PDA

View Full Version : B - Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô trong Tang Lễ Sœur Emmanuelle tại Paris



Dan Lee
10-29-2008, 03:39 PM
Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô trong Tang Lễ Sœur Emmanuelle tại Paris

Bài ca Đức Mến mang dấu ấn Năm Thánh Phaolô là bản tụng ca tiễn biệt Sœur Emmanuelle được đọc bằng tiếng Pháp và tiếng Ả Rập trong Thánh Lễ tại Vương CungThánh Đường N.D. de Paris, do Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris cử hành, với sự hiện diện của Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy và phu nhân Tổng Thống Ai Cập Suzanne Moubarak.

Vị nữ tu tận hiến cuộc sống 100 năm của mình thành Trường Ca Đức Mến. Thay cho 100 ngọn nến mừng sinh nhật vào ngày 16-11-2008, Sœur Emmanuelle đã về Nước Chúa ngày 20-10 vừa qua. Bài Ca Đức Mến do cựu Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu Jacques Delors đọc bằng tiếng Pháp và một Linh Mục Liban đọc bằng tiếng Ả Rập.

Bài Ca Đức Mến (1 Cr 12, 31, 13 4-13)

http://vietcatholic.net/pics/SrEmmanuelle.jpg

‘‘Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây, tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tự lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. (…) Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.’’

Di chúc của Sœur Emmanuelle

Mở đầu Thánh lễ, Ông Nguyễn Trào (người Việt Nam), Chủ tịch Hiệp Hội Bác Ái ASMAE: Les Amis de Sœur Emmanuelle (Hiệp hội các Người Bạn của Sœur Emmanuelle) do Nữ tu Emmanuelle sáng lập đã tuyên đọc di chúc của Sœur Emmanuelle nói về Tình yêu, về sự quảng đại và lòng sốt mến. Bản di chúc được lắng nghe vì tác giả vừa xả thân vì lý tưởng bác ái, lại vừa là nhà văn trước tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Di chúc gởi những người bạn tâm huyết có đoạn viết như sau:

‘‘Tình Yêu mạnh hơn Sự Chết, mối liên hệ thân hữu mà chúng ta nối lại trong niềm vui có một giá trị hân hoan trường tồn... Tâm hồn tôi và con tim tôi gần gũi với tâm hồn và trái tim của các bạn. Tôi muốn tang lễ này sẽ diễn ra trong không khí vui tươi. Tôi chọn sẵn các bản thánh ca đầy hoan lạc. Các bạn hãy hát lên những ca khúc này bằng niềm vui rộn rã... Tôi cám ơn các bạn về những gì các bạn đã và sẽ làm cho biết bao trẻ em không có cơm ăn áo mặc ở khắp nơì trên thế giới. Triết gia Blaise Pascal đã nói về lòng từ tâm của Thiên Chúa. Phúc cho những ai biết yêu thương, nhường cơm xẻ áo, các bạn sẽ tiến bước trên con đường vĩnh cửu, nơi tôi chờ đón các bạn trong Tình Yêu bao la... Các bạn hãy cùng tôi hát kinh Magnificat dâng kính Đức Mẹ là bài hát khấn dòng của tôi... Yalla ! Hãy tiến bước ! Hãy vui sống trong tình yêu thương. Emmanuelle của các bạn luôn che chở mỗi người trong con tim nhỏ bé.’’

Chân dung của vị nữ tu được đặt dưới chân bàn thờ có bó hoa hồng trắng. Các nữ tu Dòng Đức Bà Sion (Notre-Dame-de-Sion) ngồi hàng ghế đầu.

Tiểu sử Sœur Emmanuelle

Sœur Emmanuelle tên thật là Madeleine Cinquin sinh ngày 16-11-1908 tại Bruxelles (Bỉ), mất ngày 20-10-2008 tại Callian (Var, Pháp), có biệt danh là vị nữ tu thân yêu của những người lượm rác. Cha bà người Pháp, mẹ người Bỉ. Năm lên sáu, bà chứng kiến người cha thân yêu bị chết đuối ngoài biển. Bà nói ơn gọi nữ tu hình thành từ đại tang hiền phụ. Bà theo học Đại Học Công Giáo Louvain Trong thời nay này, bà đến gặp mẹ bề trên Dòng Đức Bà Sion ở Luân Đôn. Bà là tập sinh, học triết và thần học, khấn trọn đời lấy tên là Sœur Emmanuelle, tiếng Do Thái có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng ta.

Sœur Emmanuelle dạy học ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisie. Sau khi đậu cử nhân văn chương tại Sorbonne, vị nữ tu trở lại Istanbul rồi sang Ai Cập dạy học.

Năm 1971, bà noi gương Cha Damien có ý nguyện chăm sóc người cùi ở Le Caire nhưng bất thành. Sau đó, bà sát cánh cùng những người lượm rác ở Le Caire. Năm 1977, Sœur Emmanuelle ấn hành tác phẩm đầu tay lấy tên là Một người đàn bà lượm rác cùng với những người lượm rác. Nhờ các nhà hảo tâm, Sœur Emmanuelle mở trường học, vườn trẻ, trung tâm huấn nghệ ở Le Caire. Năm 1985, bà làm việc từ thiện ở Khartoum (Soudan). Năm 1991, nhân lễ Ngọc Khánh, Tổng Thống Ai Cập Moubarak tặng quốc tịch Ai Cập cho bà để tưởng thưởng về công trình bác ái ở Le Caire. Trở về Pháp, Sœur Emmanuelle cùng cháu gái là Sophia Stril-River chuyên lo cho thanh thiếu niên, viết sách, lập các hiệp hội hoạt động bác ái giúp đỡ những kẻ cùng đinh, những người không cửa không nhà (SDF). Từ 1993, bà nghỉ hưu trong tu việc dòng Đức Bà Sion ở Callian đến ngày từ trần. Sœur Emmanuelle là tác giả chín cuốn sách: Tác phẩm tựa đề là Les Confessions d'une religieuse, Flammarion, phát hành 3 ngày sau khi tác giả qua đời (23 octobre 2008).

Phúc âm theo thánh Mát-thêu (Mt 25 31-36)

Nghi lễ an táng cử hành tại Callian có em dâu và các cháu tham dự. Cha Maurice Franc đã tuyên đọc Phúc Âm theo thánh Mát-thêu đễ tiễn biệt vị chân tu của người nghèo: ’’Vì xưa Ta đói, các người đã cho ta ăn; Ta khát, các người đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các người đã cho mặc, Ta đau yếu, các người đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các người đến hỏi han.’’ (Mt 25 31-36). Tin Mừng Thánh Mát Thêu phản ảnh trung thực là cuộc đời tận hiến của Nữ tu Emmanuelle xả thân cứu đời, cho cơm ăn áo mặc cho những người thiếu thốn, đến thăm viếng hỏi han những người bần cùng trong xã hội.

Con đường Damas

Con đường của Sœur Emmanuelle chính là con đường Damas, rao giảng Tin Mừng giữa thế giới Ả Rập. Vì vậy, Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô được đọc bằng tiếng Ả rập trong ngôi thánh đường Notre-Dame de Paris cổ kính của Paris. Con đường Damas trong lãnh thổ Syrie. Năm nay, nước Syrie, đồng cử hành Năm Thánh Phaolô. Đại Lễ khai mạc Năm thánh đã được cử hành tại Thánh đường Thánh Phaolô ở Jdeideh Artouz, ngoại ô Damas. Và sẽ bế mạc ngày 28-6-2009. Khách hành hương lần bước theo Via Recta (Đường Chính Nẻo Ngay), theo chân Thánh Phaolô viếng thăm Thánh Đường Bab Kissane của một trong bảy cửa ô của kinh thành Damas. Hai thiên niên kỷ sau thánh Phaolô, Sœur Emmanuelle đã noi gương thánh nhân, đem Tin Mừng đến các nước Ả Rập bằng cách thực thi Bài Ca Đức Mến.

Paris, ngày 28-10-2008
Lê Đình Thông