Chúa Giêsu

gửi Các Hồn Nhỏ

qua nữ sứ giả giáo dân người Bỉ biệt danh Magarita

ngày 23-6-1967


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL