PDA

View Full Version : T - Tin Mừng Mt 21,33-43 (Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm A)



Dan Lee
09-30-2008, 11:23 AM
Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 21,33-43

Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta". Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông". Ðức Giêsu bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? "Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta". Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Ai cũng nghe biết những băng đảng tội phạm bí mật khét tiếng miền Nam Italia. Hãy nghe điều gì xảy ra khi một thẩm phán Kitô hữu được phái đến một vùng nổi tiếng dưới sự kiểm soát của Maphia.

Khôn ngoan như con rắn, đơn sơ như chim bồ câu

"Tôi là một thẩm phán miền Nam Italia. Hôm ấy tôi được cấp trên hỏi ý kiến xem tôi có sẵn sàng để được thuyên chuyển đến một vùng có sự kiểm soát chặt chẽ của Maphia chăng. Việc tôi nhận nhiệm sở mới rõ ràng không do ước ao làm người hùng, hoặc do khuynh hướng cảm tử như đội Thần Phong của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai. Ngay khi bước chân vào đại học tôi đã chấp nhận lý tưởng Phong Trào Tổ Ấm. Vậy việc tôi nhận nhiệm sở được đề nghị là do tôi cảm thấy điều mà chính Ðức Giêsu muốn tôi đảm nhận thay vì bất cứ nhiệm sở nào khác.

Sau hai tháng làm thẩm phán người ta đã phải chỉ định một số cận vệ thường xuyên bảo vệ tôi. Ngày lại ngày họ phải liều mạng vì tôi. Tôi không thể xử đối với họ như thể họ bó buộc phải làm như vậy, vì tôi là thẩm phán còn họ là nhân viên công lực. Phúc Âm không cho phép tôi duy trì thái độ đó. Vậy tôi đã cố gắng giữ một thái độ cởi mở chân thành đối với các cận vệ của tôi bằng cách xử với họ như những người ngang hàng với tôi.

Họ luôn tháp tùng tôi cả trường hợp tôi đi dự thánh lễ ở nhà thờ. Không lâu tôi nhận ra một trong số những cận vệ cũng theo tôi bước vào nhà thờ và cùng tham dự phụng vụ với tôi, trong khi trước kia anh đã bỏ không còn giữ đạo nữa.

Hôm ấy các luật sư biện hộ cho thân chủ đã nêu lên những điểm đặc biệt khó liên quan tới vụ kiện. Họ tin tôi chỉ là một thẩm phán thiếu kinh nghiệm nên sẽ gặp khó khăn. Tôi đã nghỉ giải lao để có chút thời giờ tập trung tư tưởng, đồng thời cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho tôi thấy rõ vấn đề được đặt ra trong vụ kiện.

Tôi chỉ có mười lăm phút giải lao nên không thể tham khảo tài liệu hoặc bàn hỏi các bạn đồng nghiệp là những người có thể cố vấn cho tôi. Vậy tôi cầm một mảnh giấy, đặt mình trong bình an nội tâm, rồi bắt đầu viết ra những điều đến trong ý nghĩ của tôi liên quan tới vụ kiện. Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng ý kiến mà tôi nêu ra trong vụ kiện nói trên cũng y hệt quan điểm mà Tối Cao Pháp Viện Italia đã chủ trương trong một vụ kiện tương tự.

Trong một vụ kiện khác tôi chất vấn một bị can. Người ấy liền kể ra một chuỗi những cuộc giết người cũng như một loạt những mưu toan sát nhân khác. Người ấy nói dài tới mấy tiếng đồng hồ đến nỗi có người đã phải mang tới cho tôi chút gì để ăn. Tôi liền hỏi bị cáo xem có muốn người ta cũng mang đến cho mình chút gì để ăn chăng. Tôi làm như vậy vì nghĩ rằng người ấy vẫn là người lân cận với tôi nên tôi có bổn phận phải yêu mến.

Khi vụ kiện kết thúc, bị can bị bỏ tù. Ở đó ít tháng anh đã viết để chia sẻ với tôi cuộc đời sóng gió anh đã trải qua. Anh thâm tín rằng anh được tôi hiểu anh.

Ðiều khó tưởng tượng được về bối cảnh nói trên có lẽ là bầu khí im hơi lặng tiếng của mọi người. Chính tôi đã đi gặp những nhà kinh doanh từng là nạn nhân của những vụ tống tiền qua nhiều năm nay. Những người này đã quyết định lên tiếng tố cáo những kẻ cưỡng bức họ, do đó xảy ra một số người bị bắt. Ðiều đó có nghĩa là những vụ tống tiền được đưa ra ánh sáng khiến một số người liên hệ nhận ra hành vi ố cáo can đảm của họ có thể làm họ thiệt mạng. Tôi rất thông cảm về nỗi âu lo của họ nên đã cố công trấn an họ bằng cách tới gặp từng người. Hôm đó trời rất lạnh mà nơi toà án lại không được sưởi ấm. Tôi đã kiếm được chiếc máy sưởi bằng điện để họ được ấm áp một chút. Tôi cũng gọi người cung cấp cà phê và trà cho họ uống. Một người trong nhóm sợ đến nỗi không cầm nổi mấy thứ đồ uống đó. Tôi đã phải thuyết phục họ về tầm quan trọng của sự thật mà họ nói ra. Hơn nữa họ còn phải ý thức rằng họ không phải là người duy nhất làm điều đó.

Quả thật, việc tôi làm tiềm tàng nhiều nguy hiểm nhưng tôi thấy không thể bỏ qua mà không làm. Tình yêu đối với Chúa thúc đẩy tôi làm việc để bảo vệ sự thật mặc dầu tôi biết một số quyết định có thể hủy hoại toàn bộ nghề nghiệp của tôi.

Nhưng đàng khác tôi cũng nhận được ít nhiều an ủi. Chẳng hạn như cách đây không lâu tôi có cơ hội so sánh ý kiến của tôi với ý kiến của một vị thẩm phán nơi Tối Cao Pháp Viện. Mọi người đều biết lập trường ý thức hệ của ông ấy đối nghịch hẳn với lập trường của tôi. Sau một cuộc gặp gỡ vị thẩm phán ấy xem ra cảm động khi nói với tôi: "Lý tưởng của anh phải là lý tưởng vĩ đại khiến anh đối diện được cách can đảm như vậy đối với tất cả những thách thức trước mắt.

Cái thế gay cấn thường xuyên căng thẳng của vị thẩm phán vừa mới chia sẻ với chúng ta, không những gợi ý cho thấy muôn vàn khó khăn giáng xuống trên các sứ giả do ông chủ vườn nho trong dụ ngôn người tá điền sát nhân, phái tới để thu hoa lợi, mà còn giúp đặt các Kitô hữu trong bối cảnh khó khăn như hiện đang diễn ra. Chính trong bối cảnh hiện thực ấy bài Tin Mừng hôm nay phải dạy chúng ta điều gì đáng kể cho ơn cứu độ? Quả thự nếu Ðức Kitô là Ðấng đến cứu ta thì hoàn cảnh càng gây cấn Ngài càng cần hiện diện để giải thoát ta.

Ðặt mình vào cuộc hành trình lên Giêrusalem

Trước hết nên đặt mình vào cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu theo Matthêu. Với Ðức Giêsu, Galilê là nơi Người tự mạc khải (xem Mt 4,12-17); còn Giuđê là nơi Người bị từ khước và chịu tử hình. Người bước vào ranh giới Giuđê với đám đông lũ lượt theo Người (Mt 19,1). Lập tức Ðức Giêsu bị chất vấn về vấn đề ly dị (1-12). Khi gần tới Giêrusalem, Người lên tiếng nói khá rõ lần thứ ba về cuộc khổ nạn Người sắp phải chịu (20,17-19). Hành vi đầu tiên của Ðức Giêsu tại Giêrusalem là việc đuổi những người đang mua bán trong khuôn viên Ðền thờ (21, 12-17). Việc đó đưa tới cuộc điều tra hạch hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?" (23). Vì các thượng tế và kỳ mục trong dân không trả lời được câu hỏi của Ðức Giêsu là "Phép rửa của ông Gioan do trời hay do người ta" nên Ðức Giêsu đáp: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy" (27). Tiếp đến là dụ ngôn hai người con (28-32) cho thấy "những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông" (c.31). Rồi đến bài Tin Mừng hôm nay về những tá điền sát nhân cho thấy những hình phạt nào đang chờ đợi giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị Ít-ra-en. Ít-ra-en được mô tả như vườn nho của Thiên Chúa theo Isaia 5,1-7.

Vườn nho giao cho Giáo Hội khai thác

Thiên Chúa là sở hữu chủ của vườn nho đó. Người đã giao vườn nho cho giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị Í-ra-en khai thác. Họ đã xử đối cách tàn nhẫn với các đầy tớ (tức các ngôn sứ) do chủ lần lượt phái đến (cc.34-36). Cuối cùng con ông chủ (tức Ðức Giêsu) được phái đến nhưng còn bị bọn họ xử đối thậm tệ hơn nữa. Họ đã quăng người con ấy ra ngoài vườn nho rồi giết đi (cc.37-39). Khi chủ vườn nho tới, ông sẽ trừng phạt bằng cách hủy diệt họ (c.41) và tước khỏi họ quyền ưu tiên trong Nước Thiên Chúa (c.43). Vườn nho sẽ được giao cho người khác (tức Giáo Hội) khai thác để nơi Ðức Kitô dân mới của Thiên Chúa sẽ mang lại nhiều hoa trái.

Vị thẩm phán qua lời ông chia sẻ cho chúng ta thoáng thấy hoa trái ông thâu hoạch được với tư cách là dân mới của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Ông nhận nhiệm sở mới theo ý Ðức Giêsu. Chính ông thi hành quyền bình đẳng với các cận vệ, thể hiện đức bác ái với bị cáo cũng như đối với người chứng. Giữa bối cảnh đen tối đặt dưới quyền kiểm soát của Maphia, ông là bó đuốc sáng đáng kể theo lời Chúa dạy "Anh chị em là ánh sáng soi cho thế giới" (Mt5,14).


Một số câu hỏi gợi ý

1. Về vị thẩm phán trong bài chia sẻ, bạn tâm đắc được gì về: việc ông nhận nhiệm sở mới theo ý Ðức Giêsu? Ông xử đối với cận vệ như người ngang hàng mình? Ông quan tâm tới nhu cầu ăn uống của bị can? Bị can bị bỏ tù mà vẫn viết để chia sẻ với ông cuộc đời sóng gió anh đã trải qua? Ông dám cổ võ việc đưa ra ánh sáng những vụ tống tiền của Maphia? Bạn có ý kiến khác?

2. Bạn quan tâm nhất về điều gì trong cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu? Trong dụ ngôn những tá điền sát nhân? Bạn có ý kiến khác?

Linh Mục Augustine, SJ.