PDA

View Full Version : DĐ - Đời sống hôn nhân chung thủy suốt đời là một lý tưởng cao đẹp



Dan Lee
09-06-2008, 11:24 PM
Đời sống hôn nhân chung thủy suốt đời là một lý tưởng cao đẹp

Theo thống kê của các chuyên gia về hôn nhân và gia đình, thì «những ai kết hôn, thành lập gia đình và luôn chung thủy với vợ/chồng của mình, sẽ có nhiều may mắn nhất để đạt được những gì họ khao khát tìm kiếm.»

Nhưng tiếc thay là trên thực tế, một kết quả quan trọng của những nghiên cứu dày công phu như thế đã gây được rất ít tác động trên quan điểm của con người ngày này về mối quan hệ tích cực của gia đình và của hạnh phúc cá nhân.

Ở CHLB Đức xuất hiện một tác phẩm của cặp vợ chồng ký giả Kitô giáo, Susanne và Marcus Mockler, cùng đồng tác giả, với tựa đề là «Familie – der unterschätzte Glücksfaktor» - (Gia đình – yếu tố hạnh phúc bị đánh giá thấp). Trong đó hai ông bà Mockler đã trình bày một cách dồi dào những luận cứ cụ thể và xác đáng về kiểu mẫu một cuộc sống hôn nhân và gia đình thành công, hạnh phúc mà chính họ đang thực hành. Là những nhà trí thức và cha mẹ của tám đứa con, hai ông bà Mockler đương nhiên có đầy đủ tư cách để đề cập tới một lãnh vực đầy gai góc như thế.

Tuy nhiên, cuốn sách của vợ chồng Mockler không nhằm mục đích biện minh cho tình trạng gia đình đông con của họ, một điều có thể gọi là bất bình thường trong xã hội Đức ngày nay. Mục đích của cuốn sách là chỉ muốn làm cho người đọc nhận thức được cách rõ ràng một điều đang đụng chạm đến cuộc sống nhiều người, những người đang thiếu đi yếu tố hạnh phúc trong cuộc sống gia đình của họ và đồng thời muốn giúp họ tái khám phá ra yếu tố hạnh phúc đó.

Cuộc sống dựa vào đức tin

Hai vợ chồng tác giả Mockler đã đưa ra một số điều hết sức ngạc nhiên, nếu như độc giả chưa có kinh nghiệm trong lãnh vực thuộc những đề tài như thế. Đúng vậy, ngay từ những trang đầu trình bày về hôn nhân, những hiểu biết về khoa xã hội học đã cho thấy là: những người lập gia đình thì hạnh phúc hơn, khoẽ mạnh hơn, sống đầy đủ hơn, bằng lòng với đời sống phái tính của mình hơn và sống thọ hơn. Sự nghiên cứu về xã hội xác định rằng đời sống hôn nhân và gia đình là một khuôn mẫu sống hay nhất cho con người bình thường.

Hai tác giả Mockler tìm cách làm sáng tỏ đề tài «hôn nhân» trong nhiều khía cạnh khác nhau và đồng thời loại bỏ tất cả những huyền thoại về hôn nhân mà người ta thường thêu dệt một cách giả tạo, xa lạ với thực tế. Phương diện quá mơ hồ và lệch lạc cũng được đưa ra phân tích mổ xẻ cẩn thận, chẳng hạn như cái nhìn quá thơ mộng lãng mạn một cách sai lạc về hôn nhân trong quá khứ. Các tác giả giải thích cho người đọc hiểu lý do tại sao những cuộc ly dị lại dễ dàng xảy ra và những gì đã làm cho các cặp vợ chồng lìa bỏ nhau cách mau lẹ và coi nhau như những kẻ xa lạ. Quan điểm chân chính của Kitô giáo cũng được làm nổi bật và cả những nguyên nhân thầm kín cũng được giải thích rõ ràng.

Điểm gây nên sự lưu ý đặc biệt của độc giả ở đây là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu thuộc lãnh vực xã hội học và tâm lý học về đề tài hôn nhân và sự sống «kè cặp» giữa trai gái ngoài hôn nhân đã xác nhận rằng mối quan hệ phái tính thành công và hạnh phúc phải là mối quan hệ gần gũi với quan điểm Kitô giáo về hôn nhân và đồng thời những hình thức sống phù hợp với Kinh Thánh là những hình thức sống nhân bản và có tích chất xã hội nhất. Ông bà Mockler cũng thẳng thắn cho hay và không hề giấu giếm là chính họ đã tổ chức đời sống gia đình họ theo đức tin Kitô giáo. Và sự tuyên nhận công khai đó cũng đã được nhắc đi nhắc lại suốt trong tác phẩm. Những thực tại cụ thể và những biện luận đầy xác tín của họ là điểm mang tính cách quyết định. Họ không bỏ qua bất cứ đề tài rắc rối nào. Những vấn đề gay góc và phức tạp như «hôn nhân đồng tính» và «Gender-Mainstreaming» đều được đem ra bàn luận một cách can đảm. Sự quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng được đưa ra phê phán và cân nhắc lợi hại, tuy nhiên không phải để lên tiếng phê bình chỉ trích ai, nhưng chỉ trình bày những luận cứ mang tính cách y khoa, hợp lý và thực nghiệm, tức những luận cứ xuất phát từ cuộc sống hôn nhân và gia đình cụ thể, chứ không do óc tưởng tượng sáng chế ra.

Và được coi như kết quả rút ra từ đó về đề tài hôn nhân là không nên ca tụng và tô màu một cách thái quá cho những hình thức sống khác ngoài đời sống hôn nhân và gia đình truyền thống, đến nỗi thực chất của những hình thức sống đó hoàn toàn bị biến đổi, và vì thế làm cho những người cạn nghĩ hiểu lầm và rồi cứ phải loanh quanh mãi trong cái vòng luẩn quẩn ngang trái bất hạnh của cuộc đời. Trái lại người ta cần đem hết nổ lực của mình để sử dụng vào công việc trình bày cho người đương thời nhận thức được sự thật cần thiết này là một cuộc sống hôn nhân chung thủy bền vững suốt đời mới thực sự là một lý tưởng theo đuổi. Vì thế hai tác giả Mockler đã tóm tắt toàn chương đầu cuốn sách bằng những lời này: «Nếu chúng ta muốn mọi người tìm lại được hạnh phúc trong đời sống hôn nhân của họ, thì hãy nói cho họ hay là không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự chung thủy với nhau.»

Phần thứ hai cuốn sách các tác giả trình bày cho thấy gia đình mang lại cho con người một cách cụ thể:

• nhiều phẩm chất của cuộc sống,

• sự hạnh phúc,

• và sự phong phú về mặt xã hội.

Khi suy tư đúng đắn về hoàn cảnh đời sống gia đình ở Đức, người ta thấy rằng không phải tất cả những cặp vợ chồng không có con đều được coi là chống lại gia đình, nhưng để nói lên một cách thực tế là ở đâu đường lối chính trị đang có những bước đi trên con đường đúng đắn và ở đâu đang tồn đọng những thiếu sót và cả đến những tiêu cực.

Sự hiểu lầm chung quanh vấn đề «trả lương» cho các bà mẹ nội trợ mà hiện đang được bàn luận nhiều, cũng được giải thích. Theo Mockler thì việc đòi hỏi cho các bà mẹ nội trợ cũng phải được có lương là chỉ muốn nêu lên vấn đề công bằng, tức phải đáng giá cao sức lao động của các bà mẹ nội trợ, đúng với công việc nội trợ vất vả của họ, chứ trên thực tế việc trả lương cho các bà mẹ nội trợ là một điều bất khả, vì lý do công việc quá bao quát và giờ giấc lại đa dạng của các bà.

Điểm được hai tác giả Mockler nhấn mạnh là công việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái phải do chính cha mẹ đảm nhiệm, đặc biệt nhất là trong những năm tháng đầu khi đứa trẻ bắt đầu khai triển bản ngã và khám phá ngoại cảnh, chứ vì kế sinh nhai và nghề nghiệp mà giao gửi con cho người lạ trông coi quá sớm là một nguy hiểm đến sự phát triển quân bình và lành mạnh của đứa trẻ. Đàng khác, Mockler còn gọi hiện tượng đó là «Entmutterung»: sự đánh mất vai trò mẫu tử.

Từ lý do đó,hai tác giả Mockler cho rằng một cách khoa học người ta cũng chứng minh được rằng «sự giáo dục ký nhi viện là một sự giáo dục chứa đựng đầy rủi ro». Câu hỏi người ta thường đặt ra là «làm thế nào tôi có thể dung hòa được đời sống gia đình và nghề nghiệp một cách tốt nhất?» Mockler đã sửa lại: «Vì hạnh phúc của con tôi, tôi phải làm thế nào để có thể hy sinh một cách hợp lý nhất nghề nghiệp của tôi hay ít là hạn chế nó một cách tối đa?» Ở đây, đòn bẩy chính trị về gia đình phải được áp dụng. Nhiều người phụ nữ đã ao ước thời gian sống gần gũi với con cái lâu hơn, tuy nhiên đối với họ, sự thoả mãn được niềm ước ao hợp lý và cần thiết đó lại chỉ là một vấn đề xa xỉ. Vì trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bất đắc dĩ phải giao con cho ký nhi viện, lý do là việc cả hai vợ chồng cùng đi kiếm tiền là vấn đề cần thiết có liên hệ mật thiết với sự sống còn của họ. Ở đây vấn nạn về quan niệm và mục đích của đường lối chính trị về gia đình của nhà nước phải nêu lên một cách can đảm. Cũng vậy, ở đây còn một vấn đề đầy khó khăn khác là đối với những người cha/mẹ độc thân phải một mình tự nuôi dạy con cái thì hầu hoàn toàn bất khả dành hết thời giờ cho con cái. Những người cha/mẹ này thường chỉ nghe được những lời an ủi động viên đầu môi chóp lưỡi và sự thương hại lý thuyết trống rỗng của xã hội, chứ thực tế phủ phàng và định mệnh éo le thì chính họ vẫn hằng ngày phải quằn quại gánh vác lấy một mình.

Vì thế, ở đây hai tác giả Mockler cũng khẩn thiết kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo hãy mạnh mẽ nâng đỡ các gia đình trong cuộc hơn nữa. Mặc dù mục đích cuốn sách muốn nhằm tới là để động viên và khuyến khích đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng cũng không vì thế mà chỉ tìm cách vinh danh và tô màu cho mọi tình huống của gia đình và hôn nhân một cách giả tạo gượng ép, nhưng đã đề cập tới những đề tài thuộc về hôn nhân và gia đình đầy gai góc và phức tạp, ví dụ như: «hoàn cảnh đói khổ bất khả giải quyết», «có nên có con hay không», «ngày nay người ta không muốn có con, không vì do thiếu cái được gọi là thăng tiến gia đình, nhưng vì những mạo hiểm đầy rủi ro khó lường», v.v... Qua đó, những tình huống đầy bức xúc và nan giải của gia đình đã được đưa ra ánh sáng.

Nhưng bên cạnh những tình huống đầy băn khoăn lo lắng đó, đời sống hôn nhân và gia đình còn là điểm tựa cơ bản cho đời sống từng cá nhân cũng như xã hội. Đây mới là điểm trọng yếu! Vì thế, người ta đã có lý khi nói: «Gia đình là tế bào của xã hội», hay: «Một gia đình lành mạnh và chung thủy với nhau suốt đời là nguồn hy vọng cho xã hội.»

Nhưng để thăng tiến được điều đó, về phía nhà nước cũng cần phải có những chính sách tích cực về hôn nhân và gia đình hơn nữa. Ở điểm này hai tác giả Mockler đã mạn mẽ tố cáo những bất cập trong các chính sách về gia đình của chính phủ CHLB Đức: Những chương trình được coi là thăng tiến gia đình lại chính là những chương trình mang lại những bất lợi cho gia đình. Tóm tắt là «Sự chọn lựa ở Đức là mang lại nhiều ưu thế cho từng lớp thượng lưu.»
Thực thi tình yêu tha nhân

Điểm quan trọng thứ ba của cuốn sách là trình bày chủ đề các giá trị. Những giá trị quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ cần phải chuyển đạt cho con cái họ, trước hết là niềm tin tưởng và sự an toàn chắc chắn. Trong điểm này, chúng ta lại một lần nữa trở lại với vấn đề ký nhi viện như đã được đề đến ở trên, một vấn đề chôn vùi chính sự chuyển đạt các giá trị. Dẫn chứng về điều đó, chúng ta hãy nghe một cô làm việc ở một ký nhi viện vốn được tiếng là «ký nhi viện kiểu mẫu» tâm sự lại như sau: «Tình trạng các bé nhỏ ở ký nhi viện hoàn toàn khác hẳn, chứ không thể gọi được là tốt. Chúng tôi thực sự không thể nào săn sóc cho các em nhỏ một cách đúng đắn được. Nhiều em xem ra khổ sở tột bậc. Các em khóc liên miên và tỏ ra rất bất hạnh. Dĩ nhiên chúng tôi không được phép nói cho các bà mẹ biết những chuyện đó, và vì thế chúng tôi luôn nói dối các bà.»

Bên cạnh những quan sát và khám phá phủ phàng như thế về những bất cập và thiếu sót trong lãnh vực chính trị và xã hội, các tác giả Mockler đã giới thiệu một vài kiểu mẫu giáo dục cụ thể như một sự giúp đỡ về đề tài chuyển đạt các giá trị. Điều đó minh giải cho thấy các tác giả Mockler đã xây dựng chính gia đình của họ dựa trên Thập Giới Điều của Thiên Chúa như thế nào. Một bằng chứng về sự thực thi tình yêu đối với tha nhân của hai tác giả là toàn diện nội dung cuốn sách chứa đựng đầy tinh thần khoan dung và sự tôn trọng đối với những người có suy tư và quan điểm ngược lại, mặc dù hai tác giả đã trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng và đầy xác tín.

Nói tóm lại, đây là một cuốn sách không chỉ có tác dụng động viên và khuyến khích những người đang sống đời hôn nhân và gia đình, nhưng còn giới thiệu cho các Kitô hữu những luận chứng hữu ích và những góp ý cần thiết cho các nhà chính trị.


______________________

Sách tham khảo:

Susanne und Marcus Mockler: Familie – der unterschätzte Glücksfaktor. Brunnen Verlag, Giesse 2008, 150 Seiten.

Lm Nguyễn Hữu Thy