PDA

View Full Version : DĐ - Đến Sớm Muộn (Chúa Nhật XXV thường niên - Năm A)



Dan Lee
09-16-2008, 12:00 PM
Chúa Nhật XXV - thường niên - Năm A

ĐẾN SỚM MUỘN


Thưa quý vị,

Tôi dám cược đa phần chúng ta không ưa thích dụ ngôn hôm nay. Nói chung nếu được phép tôi sẽ loại vài dụ ngôn ra khỏi Thánh Kinh, vì nó không am hợp với não trạng con người. Một trong những dụ ngôn hàng đầu bị loại ra phải kể đến dụ ngôn Chúa Nhật này. Thứ nhì, truyện hai chị em Martha và Maria, tội nghiệp cô Martha, một người lao động cực kỳ vất vả mà không được biểu dương xứng đáng. Chúng ta cảm thấy bực tức khi nghe công bố nội dung Phúc Âm, nó xem ra chống lại đạo đức lao động mà chúng ta đã học từ tấm bé, đã từng thi hành suốt cuộc đời, và mong đợi kéo dài mãi trong tương quan xã hội. Đó là tính “sòng phẳng” trong lao động: Tiền lương xứng đáng với công sức bỏ ra. Chỉ xin có vậy.

Với suy nghĩ ấy, chúng ta có thể hoàn toàn đồng hóa với các công nhân toàn thời gian trong vườn nho ông chủ của dụ ngôn này. Chúng ta cho rằng họ đã bị đối xử không tốt, và chịu đựng bất công trước hành động trả lương của ông chủ. Chính các công nhân đã nêu lên tâm trạng của họ. Phúc âm kể: “Họ vừa lãnh tiền vừa cằn nhằn chủ nhà: Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những kẻ đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt”. Rõ ràng không sòng phẳng chút nào! Vậy tại sao người ta vẫn giữ câu truyện này trong Thánh Kinh? Liệu có những sạn sỏi không? Phải chăng Thánh Kinh nên hoàn toàn rao giảng về công lý và lẽ phải? Yêu thương và nhân ái? Làm việc vất vả phải được trả công xứng đáng? Chính bản thân tôi đã từng kinh nghiệm nội dung của câu truyện hôm nay, nghĩa là tôi đã từng đứng đợi để được người ta thuê, gọi là chợ lao động (ngày nay nhiều thành phố vẫn còn tình trạng này). Từ sáng sớm những người cần việc làm tụ tập về một nơi nhất định, thí dụ cửa nhà ga, bên hông chợ. Họ đứng ngồi khắp chốn mong đợi có việc làm. Khi còn là sinh viên đại học, nhiều lần tôi đã tham gia “chợ người” này vào buổi chiều các ngày lễ nghỉ, tôi làm việc để kiếm thêm tiền học. Tôi cùng đi với một người bạn đến tầng hầm của tờ báo New York Times. Ở đấy có một ông “đầu nậu” thuê công nhân ngoại lệ, thay chỗ cho công nhân chính thức, xin nghỉ phép vì bận việc nhà, hay lễ lậy gì đó. Chúng tôi đến phỏng 7 giờ chiều và đợi ở gian phòng to lớn của tầng hầm. Trời nóng bức hết chỗ nói, nhưng vẫn phải kiên nhẫn đợi chờ. Từng giờ một ông đầu nậu (cai thầu) bước ra khỏi khu máy in và xuống tầng hầm để thuê thêm nhân công. Họ cần ai đó giúp đỡ khuân vác giấy báo ra khỏi khu nhà máy, chất đống lên các kệ bằng gỗ và chờ chở đi. Công việc thật nặng nhọc, bẩn thỉu, bụi bặm và ồn ào. Nó kéo dài cho đến sáng sớm hôm sau. Việc khuân vác buồn chán và gẫy xương sống, nhưng lương khá tốt, chúng tôi hài lòng vì cần tiền trả học phí.

Vấn đề là phải đứng đợi hàng giờ mong người cai thầu xuất hiện, không phải giờ nào cũng thấy ông ta. Ông chỉ thuê người khi cần. Thật may mắn nếu được ông chỉ điểm và gọi tới. Tôi thì chẳng bao giờ được gọi ngay, bởi lẽ thân hình gầy gò nhỏ bé, ông luôn luôn chọn những gã to lớn, lực lưỡng hơn, rồi đến những đứa ông nhớ được tên. Tôi mới có 19 tuổi, thân hình ốm nhom, coi bất mãn cho công việc. Lại không có thân quen, không có ô dù để nói tốt cho mình. Những thân hình vạm vỡ thường được thuê sớm. Mỗi giờ qua đi là nhột bụng vì mất một giờ lương bổng, một giờ ngủ bù. Tất nhiên việc phải đến sẽ đến, phỏng nửa đêm chúng tôi được thuê vào làm, nhưng chỉ khi nào họ cần lao động qúa quất. Bộ máy công việc xem ra chống lại hai chúng tôi. Nhưng một khi được thuê, lương bổng khá đẹp, chúng tôi phải đến để kiếm thêm tiền học. Vào buổi sáng lĩnh lương, chẳng có ai lĩnh thêm đồng nào qúa lương chúng tôi thỏa thuận, trả kém chúng tôi có thể phàn nàn. Như vậy từ tuổi 19 tôi đã học được thế nào là sòng phẳng. Chúng tôi được trả theo sức lực mình bỏ ra. Sau này trong cuộc đời cứ áp dụng luật ấy mà sống và thấy thoải mái, không gặp rắc rối chi.

Nhưng tại sao Phúc âm lại có thái độ khác đi? Tại sao luật sòng phẳng chúng tôi học từ tấm bé và thấy là “tốt” lại không được áp dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Có điều chi thiếu xót mà Thánh Kinh phải sửa chữa? Thật khó hiểu đối với não trạng bình dân! Có đúng những câu chuyện như vậy trong các dụ ngôn là mẫu mực về tính “tròn chịa và thỏa đáng”, trong giao tiếp xã hội? Có thể tồn tại một lầm lẫn trong Phúc Am không? Nếu đúng vậy sao không xé nó đi? Bởi lẽ như thí dụ hôm nay, rõ ràng nó không đáp ứng mong đợi của người đời! Nhưng phụng vụ lại cho chúng ta đọc đi xem lại trong đời sống đức tin của người tín hữu. Vậy phải có lý do mà chúng ta chưa khám phá ra! Xin nhìn kỹ văn bản, mang nó đến gần sự giận dữ của các công nhân lao động suốt ngày, họ đã hiểu thế nào về số phận của mình và thái độ của ông chủ?

Họ là những ai? Mục tiêu của họ trong lao động? Câu trả lời hiển nhiên, họ là những kẻ làm thuê kiếm miếng ăn, họ khác với chúng tôi, các sinh viên đang lớn, đang trên đường lập thân, chúng tôi lao động kiếm học phí cho tương lai. Họ cần lương thực hằng ngày. Thời Chúa Giêsu, hơn 90% cư dân nước Israel sống bên dưới mức nghèo khó, ăn bữa trước kiếm bữa sau (from hand to mouth each day). Không có an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu, khuyết tật, khi lao động một ngày đủ ăn một ngày. Ngày hôm sau chưa biết, tất cả chỉ vậy thôi. Chẳng có bảo đảm cho cuộc sống! Lương thực của cả gia đình cậy nhờ vào đồng lương nhỏ nhoi một ngày lao động. Những ai không được thuê mướn thường là những người lao động kém: yếu ớt, già cả, vụng về, khuyết tật, góa bụa, qúa trẻ…lao động ít hiệu qủa. Xin thử hỏi, những người ấy khi trở về nhà, đối với gia đình đông miệng ăn, tâm lý họ sẽ ra sao? Chắc chắn là buồn tủi vì thất bại, âu sầu vì không kiếm đủ lương thực, sợ hãi vì ngày mai thiếu ăn! Liệu bạn có tàn ác không? ý nghĩa của nguyên tắc “sòng phẳng” của bạn lúc này chắc chắn triệt tiêu. Một ngày lương xứng với lao động bỏ ra, trở thành bất công, độc ác. Cái xấu trong xã hội là vậy. Làm sao những công nhân xấu số như vậy có thể nuôi nổi vợ con. Làm sao lời cầu xin hàng ngày của họ cho gia đình đủ cơm ăn áo mặc được Thiên Chúa và láng giềng lắng nghe? Liệu xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày có mang ý nghĩa nào đối với họ và gia đình không?

Cho nên thái độ của ông chủ hoàn toàn hợp lý, hợp đạo đức và lẽ phải. Chúng ta không bỏ dụ ngôn này ra khỏi Kinh Thánh được! Phụng vụ cho đọc thường xuyên là chí phải, để giáo dục tín hữu bớt ích kỷ, bớt bất công. Đó là nét thấm trầm của Thánh Kinh. Nét mà cảm tính “công bằng” loài người không chỉ dạy được. Nét mà khôn ngoan các hiền triết đông tây chịu thua. Bởi não trạng “công lý” của chúng ta làm cho vô số người lâm cảnh nghèo đói, thì bụng dạ ông chủ vườn không nỡ để gia đình nào thiếu ăn một bữa. Cái làm cho chúng ta ngỡ ngàng là dụ ngôn không hành xử như chúng ta mong đợi. Cái làm dụ ngôn đi trệch đường suy nghĩ nhân loại và vi phạm nguyên tắc công lý của chúng ta là lời nói của ông chủ với đám thợ: “Này bạn tôi đâu có đối xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao…chẳng lẽ tôi lại không có quyền định đoạt tuỳ ý về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn sinh ra ghen tức?” Như vậy từ “tốt bụng” hoặc rộng rãi đã bẻ gẫy mọi quan niệm cứng nhắc của chúng ta về giao tiếp xã hội. Nó tràn khỏi não trạng mỗi người về Thiên Chúa, về đạo đức cổ điển. Trong đạo đức này chúng ta bắt Thượng đế phải hành xử theo ý muốn con người, nghĩa là đoán trước việc Thiên Chúa làm. Tôi có một mẫu mực luân lý Thiên Chúa cứ thế mà nói năng hành động. Ngài không được phép thoát ra khỏi mẫu mực đó. Nhưng từ “tốt bụng” của dụ ngôn hôm nay làm cho mọi người bất ngơ, Thiên Chúa không đoán trước được, không kiểm soát được, không có đường lối cố định hành động, Ngài hoàn toàn tự do. Ngài không theo tiêu chuẩn phải trái của tôi hoặc của bất cứ ai, Ngài hành động bên ngoài các giá trị xã hội, đôi khi bên ngoài các lề luật Giáo Hội. Vậy thì làm thế nào chúng ta giao tiếp với Thiên Chúa ấy? Ngài luôn luôn gây bất ngờ, sửng xốt cho cả người lành lẫn kẻ dữ, bạn hoặc thù? Làm thế nào mà về phe với Thiên Chúa ấy?

Xin suy nghĩ kỹ bài Phúc âm, và tôi sẽ nhận ra tôi phải bỏ tiêu chuẩn của tôi mà về phe với mảnh đất của Ngài, tôi không thể cường điệu mãi với những khái niệm hẹp hòi của mình. Đứng trước mặt Chúa, tôi phải chọn từ “tốt bụng”, bằng không tôi sẽ đi vào vết xe đổ của Phariseo. Rộng rãi, tốt bụng, cảm thương là những từ nêu rõ tính chất tôi làm môn đệ Chúa. Khi thất bại trong lĩnh vực này, tôi trở nên ích kỷ hẹp hòi, vị luật và do đó, độc ác một cách vô tình hay tiềm thức. Đây là điều rất nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng mỗi người, vì thế chúng ta phải vấn tâm mỗi ngày, tâm lý của chúng ta giống như người đi vào siêu thị mua hàng, nhìn tới khu bày bán báo chí, trên kệ các tuần san, nguyệt san toàn là những hình ảnh đẹp đẽ, toàn người mẫu, không ai gầy béo qúa, già nua qúa, ăn vận tồi tàn, xấu xí, nghèo nàn qúa. Với cái nhìn này, chúng ta lượng gía thiên hạ trong nếp sống hàng ngày thì chỉ còn có thể tìm thấy ở hành tinh khác, sao hỏa chẳng hạn. Cho nên phải lấy tiêu chuẩn “tốt bụng” của Thiên Chúa mà xét đoán thiên hạ. Khi tôi thấy mình hay một người khác không đáp ứng mong đợi, tôi phải sử dụng thái độ của Đức Chúa Trời nhân lành là rộng rãi. Đừng nhìn theo thế gian, đo lường con người theo giàu sang, địa vị, chức quyền, cấp bậc, tài năng. Và như vậy thường xuyên là “nhầm”. Người Do Thái đã “nhầm” với Chúa Giêsu. Chẳng lẽ chúng ta nhắc lại sự nhầm lẫn đó. Lý thuyết thì không ai dám, nhưng thực hành không thiếu trường hợp tệ hại hơn. Chúng ta phải cầu xin Chúa ban ơn cho được khiêm nhường mà nhận ra sự thật.

Xét cho cùng thì chủ vườn nho không hành động bất công, mà chính công nhân vì ghen tức mà trở nên mù quáng. Chính bản thân họ đã từng chịu đựng cay đắng, thấp thỏm lo âu khi một ngày không tìm được việc làm, vì không có người thuê. Vậy thì nắng nôi vất vả cả ngày có thể so sánh được nỗi thống khổ cạn kiệt của bạn hữu kém may mắn không? Cho nên mỗi người một đồng là hợp lý. Hợp lý với công nhân vất vả và cũng hợp lý với người đau đớn về tinh thần vì không kiếm được việc làm. Dụ ngôn còn đưa chúng ta đi xa hơn nữa. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không ai đủ khả năng tranh thủ được, nó hoàn toàn nhưng không dù bạn là Do Thái hay dân ngoại, già hay trẻ, ốm đau hay mạnh khỏe, đạo cũ hay đạo mới. Không ai cậy vào công nghiệp mà được nước thiên đàng. Hoàn toàn do lòng “rộng rãi” của Thiên Chúa. Ông phariseo giữ luật nghiêm ngặt, hay các tông đồ say sưa ăn uống, trước ơn cứu độ của Chúa ngang bằng như nhau. Chỉ có một đồng không hơn không kém. Thiết nghĩ Chúa kể dụ ngôn này để cho phái phariseo một bài học, và cho cả chúng ta ngày nay nữa. Họ phải nhận ra Thiên Chúa là ai. Ngài hành động thế nào trên nhân loại. Vì vậy bài đọc 1 cho chúng ta lời khuyên: “Hãy tìm kiếm Thiên Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên…từ bỏ tư tưởng mình đang có, mà trở về với Đức Chúa và Người sẽ xót thương và đứng về phía khó nhọc của con người”. Sự ghen tỵ của các công nhân đến sớm là điều dễ hiểu, nó là cảm tính tự nhiên, nhưng chúng ta phải luôn nhìn xem sự vật theo chiều hướng thiêng liêng. Đó là điều Chúa muốn chúng ta phải có vì Ngài đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho nhân loại. Chúng ta chỉ là môn đệ của Ngài khi nhìn mọi sự theo quan điểm của Ngài, tức quan điểm đức tin.

Trước bàn thờ Thánh Thể hôm nay, mỗi người sẽ được trả tiền lương một đồng, nghĩa là trọn vẹn Chúa Giêsu, nhưng tùy vào tình trạng linh hồn mình, tiền lương ấy sẽ là vĩ đại, nhỏ bé hay không là chi cả, chúng ta không thể ghen tị như những công nhân trong Phúc Âm. Nếu thấy mình nhỏ bé, thiếu xót trong tinh thần, việc làm hay đời sống, chúng ta có thể cậy nhờ vào lòng rộng rãi bao la của Thiên Chúa. Sửa chữa các lỗi lầm, đồng lương đó sẽ to dần lên cho đến khi chúng ta thỏa mãn. Đồng thời cầu xin cho tha nhân, sửa chữa cho họ để cùng được hưởng ngọt ngào như mình. Đừng khinh bỉ ai cả, giàu nghèo, sang hèn, da trắng da màu. Bởi không ai là kẻ đến sớm đến muộn trong màu nhiệm nước Trời. Amen

Lm Jude Siciliano, OP