PDA

View Full Version : T - Trời ơi ngó xuống mà coi!



Dan Lee
09-12-2008, 12:28 PM
Trời ơi ngó xuống mà coi!

Có thể bạn đã đọc được những phóng sự “Cơm… tù” từ những báo chí trong và ngoài nước trong nhiều năm qua. Bài viết này không có mục đích “báo cáo” với bạn những điều mới mẻ. Người viết chỉ mong bạn “thông cảm” và yêu thương những người thấp cổ bé họng hơn!

Nghe thì đã nhiều, nhưng không nghĩ trên đời lại có những kẻ … bóc lột những người nghèo như thế bao giờ. Thế là tôi quyết định “du hành” một chuyến xem sao. Trong vai một người công nhân từ thành phố (Sài Gòn) về thăm gia đình tôi bắt chuyến tốc hành thẳng tiến về miền Trung – Tôi quyết tâm, sẽ đi cho đến khi nào chứng kiến được cảnh “cơm tù” thì sẽ quay trở về Sài Gòn.

Khoảng gần 1 giờ chiếc xe đò 50 chỗ nhưng đã chở hơn 60 người từ từ rẽ vào quán cơm K.H. ở Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận. Tôi hít một hơi thật sâu, lấy bình tĩnh và… can đảm để có thể chứng kiến những cảnh tượng có thể không đẹp mắt sắp sửa có thể diễn ra. Tôi chưa kịp thở xong thì đã nghe tiếng anh lơ:

- Nghỉ ăn trưa bà con ơi! 45 phút rồi đi tiếp.

Xe chưa dừng hẳn thì đã có 6 “nhân viên” (hay đúng hơn là phải gọi là đầu gấu) mặt lạnh như tiền chạy tới: 2 người khóa cửa sau xe, và 4 người còn lại đứng chắn ngay cửa xe trước đếm người xuống xe. Tôi cố tình chần chờ và muốn là người… cuối cùng xuống xe thì đã nghe:

- (Văng tục) mày có muốn xuống không hay để tao lên lôi mày xuống. Một trong bốn anh chàng mặt lạnh như tiền chỉ thẳng vào mặt tôi chửi. Tôi không nói gì, bặm môi âm thầm đi xuống.

Sau khi tôi ra khỏi xe, hai người nhảy lên kiểm tra xem có ai “trốn” ở sàn xe mà không xuống ăn cơm không. Biết chắc không còn ai ở lại, các “nhân viên” của quán ra hiệu cho chủ xe đóng cửa lại. Khoảng 60 hành khách, phần lớn là dân nghèo, chưa kịp vươn vai, duỗi chân đã bị… lùa vào quán. Một số người còn bị say xe và say nắng nên có vẻ uể oải chưa kịp vào liền bị chửi: “Vào quán đi. Bọn bay đứng ở đây làm gì?” Thế là mọi người lấm lét nhìn nhau rồi … lặng lẽ làm theo.

Tôi đang tính thử đi bộ qua quán bên kia đường để xem phản ứng của các “nhân viên” thế nào thì bỗng hai chiếc bóng của hai thanh niên vụt qua trước mặt tôi chụp cánh tay của một cụ già (tôi nghĩ đã trên 70) định bước qua đường, gằn giọng:

- Đi đâu? Mày ra đường tai nạn ai chịu trách nhiệm?

Cụ già vừa vùng vẫy thoát khỏi hai thanh niên chỉ đáng tuổi… cháu mình vừa la to:

- Tôi đi đâu là là quyền của tôi!

Ngay lập tức, hai “nhân viên” nam này xô cụ ngã xuống đất và cũng nhanh như chớp, liền có hai “nhân viên” nữ của quán chạy ra, nắm hai tay cụ già lôi xềnh xệch trở vào. Cụ vùng vẫy và la to:

- Bớ làng! Hai cô này đánh tôi!

Nghe tiếng cụ kêu to, hơn chục nhân viên trong quán nhào ra, vây tròn quanh cụ già. Cả trăm người khách trong quán, trong đó có cả tôi, không ai dám can ngăn. Cụ thấy mình đơn phương độc mã, và không ai “bênh vực” đành “ngoan ngoãn” đứng dậy đi vào quán, không nói thêm lời nào.

Vào quán rồi mới biết nó … dơ đến cỡ nào. Quán có sức chứa trên dưới 1000 người. Khách phải mua vé ăn, cơm giá 30 nghìn đồng; còn phở và bún thì 25 nghìn đồng. Sau đó, khách tự động lấy đĩa hoặc bát bằng nhựa ở chồng bát đặt trên quầy đi tới chỗ bán thức ăn – y như là nhà hàng Piccadilly ở Mỹ, chỉ khác là người phục vụ ở đây không niềm nở chút nào. Cô gái phục vụ nhìn vé tôi cầm trên tay, thò tay bốc một ít bánh phở, rồi thò tay bốc thịt đã xắt mỏng bỏ vô bát, sau đó cầm cái xô nhỏ nước đục đục (nuớc lèo) đổ vào bát. Sau khi nhận “tô phở” của mình, tôi cố ý tìm chỗ đông người chen vào, để nghe họ có … dám bàn tán gì không?

Quán lúc này khá đông, tôi ước tính phải trên 6 trăm khách vì có tới 11 xe đò loại 50 chỗ ghé vào. Tuy nhiên tất cả hành khách ở đây đều bị kiểm soát chặt chẽ. Hàng chục “nhân viên” cả nam lẫn nữ chia đều các khu vực, để theo dõi từng cử chỉ của khách hàng. Một bác cũng độ trên 50 tuổi ngồi kế tôi, lưỡng lự trước bát bún không có mùi bún mà chỉ có mùi… hôi, thì một nhân viên nữ trạc tuổi 40 quát:

- Ăn đi! Không ngon à?

Khách vội lảng tránh, nói đi đường mệt chưa ăn vội. Chừng mấy phút sau, nhân viên nữ đó lại xuất hiện với giọng lạnh lùng:

- Ăn đi! Không hợp khẩu vị à? Cuối cùng, khách phải ngậm miếng thịt ôi vào miệng, chờ chúng đi để nhả ra. Riêng bát phở của tôi cũng thế, đã “phình” lên, nhưng tôi “may mắn” chưa bị chửi. Hay có lẽ họ nhìn tôi và nghĩ là tôi “có tiền” hơn những người nghèo kia nên không bắt phải ăn.

Thấy tình hình cũng quá căng thẳng, tôi đứng dậy, rời bàn đến chỗ bán các loại đồ ăn vặt, mua một số bánh kẹo để tính tí nữa lên xe sẽ phát cho mọi người. Tổng cộng gần 400 ngàn (khoảng 25 USD) – Sau khi tính tiền tôi gởi bịch đồ đó lại và nói là cần đi nhà vệ sinh. Thế là tôi “thoát” ra được phía bên hông nhà và tính “trốn” qua quán bên kia thì một “nhân viên” mặc áo đỏ cảnh giới hàng rào bên ngoài nhào tới quát:

- Mày đi đâu?

- Tôi qua bên kia mua bao thuốc lá. Tôi nhỏ nhẹ trả lời.

- Thuốc trong quán có, mày muốn tao đập chết à? Hai nhân viên nữ lại chạy ra chửi tôi tiếp:

- Thằng kia, mày chê cơm, chê phở không ăn thì thôi, đừng có lộn xộn! Thế là tôi lại “lặng lẽ” quay trở lại quán… cơm tù!

Hình như đã hiểu được cái luật … rừng ở quán này. Những hành khách đã ăn cơm xong đang đứng gần tôi vội lảng tránh ra xa. Họ tỏ ra rất dửng dưng, coi như không biết, không nghe, và không thấy - y như trường hợp cụ già bị xô ngã và kéo đi lúc nãy.


************

Sau khi đã tận mắt chứng kiến, cái cảnh “trời ơi ngó xuống mà coi!” Và về đến Sài Gòn tôi kể cho một số bạn bè là dân phóng viên nhà báo nghe, thì mới biết là những quán cơm như thế được bao che bởi Công An và chính quyền địa phương. Những người đúng ra được đưa lên để lo cho nhân dân thì lại là những người làm khổ dân. Họ làm ngơ để người giàu ăn trên đầu trên cổ nhân dân, thế mà vẫn được gọi là “Công an nhân dân, hay Ủy Ban nhân dân…” ôi những cái tên rất … nhân dân đang làm khổ dân!

Ngồi nói chuyện một hồi họ còn kể cho tôi nghe câu chuyện của một anh công an từ Sài Gòn đi ra Huế cũng bị “khủng bố” như thế. Khi xe ghé vào quán K.H. thì anh ta cũng định sang quán bên cạnh ăn vì quán K.H. dơ quá – ngay lập tức được hai bảo vệ ngăn lại, bảo ở đây không ai được đi chỗ khác. Một người nắm cổ áo anh lôi vào, nói:

- Không ăn thì vô ngồi, không được đi quán khác!

Tức quá, anh rút từ túi quần ra chiếc túi có thẻ công an rồi bảo:

- Tôi đang đi công tác!

- Ông công an thì làm gì? Nhưng hai tay kia đâu có ngán, đáp lại ngay.

- Tao không ăn ở đây thì mày làm gì tao? Anh công an cũng chẳng vừa, thách lại:

- Mày có gọi công an huyện chứ công an tỉnh cũng không làm gì được! Tụi tao đã “mua” hết rồi. Một đầu gấu thách.

Chút Suy Tư:

Bạn thân mến, chắc rằng nếu bạn chứng kiến những gì tôi chứng kiến, mà bạn lại là người như tôi, đang sống ở nước ngoài chắc bạn “điên” lắm! Và nếu ở ngước ngoài chắc chắn chúng ta đã ra tay “nghĩa hiệp” để bảo vệ người cô thế rồi phải không bạn! Nhưng còn ở quê hương ta thì, người tốt cũng đành phải “ngoảnh mặt làm lơ,” coi như không thấy điều gì sảy ra vì chính quyền của “nhân dân” đã bị “mua” bởi những người giàu.

Tôi vẫn biết rằng có nhiều người không thích những công việc tốt lành của một số tổ chức từ thiện đang được triển khai ở Việt Nam, vì họ lý giải “đem tiền về cho chính quyền ăn!” Tôi thì ngược lại, tôi không tin như thế. Tôi tin rằng những đồng tiền, hay vật chất mà chúng ta giúp đó đến thẳng với con những con người đói khổ và cần chúng ta giúp. Chỉ có một điều không may, đó là số người nghèo khổ cần giúp thì lại quá lớn!

Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “Hãy đốt lên một ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối!” Và tôi tin chắc rằng bạn đã, đang và sẽ tiếp tục đốt lên những ngọn đèn cho những người cùng khổ. Những người đang kêu “Trời ơi ngó xuống mà coi!”

Ân sủng và bình an,

www.hayyeuthuongnhau.org (http://www.hayyeuthuongnhau.org)

LM Martino Nguyễn bá Thông