PDA

View Full Version : OÔ - ''Ôi Trời Ơi...''



Dan Lee
08-21-2008, 07:09 AM
“ÔI TRỜI ƠI…”

“Tư tưởng của Ta, không phải là tư tưởng của các ngươi, Đường lối của Ta, không phải là đường lối của các ngươi, Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối và ý nghĩ của ta cũng vươt xa đường lối và ý nghĩ của các ngươi như vậy!” (Isaia 55:8-10)

Hằng ngày, qua các tin tức và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể thấy bao nhiêu con người khổ đau trên thế giới vì chiến tranh, vì các tai nạn lưu thông, vì các biến cố thiên nhiên như động đất, bão tố, lụt lội… Chúng ta nhìn thấy những con người quá đau khổ đã vật vã, vò đầu, bứt tóc để than khóc trông thật thảm thương, và kêu la: ‘Ôi Trời ơi là Trời… Trời ở đâu để tôi khổ như thế này ! Tôi tội tình gì mà trời hành hạ tôi như thế này…’.

Nhiều người Việt Nam chúng ta đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh tại Việt Nam, từ miền Bắc vào đến miền Nam, và chúng ta đã chứng kiến bao cảnh đau khổ của bao người chung quanh. Những tai nạn đó thường xãy ra cho những người, những gia đình ‘hiền lành, đạo đức, lương thiện’. Một gia đình tôi quen biết ở ngoài Bắc, gia đình thật tốt lành, làm ăn lương thiện và rất thuận hòa, kể như ‘Ngũ đại đồng đường’… thế nhưng một ngày kia, đạn đại bác đã bắn vào làng và giết hại ngay người con cả, bốn đứa cháu nội, một người con dâu bị đứt lìa một cánh tay phải chịu tật nguyền suốt đời, nhà cửa cháy bình địa.

Một gia đình khác ở vùng ngoại ô Sàigòn, tuy nghèo khổ, nhưng rất đạo đức, sống hiền lành và hòa thuận với mọi người trong khu xóm. Ông bà chỉ có hai người con trai lớn và một cô con gái. Hai ông bà suốt ngày đi làm ăn vất vả để nuôi sống gia đình. Nhưng dù bận rộn mấy mặc lòng, ông bà vẫn dậy sớm để đi dâng Thánh lễ hàng ngày. Hai người con trai khi lớn lên và học hết trung học, đã vào quân đội để phục vụ cho tổ quốc. Gia đình đang sống trong niềm vui vì con cái lớn lên đã thành đạt và sống đàng hoàng tử tế. Nhưng người anh cả đã hy sinh trong biến cố Mậu Thân. Người em đang ở mặt trận, được nghỉ phép để về đưa đám tang người anh; sau đó trở về đơn vị. Chỉ nữa tháng sau, chính người em này cũng bị tử trận trên chiến trường. Chúng ta có thể tưởng tượng ông bà đau khổ đến chừng nào.

Ngày nay nhìn lại những thảm cảnh trong biến cố Tết Mậu Thân ở Huế, chẳng hạn, chúng ta thấy con người quá đau khổ như ‘mất hồn’, vật vã khóc than, lăn lộn trên mặt đất, trên bùn lầy… như không thiết gì sống nữa.

Ngay tại đất nước văn minh Hoa Kỳ này, hàng ngày cũng có bao cảnh đau khổ xảy ra vì những tai nạn thiên nhiên, vì tai nạn giao thông… Nguyên tai nạn giao thông trên đất nước Hoa Kỳ một năm trung bình giết hại vào khoảng 58 ngàn người, để lại bao cảnh tang tóc đau thương. Mới đây nhất (gần nữa đêm ngày 07/08/2008) là cảnh tượng khủng khiếp của « chuyến xe định mệnh » mà chúng ta đều đã biết. Một tai nạn xe hơi khủng khiếp có tính cách quốc gia mà các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới đều đã loan báo. Tai nạn khủng khiếp của chuyến xe chở 55 người, đã cướp đi sinh mạng 18 người, và những người khác bị thương tật nặng nhẹ. Có thể sẽ còn những người qua đời nữa, hoặc bị tàn tật suốt đời. Họ là ai ? Là những người đạo đức đi hành hương ngày Đại Hội Kính Đức Maria. Họ là những người tốt lành, đạo đức, hàng tuần vẫn họp nhau cầu nguyện chung trong Hội đoàn « Đạo Binh Đức Mẹ », hàng tuần vẫn hy sinh thời giờ họp mặt rồi đi thăm viếng và an ủi các người già nua tuổi tác, các bịnh nhân, các gia đình gặp hoạn nạn… Vậy mà tai nạn thảm thương đã xãy ra cho chính họ ngay trên đường hành hương để thờ phượng Chúa và kính Đức Mẹ Maria.

Theo Thánh Kinh,
« Thiên Chúa là Cha chúng ta,
Ngài là Đấng từ bi và nhân hậu,
Lòng từ ái của Chúa bền vững qua muôn thế hệ… »
(Thánh vịnh 100)

Thế nhưng, thế giới thời nào cũng đầy những khổ đau; lúc nào cũng có bao nhiêu người gặp cảnh khốn khó, ngay cả những người tốt lành, đạo đức?

Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu trong Thánh Kinh; như trong sách tiên tri Giêrêmia, sách Ai Ca, Sách Judith, trong nhiều Thánh Vịnh.

Người Do Thái ngày xưa trong lúc gặp cảnh đau khổ cùng cực, cũng đã kêu la, trách móc: “Đức Giavê ở đâu? Sao người lại ngoảnh mặt làm ngơ?” (Giavê “Yahweh” tên gọi Thiên Chúa trong Thánh kinh Cựu Ước). Thậm chí chúng ta còn có thể đọc được những lời than trách: “Lạy Giavê Thiên Chúa, Ngài ở đâu mà không cứu vớt chúng tôi… để cho “Dân ngoại” (người Do Thái thời xưa thường gọi các dân tộc ngoài Do Thái bằng danh từ “Dân ngoại” “Goiim” “Gentiles”) chê cười: “Chúa chúng nó ở đâu?” (Tv. 123). Đề tài này đã là nguồn cảm hứng của Bản Thánh ca “Chúa hỡi! Chúa ơi! Nhân sao Chúa bỏ tôi. Vì đâu tôi khấn xin. Người không thương đoái nhậm lời….” (Kim Long).

Vào khỏang đầu thế kỷ V trước Chúa giáng sinh. “một tác giả và là một nhà văn đã viết cuốn sách Gióp được coi như một bản Thánh Kinh văn chương tuyệt tác, có tính cách giáo huấn dân Chúa và giải quyết những vấn đề đau khổ xảy ra trên thế giới…” (Theo The New American Bible).

Câu chuyện kể lại cuộc đời Ông Gióp, một người tốt lành, có lòng đạo đức, đông con cái, làm ăn giàu có, gia đình sống an vui thuận hòa. Nhưng rồi “Satan đã được phép Thiên Chúa” làm cho xảy ra những biến cố khủng khiếp đến với gia đình ông. Hết tin dữ này đến tin dữ khác dồn dập xãy ra cho gia đình ông (vì thế có câu nói “tin như tin thánh Gióp!), của cải bị tiêu tán hết, con cái chết cả; chính ông lại bị bịnh ghẻ lỡ ngứa ngáy suốt thân thể.

Trước những đau khổ khủng khiếp đến tuyệt vọng đó, ông Gióp vẫn một lòng tôn kính Thiên Chúa, không một lời nguyền rủa, than trách; nhưng luôn khiêm tốn nhận ra ý Chúa và vâng phục, và vẫn mở lời ca tụng Chúa: “Tôi đã lọt lòng mẹ trần trụi; tôi cũng sẽ trở về với lòng đất trần trụi. Giavê đã ban, Giavê cất đi. Chúc tụng Thiên Chúa Giavê!”.

Nhưng vợ ông Gióp lại chế diễu ông: “Ông ơi, ông còn cương quyết sống liêm chính nữa thôi! Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”. Ông Gióp đã phản bác lại: “Bà nói như một người điên. Chúng ta nhận được những điều tốt lành của Thiên Chúa, làm sao chúng ta lại không vui lòng chấp nhận những bất hạnh, khổ đau?”.

Các bạn ông Gióp đến an ủi ông, thì lại cho là ông phải chịu các khổ đau ấy do tội phạm của ông. Đó là hình phạt của Thiên Chúa. Nhưng ông Gióp không chấp nhận lời kết án đó. Sau cùng chính Thiên Chúa tỏ cho mọi người biết (Từ chương 38): Những điều bất hạnh vẫn xãy ra trên thế giới, ở mọi nơi, mọi thời, và cho “kẻ lành” cũng như “người dữ”. Chính những đau khổ đó thử thách, đào luyện và củng cố đức tin và lòng trung thành phó thác nơi Thiên Chúa của mỗi con người mà Chúa dựng lên “theo hình ảnh Chúa”.

Khi đươc sự may mắn, chúng ta tạ ơn Chúa. Khi gặp sầu khổ, chúng ta cũng tạ ơn Chúa “đã cho chúng ta được chịu đau khổ để được thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu” (Sách Tông Đồ Công Vụ 5, 41).

Tóm lại, “ những đau khổ, những khó khăn trong cuộc sống, chính là những thử thách để đào luyện lòng tin tưởng phó thác của chúng ta nơi Thiên Chúa, như Thiên Chúa cũng đã thử luyện tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop…” (Sách Judith 8, 25…).

Thời gian trôi đi nhanh chóng ‘như bóng ngựa qua cửa sổ!”, cuộc đời con người thì ngắn ngủi. Hạnh phúc và khổ đau ở đời này cũng qua đi nhanh chóng. Chỉ có hạnh phúc trong cuộc đời sau mới vĩnh viễn tồn tại. Sau hết, “kẻ lành người dữ” đều cùng phải chấp nhận sự đau khổ cuối cùng của cuộc đời là “sự chết” (sinh ký tử quy, sống gửi thác về). Mọi người điều phải chết. Con người chết ở bất cứ tuổi nào. Có người chết trong tuổi còn hoa niên, có người chết trong tuổi già. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chúng ta đến gần nấm mộ của chúng ta hơn. Mọi sự đều qua đi, và trôi vào dĩ vãng. “Người khôn ngoan thì khiêm tốn theo nhận ra ý Chúa và chấp nhận ý Chúa, biết sống cuộc đời có ý nghĩa, biết tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.” (Theo sách Khôn Ngoan).

Thiên Chúa là Đấng Công Chính, người sẽ phán xử mọi người tùy theo điều lành, điều dữ họ đã làm; vì Người nhìn thấy rõ “mọi việc bí ẩn nơi con người”. (Thơ Rôma 12, 14…) (Hoàng thiên hữu nhãn! Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân!).

Tóm lại, bài học Sách Gióp muốn dạy chúng ta là: Tâm trí con người dù thông minh đến đâu cũng không thể nào hiểu nổi được những đường lối kỳ diệu của Thiên Chúa; “ý Chúa nhiều khi thật khủng khiếp!” “Đường lối Chúa ai mà hiểu nổi!…” (Isaia 55, 8…). Chỉ những ai có đức tin nơi Thiên Chúa “Đấng tạo thành ta” và niềm tin vào cuộc đời sau, mới có thể nhận ra và thuần phục ý Chúa và tin tưởng nơi Chúa trong mọi sự, và biết phó thác “đường đời cho Chúa, chính Người sẽ nâng đở che chở cho chúng ta qua mọi bảo tố của cuộc đời và cuối cùng sẽ đưa chúng ta tới bến bình an!” (Thánh vịnh 62).

Tuy nhiên Đức Tin của chúng ta luôn luôn bị thử thách. Như người cha của đứa bé bị ‘qủy câm ám’, chúng ta hãy xin cùng Chúa: “Lạy Chúa, chúng con tin. Nhưng xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của chúng con!” (Matcô 9,24).

LM. Anphong Trần Đức Phương