Dan Lee
09-04-2008, 11:09 PM
Món Nợ Tình Yêu
Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A (Rom 13:8-10)
Sau khi đã định nghĩa căn tính của cộng đồng Kitô hữu được phát sinh từ sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thánh Phaolô đã nói về hiện tại và tương lai của dân Israel . Ngài cũng nhắc cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mọi người, bất kể là Do Thái hay Dân Ngoại, và khuyến khích chúng ta dâng mình làm của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa. Hôm nay Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Kitô giáo là sự viên mãn của Israel , và chúng ta vẫn có bổn phận làm trọn Lề Luật. Nhưng đối với chúng ta yêu thương tóm tắt trọn Lề Luật Môsê; và yêu thương tha nhân là làm trọn Lề Luật.
Câu 8. Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau.. .
Ở đời không có ai hoàn toàn độc lập. Chúng ta ai cũng mắc nợ người khác không nhiều thì ít. Tất cả các thứ nợ đều có thể trả được trừ một thứ nợ là tình yêu. Tình yêu hay đức ái không những là một món nợ nhưng còn là một nghĩa vụ nảy sinh từ Tình Yêu của Thiên Chúa. Đức Kitô yêu chúng ta đến nỗi chết cho chúng ta khi chúng ta còn “thù nghịch” với Người (Rom 5:10). Dù chúng ta có lấy cái chết của mình để trả lại món nợ tình yêu này, chúng ta cũng không thể trả nổi. Thay vì đòi chúng ta trả nợ thì Chúa đòi chúng ta phải tha thứ cho những người thiếu nợ chúng ta (Mt 6:12). Nói đúng hơn Chúa muốn chúng ta yêu thương người khác, kể cả những kẻ thù ghét chúng ta, như Người đã yêu thương chúng ta (x. Mt 5:44; Lc 10:27-37; Mc 9:37; Mt 25:40, 45).
Ngày nay nhiều người, nhất là người trẻ, đang hiểu tình yêu một cách méo mó. Khi nói đến chữ “yêu”, người ta thường nghĩ đến thỏa mãn xác thịt hoặc thỏa mãn tình cảm. Đó là tình yêu giả tạo, tình yêu phát nguồn từ tính ích kỷ của con người. Tình yêu chân chính phải bắt nguồn từ Thiên Chúa như Thánh Gioan viết, “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thuộc về Thiên Chúa. Và ai yêu thương thì được sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:7-8).
Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xác quyết, “’Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa’: Người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát. Trong Phúc Âm, Thánh Gioan nhấn mạnh sự kiện này với những lời như sau: ‘'Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người… thì được sống muôn đời’ (Ga 3:16). Khi nhận ra đặc tính trung tâm của tình yêu, niềm tin Kitô giáo đã đón nhận điều cốt lõi của đức tin Israel và đồng thời mang lại cho cốt lõi này một chiều sâu rộng mới.… Đức Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa với giới răn yêu người rút từ sách Lêvi: ‘Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình’ (Lv 19:18) thành một mệnh lệnh duy nhất (x. Mc 12:29-31). Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4:10), nên tình yêu không còn là một ‘giới luật’, nhưng là lời đáp trả cho hồng ân ‘tình yêu’ qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta.” (Deus Caritas est, 1)
Vậy yêu thương tha nhân chính là cách tốt đẹp nhất để đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa.
.. . Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật.
Chúa Giêsu tóm tắt Lề Luật Môsê vào hai giới luật yêu thương:
“Ðể trả lời câu hỏi về điều răn trọng nhất Ðức Giêsu nói ‘điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất; ngươi phải yêu mến Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực ngươi’; điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó (Mc 12:29-31)” (GLCG 2196).
“Ðức Giêsu đặt đức ái làm điều răn mới (Ga 13:34). Khi yêu mến những kẻ thuộc về Người ‘đến cùng’ (Ga 13:1), Người biểu lộ tình yêu Người đã nhận được từ Chúa Cha. Khi yêu thương nhau, các môn đệ noi gương Ðức Giêsu, Ðấng đã yêu mến họ. Vì thế, Ðức Giêsu nói: ‘Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình yêu của Thầy’ (Ga 15:9). ‘Ðây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em’ (Ga 15:12)” (GLCG 1823).
“Cho nên, ‘Ðức mến là hoa trái của Thánh Thần và là sự viên mãn của lề luật. Yêu mến là giữ các điều răn của Thiên Chúa và của Ðức Kitô: ‘Hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy’ (Ga 15:9-10) ( x. Mt 22:40; Rm 13:8-10 )” (GLCG 1824).
Thánh Phaolô cũng nhắc lại điều này trong Thư gửi tín hữu Galatê, “Vì thưa anh em, anh em đã được mời gọi để hưởng tự do; điều duy nhất là đừng biến sự tự do thành dịp tội cho xác thịt, nhưng hãy phục vụ nhau qua đức ái. Vì toàn thể Lề Luật được làm tròn trong một lời là, ‘Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình.’” (Gal 5:13-14).
Câu 9. Đó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham",…
Ở đây, Thánh Phaolô nhắc lại bốn điều trong Mười Điều Răn (x. Xh 20:13-17; Đnl 5:17-21). Trong Thánh Kinh, số 4 tượng trưng cho trái đất. Thánh Phaolô dùng bốn điều này để tóm tắt những gì chúng ta phải làm đối với tha nhân để chu toàn lề luật.
“Ðức Giêsu vẫn tôn trọng mười điều răn, nhưng cho thấy sức mạnh của Thánh Thần đang tác động nơi các điều răn ấy. Người đã rao giảng sự "công chính vượt trên sự công chính của các kinh sư và Pharisêu" (Mt 5:20), cũng như của dân ngoại (x. Mt 5:46-47). Người cho thấy tất cả những đòi hỏi của các điều răn. "Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi" (Mt 5:21-22)” (GLCG 2054).
… và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình".
“Khi được hỏi: ‘Ðiều răn nào là điều răn trọng nhất?’ (Mt 22:36), Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi; đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy"(Mt 22:37-40) (x. Ðnl 6:5; Lv 19:18). Thập Giới phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn mến Chúa-yêu người, vì yêu thương là chu toàn lề luật” (GLCG 2055).
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Trong bài thánh thi ca ngợi tình yêu (1 Cr 13), Thánh Phaolô dạy chúng ta, tình yêu còn hơn là một hoạt động đơn thuần: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không cô đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (c. 3). Bài Thánh thi này phải là (Hiến chương) Magna Carta cho mọi công tác của Hội Thánh; trong Thánh thi này cô đọng tất cả những suy tư mà tôi muốn triển khai trong Thông điệp này về tình yêu. Hoạt động thực tiễn sẽ còn rất ít, nếu trong đó tình yêu đối với con người chưa được cảm nghiệm, tình yêu này được nuôi dưỡng bằng cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Việc tham gia cá nhân và nội tâm vào nhu cầu và đau khổ của kẻ khác là một cách hiến tặng chính bản thân tôi cho họ: để quà tặng không làm hạ phẩm giá người nhận, không những tôi trao một cái gì của tôi, nhưng còn cho đi chính bản thân tôi, như một nhân vị hiện diện trong quà tặng đó” (Deus Caritas est, 34).
Như thế tình yêu chân chính phải là một tình yêu tinh tuyền, vô vị lợi, được thúc đẩy bởi chính tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu phải được thể hiện qua việc làm, qua việc phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người yếu thế nhất trong chúng ta, kể các các trẻ em còn trong bụng mẹ. Gần đến ngày bầu cử, nhiều ứng cử viên đưa ra những chương trình phục vụ người nghèo, không phải vì họ thật sự yêu thương người nghèo, mà dùng nó như bậc thang để bước lên đài danh vọng. Nhiều người Công Giáo đã bị những chính trị gia này lừa dối mà không biết. Một khi dùng một vài điều trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo làm bình phong để che đậy những chương trình phản luân lý và chống lại sự sống, họ thực sự đang phục vụ ma quỷ thay vì phục vụ tha nhân. Động lực thúc đẩy họ là quyền bính thế gian chứ không phải tình yêu của Đức Kitô.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI diễn tả cho chúng ta chân dung của một người phục vụ chân chính, vì tình yêu của Đức Kitô: “Một người càng phục vụ cho kẻ khác, thì họ càng hiểu lời của Đức Kitô và áp dụng cho chính mình: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10) Vì họ nhận biết rằng, không phải vì phận vụ của một kẻ cả hay vì một hiệu quả lớn lao cho cá nhân, nhưng vì Chúa đã ban cho họ như một hồng ân. Đôi khi nhu cầu quá lớn và sự hạn hẹp của hoạt động mình làm cho họ rơi vào cơn cám dỗ nản lòng. Nhưng chính lúc đó, họ được giúp đỡ để biết rằng cuối cùng họ chỉ là công cụ trong bàn tay của Chúa, họ sẽ được giải thoát khỏi sự kịêu căng là phải tự mình và khả năng của mình làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Trong sự khiêm tốn, họ sẽ làm những gì họ có thể thực hiện và trong khiêm tốn đặt vào tay Chúa tất cả những điều khác. Thiên Chúa điều khiển thế giới chứ không phải chúng ta. Chúng ta chỉ phục vụ Người trong khả năng và sức lực mà Người ban cho chúng ta. Với sức lực này, chúng ta thực hiện những gì chúng ta có thể làm, đó là mệnh lệnh mà một người tôi tớ đúng đắn của Đức Giêsu Kitô vẫn tuân giữ khi hoạt động: ‘Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi’ ( 2Cr 5:14)” (Deus Caritas est, 35).
Yêu thương là điều răn mới Chúa truyền cho chúng ta là những người theo Chúa.
Câu 10. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.
Yêu thương hay đức ái không có nghĩa là những rung cảm giác quan, nhưng là quyết tâm của ý chí. Lòng yêu thương là không làm hại kẻ khác và muốn sự lành cho họ. Thánh Phaolô định nghĩa yêu thương hay “đức ái thì kiên nhẫn, ân cần, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không oán thù, không vui mừng vì điều bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân chính. Đức ái hoàn toàn bao dung, hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn hy vọng, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:4-7).
Chúa Giêsu đã tư hiến vì chúng ta và Người cũng muốn chúng ta đối xử với nhau bằng một tình yêu xả kỷ như thế. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể yêu tha nhân như Người đã yêu mến chúng ta. Nhờ tình yêu này chúng ta có thể làm trọn Lề Luật không phải chỉ cách bề ngoài, nhưng tận đáy lòng chúng ta, như Thiên Chúa đã hứa với ngôn sứ Giêrêmia, “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Aicập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta." (Ger 31:31-33).
Như thế yêu thương người khác cách chân chính là làm trọn Lề Luật.
Lạy Chúa xin thanh luyện linh hồn con để con biết chân thành thương yêu và tha thứ cho những người chung quanh con, đặc biệt là những người con không có cảm tình hoặc những người không có cảm tình với con. Amen.
Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận
1. Tôi có bao giờ mắc nợ ai tiền bạc hay ơn nghĩa không? Tôi cư xử thế nào trước mặt chủ nợ?
2. Có ai mắc nợ tôi không? Thái độ của tôi đối với người ấy thế nào khi họ không trả đúng kỳ hẹn?
3. Có khi nào tôi giúp đỡ người khác vì những ý định riêng tư của tôi không? Tôi mong gì ở những người tôi giúp đỡ?
4. Tôi phải làm gì để thật sự thương yêu người khác, nhất là những người thù ghét tôi?
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A (Rom 13:8-10)
Sau khi đã định nghĩa căn tính của cộng đồng Kitô hữu được phát sinh từ sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thánh Phaolô đã nói về hiện tại và tương lai của dân Israel . Ngài cũng nhắc cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mọi người, bất kể là Do Thái hay Dân Ngoại, và khuyến khích chúng ta dâng mình làm của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa. Hôm nay Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Kitô giáo là sự viên mãn của Israel , và chúng ta vẫn có bổn phận làm trọn Lề Luật. Nhưng đối với chúng ta yêu thương tóm tắt trọn Lề Luật Môsê; và yêu thương tha nhân là làm trọn Lề Luật.
Câu 8. Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau.. .
Ở đời không có ai hoàn toàn độc lập. Chúng ta ai cũng mắc nợ người khác không nhiều thì ít. Tất cả các thứ nợ đều có thể trả được trừ một thứ nợ là tình yêu. Tình yêu hay đức ái không những là một món nợ nhưng còn là một nghĩa vụ nảy sinh từ Tình Yêu của Thiên Chúa. Đức Kitô yêu chúng ta đến nỗi chết cho chúng ta khi chúng ta còn “thù nghịch” với Người (Rom 5:10). Dù chúng ta có lấy cái chết của mình để trả lại món nợ tình yêu này, chúng ta cũng không thể trả nổi. Thay vì đòi chúng ta trả nợ thì Chúa đòi chúng ta phải tha thứ cho những người thiếu nợ chúng ta (Mt 6:12). Nói đúng hơn Chúa muốn chúng ta yêu thương người khác, kể cả những kẻ thù ghét chúng ta, như Người đã yêu thương chúng ta (x. Mt 5:44; Lc 10:27-37; Mc 9:37; Mt 25:40, 45).
Ngày nay nhiều người, nhất là người trẻ, đang hiểu tình yêu một cách méo mó. Khi nói đến chữ “yêu”, người ta thường nghĩ đến thỏa mãn xác thịt hoặc thỏa mãn tình cảm. Đó là tình yêu giả tạo, tình yêu phát nguồn từ tính ích kỷ của con người. Tình yêu chân chính phải bắt nguồn từ Thiên Chúa như Thánh Gioan viết, “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thuộc về Thiên Chúa. Và ai yêu thương thì được sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:7-8).
Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xác quyết, “’Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa’: Người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát. Trong Phúc Âm, Thánh Gioan nhấn mạnh sự kiện này với những lời như sau: ‘'Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người… thì được sống muôn đời’ (Ga 3:16). Khi nhận ra đặc tính trung tâm của tình yêu, niềm tin Kitô giáo đã đón nhận điều cốt lõi của đức tin Israel và đồng thời mang lại cho cốt lõi này một chiều sâu rộng mới.… Đức Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa với giới răn yêu người rút từ sách Lêvi: ‘Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình’ (Lv 19:18) thành một mệnh lệnh duy nhất (x. Mc 12:29-31). Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4:10), nên tình yêu không còn là một ‘giới luật’, nhưng là lời đáp trả cho hồng ân ‘tình yêu’ qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta.” (Deus Caritas est, 1)
Vậy yêu thương tha nhân chính là cách tốt đẹp nhất để đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa.
.. . Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật.
Chúa Giêsu tóm tắt Lề Luật Môsê vào hai giới luật yêu thương:
“Ðể trả lời câu hỏi về điều răn trọng nhất Ðức Giêsu nói ‘điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất; ngươi phải yêu mến Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực ngươi’; điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó (Mc 12:29-31)” (GLCG 2196).
“Ðức Giêsu đặt đức ái làm điều răn mới (Ga 13:34). Khi yêu mến những kẻ thuộc về Người ‘đến cùng’ (Ga 13:1), Người biểu lộ tình yêu Người đã nhận được từ Chúa Cha. Khi yêu thương nhau, các môn đệ noi gương Ðức Giêsu, Ðấng đã yêu mến họ. Vì thế, Ðức Giêsu nói: ‘Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình yêu của Thầy’ (Ga 15:9). ‘Ðây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em’ (Ga 15:12)” (GLCG 1823).
“Cho nên, ‘Ðức mến là hoa trái của Thánh Thần và là sự viên mãn của lề luật. Yêu mến là giữ các điều răn của Thiên Chúa và của Ðức Kitô: ‘Hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy’ (Ga 15:9-10) ( x. Mt 22:40; Rm 13:8-10 )” (GLCG 1824).
Thánh Phaolô cũng nhắc lại điều này trong Thư gửi tín hữu Galatê, “Vì thưa anh em, anh em đã được mời gọi để hưởng tự do; điều duy nhất là đừng biến sự tự do thành dịp tội cho xác thịt, nhưng hãy phục vụ nhau qua đức ái. Vì toàn thể Lề Luật được làm tròn trong một lời là, ‘Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình.’” (Gal 5:13-14).
Câu 9. Đó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham",…
Ở đây, Thánh Phaolô nhắc lại bốn điều trong Mười Điều Răn (x. Xh 20:13-17; Đnl 5:17-21). Trong Thánh Kinh, số 4 tượng trưng cho trái đất. Thánh Phaolô dùng bốn điều này để tóm tắt những gì chúng ta phải làm đối với tha nhân để chu toàn lề luật.
“Ðức Giêsu vẫn tôn trọng mười điều răn, nhưng cho thấy sức mạnh của Thánh Thần đang tác động nơi các điều răn ấy. Người đã rao giảng sự "công chính vượt trên sự công chính của các kinh sư và Pharisêu" (Mt 5:20), cũng như của dân ngoại (x. Mt 5:46-47). Người cho thấy tất cả những đòi hỏi của các điều răn. "Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi" (Mt 5:21-22)” (GLCG 2054).
… và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình".
“Khi được hỏi: ‘Ðiều răn nào là điều răn trọng nhất?’ (Mt 22:36), Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi; đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy"(Mt 22:37-40) (x. Ðnl 6:5; Lv 19:18). Thập Giới phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn mến Chúa-yêu người, vì yêu thương là chu toàn lề luật” (GLCG 2055).
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Trong bài thánh thi ca ngợi tình yêu (1 Cr 13), Thánh Phaolô dạy chúng ta, tình yêu còn hơn là một hoạt động đơn thuần: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không cô đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (c. 3). Bài Thánh thi này phải là (Hiến chương) Magna Carta cho mọi công tác của Hội Thánh; trong Thánh thi này cô đọng tất cả những suy tư mà tôi muốn triển khai trong Thông điệp này về tình yêu. Hoạt động thực tiễn sẽ còn rất ít, nếu trong đó tình yêu đối với con người chưa được cảm nghiệm, tình yêu này được nuôi dưỡng bằng cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Việc tham gia cá nhân và nội tâm vào nhu cầu và đau khổ của kẻ khác là một cách hiến tặng chính bản thân tôi cho họ: để quà tặng không làm hạ phẩm giá người nhận, không những tôi trao một cái gì của tôi, nhưng còn cho đi chính bản thân tôi, như một nhân vị hiện diện trong quà tặng đó” (Deus Caritas est, 34).
Như thế tình yêu chân chính phải là một tình yêu tinh tuyền, vô vị lợi, được thúc đẩy bởi chính tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu phải được thể hiện qua việc làm, qua việc phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người yếu thế nhất trong chúng ta, kể các các trẻ em còn trong bụng mẹ. Gần đến ngày bầu cử, nhiều ứng cử viên đưa ra những chương trình phục vụ người nghèo, không phải vì họ thật sự yêu thương người nghèo, mà dùng nó như bậc thang để bước lên đài danh vọng. Nhiều người Công Giáo đã bị những chính trị gia này lừa dối mà không biết. Một khi dùng một vài điều trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo làm bình phong để che đậy những chương trình phản luân lý và chống lại sự sống, họ thực sự đang phục vụ ma quỷ thay vì phục vụ tha nhân. Động lực thúc đẩy họ là quyền bính thế gian chứ không phải tình yêu của Đức Kitô.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI diễn tả cho chúng ta chân dung của một người phục vụ chân chính, vì tình yêu của Đức Kitô: “Một người càng phục vụ cho kẻ khác, thì họ càng hiểu lời của Đức Kitô và áp dụng cho chính mình: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10) Vì họ nhận biết rằng, không phải vì phận vụ của một kẻ cả hay vì một hiệu quả lớn lao cho cá nhân, nhưng vì Chúa đã ban cho họ như một hồng ân. Đôi khi nhu cầu quá lớn và sự hạn hẹp của hoạt động mình làm cho họ rơi vào cơn cám dỗ nản lòng. Nhưng chính lúc đó, họ được giúp đỡ để biết rằng cuối cùng họ chỉ là công cụ trong bàn tay của Chúa, họ sẽ được giải thoát khỏi sự kịêu căng là phải tự mình và khả năng của mình làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Trong sự khiêm tốn, họ sẽ làm những gì họ có thể thực hiện và trong khiêm tốn đặt vào tay Chúa tất cả những điều khác. Thiên Chúa điều khiển thế giới chứ không phải chúng ta. Chúng ta chỉ phục vụ Người trong khả năng và sức lực mà Người ban cho chúng ta. Với sức lực này, chúng ta thực hiện những gì chúng ta có thể làm, đó là mệnh lệnh mà một người tôi tớ đúng đắn của Đức Giêsu Kitô vẫn tuân giữ khi hoạt động: ‘Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi’ ( 2Cr 5:14)” (Deus Caritas est, 35).
Yêu thương là điều răn mới Chúa truyền cho chúng ta là những người theo Chúa.
Câu 10. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.
Yêu thương hay đức ái không có nghĩa là những rung cảm giác quan, nhưng là quyết tâm của ý chí. Lòng yêu thương là không làm hại kẻ khác và muốn sự lành cho họ. Thánh Phaolô định nghĩa yêu thương hay “đức ái thì kiên nhẫn, ân cần, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không oán thù, không vui mừng vì điều bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân chính. Đức ái hoàn toàn bao dung, hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn hy vọng, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:4-7).
Chúa Giêsu đã tư hiến vì chúng ta và Người cũng muốn chúng ta đối xử với nhau bằng một tình yêu xả kỷ như thế. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể yêu tha nhân như Người đã yêu mến chúng ta. Nhờ tình yêu này chúng ta có thể làm trọn Lề Luật không phải chỉ cách bề ngoài, nhưng tận đáy lòng chúng ta, như Thiên Chúa đã hứa với ngôn sứ Giêrêmia, “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Aicập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta." (Ger 31:31-33).
Như thế yêu thương người khác cách chân chính là làm trọn Lề Luật.
Lạy Chúa xin thanh luyện linh hồn con để con biết chân thành thương yêu và tha thứ cho những người chung quanh con, đặc biệt là những người con không có cảm tình hoặc những người không có cảm tình với con. Amen.
Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận
1. Tôi có bao giờ mắc nợ ai tiền bạc hay ơn nghĩa không? Tôi cư xử thế nào trước mặt chủ nợ?
2. Có ai mắc nợ tôi không? Thái độ của tôi đối với người ấy thế nào khi họ không trả đúng kỳ hẹn?
3. Có khi nào tôi giúp đỡ người khác vì những ý định riêng tư của tôi không? Tôi mong gì ở những người tôi giúp đỡ?
4. Tôi phải làm gì để thật sự thương yêu người khác, nhất là những người thù ghét tôi?
Phaolô Phạm Xuân Khôi