PDA

View Full Version : L - Lời Mời Bị Từ Chối ( Chùa Nhật 28 Thường Niên Năm A)



Dan Lee
10-11-2008, 02:14 PM
Chùa Nhật 28 Thường Niên Năm A
Ðọc Tin Mừng Mt 22,1-14

Ðức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới". (10) Ðầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít"

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

LỜI MỜI BỊ TỪ CHỐI

Trong chương 13 của Tin Mừng Matthêu, Ðức Giêsu đã kể nhiều dụ ngôn bắt đầu bằng câu "Nước Trời giống như�" Nước Trời giống như người gieo giống tốt trong ruộng nhưng sau lại có cỏ lùng (13,24); Nước Trời giống như hạt cải lớn lên thành cây to (13,31); Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn trong ruộng hay như chuyện một thương gia đi tìm ngọc quý (13,44-45); Nước Trời giống như chiếc lưới bắt được đủ thứ cá (13,47)�

Trong bài Tin Mừng trên đây, Ðức Giêsu đã nói: "Nước Trời giống như một vị vua kia mở tiệc cưới cho con mình." Ðây hẳn là một biến cố trọng đại trong cả nước. Những nhân vật vị vọng đều là khách được mời đến dự. Bầu khí thật tưng bừng, vì đây không phải chỉ là một bữa tiệc thường mà là tiệc cưới, hơn nữa lại là tiệc cưới của hoàng tử. Thế nhưng, đáng tiếc thay, khi ngày hôn lễ tới gần, một chuyện không ngờ đã xảy ra. Nhà vua sai một tốp đầy tớ đi mời những người đã được mời trước đây đến dự tiệc, nhưng họ từ chối. Không nản lòng, nhà vua lại sai một tốp đầy tớ khác, dặn dò kỹ càng về điều phải nói với khách mời: "Cỗ bàn đã dọn xong, bò bê đã được làm thịt, mọi sự đã sẵn sàng, xin mời quý vị đến dự tiệc." Thật là một lời mời khó lòng từ chối. Ai cũng nhận ra lòng tốt của nhà vua, người chỉ muốn quan khách đến đông đủ để chung vui với mình, và hưởng những gì mình đã dọn sẵn. Nhưng một lần nữa, người ta lại không đếm xỉa đến lời mời đáng trân trọng này. Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán. Các kẻ còn lại dám táo tợn bắt lấy các đầy tớ vua mà hành hạ và giết đi. Chúng ta có thể đoán được cơn thịnh nộ của nhà vua. Ông sai quân tiêu diệt những tên sát nhân và thiêu hủy thành phố của chúng.

Khi suy nghĩ về phần dụ ngôn trên đây, chúng ta thấy có khá nhiều điểm bất thường, tậm chí có phần vô lý. Trước hết là sự thờ ơ lãnh đạm của những quan khách được mời đến dự một tiệc cưới quan trọng đến thế. Họ không cảm thấy đó là một vinh dự lớn lao. Vì là những khách quý của nhà vua nên họ phải là những người có chức tước trong triều đình hay ngoài xã hội, thế nhưng ở đây ta lại thấy họ là người làm nông hay đi buôn, coi trọng công việc làm ăn hơn là đi dự tiệc cưới hoàng tử. Hành động của các quan khách cũng làm ta ngạc nhiên. Tại sao họ lại hành hạ và giết những đầy tớ của vua, những người này đâu có tội tình gì? Ðiểm cuối cùng khiến ta lấy làm lạ đó là tất cả những người được mời đều từ chối, chẳng một ai chịu dự tiệc. Ngoài ra thật là khó hiểu nếu đích thân nhà vua cầm quân đi tiêu diệt những kẻ sát nhân, đang khi tiệc cưới đã sẵn sàng�

Các nhà chú giải cho rằng dụ ngôn tương tự ở Lc 14,16-24 thì gần hơn với dụ ngôn do chính Ðức Giêsu nói. Thánh Matthêu đã thêm hay thay đổi một số chi tiết trong dụ ngôn nguyên thủy, nhằm trình bày rõ hơn ý hướng thần học của ngài. Trong cái nhìn của Matthêu, những quan khách được mời từ đầu tượng trưng cho dân Do Thái. Họ đã được Thiên Chúa mời vào dự tiệc Nước Trời, nhưng họ đã dứt khoát từ chối. Số phận của những đầy tớ nhà vua cũng chính là số phận thực tế của những ngôn sứ và những nhà truyền giáo đã được Thiên Chúa sai đến với họ trong giòng lịch sử cứu độ. Việc nhà vua thiêu hủy thành phố của những kẻ sát nhân ám chỉ đến việc thành thánh Giêrusalem bị tàn phá năm 70. Vậy nếu hiểu dụ ngôn trên đây của Matthêu theo nghĩa tượng trưng, chúng ta sẽ bớt khó chịu và ngạc nhiên vì những chi tiết tưởng chừng vô lý.

Lời mời của Thiên Chúa bị dân Ngài từ chối. Ðó là điều đã xảy ra trong giòng lịch sử dân Ít-ra-en. Những người được mời lại không đến dự. Họ coi thường niềm vui và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ có nhiều mối bận tâm khác, bận tâm về công việc làm ăn, về những dự án và kế hoạch phải thực hiện gấp. Thậm chí lời mời yêu thương của Thiên Chúa còn trở nên một cản trở cho những gì họ toan tính và tiến hành. Chính vì thế nhiều ngôn sứ đã phải chịu đối xử tàn tệ chỉ vì dám hô to lời mời gọi của Thiên Chúa.

Nhưng không phải chỉ dân Do Thái từ chối dự tiệc cưới, mà chính chúng ta cũng thường từ chối lời mời của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tự coi mình như người yêu, theo đuổi và kết hôn với Ít-ra-en. "Vì Ðấng tác tạo ngươi là chồng của ngươi, danh Người là Chúa các đạo binh." (Is 54,5). Trong Tân Ước, Ðức Giêsu được coi là vị Hôn Phu, còn Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài (Mc 2,19-20; 2C 11,2-3; Ga 3,29). Bởi thế mà tiệc cưới chúng ta được mời tới dự tượng trưng cho giao ước tình yêu mà Thiên Chúa muốn gắn bó với ta qua Ðức Giêsu, "Tình yêu không được yêu lại", đó là lời than khóc của thánh Phanxicô Át-si-di trước sự lãnh đạm của nhân loại. Thiên Chúa vẫn cứ sai người đi mời mãi đến tận thế. Bàn tiệc lúc nào cũng sẵn sàng. Vấn đề là tôi có đến không, tôi có đặt việc kết hợp với Chúa lên trên mọi sự khác không?

Y PHỤC LỄ CƯỚI

Những khách quý được mời trước đây, bây giờ không còn xứng đáng nữa. Bữa tiệc linh đình nay được dùng để thết đãi những người mà các đầy tớ tình cờ gặp ngoài đường phố. "Gặp ai cũng mời vào dự tiệc" (c.9), "gặp ai cũng tập họp cả lại, bất luận tốt hay xấu�" (c.10): hai câu này cho thấy những vị khách sau là những người thuộc đủ mọi thành phần, không ai bị loại vì bất cứ lý do gì. Quá khứ của họ có thể không tốt, nhưng điều quan trọng là họ đã chấp nhận lời mời dự tiệc.

Bước vào phòng tiệc được coi là gia nhập Hội Thánh qua phép rửa. Ðể trở nên một Kitô hữu, cần phải quay lưng với quá khứ tội lỗi, từ bỏ lối sống ngày xưa và mặc lấy lối sống mới của Ðức Kitô. Ngày chịu Phép Rửa, chúng ta được trao tấm áo trắng tượng trưng cho đời sống mới mà chúng ta sắp bước vào (Gl 3,27). Phép Rửa biến chúng ta thành phần tử của Hội Thánh, nhưng điều đó không phải là một bảo đảm cho việc chúng ta chắc chắn được dự bàn tiệc Nước Trời mai hậu.

Ðó là điều thánh Matthêu muốn nhắc nhở chúng ta trong phần cuối của dụ ngôn (câu 11-13). Khi nhà vua quan sát các khách dự tiệc, ông thấy có người không mặc y phục lễ cưới. Nhà vua ngạc nhiên khi thấy một người đi ăn cưới mà lại không ăn mặc xứng đáng. Người ấy không sao chữa tội mình được. Rốt cuộc anh ta phải chịu chung số phận với những người được mời trước kia. Dĩ nhiên y phục lễ cưới ở đây có tính cách tượng trưng. Một Kitô hữu đã chịu phép Rửa nhưng vẫn còn gắn bó với tội lỗi và thói hư tật xấu, vẫn chưa có một cuộc đổi đời thật sự, người ấy là kẻ không mang y phục lễ cưới, và bị đuổi khỏi bàn tiệc đời đời. Ðược vào dự tiệc là một ơn nhưng không, nhưng chúng ta cần phải có thái độ sẵn sàng đón nhận ơn đó. Chính đời sống đạo hạnh và công chính của chúng ta cho thấy chúng ta thực sự coi trọng bữa tiệc Chúa mời ta tham dự. Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh, những ơn đó không phải chỉ là ơn để nhận mà còn là ơn để sống. Chính khi ta dám sống đến cùng những ơn đã lãnh nhận, ta mới làm cho những ơn ấy bung ra tất cả sức mạnh của chúng và sinh hoa trái phong phú.

"Kẻ được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít." Câu này có nghĩa là không phải những ai được gọi đều là những người được chọn. Người Kitô hữu chúng ta không nên rơi vào sự tự mãn của dân Do Thái khi xưa. Họ tự hào mình là dân được tuyển chọn. Thế nhưng họ lại từ khước Ðức Giêsu, từ khước dự tiệc cưới của Con Thiên Chúa. Họ coi mình là con cái Nước Trời, nhưng họ lại bị "quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta phải khóc lóc nghiến răng" (Mt8,12). Hội Thánh hôm nay cũng phải khiêm tốn và thường xuyên tự hỏi mình có mặc y phục lễ cưới không?

Một số câu hỏi gợi ý

1. Thiên Chúa luôn mời chúng ta đến chung hưởng hạnh phúc của Ngài và với Ngài. Nhưng chúng ta cũng luôn có lý do để từ chối lời mời đó. Trong đời sống hàng ngày, thỉnh thoảng bạn có nghe thấy lời mời này không? Bạn có thấy khó đáp lại không?

2. Thiên Chúa không thể ban ơn cứu độ chúng ta nếu chúng ta không thực lòng đón nhận ơn ấy. Có những Kitô hữu bị loại khỏi Nước Trời, và sa vào hoả ngục. Bạn tin có hỏa ngục không? Bạn có sợ hoả ngục không?