PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (49)



Dan Lee
09-03-2008, 11:10 PM
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (49)

491. “Hoặc là chịu đau khổ hoặc là chết”

Đó là khẩu hiệu của nữ thánh Têrêxa thành Avila (1515-1582).
Têrêxa sống cuộc đời rất hy sinh. Têrêxa muốn dạy mọi người chúng ta bài học: sống không hy sinh thì không đáng sống. Vì thế, vị nữ thánh nầy đưa ra khẩu hiệu sống cho mình: “Hoặc là chịu đau khổ hoặc là chết.”

492. Ba hạng người trước Thánh Giá

Hạng thứ nhất là hạng người chạy trốn Thánh Giá.
Hạng thứ hai là hạng người đi tìm Thánh Giá và gặp Thánh Giá.
Hạng thứ ba là hạng người hăm hở đi tìm Thánh Giá mà không gặp Thánh Giá.

493. Ba hạng người đón nhận Thánh Giá

Hạng bằng lòng (không phàn nàn khi gặp Thánh Giá Chúa gởi đến)
Hạng quý chuộng (gìn giữ Thánh Giá một cách cẩn thận, cất giấu Thánh Giá một cách kín đáo)
Hạng yêu thích (trau tria Thánh Giá cho đẹp thêm, luôn mang Thánh Giá theo mình, hãnh diện về Thánh Giá Chúa cho mình lãnh nhận)

494. Thánh Giá dạy chúng ta bài học hy sinh

Tay Chúa bị đóng đinh dạy chúng ta bài học hy sinh: về mặt tiêu cực, hãy loại trừ tay phạm tội, đó là những tội biếng nhác, ăn cắp, tức giận và dâm ô; về mặt tích cực, hãy chắp tay để cầu nguyện, hãy dùng tay để làm việc, hãy giăng tay ra để giúp đỡ kẻ khác, hãy đưa tay ra để bố thí cho người khác.
Chân Chúa bị đóng đinh dạy chúng ta bài học hy sinh: về mặt tiêu cực, hãy loại trừ chân phạm tội, đó là chân đi phạm tội, chân đi xúi người ta phạm tội, chân đi vô ích, chân đi đến những nơi nguy hiểm cho phần linh hồn; về mặt tích cực, chân đi làm việc lành, chân đi làm việc bác ái, chân đi làm việc hữu ích.

495. Sống theo nguyên tắc nhưng vẫn tỏ lòng nhân từ

Một trong những Giám mục nước Pháp, vốn có tính cương quyết trên phương diện bảo toàn các nguyên tắc, mới đây đã đích thân thăm viếng các gia đình có tang vì chiến cuộc trong thị xã.
Tự đồng hoá với mọi người, ngài an ủi một tín đồ Thệ Phản giáo đang khóc sướt mướt vì đứa con tử trận. Ngài nói với ông những lời cảm khích, phân ưu.
Xúc động tâm lý sâu xa vì cử chỉ bác ái khiêm nhượng đó, người rối đạo phải thú nhận:
- “Sao một vị Giám Mục dòng dõi sang trọng, học thức uyên thâm như thế, lại chiếu cố tới ngôi nhà hèn hạ chúng tôi, không kể chi tôn giáo bất đồng. Cử chỉ ngôn ngữ của ngài khiến tôi rất cảm động.”
Trong khi thuật lại câu truyện nầy, một kỹ nghệ gia còn nói thêm:
- “Đối với tôi, người Thệ Phản đó đã trở lại được một nửa rồi; dầu sao, nhờ đức nhân từ, vị Giám Mục đã chinh phục được nhân tâm mau chóng hơn những lời tranh luận sôi nổi nhiều phần.” (x. Hồn Tông Đồ)

496. Tướng Charles de Gaulle treo gương hy sinh cho các nhà lãnh đạo quốc gia

Sau khi hết nhiệm kỳ làm tổng thống, tướng Charles de Gaulle (1890-1970) được Chính phủ Pháp đài thọ mỗi tháng là 19.500 quan.
Tuy nhiên, tướng Charles de Gaulle từ chối không nhận số tiền nguyệt bổng nầy để nêu cao tấm gương cần kiệm hy sinh.

497. Không ngừng cố gắng mới đem lại thành công

Có một người chơi đàn vi-ô-ông nổi tiếng: ngay từ hồi lên bốn tuổi, đã được gọi là thần đồng âm nhạc.
Có người nói anh ta là thiên tài âm nhạc, nhưnh anh kiên quyết phủ nhận.
Có người hỏi anh, yếu tố bẩm sinh chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong thành công của anh, anh suy nghĩ rồi trả lời, chưa đầy hai mươi phần trăm. (x. Chi tiết nhỏ, thành công lớn)

498. Vấp ngã không đáng sợ. Điều đáng sợ là không có dũng khí để đứng lên.

Một người cha quyết tâm rèn luyện con mình trở thành một chàng trai khoẻ mạnh.
Điều làm ông thất vọng, là con ông ta đã hai mươi tuổi mà không có một chút khí thế nào tỏ ra là một trai tráng.
Ông đành tìm đến một ông thầy dạy võ nổi tiếng, để nhờ rèn luyện cho con trai.
- “Chỉ cần cậu ta ở đây với tôi nửa năm, tôi bảo đảm sẽ rèn luyện để cậu ta trở thành một chàng trai thật sự!” Thầy dạy võ nói.
Sau nửa năm, người cha đến đón con trai. Thầy dạy võ nói ông hãy nhìn xem con trai ông đang đấu võ với một thầy dạy võ trẻ.
Cuộc đấu bắt đầu khi thầy dạy võ trẻ ra tay, con trai ông mấy lần bị đánh ngã, song cậu ta đứng dậy ngay và tiếp tục thi đấu, lại bị đáng ngã, cậu lại đứng dậy. Cứ như thế, đấu đến 36 hiệp.
- “Con tôi không thể trở thành trai tráng được. Rõ ràng, hễ đánh là ngã!” Người cha cảm thấy quá xấu hổ.
- “Ông chỉ nhìn thấy cậu ấy ngã, song ông không để ý tới khi mỗi lần ngã, cậu đều đứng ngay dậy. Sau mỗi lần ngã, lại dám tiếp tục nghênh chiến, đó là một chàng trai thật sự!” Thầy dạy võ khẳng định, (x. Những đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên cần phải có)

499. Hãy luôn hoạt động bằng trí não hay thể chất!

Nguyên tắc “luôn hoạt động” liên quan đến quy tắc “không dùng thì sẽ mất”.
Chúng ta hiểu rất rõ quy tắc hoạt động của thiên nhiên. Chuyện gì sẽ xảy ra khi một con sông ngừng chảy. Dĩ nhiên, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ. Giống như vậy với con người khi ngừng hoạt động trí não hay thể chất…
George Bernard Shaw đoạt giả Nobel khi gần 70 tuổi.
Benjamin Franklin đã cho ra đời những tác phẩm hay nhất của ông ở tuổi 84.
Danh họa Picasso để lại cho thế giới những bức họa có giá trị ở tuổi 80….
Một điều bổ ích khi tuân thủ nguyên tắc “luôn hoạt động” nầy, là khi chúng ta hoạt động, chúng ta không lo lắng gì cả. (x. Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi)

500. Khích lệ và tán thưởng là sức mạnh giúp con người vươn lên

Một hôm, đài truyền hình phát một phóng sự như sau: một con cá voi nặng 8.6 tấn có thể nhảy lên khỏi mặt nước 6.6 mét, biểu diễn các tiết mục khác nhau cho người xem.
Phóng viên truyền hình hỏi người huấn luyện cá voi, làm thế nào để tạo ra kỳ tích nầy.
Người huấn luyện cá voi đã tiết lộ bí mật với người xem truyền hình: lúc mới bắt đầu, ông căng một sợi giây thừng ở dưới nước, nghĩ cách làm cho cá voi bơi qua phía trên sợi dây. Mỗi khi cá voi bơi qua sợi giây, ông động viên và khích lệ nó bằng cách thưởng cho nó vài con cá hoặc khẽ vỗ lên mình nó. Khi số lần cá voi bơi phía trên sợi giây dần dần nhiều hơn số lần nó bơi phía dưới sợi giây, người huấn luyện nâng cao sợi dây lên, chỉ có điều không được quá cao so với lần trước, tránh để cho cá voi vì thất bại quá nhiều mà nản chí.
Một con cá voi nặng 8.6 tấn có thể nhảy lên khỏi mặt nước 6.6 mét, kỳ tích nầy chỉ dựa vào sự khích lệ và tán thưởng liên tục của người huấn luyện cá voi.
Con người chúng ta cũng thế: khích lệ và tán thưởng, chính là sức mạnh giúp con người vươn lên. (x. Những Bài Học Cuộc Đời)

LM Nguyễn Vinh Gioang