PDA

View Full Version : N - Niềm vui truyền giáo



Dan Lee
10-27-2008, 02:31 PM
NIỀM VUI TRUYỀN GIÁO

Mỗi người có một lịch sử. Lịch sử ấy thường là một bí nhiệm. Bí nhiệm lớn nhất là nhữngniềm vui. Có nhữngniềm vui nói ra được. Có nhữngniềm vui không diễn tả được.

Riêng lịch sử những môn đệ Chúa nhiều năm loan báo Tin Mừng càng chứa ẩn nhiều niềm vui bí nhiệm.

Hôm nay tôi xin phép chia sẻ đôi chút về những niềm vui ấy.

Những niềm vui này rải rác ở từng cá nhân. Nhưng chúng có thể tóm lại trong hai loại dưới đây:

1/ Những niềm vui do niềm tin

Người truyền giáo ra đi vì niềm tin.

- Tôi tin Thiên Chúa là tình yêu. Chúa yêu thương tôi. Chúa yêu thương nhân loại.

- Để đem ánh sáng tình thương vào cảnh u tối của sự chết, Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian. Đức Kitô đã hạ mình xuống mặc lấy thân phận khó nghèo, đến độ chết trên thánh giá. Nhưng Đức Kitô đã phục sinh. Người là Đấng cứu độ, hằng sống. Người ban cho tất cả những ai tin vào Người được trở nên con Thiên Chúa.

- Đức Kitô quy tụ mọi con cái Thiên Chúa vào Hội Thánh. Trong đó, họ được thông hiệp vào sự sống của Người, nhờ lời Chúa, và các bí tích.

- Đức Kitô sai các môn đệ Người đi khắp thế gian làm chứng cho Người.

Trên đây là một số những niềm tin căn bản của người truyền giáo. Đó là nguồn vui lớn lao. Nguồn vui này là động lực thúc đẩy, là lửa nhiệt tình nung nấu tâm can, khiến họ cầu nguyện liên lỉ, và tìm mọi cách để loan báo Tin Mừng.

Niềm vui sâu xa ấy cho họ một cái nhìn lạc quan. Mọi lạc quan đều xuất phát ở niềm tin:

- Thiên Chúa là tình yêu.

- Tin Mừng là tình yêu,

- Người con Chúa là người sống cho tình yêu,

- Nhà truyền giáo phải là ngành nho gắn chặt vào cây nho là Đức Kitô, Đấng Cứu thế vô cùng hiền lành, khiêm nhường và nhân hậu.

Những niềm vui trên đây do niềm tin sẽ được tăng lên do kinh nghiệm loan báo Tin Mừng.

2/ Những niềm vui do kinh nghiệm

Khi hoạt động truyền giáo, nhiều người đã khám phá ra một lộ trình mới. Lộ trình mới đó thường có những bất ngờ, khiến họ càng vui.

Nhiều bất ngờ gây nên niềm vui khoai khoái nhẹ nhàng. Xin kể vài trường hợp sau đây:

a) Trước khi lên đường, nhà truyền giáo thường nhìn người ngoại đạo và vùng ngoại đạo với cái nhìn chủ quan. Nhưng ngay những tiếp xúc đầu tiên đã cho thấy họ là những tiềm năng tốt.

Nhà truyền giáo lúc đó sẽ nói mà không sợ sai: Trước khi tôi đến với họ, Chúa đã đến với họ lâu rồi.

Họ có những đức tính tốt, hồn nhiên. Họ tạo nên giữa họ và tôi một môi trường dễ chịu, thanh thoát. Môi trường đó nhiều khi nhẹ nhàng hơn môi trường giữa người công giáo với nhau.

Từ kinh nghiệm đó, người truyền giáo tự thấy mình có trách nhiệm khám phá những điều tốt nơi những người ngoại. Họ sẽ chứng kiến nhiều sự lạ lùng. Họ sẽ cảm tạ ơn Chúa vô vàn. Từ đó họ coi bổn phận đầu tiên của họ là biết tiếp tục những sự tốt lành ấy. Chứ không phải xoá hết, để làm mới lại hoàn toàn.

b) Trước khi lên đường, nhà truyền giáo cứ tưởng ưu tiên phải đưa mọi người trở nên con Chúa. Nhưng những tiếp xúc thực tế cho họ thấy: Nhu cầu ưu tiên là làm cho mọi người nên người nhiều hơn.

Nên người nhiều hơn là hãy biết quên mình hơn, để phục vụ người khác nhiều hơn.

Kinh nghiệm cho thấy: Nên người nhiều hơn là một đòi hỏi căn bản và thuyết phục.

Không thiếu người công giáo rất quan tâm đến việc thờ phượng Chúa bằng nghi thức, mà không quan tâm đến việc phục vụ con người bằng việc làm. Hiện tượng đó đang gây nên dị ứng đối với người ngoài công giáo. Nhất là thời nay, nền văn minh nặng về nhân bản thường rất nhạy bén với những tôn giáo hay ý thức hệ coi thường con người.

Nhận ra điều đó, nhà truyền giáo, đang khi giới thiệu con đường trở nên con Chúa, sẽ rất tỉnh táo với việc xây dựng nhân bản. Chính người rao giảng Tin Mừng phải làm gương nhân bản ở chính mình.

Nhận thức điều đó sẽ giúp người truyền giáo coi trách nhiệm đối với việc thăng tiến con người là lớn lao. Trách nhiệm đó, khi đem ra thực hành, sẽ gây nên một niềm vui rộng mở. Giữ đạo lúc đó sẽ là việc thường ngày giữa các liên hệ, và trong mọi phục vụ rất thường.

c) Trước khi lên đường, nhiều người truyền giáo đã chuẩn bị cho mình một lô hành trang, như phải biết tìm ra tiền, phải biết xây cất, phải biết tổ chức, phải biết giới thiệu những hoành tráng của cơ sở, phải biết phác hoạ một tương lai có nhiều phương tiện đồ sộ, v.v..

Nhưng khi đã đi sâu vào việc truyền giáo, người ta sẽ thấy hành trang tối cần thiết sẽ là cầu nguyện. Với những phương tiện nghèo, nhưng nếu có cầu nguyện, nhà truyền giáo sẽ thu lượm được nhiều kết quả thiêng liêng lạ lùng, đem lại những niềm vui đầy khích lệ. Nếu bỏ cầu nguyện, mọi mơ tưởng truyền giáo sẽ chỉ là ảo.

Họ cũng không quên tỉnh thức khôn ngoan. Nhiều khi việc truyền giáo được giải quyết tốt, nếu biết khôn ngoan đón nhận một cơ hội hay một con người, cũng như biết giới thiệu một Hội Thánh khiêm tốn phục vụ, chứ không phải một Hội Thánh quyền lực.

Chia sẻ vắn tắt trên đây về niềm vui truyền giáo không có nghĩa là nhà truyền giáo không phải chịu những đớn đau. Kinh nghiệm cho thấy: Họ phải sống mầu nhiệm thánh giá. Niềm tin cũng cho họ nhận ra: truyền giáo là việc phải gắn kết với Chúa Giêsu chịu chết và sống lại.

Nhưng dưới những đau đớn vẫn có niềm vui sâu lắng. Đó là niềm vui của sự phó thác.

Xin chúc tụng lòng thương xót Chúa đến muôn đời.

+ GM JB Bùi Tuần