PDA

View Full Version : Y Yêu Thương Anh Em Như Chính Mình



Dan Lee
10-24-2008, 09:52 PM
YÊU THƯƠNG ANH EM NHƯ CHÍNH MÌNH ( Mt. 22:34-40 )


Câu chuyện xảy ra thời Chiến Tranh Thế Giới lần II ( 1939-1945 ): trong một trận giao tranh khốc liệt giữa quân đội Ðồng Minh và Phát xít Ðức, viên sĩ quan Anh nhìn qua ống dòm, thấy một người lính Ðức đang bị trúng thương nặng, nằm rên la oằn oại bên hàng rào giữa bao xác đồng đội chung quanh. Khuôn mặt lộ vẻ đau đớn vì vết thương rỉ máu. Bom đang ào ào rơi xuống, đạn hoả tiễn pháo kích bắn tứ tung. Không một lính cứu thương nào dám xông pha ra cứu chữa. Áy náy và động lòng thương, viên sĩ quan Anh không đành lòng để người lính ấy khốn khổ. Ông can đảm phóng ra giữa lằn đạn hai bên, vác người lính Ðức trên vai, mang về chiến hào đối phương. Cả doanh trại Ðức đều ngạc nhiên khi nhìn viên sĩ quan địch khiêng bạn đồng đội mình bị thương về chỗ họ đóng quân. Xong đâu đó, người sĩ quan Anh chạy trở lại phần đất phe Ðồng Minh. Bất ngờ, một sĩ quan Ðức chặn người ấy lại. Ông tháo thập giá bạc trên ngực bộ quân phục của ông, gắn vào áo sĩ quan người Anh để bảo đảm cho anh ta đi giữa khu vực Ðức Quốc Xã mà không bị khó dễ gì.

Tình yêu quên hết hận thù, vượt qua mọi ranh giới đố kỵ. Tấm lòng yêu thương và hy sinh của viên sĩ quan Anh Quốc đã gợi lên trong ta một khái niệm về giới răn trọng nhất mà Chúa Giêsu đề cập trong Tin Mừng hôm nay: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình ngươi” ( Mt.22:39 ).

A. Yêu thương: điều răn mới, dấu chỉ môn đệ Ðức Giêsu Kitô.

1. Qua câu trả lời cho một thầy thông luật, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh Mến Chúa và Yêu Người là giới răn trọng nhất. Tôi vẫn nhớ một bài hát sinh hoạt trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể ngày xưa trước1975 thường ca rằng:

“Yêu Chúa hết tâm hồn và hết trí khôn ngươi / Yêu anh em cùng chung sống một nhà.
Ðó là, đó là những giới răn trọng nhất ta ghi trong tim”.

2. Trong diễn từ biệt ly với các Tông Ðồ trước khi ra đi chịu tử nạn, Chúa Giêsu cũng đã nói lời tâm huyết: “Ðây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga.15:12 ). Ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại giới luật yêu thương ấy: “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”( Ga.13:35 ) / “Ðiều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” ( Ga.15:17 ). Tôi lại nhớ đến một bài ca sinh hoạt khác của phong trào Hướng Ðạo:

“Này anh này chị này em, con tim không bao giờ ghen ghét.
Này anh này chị này em, con tim không bao giờ ghét ghen.
Tim ghét ghen là tim dối gian, tim ghen ghét là tim úa tàn.
Tim ghen ghét là tim gian dối, tim ghen ghét là tim ghét ghen.”

3. Trong đời sống tu đức, Ðức Ái vốn là nền tảng cốt yếu của sự trọn lành. Ái Chúa, Ái Nhân. Thánh Gioan Tông Ðồ đã yêu Chúa bằng trái tim thanh xuân, đã can đảm theo chân Chúa bằng trái tim trung kiên, đã sẵn sàng chịu thử thách đức tin vào Chúa với trái tim chai lì, trong phút cuối đời, Ngài vẫn nói đi nói lại một lời di chúc duy nhất cho môn đệ mình: “Hãy yêu thương nhau”.

4. Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận suốt thời gian bôn ba hải ngoại, gặp gỡ và diễn thuyết cho người Việt Công Giáo khắp nơi, Ngài đã không ngừng cổ vũ mời gọi mọi con dân nước Việt sống ở xứ người: cố gắng “xây dựng tình hiệp nhất và yêu thương nhau”. Như thế, yêu thương là việc làm cần thiết, là vấn đề muôn thuở trong cuộc sống con người.

B. Các hình thức của tình yêu thương.

Người ta phân biệt có nhiều thứ yêu thương trong cộng đồng xã hội:

† ở nhà, anh chị em trong gia đình yêu mến nhau, ta gọi là tình huynh đệ.
† đến trường, bạn bè cùng chung một lớp gắn bó nhau, nẩy sinh tình bạn hữu.
† học trò học chung một chữ với Thầy, giúp đỡ nhau, quen gọi là tình đồng môn.
† vào quân ngũ, các chiến sĩ cùng chiến đấu dưới một lá cờ, thể hiện tình đồng đội.
† làm chung ở xí nghiệp, công ty: các công nhân liên kết hợp lực nhau thành tình đồng nghiệp.
† cuộc sống đôi lứa, hai bạn trẻ cam kết yêu thương nhau trọn đời, đó là tình phu phụ, nghĩa phu thê.
† cha mẹ sinh con, thương mến và dưỡng dục con, làm nổi bật tình phụ tử, tình mẫu tử.

Yêu thương là lẽ sống, là niềm hạnh phúc của đời người. Nếu một thế giới không có tình yêu thương, chỉ xây dựng bằng hận thù, chiến tranh, ghen ghét: thế giới ấy dễ lụi tàn. Bài học Ðệ Nhị Thế Chiến còn đó. Nước Nhật hoang tàn vì bom nguyên tử, nước Ðức sụp đổ vì một thể chế chính trị sai lầm, Âu Châu tan nát vì khói lửa chiến tranh. Năm 1963, mục sư Martin Luther King, đứng trước một tập thể khoảng 200.000 người da màu ở Washington DC., đã mạnh dạn lớn tiếng:

“ Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ rằng: một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, các đứa con người nô lệ và con ông chủ được ngồi chung bàn tiệc với nhau, vui vẻ chuyện trò. Các con tôi sẽ sống trong một đất nước mà không bị đánh giá trị bởi màu da, tôn giáo nhưng được đánh giá do những công lao đóng góp xây dựng, trong đó người người yêu thương nhau không phân biệt này nọ…”

Tình yêu thương nối kết muôn người nên một, không còn rào cản của bạo lực, ý thức hệ khác nhau.

C. Thế nào là yêu thương anh em như chính mình?

Sách Tàu có câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Ðiều gì mình không muốn người khác xúc phạm mình, thì mình cũng đừng làm điều sai trái ấy cho người khác. Tình yêu thương dựa trên nguyên tắc cơ bản là hãy làm cho người khác điều mình muốn họ làm cho mình.

Chúa Giêsu đã đưa ra vài hình thức cụ thể, để giúp ta yêu thương anh em như chính bản thân mình.

1. Xem anh em như là bạn hữu đồng vai đồng vế, không là người tôi tớ thấp hèn ( Ga.15:15 ).

† Cha Gioan Cassaigne là một linh mục Tu Hội Thừa Sai Ba Lê. Khi về phục vụ tại Di Linh ( Lâm Ðồng), Ngài gặp nhiều người cùi bị bỏ rơi, sống vất vưởng trong các chòi hoang ở trên rừng. Cha Cassaigne đã mang họ về làng, săn sóc thuốc men chu đáo. Ngài nhận ra hình ảnh Chúa Giêsu trong những người cùi bất hạnh ấy. Ngài yêu thương họ như anh em con một Cha trên Trời.

2. Trong mọi hoàn cảnh của anh em: ta sẵn sàng liên đới, quan tâm, hợp tác với họ ( Ga.15:4 ).

† Chiếc xe Honda Accord của tôi đang ngon trớn chạy trên Freeway, bất ngờ trục trặc kỹ thuật, tôi phải ngừng xe lại. Một người Mỹ chạy xe đi tới, thấy vậy, niềm nở hỏi han: ‘Can I help you ?’. Ðoạn anh xem xét, giúp tôi điều chỉnh máy móc an toàn. Tính cách thân thiện của anh đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp về tình yêu thương.

3. Biết hy sinh chịu đựng vì anh em, lo cho họ mọi sự tốt lành ( Ga.15:13 ).

† Người Samaria tốt lành ( Lc.10:33-35 ) đã không ngại tốn kém giúp đỡ người bị cướp dọc đường và Viên sĩ quan Anh tốt bụng đã không sợ nguy hiểm tính mạng để tải thương người lính Ðức: cả hai đều biểu hiện tình yêu thương mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu.

D. Lời nguyện kết:

Lạy Chúa! Bài thánh ca năm nào còn văng vẳng bên tai con:

“Xin dạy con biết yêu: yêu Chúa và yêu mọi người.
Yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là tình yêu”
Ước gì cuộc sống con mỗi ngày luôn gieo rắc hạt giống yêu thương,
dể đời con được lớn lên mãi trong tình Chúa, tình người. Amen.

LM Dominic Trần Văn Điều, SDD