PDA

View Full Version : P - Presentation Lời Chúa: Chúa Nhật 29 quanh năm



Dan Lee
10-16-2008, 11:22 PM
Presentation Lời Chúa: Chúa Nhật 29 quanh năm

LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG

Thánh giáo hoàng Piô V đã dày công thuyết phục một vị “tai mắt” Tin Lành đến với Giáo Hội Công Giáo.Trong khi vị này đang còn tìm hiểu Đạo, ngày nọ ông bước vào một nhà thờ để tham dự thánh lễ. Rủi thay, hôm đó những người hiện diện không có vẻ tôn kính trang nghiêm, trừ một số rất ít, số còn lại thì chia trí nói chuyện to nhỏ và nhìn ngó loanh quanh. Con người có ý định trở lại đạo này sinh ra bất bình, ông từ chối trở lại đạo bằng cách viện dẫn lý do trên. Ông nói : “Các người Công giáo không tin ở thánh lễ, họ không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa”.

Câu chuyện trên đây nhắc cho mọi người kitô hữu chúng ta nhớ rằng nhiều khi vì những việc làm, lời nói vô tình hay hữu ý của người kitô hữu chúng ta mà làm cho nhiều người xa rời Thiên Chúa. Chính điều này đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đề cập đến trong tông thư tiến tới trong thiên niên kỷ thứ ba, Ngài nói: “sở dĩ thế giới không nhận ra Đức Kitô nơi Giáo Hội và nơi mọi người Kitô hữu vì hai lý do : một là vì Giáo Hội không biểu lộ được Đức Kitô ở trong mình ra cho thế giới; hai là Giáo Hội chưa sống với Đức Kitô như là một người của Thiên Chúa để làm cho thế giới cảm nghiệm được sự sống dồi dào của Chúa Giêsu, sức thánh hoá mãnh liệt của Chúa Thánh Thần và nhất là tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, qua Giáo Hội.

Thái độ lãnh đạm tôn giáo, một thái độ khiến nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu hay sống một cuộc sống mờ nhạt không đẩy được họ tới đối diện với vấn đề chân lý cũng như nghĩa vụ liên đới”

Thật vậy, đã là Kitô hữu thì phải làm chứng, không làm chứng là phản chứng, làm chứng là một trong những cách thế truyền giáo hữu hiệu nhất, đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm nay. Các Giám mục Việt Nam đã khẳng định điều đó trong bản góp ý cho THĐGM Á Châu : “Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay là làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách sống xứng danh là môn đệ của Người, mà dấu chỉ của người môn đệ là tình thương huynh đệ, tình thương ưu tiên dành cho người nghèo hèn đau khổ là những người chiếm đa số trong lục địa Á châu, chính những người này là đối tượng của Tin Mừng”.

Thư Mục vụ năm 2006, HĐGM Việt Nam cũng nêu rõ : “Sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người. Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.

Nếu trong đời sống người kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm qui chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc nước trời”.

Trong Tông huấn loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI khi đề cập đến vấn đề những đường lối và những phương thế Phúc Âm hoá, tông huấn đề ra những đường lối quan trọng nhất : việc rao giảng, phục vụ Lời Chúa, huấn giáo, sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội, truyền đạt kinh nghiệm về đức tin bằng sự tiếp xúc cá nhân, vai trò của các Bí tích trong mối tương giao của chúng với Lời Chúa, những giá trị tích cực của nền đạo đức bình dân.

Tuy vậy, trước danh sách của những đường lối đó, tông huấn có một đoạn dành riêng cho chứng tá đời sống được coi như phươnng thế Phúc Âm hoá đầu tiên (EN 41). Chính : “nhờ lối sống mình mà Hội Thánh trước tiên sẽ Phúc Âm hoá thế giới, nghĩa là nhờ chứng tá đời sống của mình về lòng trung tín với Chúa Giêsu, về sự khó nghèo và từ bỏ, về sự tự do trước quyền bính của thế gian này, tắt một lời về sự thánh thiện”.

Và Người kết luận rằng : “Con người thời đại này thích nghe những chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết, và nếu họ có nghe những nhà giảng thuyết là chỉ vì những nhà giảng thuyết là những chứng nhân”.

Vì tác dụng của đời sống chứng nhân mà những bài giảng đơn sơ của thánh Gioan Vianney có nhiều sức mạnh truyền giáo hơn là những bài giảng hùng hồn của các nhà giảng thuyết lừng danh chứa đựng nhiều sự thông thái và nhiều nghệ thuật, nhưng lại không được nung nấu bằng một lòng mến Chúa. Việc ban bí tích Hoà Giải của cha Gioan Vianney không có giá trị hơn của các linh mục khác, nhưng sự thánh thiện của ngài tự nó đã là một lời kêu gọi mạnh mẽ thúc đẩy các tín hữu muốn xưng tội và hoán cải. Và sở dĩ vị thánh làm được điều đó là vì người liên lỉ sống đối diện với Mầu nhiệm, sống tâm giao với Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính nhờ những việc làm yêu thương cụ thể của các nữ tu dòng Bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta mà biết bao nhiêu người đã có thiện cảm với đạo Chúa, tin Chúa và trở về với Chúa. Câu chuyện sau đây là một trong vô vàn những chứng từ được Mẹ kể lại :

Một người đàn ông sau khi đã quan sát rất kỹ lưỡng chị nữ tu băng bó cho người hấp hối một cách trìu mến và vui vẻ, đã nói với tôi : ”Ngày hôm nay khi đến đây, tôi không có chút lòng tin vào Chúa, trái lại tâm hồn tôi đầy căm ghét Người. Nhưng bây giờ khi sắp rời khỏi nơi đây, tôi đã là người tin Chúa.Tôi đã thấy tình thương của Chúa được biểu lộ bằng những hành động như thế nào. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua bộ điệu của chị, qua sự trìu mến của chị với người hấp hối cùng cực, tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa bao phủ người khốn cực này như thế nào, và bây giờ tôi tin”.

Qua những dẫn chứng trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc LÀM CHỨNG trong nhiệm vụ truyền giáo.

Vấn đề truyền giáo là nhiệm vụ của mọi người Kitô hữu. Vì tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội mang bản chất li tâm tức là trao ban chính mình cho người khác. Việc truyền giáo là lí do tồn tại của Giáo Hội. Thời gian của Giáo Hội là thời gian giữa hai lần Chúa đến, là thời gian truyền giáo, nếu không truyền giáo thì Giáo Hội mất hết ý nghĩa thời gian của mình. Suốt hai ngàn năm qua, Giáo Hội luôn nỗ lực truyền giáo, từ con số Mười Hai lớn dần tới hơn một tỉ người. Tuy nhiên, so với số dân thế giới thì con số đó chưa thấm vào đâu, chỉ chiếm khoảng 17%. Đặc biệt ở Việt Nam chúng ta con số đó lại càng ít, số giáo dân chỉ chiếm khoảng 8% dân số toàn quốc. Thế mà số người trở là hàng năm thật ít ỏi. Theo cuốn “Người Mục Tử Cộng Đồng” xuất bản tại Tp Hồ Chí Minh năm 1996, tác giả Antôn nguyễn Ngọc Sơn cho biết : “Năm 1993 cả Giáo Hội Việt Nam với 4.600.000 giáo dân, với 22.000 Linh Mục tu sĩ nam nữ mà chỉ có khoảng 20.000 giáo dân trở lại. Như thế mỗi Linh Mục tu sĩ bình quân một năm chưa lôi cuốn được một người theo Đức Kitô. Đó là chưa nói đến những người bỏ đạo hay từ Công giáo theo các tôn giáo khác. Hơn nữa, hầu hết những người trở lại đạo ấy chỉ để lấy vợ lấy chồng như chính các toà giám mục đã ấn định”. Tại sao ? Có phải như một số ý kiến cho rằng : “Việt Nam mới chỉ giữ đạo chứ chưa truyền đạo ?”. Đó là câu hỏi mà mọi người kitô hữu chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và trả lời.

Tin mừng hôm nay Chúa dạy : “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho an em…”. “anh em hãy đi và làm” là một mệnh lệnh chứ không phải là lời khuyên. Vậy tôi đã làm gì để thực hành mệnh lệnh đó của Chúa Giêsu ? Tôi đã “đi” và “làm” cho ai trở thành môn đệ Chúa chưa? Những lời nói của tôi trong giao tiếp hằng ngày có ý thức để đem Chúa đến với người khác không ? Những việc làm của tôi có làm chứng cho đạo Chúa không? Suy niệm về tầm quan trọng của đời sống chứng nhân trong việc truyền giáo, tôi sẽ có những quyết tâm nào ?

JTran