PDA

View Full Version : T - Tham Dự Tiệc Cưới Nước Trời (Suy niệm Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A)



Dan Lee
10-10-2008, 09:47 AM
THAM DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI ( Mt 22:1-14 )

Năm hết, Tết đến: người Việt Nam thường tổ chức tiệc cưới cho con cái vào thời điểm cuối niên lịch, ngày cùng, tháng tận, để sang Năm Mới, đôi bạn trẻ có dịp đi Tết Mới, ra mắt họ hàng nội ngoại hai bên, nhận biết họ hàng thân tộc dễ dàng. Cũng vào thời điểm gần cuối Năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng cho ta một cái nhìn về quê hương đích thực, nơi đó Thiên Chúa mời gọi ta tham dự tiệc vui với Ngài, nếm hưởng hạnh phúc thiên đình.
Như thế, tiệc cưới bao giờ cũng là một sự gặp gỡ tạo niềm vui. Thế nhưng, đôi khi nó là một gánh nặng, một nỗi lo lắng triền miên của những người liên đới. Một vị cao niên ở Mỹ, ngày ngày sống nhờ trợ cấp tiền hưu dưỡng hàng tháng của chính phủ: bất ngờ mỗi tuần nhận được lai rai thiệp mời đi dự tiệc cưới, lòng thao thức phân vân. Có kẻ được phỏng vấn: sau 30 năm định cư ở Mỹ, điều gì làm cho bạn lo sợ nhất? Anh ta vui vẻ trả lời: sợ bệnh tật (vì chi phí y tế ở Mỹ quá cao), sợ con cái hư hỏng (do nền văn hoá hưởng thụ, giáo dục tự do quá đáng), sợ nhận được thiệp cưới (kinh tế đang xuống cấp, chi tiêu gia đình thiếu đầu vào, bạo đầu ra / không đi thì nghĩ ngợi, mà đi thì tốn kém).

Người được mời dự tiệc đã thế, còn kẻ đứng ra tổ chức tiệc cưới càng long đong nhức đầu hơn. Họ mang nhiều nỗi lo toan khác nhau: chọn địa điểm, thời gian cử hành lễ tiệc (nhà hàng ngon rẻ, nhà thờ đẹp để quay phim, ngày cưới phải là dịp lễ lớn để khách xa có thể vui “long-weekend” trọn vẹn); in thiệp cưới (báo tin sớm vài tháng, để họ hàng ngoài tiểu bang cần chuẩn bị vé bay trước),chọn thực đơn (gia đình hai bên đến nhà hàng trước vài tuần, ăn thử nghiệm những món ăn sẽ chiêu đãi cho thực khách), mời MC điều hành nghi lễ tiệc cưới, lo ban nhạc giúp vui khi ăn uống… Nói chung, người chủ tiệc còn quá nhiều sự phải lo. Tại sao thế? Vì họ quan niệm: đời người ai cũng chỉ có một lần để cưới, một lần tổ chức để đánh dấu ngày ký “án chung thân” với nhau, nên phải tổ chức thế nào cho xôm tụ, hầu “lưu danh thiên thu.”

A. Có một bữa tiệc được mở ra chiêu đãi ( Is. 25:6 và Mt. 22:2 ).

Lời Chúa hôm nay, đưa ta vào khung cảnh Thiên Chúa chiêu đãi dân Ngài một bữa tiệc.
† Tiên tri Isaia (Is. 25:6-12 ) diễn tả: trong bữa tiệc ấy, tha hồ có rượu ngon thịt béo, niềm vui đầy tràn chan chứa. Mọi nét u buồn tang tóc được cất khỏi, sẽ không còn than khóc kêu la, không còn ưu phiền tủi hổ. Trên núi của Thiên Chúa, trong vương quốc của Ngài: người tham dự bữa tiệc mà Thiên Chúa trọng đãi, sẽ sung sướng ngập tràn, vinh phúc không ngơi.

† Thánh sử Matthêu (Mt 22:1-14 ) cũng nhấn mạnh: Thiên Chúa như một vị Vua mở tiệc Nước Trời mời nhiều thực khách tham dự. Dân Do Thái là những vị khách được ưu tiên nhớ đến trước, sau đó là chư dân khắp cùng bờ cõi trái đất: họ đều được hiện diện đồng bàn. Thực đơn tiệc cưới ắt hẳn là cao lương, mỹ vị. Phòng dự tiệc cưới tất nhiên phải là nơi nguy nga tráng lệ, trang hoàng đầy đủ. Niềm vui dâng cao, hạnh phúc dạt dào.

B. Có những thực khách được mời, nhưng không đến dự tiệc ( Mt. 22:3 ).

Là Vua của một nước, chắc chắn khách mời dự tiệc cưới Con Vua thường là bá quan văn võ, các bậc thượng lưu qúy phái, các nhà doanh nhân danh giá, tầng lớp sĩ phu uy tín. Bình thường, được nhà Vua chiếu cố, gửi lời mời trân trọng, với họ: phải là một vinh dự, một sĩ diện. Thế nhưng, đã xảy ra vài sự khác thường:
† Họ đã xem thường lời mời: với nhiều lý do để từ chối, không đến dự tiệc.

† Họ đã khinh miệt người mời: đánh đập đầy tớ của Vua, sỉ nhục, bắt bớ và giết chết.


Là Chúa Cả trời đất, Giavê Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn dân Israel làm dân riêng, mời họ đến dự tiệc Nước Trời. Họ thờ ơ bất trung, lãng quên và bỏ qua những lời đã cam kết. Thiên Chúa lại sai các tiên tri đến thức tỉnh và nhắc nhớ họ về những lời dạy đỗ, đoan hứa của Ngài. Họ không thèm đáp ứng sứ điệp tiên tri rao giảng, thậm chí còn nhẫn tâm bách hại người của Thiên Chúa sai đến. Quả thật:
† Dân Isarel đã từ chối một đặc ân hiếm có: làm dân riêng của Thiên Chúa.

† Dân Israel đã bỏ mất một cơ may: được hưởng hồng ân Cứu Ðộ.


Là một Thiên Chúa tình thương, hàng ngày trên khắp thế giới, qua các thánh lễ Misa: Chúa mở ra cho mọi người nhiều bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Hàng tuần, Giáo Hội cũng thức tỉnh và kêu gọi các kitô hữu đến với Chúa, tham dự tiệc Thánh và nuôi dưỡng đức Tin. Ðau đớn thay, Chúa vẫn bị lạnh lùng cô đơn. Ðã có những tín hữu “làm tuần không đủ, tranh thủ làm thêm cả ngày của Chúa”, họ lý luận đơn giản “không thực sao vực được đạo”. Nhiều lúc, những ngày lễ nghỉ, gia đình vợ chồng con cái tổ chức đi chơi xa, họ quên cả việc tìm kiếm các nhà thờ Công Giáo địa phương, đến với Chúa hàng tuần.
† Họ đã khô cằn lòng tin: mất sự nhận thức giá trị bàn tiệc thiêng liêng của Chúa.

† Họ đã đánh mất phần phúc ban đầu: khi chọn thế gian hơn chọn Chúa.

C. Có những thực khách đến, nhưng không được ăn tiệc ( Mt. 22:13 )

Biết rằng: khách đã được mời trước, không quan tâm đến lời mời dự tiệc,Vua liền sai đầy tớ đi mời tất cả thường dân khắp nơi đến phòng tiệc. Phải chăng Vua sợ lỗ vốn đã bỏ ra chi phí, sợ đồ ăn ế ẩm ư? Không đúng như thế, làm Vua giàu sang dư dả, cần gì tính toán. Ðiều quan trọng: Vua mong ngày vui của Hoàng Tử không bị tẻ nhạt, tiệc cưới của cậu không trống vắng nụ cười. Tuy nhiên, thật ngỡ ngàng khi Vua phát hiện một sự kiện ngoài ý muốn: một thực khách giờ thứ 25 không mặc y phục lễ cuới.
† Anh không được dùng bữa: vì thiếu lich sự tối thiểu, không tôn trọng chủ tiệc.

† Anh bị mất quyền lợi: vì thiếu điều kiện cần thiết, để được hiệp thông niềm vui.


Ơn Cứu Ðộ trước hết được giới thiệu và ban tặng cho con cái Israel. Tiếc thay, do chối bỏ Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Messia, nên Tin Mừng Cứu Ðộ được rao giảng cho các dân tộc khác. Chư dân khắp nơi, từ đông chí tây, từ bắc chí nam: muôn người được tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Tất cả đều lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, do lời tuyên xưng vào Ðức Giêsu Kitô đã tử nạn và phục sinh. Song le, dù là kitô hữu, vẫn có người không được dùng bữa với Thiên Chúa.
† Họ sống đời bất chính chai lì trong sự tội, không xứng đáng được vào nước Trời.

† Tâm hồn họ không trong sạch hoàn toàn, chưa có Ơn Thánh để vào nơi vĩnh cửu.


Giáo Hội không ngừng nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa hãy đáp lại lời Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ muôn dân, mời gọi: ]“Hãy đến mà ăn, ăn bánh của Ta”( Ga. 6:51-58 ). [/COLOR]Biết bao người ngày đêm nghe và thực thi lời Chúa dạy, sẵn sàng đến với Ngài, đón nhận Bánh Thiêng: lương thực trường sinh. Bất hạnh thay, trong cộng đồng dân Chúa, vẫn còn những tâm hồn không được nhận sức sống của Chúa.
† Họ coi thường Giáo Lý, dễ mất đức tin trước những tư tưởng sai lầm nghịch đạo.

† Họ sống trái luật Chúa và Giáo Hội, chưa hoàn hảo xứng đáng để ăn và uống Mình, Máu Thánh Ngài.

D. Ðến dự tiệc và Ăn tiệc: hạnh phúc trong tầm tay.
Câu chuyện xưa kể rằng:

có một anh chàng say mê nghiên cứu các loài chim qúy. Chúa Nhật nào cũng vậy, Anh luôn quên giữ luật dự lễ hàng tuần, lang thang vào rừng với cây súng săn, đi tìm chim lạ. Cha Xứ đến khuyên bảo Anh cố gắng sống đạo giữ ngày của Chúa. Anh trả lời “Con sẽ vâng nghe lời Cha khuyên bảo, nếu Cha trả lời được thắc mắc của con”. Cha Xứ đồng ý. Anh bèn hỏi: “Ðố Cha biết, con chim đang nằm trong tay con, sống hay chết?”
Cha Xứ thầm nghĩ trong đầu “mình nói thế nào, anh ta cũng thắng được. Nếu nói Chim còn sống, anh sẽ bóp chết chim trong tay, ngược lại, nói Chim đã chết, anh ta sẽ thả chim bay ra”. Suy tư một lúc, Cha Xứ liền trả lời: “Con chim sống hay chết là tùy ở bàn tay của Anh. Anh muốn chim sống thì Anh để cho nó sống, và nếu Anh muốn chim chết, thì Anh bóp cho nó chết”.

Ðến dự tiệc hay không, được ngồi ăn tiệc hay không: tùy thiện chí hay lòng mến của ta. Ðường vào Nước Trời cũng thế, ta có xứng đáng được hạnh phúc thiên đàng hay không: là tùy thuộc ở cách sống Ðạo của ta.

E. Lời nguyện kết:
Lạy Chúa! Thật hạnh phúc biết bao khi con được tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể trong thánh lễ. Xin giúp trí lòng con luôn hướng nguyện lên Chúa, để mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của con được lớn lên trong Ơn Thánh Chúa mỗi ngày. Amen.

LM Dominic Trần Văn Điều, SDD