PDA

View Full Version : T - Tràng Chuỗi Của Người Học Trò



Dan Lee
10-05-2008, 10:24 AM
Tràng Chuỗi Của Người Học Trò


Từ trước đến nay có lẽ chẳng một ai trên thế gian này có thể đếm được những ơn lành hồn xác mà Đức Mẹ Maria đã ban cho nhân loại. Đôi khi người ta ngậm ngùi rơi lệ vì chính mình đã bất hiếu với người mẹ đẻ của mình lúc mẹ mình còn sống, người ta cảm thấy hối hận khi mình đã không cư xử đúng lễ nghĩa với người đã mang nặng đẻ đau, đã nuôi dưỡng cái xác của mình. Nhưng thật sự thì rất ít ai đã nhỏ lệ vì sự vô ơn, thờ ơ, bạc bẽo của mình đối với người mẹ thiên quốc, một người mẹ luôn thương yêu, nâng đỡ, chăm lo cho mỗi người cả hồn lẫn xác trong từng giây phút của cuộc đời.

Thông thường người đời rất lấy làm hãnh diện và khoe với bạn bè, bà con lối xóm khi có được một người mẹ giàu sang, nhiều tiền lắm bạc, có địa vị cao trong xã hội, giỏi giang, đẹp đẽ, hiền lành. Nhưng có lẽ rất ít ai lại đi khoe với người khác về sự cao sang, về nét đẹp mỹ miều của người mẹ thiên quốc, chẳng mấy ai đưa ảnh Mẹ Maria ra để khoe rằng Mẹ tôi là nữ vương thiên đàng, là suối nguồn ơn thiêng, là mạch ân sủng, từ bi vô ngần. Thật ra thì chẳng có gì là sai trái khi người đời đặt nặng lòng tri ân, cảm mến, kính trọng đối với người mẹ trần gian, người đã mang thân xác mình vào đời. Nhưng tiếc thay có một số người đã quên bẳng, không nhìn nhận, hoặc không biết đến người mẹ thiên quốc, đấng sẽ đưa linh hồn mình về trời để ít nhất cũng có cùng một tâm tình tương tự. Chính vì vậy việc loan truyền lòng tin kính Mẹ, trông cậy Mẹ với người khác cũng là một phần nào tỏ bày sự yêu mến, biết ơn, cảm tạ Mẹ và đó cũng là một món qùa vô giá trao tặng cho tha nhân.

Câu chuyện dưới đây bắt đầu xảy ra vào mùa hè năm 1999. Mùa hè năm ấy tôi còn là một sinh viên thực tập, đó là mùa thực tập cuối cùng mà tôi cần phải hoàn thành để có thể lấy được mảnh bằng đại học thứ nhất của mình. Năm ấy tôi đã được một công ty lớn mướn vào làm việc cùng với nhiều sinh viên khác từ khắp nơi trên nước Mỹ quy tụ về. Vì là những ngành về khoa học kỹ thuật nên rất ít nữ sinh theo học, chính vì vậy phần lớn các sinh viên được nhận vào làm việc là phái nam, số nữ sinh viên chỉ chiếm khoảng 5% mà tôi là đứa con gái Á Châu và cũng là cô gái Việt Nam duy nhất trong đợt thực tập mùa hè đó.

Công ty ấy có chương trình đặc biệt để giúp đỡ các sinh viên hiểu biết thêm về kinh nghiệm làm việc, về việc lựa chọn công việc thích hợp sau này. Người ta đã tình nguyện đến để chia sẻ những bí quyết thành công trong nghề nghiệp, kể cả chia sẻ đức tin. Đây là một chương trình thiện nguyện do các nhân viên trong và ngoài công ty cộng tác, họ đều là những người có địa vị cao như giám đốc, phó giám đốc, quản lý. .. Những người này đã ra trường và làm việc rất lâu năm, giàu kinh nghiệm từ cách làm việc, đến cách tổ chức, người ta đã soạn thảo những buổi diễn giải rất hay. Họ đã không ngần ngại bỏ thời giờ qúy báu của mình để đến chia sẻ những bài học qúy gía về cuộc sống, để hướng dẫn những học sinh sắp tốt nghiệp cách xử thế khi đi tìm việc làm, đôi khi họ phải trả lời những câu hỏi rất ngớ ngẩn của mấy anh chàng sinh viên ngủ gục nữa.

Có đôi lần tôi không tham dự, một trong những lần ấy là buổi nói chuyện về đức tin của nhóm người theo đạo Tin Lành. Chính vì vậy nên trưa hôm ấy tôi đã mang thức ăn để ăn trưa ngay tại bàn làm việc của mình. Thình lình tôi nghe một giọng nói ở phía sau lưng:

- Hi, tại sao không đi tham dự buổi hội thảo hôm nay?

Tôi trả lời mà không hề ngoáy đầu lại nhìn:

- Tôi là người Công Giáo, không phải Tin Lành. Tại sao anh lại cũng không đi?

Anh ta nói:

- Tôi cũng không phải là người Tin Lành.

Tôi không buồn quay lại, vẫn tiếp tục ăn và hỏi tiếp:

- Anh đạo gì vậy?

- Tôi không theo đạo gì hết. Anh ấy trả lời.

Lúc nghe như vậy tôi mới bắt đầu quay lại nhìn người đối thoại. Đó là một người thanh niên Mỹ trắng, tóc vàng hoe, đôi mắt rất sáng, khoảng ngoài hai mươi tuổi. Người học trò này có khuôn mặt hiền lành, trang phục đơn sơ giản dị, nụ cười tươi, trông anh ta vui vẻ lắm. Lúc thấy tôi bắt đầu quay lại nhìn thì anh chàng này mới kéo cái ghế bên cạnh tôi để ngồi xuống nói chuyện. Anh ta hỏi:

- Đạo Công giáo và Tin Lành đều tin Chúa Giêsu, có gì khác nhau đâu?

Tôi không giải thích mà hỏi ngược lại:

- Nếu không khác nhau thì tại sao lại có hai tên khác nhau?

Người này tỏ vẻ thích thú với câu nói của tôi nên tiếp lời ngay:

- Đúng rồi, phải khác nhau chứ!

Tôi chưa kịp nói gì thì anh ta đã tiếp tục kể:

- Lúc tốt nghiệp trung học tôi đã được học bổng của một trường Đại Học Công Giáo, tôi đang học ở trường đó. Buổi trưa nào tôi cũng nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, chẳng biết người ta rung chuông để làm gì, tại vì không có ai mở cửa nhà thờ hết.

Lúc ấy vốn liếng tiếng Anh về các từ ngữ tôn giáo của tôi còn bập bẹ, tuy tôi cũng đoán biết là chuông nhà thờ thường đổ buổi trưa để đọc kinh truyền tin nhưng tôi chẳng biết giải thích thế nào cho anh ta hiểu. Chính vì vậy nên tôi bèn đem cái hình Đức Mẹ mang theo trong ví ra đưa cho anh ấy xem và nói:

- Chuông nhà thờ đổ buổi trưa để nhắc người ta đọc kinh kính mừng đó. Anh biết hình ai đây không?

Anh ấy nhìn một lát xong trả lời:

- Mary

Tôi hỏi thêm:

- Mary là ai?

Anh ta cười hồn nhiên và nói:

- Jesus là con trai của Mary. Ngày nào đi học tôi cũng phải đi ngang qua một bức tượng Mary rất lớn, người ta thường đặt bông hồng ở dưới chân của Mary.

Tôi giải thích:

- Có lẽ người ta dâng hoa cho Mary để tỏ lòng yêu mến, xin ơn hoặc tạ ơn gì đó.

Anh ấy đổi hướng câu chuyện rất nhanh:

- Tại sao trông cô trầm tĩnh? Tôi đã quan sát cô nhiều lần rồi.

Tôi thấy anh chàng này nói chuyện cũng ngồ ngộ nên trả lời ngay:

- Tại vì tôi hay cầu nguyện nên tôi giữ im lặng. Anh có tin vào lời cầu nguyện không?

- Tôi đã đọc quyển sách Sức Mạnh của Lời Cầu Nguyện nhưng tôi chưa thử bao giờ.

- Anh có muốn thử cầu nguyện với Mary không?

- Muốn, nhưng tôi không biết cầu nguyện. Cô chỉ cho tôi đi.

Tôi bắt đầu chỉ cho anh ta cách làm dấu thánh giá, bảo anh ta lập lại vài lần cho thuộc. Thế là hết giờ ăn trưa hôm ấy, mọi người trở lại làm việc. Tối lại lúc về nhà, tôi đã tìm một cái tràng hạt và một cái hình Đức Mẹ mới để ngày hôm sau mang lên đưa cho anh ta. Lúc đưa cho anh ta tôi nói:

- Anh hãy giữ bức ảnh và cái tràng chuỗi này luôn bên mình, Mary sẽ phù hộ cho anh.

Ngày hôm sau nữa tôi đã tìm được trong internet bản kinh lạy cha, kinh kính mừng, kinh sáng danh bằng tiếng Anh, tôi in ra và đưa cho anh ta. Lúc ấy tôi không tìm được kinh tin kính mà chỉ biết trong sách lễ ở nhà thờ có bản kinh này. Tôi rất ngại vào nhà thờ lấy sách để đi copy kinh tin kính cho anh ta. Tại vì tôi sợ nếu người khác thấy như vậy sẽ hiểu lầm rằng tôi là kẻ ăn cắp. Nhà thờ tôi đi là nhà thờ của một giáo xứ Mỹ nên tôi càng ngại chuyện này hơn. Tôi cũng không tìm được phần nguyện gẫm bao gồm năm sự vui, năm sự thương, năm sự mừng bằng tiếng Anh. Nhưng nếu lúc ấy tìm được thì tôi cũng chẳng dám đưa cho anh ta vì tôi sợ dài qúa anh ấy sẽ ngán mà không đọc. Tôi đã chỉ cho anh ấy cách lần chuỗi và dặn dò kỹ lưỡng:

- Buổi tối anh nhớ lần chuỗi trước khi đi ngủ. Anh cứ nói chuyện với Mary như nói với mẹ của anh vậy, muốn xin gì thì anh cứ xin, Mary sẽ ban cho anh.

Thế là người học trò này bắt đầu lần hạt mân côi hằng ngày. Tràng chuỗi mân côi của anh chỉ vỏn vẹn có ba kinh: lạy cha, kính mừng, sáng danh, không kinh tin kính, không lời nguyện xin tha tội ở cuối mỗi chục, không gẫm. Tràng chuỗi tôi đã hướng dẫn cho anh ta đơn giản chỉ có thế, vậy mà với đức tin mạnh mẽ đã làm thay đổi đời sống anh ấy hoàn toàn. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Anh có lần chuỗi mỗi ngày không? Anh cảm thấy thế nào?

Anh ấy trả lời:

- Có, tối nào tôi cũng đọc. Lúc đọc kinh tôi cảm thấy rất binh an.

Tôi nói tiếp:

- Hết mùa hè này anh cũng nhớ đem kinh theo đọc, tôi nghĩ rằng anh cần xin Đức Mẹ để học được điểm cao hơn. Nếu điểm cao thì lúc ra trường sẽ dễ kiếm được việc làm hơn.

- Tôi cũng nghĩ như vậy.

Lúc bấy giờ anh chàng học trò này vừa học xong năm thứ hai Đại Học, điểm trung bình chỉ xấp xỉ 3.0/4.0 vì anh ta ít khi được điểm A, phần lớn là B, thỉnh thoảng lại có cả điểm C nữa. Lúc nhìn vào bảng điểm của tôi thì anh chàng cứ xuýt xoa khen mãi, tại vì tôi đã học hết chương trình rồi mà điểm rất cao. Tôi đã giải thích để anh ta hiểu hơn về sự khó khăn của một người tỵ nạn khi đặt chân lên đất Mỹ với hai bàn tay trắng, không biết ngôn ngữ, không xe, không nhà. Tài sản vật chất gần như chẳng có gì ngoại trừ niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, vào sự trợ giúp của Mẹ Maria và sự cầu bầu của các thánh nam nữ. Chính đức tin đã biến đổi tất cả. Sau khi kể lể về hoàn cảnh của mình xong tôi đã tóm tắt một câu gọn lỏn:

- Tôi mà được như vậy thì dứt khoát anh phải hơn tôi.

Anh ấy bẽn lẽn nói:

- Tôi không giỏi như cô đâu. Tôi đã cố gắng hết sức mình, được như vậy là tôi mừng lắm rồi.

Tôi qủa quyết ngay:

- Tất cả đều nhờ vào lời cầu nguyện mà thôi. Nếu anh tin thi anh sẽ được hơn như vậy.

Anh chàng học trò ngần ngại nói:

- Tôi còn hai năm học nữa, hai năm này khó hơn những năm trước nhiều. Từ đây đến lúc ra trường tôi sẽ lần hạt hằng ngày để xem lời cầu nguyện của tôi có được nhận không.

Tôi nhắc nhủ:

- Anh nhớ đem ảnh Mary về cho mẹ của anh xem.

Vừa nghe tôi nói xong thì khuôn mặt người học trò bỗng chợt chùng xuống, cặp mắt long lanh ứa lệ, anh ấy buồn bã nói:

- Tôi không còn mẹ, mẹ tôi đã chết vì bệnh ung thư năm tôi 12 tuổi. Lúc mẹ tôi chết tôi đã khóc nhiều lắm, tôi ước gì mẹ tôi chỉ ngủ thôi.

- Ba của anh ở đâu? Anh có nhiều anh chị em không?

- Tôi chỉ có hai anh em, tôi và một đứa em gái. Lúc mẹ tôi chết thì em gái tôi mới được 9 tuổi. Ba tôi đã bán tất cả đồ đạc trong nhà, thâu tóm số tiền bảo hiểm nhân mạng của mẹ tôi xong bỏ ra đi. Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng biết Ba tôi ở đâu, hình như ông ấy chích xì ke.

- Vậy thì anh sống với ai từ lúc mẹ anh mất đến bây giờ?

- Khi ấy người ta định đưa hai anh em chúng tôi vào cô nhi viện, người em gái của Ba tôi tuy đã hai đời chồng nhưng không có con nên đã nhận chúng tôi làm con nuôi. Tuy rằng ông chồng thứ hai của cô ấy không thích chúng tôi và cô tôi đã lãnh trợ cấp của chính phủ để nuôi. Tính ra thì tiền trợ cấp của chính phủ nhiều hơn tiền chi phí cho đời sống của chúng tôi nữa. Lúc đi học tôi ở nhà thuê gần trường, mỗi kỳ nghĩ tôi mới về nhà hoặc kiếm nơi nào đó để tránh về gặp ông dượng của tôi.

Tôi cố gắng an ủi sau khi nghe xong câu chuyện khá buồn của người hoc trò này. Tôi nói:

- Bây giờ thì anh có mẹ rồi, Mary là mẹ nhân loại, mẹ của tôi, của anh, của tất cả mọi người. Đức Mẹ thương anh, thương tôi, anh cứ nói chuyện với Mary như đã nói với mẹ ruột cua anh vậy.

Nghe tôi nói xong thì khuôn mặt người học trò bỗng trở nên rạng rỡ với nụ cười rất hồn nhiên. Anh đã siêng năng lần hạt và cầu nguyện hằng ngày trong những năm còn học tại Đại Học. Sau mùa hè năm đó chúng tôi mỗi người mỗi ngã, thỉnh thoảng chúng tôi email để liên lạc với nhau. Chính vì vậy nên tôi đã biết được kết qủa điểm học của anh ta. Anh ấy đã tiến bộ vượt bực làm tôi không thể tưởng tượng được. Hai năm cuối cùng ở Đại học anh đạt được toàn bộ điểm A, ngoại trừ mùa học cuối cùng anh có một lớp bị điểm B+ mà thôi. Lúc chưa tốt nghiệp anh đã xin được việc làm với số tiền lương rất cao, sau hai năm làm việc ở đó thì anh tìm được một việc khác lương cao gấp đôi.

Người học trò này tuy mới biết Mẹ Maria, chưa bước chân vào nhà thờ để đi lễ, kinh kệ chẳng biết gì ngoài việc lần một tràng chuỗi thiếu đầu hụt đuôi hằng ngày. Thế nhưng với niềm tin đơn sơ phó thác đã biến đổi quãng đời sinh viên của anh ta từ hạng trung bình khá đến hạng giỏi, từ nỗi lo lắng không tìm được việc làm đến những công việc được trả với mức lương cao không ngờ, từ một kẻ vô thần đến người hữu thần, từ một người mang nỗi buồn mất mẹ đến người hạnh phúc vì luôn có mẹ ở bên mình. Nếu mọi người đều biết dâng lên Mẹ Maria tất cả mọi khốn khó của cuộc đời mình, biết cậy trông vào Mẹ mỗi khi thất vọng, biết chạy đến xin Mẹ soi đường dẫn lối thì ắt hẳn nhân loại sẽ bớt khổ đau, chiến tranh sẽ chấm dứt và tình trạng người bóc lột người sẽ không thể tồn tại được. Tôi xin được kết bài viết về câu chuyện này bằng hai câu hát mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã thuộc lòng:

"Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh, đoàn con chung tiếng hát, chung tấm lòng, dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là nữ vương, là trạng sư, là Mẹ con".

Nguyễn Thị Thu Vân