PDA

View Full Version : C - Cái gì của Xêda, cái gì của Thiên Chúa



Dan Lee
10-16-2008, 08:14 AM
Suy niệm Chúa Nhật XXIX thường niên - Năm A

CÁI GÌ CỦA CÊSARÊ- CÁI GÌ CỦA THIÊN CHÚA

Đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu, thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi của đối phương đề cập đến pháp luật của hoàng đế La Mã và chuyện có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không thì Ngài lại nói đến quyền hành của Thiên Chúa.

Thực tế mà nói, vấn đề nộp thuế là chuyện đương nhiên, không cần phải bàn. Vả lại câu hỏi được đặt ra cũng không đúng vào đâu, chẳng qua đối phương muốn bàn mưu để bắt bẻ và ám hại Chúa mà thôi. Cái gút mắc của vấn đề là: dân Do Thái thời bấy giờ đang bị đế quốc La Mã xâm chiếm và đô hộ, vì thế họ xem người La mã như dân vô đạo và thù nghịch, vậy thì nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê (một kẻ ngạo mạn phách lối dám tự cho mình là thần thánh) là một hành vi nhục mạ điều luật Thiên Chúa (vì ngươi chỉ tôn thờ một Chúa duy nhất mà thôi). Cho nên: nếu bảo rằng phải nộp thuế, Chúa Giêsu sẽ bị họ tố cáo là kẻ phiến loạn. Trước câu hỏi đầy mưu mô của đám Hêrôđê và biệt phái. Chúa Giêsu lên tiếng: “Hãy trả cho Cêsarê những gì Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa những điều thuộc về Thiên Chúa”. Qua câu trả lời này, ta thấy Chúa phân biệt rõ quyền hạn của Cêsarê và quyền lực của Thiên Chúa.

Mối tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, giữa đạo và đời đã xảy ra từ thời của Chúa Giêsu cũng như từ muôn thuở. Một thí dụ điển hình trong lịch sử Pháp quốc: vào năm 1801, một “hoà thân điều ước” (concordat) đã được ký kết giữa hoàng đế Nã Phá Luân đệ I và Đức Giáo Hoàng Piô VII; cho đến năm 1905 thì sự tách lìa hai quyền bính thiêng liêng và trần thế đã được tuyên bố dứt khoát.

Trở lại bài Phúc Âm, Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng, Ngài không muốn được coi như vị cứu tính chính trị theo ý của người Do Thái. Ngài không đến để nắm lấy chính quyền, đảm nhận trách nhiệm và chúc vụ như một vị hoàng đế Cêsarê hay như một vị vua Hêrôđê. Trong thực tại, Ngài phân biệt rõ thần quyền và thế quyền, tuy công nhận quyền hành chính trị như một điều tất nhiên, nhưng Ngài tự đặt mình vào mức độ khác. Nước Trời mà Ngài đang rao giảng và đang thể hiện nơi Ngài hoàn toàn khác biệt và không cạnh tranh với đế quốc của Cêsarê, vì Nước Trời là vương quốc trường tồn của Thiên Chúa dành cho tất cả, nơi đó không có áp chế, không phân chia kẻ đô hộ và người bị trị.

Thái độ của Chúa cho thấy rõ chính trị có giá trị riêng của nó. Các xã hội ngày nay cần phải có sự tổ chức theo phương diện chính trị, nhưng Thiên quốc không được lẫn lộn với bất cứ thể chế hoặc cơ cấu tổ chức trần thế nào, cho dù chế độ đó có hoàn mỹ chăng nữa.
Chính trị là nghệ thuật và khoa học bảo đãm đời sống con người một cách hài hòa trong một xã hội. Mục đích chủ yếu là: kiếm tìm ấm no hạnh phúc cho từng người, tôn trọng và bảo vệ an ninh trật tự cho mọi công dân v..v... Những mục tiêu này cần phải hoà hợp với các tôn chỉ của Nước trời nơi mà tình yêu và sự kính trọng Thiên Chúa được gắn liền với tha nhân. Nơi nào có liên hệ đến số mệnh của con người thì nơi đó có Thiên Chúa. Vì thế Giáo hội vẫn kêu gọi các tín hữu không nên khinh thường sứ mệnh và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo quốc gia, đồng thời phải thi hành đúng bổn phận người công dân (nộp thuế, nghĩa vụ...) cũng như tích cực góp phần xây dựng xã hội cho tốt đẹp hơn.

Để đạt mục đích này, các xã hội trần gian sử dụng nhiều phương thế khác nhau, có những chính sách phức tạp và cơ cấu tổ chức đa diện đôi khi cũng tương phản nữa... Nhưng trong lãnh vực chính trị, Giáo hội luôn tôn trọng sự tự trị của quyền bính thế trần với mỗi cách thức riêng biệt của nó, và dĩ nhiên Thiên Chúa không tự biểu lộ dưới hình thức các đảng phái chính trị: thật là sai lầm khi gán ghép Thiên Chúa trong phe tả hoặc phe hữu. Tiếc rằng trên chính trường thế giới ngày nay, ta thấy có những chính thể dám khinh thường và chống chọi quyền bính của Thiên Chúa, hoặc ngược lại tuyên bố hữu thần nhưng ngang nhiên áp bức, bốc lột, chà đạp phẩm giá và tự do của con người. Và chúng ta đã thấy rõ nơi nào mà tất cả không được tôn trọng thì nơi đó con người cũng không được đề cao. Khi quyền lực của một quốc gia coi rẻ nhân phẩm thì đương nhiên công dân sẽ bị áp bức chà đạp. Một chính thể vô thần thì cũng vô nhân đạo một cách bi thảm.

Vì thế, những gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê và những gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa. Chúng ta đều biết Cêsarê là hiện thân cho một đế quốc hùng lực và giàu mạnh của thời lịch sử đã qua, nhưng Cêsarê cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc hay tham vọng quyền bính và lợi danh dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người... nhưng xin đừng lên án vội, vì Cêsarê có thể là kẻ khác mà cũng có thể là chính mỗi người chúng ta. Cho nên trong cái phức tạp của đời sống, trong sự giằng co thường nhật, Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên nhận thức rõ vấn đề chọn lựa và chu toàn trách nhiệm.

Trước một câu hỏi chỉ nêu lên vấn đề pháp lý trần thế, Chúa đã khéo léo nhắc đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Vậy thì lúc mà chúng ta chu toàn công việc hằng ngày là lúc mà chúng ta đang trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê, và đến lúc tham dự Thánh Lễ, khi bánh và rượu mà Chúa ban cho chúng ta được dâng lên trước bàn thờ, thì lúc đó chúng ta đang dâng lên Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.

Paul-Maurice Lâm Thái Sơn