PDA

View Full Version : A - Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa!



Dan Lee
08-28-2008, 11:18 PM
Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa!

Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật XXII Thường Niên – A (Rom 12:1-2)

Trong những tuần trước, Thánh Phaolô bàn đến vai trò của dân Do Thái và các Kitô hữu gốc Dân Ngoại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài kết luận rằng giờ đây, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên có một điều khó khăn là các Kitô hữu gốc Dân Ngoại phải thờ phượng Thiên Chúa thế nào thì Ngài chưa đề cập đến. Các Kitô hữu gốc Do Thái ở Giêrusalem vẫn còn Đền Thờ để có thể dâng hy lễ cho Thiên Chúa, còn các Kitô hữu gốc Dân Ngoại thì không. Hôm nay Thánh Phaolô trả lời cho họ rằng việc họ không được dâng lễ ở Đền Thờ không mấy quan trọng. Điều thật sự đáng kể trước mặt Thiên Chúa là dâng chính mình làm của lễ sống động, đẹp lòng Ngài, là thờ phượng Ngài trong tinh thần. Thực ra hai câu này đáng lẽ là kết luận của chương 11, trong đó Thánh Phaolô đưa ra cách thực hành những điều ngài đã chỉ dạy trong các chương trước.

Câu 1 - Tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm.

Chính vì từ bi mà Thiên Chúa đã cho Dân Ngoại được đồng thừa tự với dân Do Thái trong chương trình cứu độ của Ngài, cho nên điều quan trọng trong việc thờ phượng Thiên Chúa, dù ở Đền Thờ hay bất cứ đâu, là dâng chính mình làm của lễ hy sinh thánh thiện và đẹp lòng Ngài, là một việc thờ phượng trong tinh thần như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4:23). Qua việc thờ phượng trong tinh thần, đúng hơn là trong Thần Khí, mà con người mới cảm nghiệm được lượng từ bi (hay lòng thương xót) của Thiên Chúa.

Công Đồng Vaticanô II dạy: “Việc loan truyền Phúc Âm của các Tông Ðồ đã triệu tập và đoàn tụ Dân Chúa, để tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, sẽ tự hiến làm ‘lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa’ (Rom 12:1)” (Presbyterorum ordinis, 2).

Tất cả Kitô hữu đều là tư tế. Chức vụ tư tế của chúng ta được bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Tẩy. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được gia nhập “hàng tư tế thánh thiện, dâng những của lễ thiêng liêng vừa lòng Thiên Chúa, qua Ðức Giêsu Kitô” (1 Phr 2:5).

Chính Đức Kitô đã dâng mình làm của lễ đẹp lòng Chúa Cha trên Thánh Giá. Không những thế, Người còn muốn hy tế này được tái trình bày để “nhớ đến Người” cho đến tận thế. Là phần tử của Nhiệm Thể Người, chúng ta cũng được đặc ân dâng lễ lên Thiên Chúa qua Đức Kitô bằng cách kết hợp những hy sinh của chúng ta với hy sinh của Người trên Thập Giá mà dâng lên Đức Chúa Cha.

Cách thờ phượng tốt đẹp nhất chính là Bí Tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium, #11, GLCG #1324). Bí Tích Thánh Thể biến đổi tất cả đời sống chúng ta thành việc phụng tự thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết:

“Hình ảnh phụng tự mới tỏ hiện như là việc hiến dâng trọn vẹn con người trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh. Sự lưu tâm của vị Tông đồ đối với việc hiến dâng thân xác của chúng ta nhấn mạnh tính cụ thể và nhân bản của việc phụng tự không chút coi thường thân xác. Cũng liên quan đến điểm này, vị thánh thành Hippone còn nhắc nhở chúng ta rằng nơi ‘hy lễ của những người Kitô hữu, dù đông đảo đến đâu, nhưng trong Đức Kitô, chúng ta chỉ làm nên một thân thể duy nhất. Như người tín hữu biết, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm ấy trong bí tích bàn thờ, nơi Hội Thánh nhận ra mình được hiến dâng trong chính hy lễ mình dâng hiến’(De civitate Dei, X,6: PL 41,284 (202))” (Sacramentum Caritatis, 70).

“Việc phụng tự mới của Kitô hữu bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: ‘Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa’ (1Cr 10,31). Trong mọi hành vi của đời sống, người Kitô hữu được mời gọi bày tỏ việc phụng tự đích thực dành cho Thiên Chúa. Chính trong việc phụng tự đích thực mà căn tính Thánh Thể của đời sống Kitô hữu bắt đầu hình thành. Vì liên hệ đến cả thực tại nhân loại của tín hữu trong đời sống cụ thể hằng ngày, Thánh Thể có khả năng ngày qua ngày tạo nên sự biến đổi nơi con người, được mời gọi trở nên hình ảnh của Con Thiên Chúa (x. Rom 8:29tt)” (Sacramentum Caritatis, 71).

Câu 2 - Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.

Chúng ta sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, vì thế Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta ba điều chính để giúp chúng ta sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, ngõ hầu biến đời sống mình thành của lễ sống động mà dâng lên Thiên Chúa.

1) Đừng theo thói đời này.

Là các môn đệ Đức Kitô, chúng ta được Người sai vào thế gian để trở thành men, thành muối, thành ánh sáng của Đức Kitô trong thế gian. Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế gian qua các công việc mình làm giữa thế gian. Chúng ta không có quyền tránh né thế gian, trái lại “trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình,… [chúng ta] tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử ” (Gaudium et Spes, 34).

Chúng ta cũng không được phép chiều theo áp lực của thế gian mà làm những điều trái với ý định của Thiên Chúa. Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy: “‘Ðừng theo thói đời này’ (Rom 12:2), nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo khiến hoạt động con người vốn qui hướng về phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội” (Gaudium et Spes, 37).

Vì tội Adam nên thế gian đã bị thống trị bởi tội lỗi, bởi quyền lực của bóng tối. “Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán (x. Mt 24:13; 13:24-30, 36-43). Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa ” (Gaudium et Spes, 37).

Nhiều khi chúng ta bỏ rất nhiều tiền bạc, tài năng và thì giờ ra giúp đỡ giáo xứ, cộng đồng, và người nghèo, trong các đoàn thể hay phong trào đạo đức, nhưng công việc của chúng ta ra vô ích trước mặt Thiên Chúa vì chúng ta làm “theo thói đời này ”. Nghĩa là chúng ta không làm vì vinh danh Chúa mà vì những ý đồ thầm kín của mình, như tìm kiếm tư lợi, quyền lực, danh vọng, thỏa mãn riêng tư,…. Làm như thế là chúng ta không làm theo Thánh Ý Thiên Chúa mà làm theo ý riêng mình. Lý do chính là não trạng chúng ta đã bị ô nhiễm bởi những thói xấu của thế gian.

2) Canh tân lòng trí

Để thay đổi não trạng đã bị ô nhiễm bởi những thói xấu của thế gian, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải “canh tân lòng trí ”. Con người sống để tìm hạnh phúc. Vì hiểu lầm hạnh phúc là tiền tài, danh vọng, thú vui…, nên người ta mới sống theo thói thế gian và bị ô nhiễm bởi thế gian. Canh tân lòng trí là nhận ra đâu là hạnh phúc thật, và thanh luyện con người của mình để đạt được hạnh phúc ấy.

Tân Ước dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc thật mà Thiên Chúa mời gọi con người đến hưởng: Nước Thiên Chúa trị đế, hưởng nhan thánh Chúa, hưởng niềm vui của Chúa, an nghỉ trong Chúa. Thiên Chúa cho chúng ta sống ở đời để nhận biết, phụng sư, và yêu mến Ngài ngõ hầu nhờ đó mà được hạnh phúc thật. Hạnh phúc thật là được thông phần bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời. Hạnh phúc này là ân huệ siêu nhiên. Hạnh phúc mà Ngài hứa bắt chúng ta phải đương đầu với những quyết định lựa chọn luân lý, mời gọi ta thanh luyện tâm hồn khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Chúng ta không thể tìm thấy hạnh phúc thật nơi tiền tài, danh vọng, quyền bính, hay thành công về bất cứ phương diện nào, hoặc nơi bất cứ tạo vật nào, nhưng chỉ nơi Thiên Chúa, nguồn mọi thiện hảo và tình yêu. Mười Giới Răn, Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn các Tông Đồ chỉ cho chúng ta đường đến hạnh phúc thật. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta tiến tới từng bước một, qua các việc làm hằng ngày. Nhờ tác động của lời Ðức Kitô, chúng ta dần dần sinh hoa kết quả trong Hội Thánh để vinh danh Thiên Chúa (x. GLCG 1720-1729).

Để canh tân lòng trí, Thánh Phaolô dạy: “Anh em phải coi mình như đã chết cho tội lỗi, và đang sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô. Cho nên đừng để tội lỗi cai trị trong thân xác hay chết của anh em nữa, làm cho anh em phải chiều theo những dục vọng của thân xác. Cũng đừng nhường chi thể của anh em cho tội lội, như dụng cụ để làm điều bất chính, nhưng hãy tự hiến cho Thiên Chúa như những người đã được sống lại từ cõi chết, và dâng chi thể của anh em cho Thiên Chúa như khí cụ để làm điều công chính” (Rom 6:11-13).

Như thế, “Chúng ta hãy trút bỏ những việc làm tăm tối, và mặc lấy giáp bào của sự sáng. Chúng ta hãy ăn ở lương thiện như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương. Nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô, và đừng theo tính xác thịt để thoả mãn các nhục dục” (Rom 13:12-14).

3) Biết đâu là Thánh Ý Chúa và những gì là đẹp lòng Chúa

Nhờ canh tân lòng trí, chúng ta trở nên con người mới trong Đức Kitô. Qua việc kết hợp với Đức Kitô và sống trong Chúa Thánh Thần, chúng ta phân biệt được đâu thật sự là Thánh Ý Thiên Chúa, và đâu là những luận điệu sảo trá người ta dùng để biện minh cho những ích lợi ích kỷ của cá nhân hay đảng phái. Như thế chúng ta cũng biết điều gì là tốt và hoàn hảo trước mắt Ngài, đáng được Ngài chấp nhận. Khi đó chúng ta sẽ dễ dàng “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa” (x. Mt 16: 24).

Tóm lại

Một khi chúng ta hiểu và sống cuộc đời mình như một Thánh Lễ nối dài, chúng ta bắt đầu hiểu rằng việc phụng tự của Hội Thánh là một chu kỳ bắt đầu từ đời sống thường nhật qua Bí Tích Thánh Thể rồi lại trở về đời sống thường nhật. Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa ở nhà thờ trong ngày Chúa Nhật thế nào, thì chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong “tinh thần” trong tuần tại sở làm, văn phòng, trường học và gia đình như vậy. Thờ phượng như thế còn đẹp lòng Thiên Chúa hơn những của lễ mắc tiền nhất mà chúng ta dâng ở Đền Thờ.

Lạy Chúa xin cho con ý thức rằng con sống trên đời này để làm theo Thánh Ý Chúa, để con luôn biết từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Lạy Mẹ, xin giúp con luôn ngoan ngoãn làm theo Thánh Ý Chúa. Xin Thánh Phaolô cầu cho con biết sống cho Đức Kitô như ngài đã sống. Amen.


Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1) Tôi có sống Bí Tích Thánh Thể trong đời sống thường nhật không? Tôi sống thế nào?

2) Tôi đang phục vụ trong các việc mục vụ của Hội Thánh vì lý do gì? Tôi có thể thanh luyện ý định của tôi để đẹp lòng Thiên Chúa hơn không? Thanh luyện cách nào?

3) Làm thế nào để tôi biết Thánh Ý Thiên Chúa? Chúa đang muốn tôi làm gì?

Phaolô Phạm Xuân Khôi