Dan Lee
10-28-2008, 04:01 PM
Suy niệm Lễ Cầu cho các tín hữu qua đời
MONG ĐỢI SỰ SỐNG LẠI
Trong Thư gửi cho các tín hữu ở Roma, thánh Phaolô đã viết : « Nếu Thần Khí ở trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác hay chết của anh em có được sự sống mới ! » (8,11).
Ðó cũng chính là sự xác tín của chúng ta. Vâng, Ðức Giêsu Kitô sẽ cho tất cả những người quá cố của chúng ta được sống lại để sống một cuộc sống mới.
Trong cuốn Nhật Ký của ông, Eugène Ionesco (1912-1994), một nhà soạn kịch thời danh người Pháp gốc Rumani, đã viết : « Người ta chết vì đói. Người ta chết vì khát. người ta chết vì buồn chán. Người ta chết vì cười. Người ta chết vì lạc thú. Người ta chết vì sợ hãi. Người ta chết dĩ nhiên trong chiến tranh. Người ta chết vì bệnh tật. Người ta chết vì già nua tuổi tác. Người ta chết hằng ngày. Chúng ta sống để mà chết. Sự chết là mục đích của sự hiện hữu. Người ta sẽ cho đó là một chân lý bình thường. Nhưng thỉnh thoảng một điều tầm thường khuất biến sau một kiểu nói quen thuộc, và chân lý sẽ xuất hiện, lại xuất hiện hoàn toàn mới mẻ. Ðối với tôi, mỗi khi tôi trải qua một giây phút nào đó, tôi lại tự nói với mình rằng sự hiện hữu chỉ có một mục đích duy nhất : Sự chết ! Người ta không thể làm được gì để chống lại điều đó. Người ta không làm được gì cả. Người ta không thể làm được gì để chống lại điều đó ! » (E. Ionesco, Tagebuch).
Ðúng vậy ! Tất cả mọi người sẽ chết. Tất cả chúng ta sẽ chết. Danh sách những người sẽ chết trong năm nay đã được ấn định. Chúng ta không biết tên tuổi và nhân thân của những người đó, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng mỗi người trong chúng ta có thể có tên trong danh sách đó, vì chỉ trong chốc lát khi rơi vào tình trạng hôn mê, thì một người ít nhất cũng đã cảm nhận được ý nghĩa của câu hỏi « Chết là gì ? »
Tuy nhiên, không một ai trong số những người đã bước vào cõi chết lại có thể trở lại nói cho những người còn sống biết được cái chết của mình thực sự là gì ! Những người chết hoàn toàn câm nín, không hề hé môi, còn những người đang sống lại khắc khoải trước vấn nạn sự chết ! Trong sự yên lặng tịch mịch đó, chúng ta giống như những người lữ hành cô đơn lẻ loi và tiếng kêu gào của chúng ta chỉ nhận được tiếng vọng trở lại của chính nó, chứ không phải câu trả lời. Vâng, không ai có thể san sẻ cho kẻ khác kinh nghiệm về cái chết của mình được, mỗi người trong chúng ta phải tự cảm nghiệm lấy một cách hoàn toàn cá nhân riêng tư.
Là con người, không một ai trong chúng ta lại thích chấp nhận một sự thật của cuộc sống : Sự chết là người đồng hành trung tín nhất của chúng ta ! Trái lại, chúng ta thường tìm cách tránh né và chạy trốn trước thực tại đó. Chúng ta luôn đẩy lui cái thực tại chắc chắn nhất đó ra xa khỏi tư duy và cuộc sống chúng ta và làm như thể nó chỉ xảy đến cho những người khác mà thôi, còn chính chúng ta vẫn miễn trừ ! Trong thời đại sống xô bồ và sống giành giật, chạy đua với thời gian ngày nay của chúng ta, chỉ có những yếu tố cụ thể trước mắt mới có sức thu hút mãnh liệt. Tất cả mọi giá trị đều đặt cơ sở trên các tiêu chuẩn : Trẻ, đẹp, sự hưởng thụ, sự tiến bộ và một cuộc sống luôn luôn nhanh gọn và cuồng nhiệt. Còn sự chết và các hậu quả của nó hoàn toàn bị gác bỏ « ngoài cửa ». Người ta thường tránh né các dịp nhắc nhở họ phải nghĩ đến sự chết. Chẳng những thế, có nhiều người còn tìm cách không muốn nhắc đến Thiên Chúa, Giáo Hội và đời sống đức tin, hầu cho lương tâm họ bớt cắn rứt và vì họ không còn muốn biết và nghe nói đến sự chết, đến những sự thật của cuộc sống.
Nhưng tất cả những thái độ tránh né và chạy trốn đó chỉ là sự tự lừa dối chính mình. Bởi vì sự thật vẫn còn đó : Chúng ta sống là để chết ! Lời nói đó của E. Ionesco, rất có thể là dịp giúp chúng suy gẫm, ít là trong ngày lễ Các Ðẳng Linh Hồn và trong tháng mười một này.
Chắc chắn rằng trong các thế hệ trước, « các sự sau » thường hay được phóng đại với đủ thứ đe dọa và bằng những hình ảnh rùng rợn và khủng khiếp về hỏa ngục, về những tên quỉ mặt mũi đen đúa hung dữ, các thứ rắn rết, những ngọn lửa bốc cao, v.v… ! Trái lại, ngày nay người ta lại rơi vào một thái cực khác, người ta lại quan niệm ngược lại như vừa nói trên.
Tuy nhiên, theo tâm lý tự nhiên, chúng ta phải thành thật nhận rằng chúng ta không bao giờ thích đối mặt với thực tại của sự chết cả, và qua đó không thể chấp nhận được rằng chết là hết; và tiếp đến : Sống là để chết !
Nhưng chúng ta có thể tìm ở đâu ra được một cái chi khả dĩ thay thế sự chết được ? Ðiều khả dĩ đó chỉ có thể tìm thấy duy nhất nơi Ðức Kitô, Ðấng đã chết và đã phục sinh khải hoàn. Ðó cũng là điều thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu xưa trong Thư Roma, chương tám : « Ðấng đã làm cho Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ làm cho thân xác hay chết của anh em có được sự sống mới ! » Ðó chính là Alfa và Ômêga, là tâm điểm của đức tin Kitô giáo của chúng ta : Ðức Kitô sống hay vẫn bị giam cầm trong sự chết ?
Nhưng nếu giờ đây Ðức Kitô đang sống, chứ không còn bị giam cầm trong cõi chết nữa, vì Người đã sống lại từ trong cõi chết. Ðàng khác, Ðức Kitô không phải là một cá nhân tư riêng nào đó. Người là đầu của một thế giới mới, là người sống lại đầu tiên trong các kẻ đã chết, là Thủ Lãnh và Ðấng kiện toàn đức tin của chúng ta.
Lời Người quả quyết : « Ai tin Ta thì sẽ sống, cả khi người đó đã chết rồi !» (Ga 11,24b).
Và thánh Phaolô còn nói thay cho chúng ta. « Nếu Thần Khí của Người ở trong chúng ta », nghĩa là không phải là thần khí của sự tiến bộ kỹ thuật và của một cuộc sống sung túc đầy đủ hơn. Nhưng đó là Thần Khí của thế giới thuần tuý nội tâm, một Thần Khí không bao giờ chấp nhận bất cứ sự giới hạn và cản ngăn nào. Người muốn thổi đâu là tùy ý ! Thần Khí Ðức Kitô sẽ ở trong chúng ta, nếu chúng ta thành tâm tin nhận Người là đường, là sự thật và sự sống, và mỗi ngày lại nỗ lực bước theo Người; nếu chúng ta dành chỗ cho sự vĩnh cửu trong những sự chóng qua này; nếu Ðức Kitô thực sự là niềm hy vọng và sự bình an của chúng ta; nếu chúng ta biết vì Người mà yêu thương anh em mình và dấn thân cho họ !
Lễ Các Thánh và lễ Các Ðẳng Linh Hồn muốn thức tỉnh trong chúng ta thái độ sống nền tảng theo tinh thần Kitô giáo. Chúng ta có thể gọi thái độ đó là : Mong đợi sự vĩnh cửu !
Niềm hy vọng vào cuộc tái ngộ sau cùng trong nơi vĩnh cửu đồng hành với chúng ta trong khi chúng ta đi thăm viếng các mộ phần của những người quá cố của chúng ta; Niềm mong đợi vào sự vĩnh cửu tạo nên nhịp cầu nối kết các thiên niên kỷ, các đại dương và các lục địa lại với nhau, và không loại trừ bất cứ ai cùng mang trên mình khuôn mặt người, bởi vì Ðức Kitô đã chết cho tất cả mọi người và cũng đã sống lại cho mọi người trong một cuộc sống mới, mà Người sẽ ban cho mỗi người, khi Người trở lại trong ngày tận thế.
Vậy, đúng như nhà văn hào người Pháp, Léon Bloy (1846-1917), đã viết : « chúng ta không phải sống để mà chết, nhưng là để chờ đợi được sống lại trong một cuộc sống mới và vĩnh cửu ! » Amen
LM Nguyễn Hữu Thy
MONG ĐỢI SỰ SỐNG LẠI
Trong Thư gửi cho các tín hữu ở Roma, thánh Phaolô đã viết : « Nếu Thần Khí ở trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác hay chết của anh em có được sự sống mới ! » (8,11).
Ðó cũng chính là sự xác tín của chúng ta. Vâng, Ðức Giêsu Kitô sẽ cho tất cả những người quá cố của chúng ta được sống lại để sống một cuộc sống mới.
Trong cuốn Nhật Ký của ông, Eugène Ionesco (1912-1994), một nhà soạn kịch thời danh người Pháp gốc Rumani, đã viết : « Người ta chết vì đói. Người ta chết vì khát. người ta chết vì buồn chán. Người ta chết vì cười. Người ta chết vì lạc thú. Người ta chết vì sợ hãi. Người ta chết dĩ nhiên trong chiến tranh. Người ta chết vì bệnh tật. Người ta chết vì già nua tuổi tác. Người ta chết hằng ngày. Chúng ta sống để mà chết. Sự chết là mục đích của sự hiện hữu. Người ta sẽ cho đó là một chân lý bình thường. Nhưng thỉnh thoảng một điều tầm thường khuất biến sau một kiểu nói quen thuộc, và chân lý sẽ xuất hiện, lại xuất hiện hoàn toàn mới mẻ. Ðối với tôi, mỗi khi tôi trải qua một giây phút nào đó, tôi lại tự nói với mình rằng sự hiện hữu chỉ có một mục đích duy nhất : Sự chết ! Người ta không thể làm được gì để chống lại điều đó. Người ta không làm được gì cả. Người ta không thể làm được gì để chống lại điều đó ! » (E. Ionesco, Tagebuch).
Ðúng vậy ! Tất cả mọi người sẽ chết. Tất cả chúng ta sẽ chết. Danh sách những người sẽ chết trong năm nay đã được ấn định. Chúng ta không biết tên tuổi và nhân thân của những người đó, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng mỗi người trong chúng ta có thể có tên trong danh sách đó, vì chỉ trong chốc lát khi rơi vào tình trạng hôn mê, thì một người ít nhất cũng đã cảm nhận được ý nghĩa của câu hỏi « Chết là gì ? »
Tuy nhiên, không một ai trong số những người đã bước vào cõi chết lại có thể trở lại nói cho những người còn sống biết được cái chết của mình thực sự là gì ! Những người chết hoàn toàn câm nín, không hề hé môi, còn những người đang sống lại khắc khoải trước vấn nạn sự chết ! Trong sự yên lặng tịch mịch đó, chúng ta giống như những người lữ hành cô đơn lẻ loi và tiếng kêu gào của chúng ta chỉ nhận được tiếng vọng trở lại của chính nó, chứ không phải câu trả lời. Vâng, không ai có thể san sẻ cho kẻ khác kinh nghiệm về cái chết của mình được, mỗi người trong chúng ta phải tự cảm nghiệm lấy một cách hoàn toàn cá nhân riêng tư.
Là con người, không một ai trong chúng ta lại thích chấp nhận một sự thật của cuộc sống : Sự chết là người đồng hành trung tín nhất của chúng ta ! Trái lại, chúng ta thường tìm cách tránh né và chạy trốn trước thực tại đó. Chúng ta luôn đẩy lui cái thực tại chắc chắn nhất đó ra xa khỏi tư duy và cuộc sống chúng ta và làm như thể nó chỉ xảy đến cho những người khác mà thôi, còn chính chúng ta vẫn miễn trừ ! Trong thời đại sống xô bồ và sống giành giật, chạy đua với thời gian ngày nay của chúng ta, chỉ có những yếu tố cụ thể trước mắt mới có sức thu hút mãnh liệt. Tất cả mọi giá trị đều đặt cơ sở trên các tiêu chuẩn : Trẻ, đẹp, sự hưởng thụ, sự tiến bộ và một cuộc sống luôn luôn nhanh gọn và cuồng nhiệt. Còn sự chết và các hậu quả của nó hoàn toàn bị gác bỏ « ngoài cửa ». Người ta thường tránh né các dịp nhắc nhở họ phải nghĩ đến sự chết. Chẳng những thế, có nhiều người còn tìm cách không muốn nhắc đến Thiên Chúa, Giáo Hội và đời sống đức tin, hầu cho lương tâm họ bớt cắn rứt và vì họ không còn muốn biết và nghe nói đến sự chết, đến những sự thật của cuộc sống.
Nhưng tất cả những thái độ tránh né và chạy trốn đó chỉ là sự tự lừa dối chính mình. Bởi vì sự thật vẫn còn đó : Chúng ta sống là để chết ! Lời nói đó của E. Ionesco, rất có thể là dịp giúp chúng suy gẫm, ít là trong ngày lễ Các Ðẳng Linh Hồn và trong tháng mười một này.
Chắc chắn rằng trong các thế hệ trước, « các sự sau » thường hay được phóng đại với đủ thứ đe dọa và bằng những hình ảnh rùng rợn và khủng khiếp về hỏa ngục, về những tên quỉ mặt mũi đen đúa hung dữ, các thứ rắn rết, những ngọn lửa bốc cao, v.v… ! Trái lại, ngày nay người ta lại rơi vào một thái cực khác, người ta lại quan niệm ngược lại như vừa nói trên.
Tuy nhiên, theo tâm lý tự nhiên, chúng ta phải thành thật nhận rằng chúng ta không bao giờ thích đối mặt với thực tại của sự chết cả, và qua đó không thể chấp nhận được rằng chết là hết; và tiếp đến : Sống là để chết !
Nhưng chúng ta có thể tìm ở đâu ra được một cái chi khả dĩ thay thế sự chết được ? Ðiều khả dĩ đó chỉ có thể tìm thấy duy nhất nơi Ðức Kitô, Ðấng đã chết và đã phục sinh khải hoàn. Ðó cũng là điều thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu xưa trong Thư Roma, chương tám : « Ðấng đã làm cho Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ làm cho thân xác hay chết của anh em có được sự sống mới ! » Ðó chính là Alfa và Ômêga, là tâm điểm của đức tin Kitô giáo của chúng ta : Ðức Kitô sống hay vẫn bị giam cầm trong sự chết ?
Nhưng nếu giờ đây Ðức Kitô đang sống, chứ không còn bị giam cầm trong cõi chết nữa, vì Người đã sống lại từ trong cõi chết. Ðàng khác, Ðức Kitô không phải là một cá nhân tư riêng nào đó. Người là đầu của một thế giới mới, là người sống lại đầu tiên trong các kẻ đã chết, là Thủ Lãnh và Ðấng kiện toàn đức tin của chúng ta.
Lời Người quả quyết : « Ai tin Ta thì sẽ sống, cả khi người đó đã chết rồi !» (Ga 11,24b).
Và thánh Phaolô còn nói thay cho chúng ta. « Nếu Thần Khí của Người ở trong chúng ta », nghĩa là không phải là thần khí của sự tiến bộ kỹ thuật và của một cuộc sống sung túc đầy đủ hơn. Nhưng đó là Thần Khí của thế giới thuần tuý nội tâm, một Thần Khí không bao giờ chấp nhận bất cứ sự giới hạn và cản ngăn nào. Người muốn thổi đâu là tùy ý ! Thần Khí Ðức Kitô sẽ ở trong chúng ta, nếu chúng ta thành tâm tin nhận Người là đường, là sự thật và sự sống, và mỗi ngày lại nỗ lực bước theo Người; nếu chúng ta dành chỗ cho sự vĩnh cửu trong những sự chóng qua này; nếu Ðức Kitô thực sự là niềm hy vọng và sự bình an của chúng ta; nếu chúng ta biết vì Người mà yêu thương anh em mình và dấn thân cho họ !
Lễ Các Thánh và lễ Các Ðẳng Linh Hồn muốn thức tỉnh trong chúng ta thái độ sống nền tảng theo tinh thần Kitô giáo. Chúng ta có thể gọi thái độ đó là : Mong đợi sự vĩnh cửu !
Niềm hy vọng vào cuộc tái ngộ sau cùng trong nơi vĩnh cửu đồng hành với chúng ta trong khi chúng ta đi thăm viếng các mộ phần của những người quá cố của chúng ta; Niềm mong đợi vào sự vĩnh cửu tạo nên nhịp cầu nối kết các thiên niên kỷ, các đại dương và các lục địa lại với nhau, và không loại trừ bất cứ ai cùng mang trên mình khuôn mặt người, bởi vì Ðức Kitô đã chết cho tất cả mọi người và cũng đã sống lại cho mọi người trong một cuộc sống mới, mà Người sẽ ban cho mỗi người, khi Người trở lại trong ngày tận thế.
Vậy, đúng như nhà văn hào người Pháp, Léon Bloy (1846-1917), đã viết : « chúng ta không phải sống để mà chết, nhưng là để chờ đợi được sống lại trong một cuộc sống mới và vĩnh cửu ! » Amen
LM Nguyễn Hữu Thy