PDA

View Full Version : Y - Yêu thương anh em là cách duy nhất để yêu Chúa



Dan Lee
10-25-2008, 08:48 PM
CHÚA NHẬT. 30 THƯỜNG NIÊN A

Yêu thương anh em là cách duy nhất để yêu Chúa

Xuất hành 22: 20-26; Tv: 18; Thê-sa-lô-ni-ca 1: 5c-10; Matthêu 22: 34-40

Anh chị em thân mến,

Trong thời gian gần đây, tôi có trao đổi về những luật xưa và lỗi thời với một nữ luật sư ở tiểu bang California, cô đã nói cho tôi biết về một số lỗi và những ngớ ngẩn của pháp luật vẫn còn trên sách. Thí dụ: năm 1930 ở Ontario,Ca. có luật cấm gà gáy trong thành phố. Ở Los Angeles luật cấm tắm 2 trẻ sơ sinh cùng lúc trong một bồn tắm. Không được chăn dẫn 2 ngàn con cừu chạy trên đại lộ Hollywood. California không phải là nơi duy nhất mà các văn bản pháp luật lạ vẫn chưa được thâu hồi. Như ở Chicago, cấm không được ăn nơi có hỏa hoạn. Ở Denver cấm không được cho láng giềng mượn máy hút bụi.

Sự ngớ ngẩn của pháp luật, không phải là bởi các nhà làm luật? Hãy nghĩ tốt cho các nhà làm luật thời đó. Có lẽ lúc bấy giờ có việc lùa cừu đi trên đại lộ Hollywood, hay có gà gáy trong thành phố ở Ontario làm người ta không ngủ được. Cho nên hầu hết các văn bản pháp luật được viết để giải quyết một vấn đề nào đó có tính nghiêm trọng, nhưng như chúng ta biết, sau một thời gian, một số yêu cầu cần pháp luật giải quyết đó trở nên lỗi thời, không còn cần áp dụng nữa, và trở thành vô lý đối với người thời nay. Như ở Denver, cho láng giềng mượn máy hút bụi trong nhà là trái luật. Tôi tự hỏi vì sao lại có luật này?

Trong tôn giáo, chúng ta cũng gặp những trường hợp như vừa nói trên. Có những luật và tục lệ lỗi thời. Thời Chúa Giêsu, có 613 luật về tôn giáo. Có những luật được xem là luật "nhẹ", vì nó giảm nhẹ giá trị của sai phạm. Thí dụ luật về cách ăn uống và rửa tay. Nhưng có những luật khác gọi là "nặng" và là luật quan trọng. Như luật về cách đối xử với cha mẹ, với láng giềng, và giữ ngày Sa-bat. Dân chúng thường đặt những câu hỏi với các lãnh đạo tôn giáo thời đó để xem luật nào quan trọng nhất. Nhờ vậy, người thời đó được chỉ dẫn tuân giữ luật và sống tốt hơn. Tuy nhiên, những nhà thông luật có ý kiến khác nhau và hay tranh luận về tính cách nặng nhẹ của luật theo ý kiến riêng của mỗi người.

Trong Phúc âm đọc ngày hôm nay, có trường hợp tương tự như vậy. Một người thông luật hỏi ý kiến Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? " Nhưng, chúng ta thấy được câu hỏi đó không thành thật, chỉ để đặt một cái bẫy cho Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu chọn điều răn nào, người thông luật đó cũng bắt bẻ lại được. Chúa Giêsu, trong tận đáy lòng Ngài, chính là nơi Ngài yêu mến Thiên Chúa và sống mọi sự vì Thiên Chúa, và cũng là nơi Ngài yêu mến chúng ta. Ngài biết ngay điều răn lớn nhất là gì và đó chính là căn nguyên cho mọi tôn giáo.

Chúa Giêsu trích sách Xuất Hành: "ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi."; Và Chúa Giêsu trích trong sách Lêvi "ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Chúa Giêsu ghép hai luật đó làm thành một. Đối với Ngài, hai luật đó không thể tách rời riêng rẻ được, và như vậy, Ngài đưa ra một luật không bao giờ có thể lỗi thời được.

Từ thời Chúa Giêsu đến nay, có biết bao thay đổi. Chúa Giêsu không nói đến việc ghép tim, không nói đến chiến tranh nguyên tử, sự nóng lên của trái đất, Ngài cũng không nói đến việc thụ tinh trong ống nghiệm hay đạo đức trong việc sử dụng internet. Trái lại, Ngài để lại cho chúng ta một luật mà qua hàng bao thế kỷ, Giáo hội vẫn dựa vào đó để giải quyết những vấn đề vừa nêu, và còn nhiều vấn nạn khác sẽ được nêu ra sau này. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đặt Thiên Chúa làm trung tâm điểm của mọi suy nghĩ, hành động và tình cảm của chúng ta. Muốn biết chúng ta có sống theo luật, và sống chân tình với Thiên Chúa, là Đấng mà chúng ta chưa thấy, hãy thực hiện bằng cách yêu mến người thân cận như chính mình. Và hơn nữa, chúng ta phải chia sẻ tình yêu đó như là một món quà chứ không phải là một gánh nặng.

Yêu người thân cận không phải chỉ yêu người láng giềng bên cạnh nhà, và cũng không phải chỉ có lòng tốt đối với thế giới nói chung mà thôi, như chúng ta thường nói "tôi yêu tất cả mọi người", tuy họ không giống chúng ta. Đời sống Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy người thân cận của Ngài là ai, ngoài các môn đệ và bạn hữu của Ngài. Người thân cận của Chúa Giêsu bao gồm những người không ai để ý đến, những người yếu đuối, những người bị kẻ khác có thành kiến xấu về họ.

Chúa Giêsu nói điều luật thứ hai cũng như điều luật thứ nhất. Nếu chúng ta yêu được Thiên Chúa mà chúng ta không trông thấy, thì chúng ta cũng phải yêu mến người thân cận mà chúng ta nhìn được. Ngay cả những khi hàng xóm láng giềng chộn rộn, soi mói, tham lam, không đáng tin cậy, láo xược, trộm cắp hay gian dối. Yêu mến những người như vậy không dễ đâu. Nhưng, Chúa Giêsu dạy rằng, điều răn thứ hai cũng bằng điều răn thứ nhất. Có nghĩa là, chúng ta phải suy xét lại xem từ trước đến nay, chúng ta có tự vấn lương tâm về những điều mình đã làm buồn lòng người khác chưa. Chúng ta có lắng nghe tiếng nói của lương tâm hầu trả lời những câu hỏi đó và có quyết tâm làm gì để đáp lại những vấn nạn đó.

Những lời dạy của Chúa Giêsu chính là nguồn gốc của đức tin, nguồn gốc của Tin mừng, là lời thánh. Lời dạy đó quan trọng đến nỗi cả ba Phúc âm: Matthêu, Mácco và Luca đều nói đến, khiến chúng ta không quên được. Chúng ta không cần phải có bằng cấp về thần học, hay về luật Giáo hội để biết phải làm sao mà theo Chúa Giêsu như môn đệ của Ngài. Đạo chúng ta không phải đặt chủ yếu về quy tắc như những lề luật xưa dễ lỗi thời, ngớ ngẩn.

Trái lại, chúng ta được mời gọi đón nhận và đáp trả lại lời mời này của Thiên Chúa. Một sự đáp trả mà chúng ta phải chú trọng đến, vì nó ảnh hưởng đến những quyết định của mỗi hành động chúng ta. Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ? Chúng ta chỉ cần đặt luật thứ hai ngang hàng với luật thứ nhất. Là yêu mến người thân cận như chính mình vậy. Có phải hằng tuần chúng ta đến nhà thờ để nghe lời Chúa Giêsu dạy không? Và có phải chúng ta đến nhà thờ để xin Chúa Giêsu tha tội cho chúng ta vì chúng ta không giữ lề luật đó hoàn hảo không? Chúng ta cùng đến nhà thờ để nhờ sự giúp đỡ của cộng đoàn qua bí tích Thánh Thể mà chúng ta cùng chia sẻ với nhau, và bí tích Thánh Thể củng cố sức mạnh cho chúng ta để yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, và để yêu mến người thân cận như chính mình chúng ta.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
Lm Jude Siciliano OP