PDA

View Full Version : M - Một vị lãnh đạo có tầm cỡ



Dan Lee
10-03-2008, 10:19 AM
MỘT VỊ LÃNH ĐẠO CÓ TẦM CỠ

“Giết Tổng Giám Mục Kiệt”!

Đó là những tiếng hô rợn người của một đám đông gồm mấy trăm con người điên loạn vừa la hét vừa đập phá tại linh địa Đức Bà vào đúng 0 giờ 05 phút tại Thái Hà được Vietcatholic ghi lại rất tỷ mỷ trong bản tin ngày 22-09-2008. Điều đáng ghi là sự việc trên đây diễn ra trước sự chứng kiến của những viên chức có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự. Câu hỏi đặt ra là do đâu mà Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trở thành người không chỉ đáng ghét, mà thậm chí đáng giết chết như vậy. Để thử tìm câu trả lời, ta hãy tiếp tục ghi nhận một số sự kiện xảy ra trước đó.

http://vietcatholic.net/pics/80921DCKiet.JPG
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

“Cảnh cáo” ông Ngô Quang Kiệt

Vẫn theo VietCatholic (Chúa nhật 21-09-2008) thì ngày 21-09 UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn số 1370/UBND-TNMT về việc “cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội”:


1. Dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của Luật. Đồng thời có trách nhiệm vận động các giáo sỹ, giáo dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật, không được tổ chức hoạt động tôn giáo trái phép, khẩn trương di chuyển tượng, thánh giá... về đúng nơi thờ tự.

2. Không được tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền với nội dung xuyên tạc, kích động, lợi dụng, lôi kéo giáo sỹ, giáo dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật.


Nhưng muốn biết do đâu mà có công văn này thì câu trả lời không khó, đó là từ cuộc họp giữa một bên là phái đoàn Toà TGM Hà Nội do chính Đức Tổng Giám Mục dẫn đầu và bên kia là UBND Tp. Hà Nội, dẫn đầu là ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, cuộc họp diễn ra cùng ngày 21-09 trước khi có công văn nói trên. Khi tường thuật lại cuộc họp này, báo đài Nhà Nước đã trích ra một câu nói của Đức Tổng, cắt bỏ ngữ cảnh của câu văn để có cớ kết án ngài. Nguyên văn câu nói của Đức Tổng như sau: Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. Cả câu văn là như thế, nhưng báo đài chỉ giữ lại mấy chữ: Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam để kết tội Đức Tổng Giám Mục Hà Nội là miệt thị dân tộc đất nước mình, gây bức xúc phẫn nộ trong nhân dân Thủ đô. Nhưng đây chỉ là cái cớ, vì khi trích dẫn lời Đức Tổng Kiệt, người ta đã cố tình cắt bỏ ngữ cảnh khiến cho phần còn lại diễn tả ý tưởng ngược với ý của người nói. Vậy đâu là lý do sâu xa của thái độ hằn học đến tột độ như thế.

Quyền chứ không phải ân huệ

Cũng trong lời phát biểu trước UBND Tp. Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã nói: Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”. Phải xem đoạn video của Vietcatholic khi nghe Đức Tổng Giám Mục nói những lời này với phong thái tự do thanh thản, với giọng nói đanh thép, ta mới hiểu: đây không phải là một người đi xin, nhưng là một người đi đòi, đòi cái quyền tự do đã bị tước đoạt. Và theo tôi, đây mới thực sự là lý do khiến nhà cầm quyền cộng sản nhảy chồm lên như người bị điện giựt: cả gan đụng đến quyền. Khi tôi đi đòi lại cái quyền của tôi, điều đó có nghĩa là quyền của tôi đã bị tước đoạt, đã bị đánh cướp.

Ai đã nói trước?

Dễ thường có người trách Đức Tổng Kiệt tại sao khi không lại nhảy vào ổ kiến để chuốc hoạ vào thân! Thưa đối thoại ôn hoà, kiên tâm chờ đợi đã bao nhiêu năm rồi, nay khi UBND Tp. HN cho xe ủi đến Toà Khâm Sứ thì mọi niềm hy vọng đối thoại ôn hoà đã tiêu tan. Nhưng có một điều quan trọng mà ta không được phép quên là khi Đức Tổng Giảm Mục Hà Nội phản bác cơ chế “xin-cho” thì ngài chỉ nói một chuyện bình thường mà ai cũng nghĩ, nhưng nhất là ngài chỉ lặp lại một điều HĐGM/VN đã nói trong thư ngỏ gửi đến các nhà lập pháp Nước ta sau Đại hội các Giám mục năm 2002. Xin trích một đoạn:


Xoá bỏ khuyết tật lớn thứ hai là cơ chế bất công và tha hoá con người.

Cơ chế xin-cho là một điển hình về cơ chế bất công và tha hoá. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hoá con người vì những lý do sau đây:

Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép. Như thế cơ chế xin-cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.


Và Khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội công khai phản bác cơ chế “xin-cho” trước nhà cầm quyền Hà Nội thì ngài đã đứng vào thế tranh đấu để đòi lại quyền của mình. Đó mới là lý do khiến lãnh đạo Hà Nội nhảy chồm lên và một mặt dùng tất cả các phương tiện nhân lực (công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, đoàn TN Cộng sản HCM), vật liệu (dùi cui, roi điện…) kể cả chó nghiệp vụ trong việc giải toả khuôn viên Toà Khâm Sứ để làm công viên với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử xây dựng, mặt khác sử dụng báo đài để xuyên tạc, mạ lị người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo thuộc giáo tỉnh miền Bắc.

Từ ngạc nhiên đến phẫn nộ và tìm cách trả thù

Trở lại với cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Hà Nội với UBND Tp. HN, sau khi ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kể lể các ân huệ Thành phố đã ban cho Giáo Hội trong những năm qua nhất là vào dịp Noel, điều ông chờ là một lời “cám ơn Nhà Nước đã tạo điều kiện thuận lợi, v.v…” (đây vốn là thứ văn chương ta thường nghe từ phía lãnh đạo tôn giáo của ta sau những dịp lễ khánh thành nhà thờ, truyền chức linh mục, khấn dòng…), thế nhưng thay vì lời cám ơn ông chờ đợi, ông lại được nghe, và có lẽ lần đầu tiên, lại từ phía vị lãnh đạo cao cấp nhất của giáo tỉnh Công Giáo miền Bắc: vấn đề ở đây không phải là ân huệ, mà là quyền. Nói rõ rà: Tôi không đi xin ơn, mà là đi đòi quyền. Điều này không chỉ đụng đến cá nhân ông Chủ tịch hay UBND do ông cầm đầu, nhưng đụng ngay đến chế độ độc tài toàn trị vốn coi dân như cỏ rác.

Tầm vóc người lãnh đạo

Câu nói cũng như phong cách Đức Tổng Kiệt cho thấy ngài là một vị lãnh đạo có tầm cỡ. Và đằng sau chiến dịch rầm rộ để mạ lị và cô lập ngài, ta như sờ thấy được nỗi e sợ của nhà cầm quyền vốn đã quen nghe những lời lẽ nhún nhường từ bao năm nay. Nhưng nhìn từ góc độ người tín hữu Công Giáo, ta phải tạ ơn Thiên Chúa đã cho Giáo Hội Việt Nam một vị lãnh đạo không chỉ ôn hoà, khôn ngoan, nhưng vô cùng can đảm.

Kết Luận

Khi tôi viết những dòng này thì đã có tin tức về cuộc gặp gỡ giữa ba vị đại diện HĐGM/VN với Thủ Tướng Chính Phủ. Mất công ra tận thủ đô để cuối cùng nghe “bổn cũ soạn lại” quan điểm của Nhà Nước Việt Nam về vấn đề đất đai…, tôi thầm nghĩ: chỉ uổng tiền mua vé máy bay và mất thì giờ. Đến nông nổi này thì chẳng còn ai tin là có thể đối thoại với nhà cầm quyền Cộng sản. Điều đáng lưu ý là trong cuộc gặp này các vị đại diện HĐGM đã được giao sứ mạng “dạy dỗ” Đức Tổng Kiệt. Xem ra Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đang là nỗi e sợ ngay của những vị lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ. Điều này cho thấy họ đã nhận ra tầm cỡ của người đứng đầu giáo tỉnh Công Giáo miền Bắc: Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.

Sài-gòn, ngày 01 tháng 10 năm 2008
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm