PDA

View Full Version : N - Nhân ngày lễ các đẳng linh hồn, nhớ về một ‘giáo dân cố tổng thống’



Dan Lee
11-03-2008, 09:21 PM
Nhân ngày lễ các đẳng linh hồn, nhớ về một ‘giáo dân cố tổng thống’

Hai ngày đầu tháng Mười Một vừa qua, như hằng năm là những ngày lễ trọng giáo hội dành để mừng kính các Thánh Tử Đạo VN và tưởng nhớ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, đặc biệt đối với các đấng sinh thành, Ông Bà, Cha Mẹ đã an nghỉ trong Chúa.

Chuyện đạo là thế, với tôi những ngày này còn là dịp để nhớ về một biến cố trọng đại vì nó cũng xảy ra đúng vào ngày 1/11, có liên quan đến vị tổng thống đồng thời cũng còn là một Kitô hữu như chúng ta, cố tổng thống Ngô Đình Diệm.

Các tài liệu lịch sử còn cho thấy, vị cố tổng thống này là một tín hữu có một cuộc sống đạo đức. Ngoài những lời than phiền về một dạng độc tài theo kiểu “gia đình trị” kèm theo những lời thị phi về cô em dâu tức “bà cố vấn” Ngô Đình Nhu ra, tôi chưa đọc được ở đâu những lời chê trách cá nhân cố tổng thống Ngô Đình Diệm về nhân cách.

Vì tấm gương đạo đức của vị “giáo dân tổng thống” đầy cao trọng này, nhân ngày lễ các đảng linh hồn năm nay, người viết xin có đôi dòng tưởng nhớ đến ông.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày 1/11/1963. Hậu quả gây nên bởi biến cố lịch sử này, đối với số phận đại đa số dân chúng miền Nam VN, dường như đang ngày một lộ rõ…

Khi so sánh hình ảnh hai miền Nam. Một, qua lời kể của nhiều người về một miền Nam tự do, mọi người được sống trong sung túc những năm 60 và cái còn lại bấp bênh những năm 70 và sau này bị cai trị cộng sản còn tang thương hơn mà tận mắt tôi chứng kiến, đứng ở một góc nhìn nào đó, mấy câu “đứng núi này trông núi nọ” hoặc “no cơm dửng mỡ” v.v… quả là không oan chút nào khi nói về cuộc đảo chánh cầm đầu bởi ông Dương Văn Minh.

Lý do chẳng oan là vì nếu những gì ông tướng này cùng các thuộc hạ làm đúng, một cuộc đảo chánh cần phải có vì lợi ích tối thượng của nước VNCH, chắc chắn bây giờ đã chẳng có chuyện, hằng năm cứ đến ngày 2/11, cái tên “Ngô Đình Diệm” lại được không ít bậc cha chú nhắc lại với bao nuối tiếc!

Trong biến cố ấy, chỉ xét riêng việc mà hầu hết các nguồn sử liệu đều cho rằng, chính ông Dương văn Minh đã âm thầm ra lệnh cho viên thiếu tá cận vệ của ông tên Nguyễn Văn Nhung, lén lút giết hai anh em ông Diệm – Nhu trong lòng chiếc xe tăng M113, thiết nghĩ đã đủ nói lên bản chất không lương thiện, bất xứng đối với một vị tướng cao cấp như ông. Nơi gây án mạng được biết nay là ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Cách mạng Tháng 8 trong một khoảng khắc dừng xe ngắn ngủi tại đây, trên đường chở hai anh em họ Ngô từ Nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn về Bộ Tổng Tham Mưu (nay là BTL QK7).

Với một vị tổng thống hợp hiến được đa số dân chúng bầu mà ông ta còn không biết trọng, thử hỏi ông còn lấy đâu ra tư cách để xứng đáng trị vì đất nước để đem lại hạnh phúc cho thiên hạ? Mạng sống của những lãnh đạo được dân tín nhiệm đề cử như ông Diệm chính là mạng sống của dân chúng, nó hoàn toàn khác với vai trò lãnh tụ trong thể chế độc tài cộng sản, vì không do dân bầu lên, nên mới thường xảy ra chuyện thanh trừng lẫn nhau. (Liệu sau này lịch sử có phải hỏi, vậy Dương Văn Minh khi ấy thực ra ông ta là ai?)

Mọi người tiếc nuối cũng phải, vì qua sách vở tài liệu chúng tôi biết rằng ngày xưa ở miền Nam nước Việt, đã có một quãng thời gian 9 năm thanh bình sau ngày chia cắt hai miền vào năm 1954. Chẳng bao lâu sau biến cố lật đổ T.Tg Diệm, số phận dân chúng miền Nam đã phải dần dần lâm vào tình cảnh khốn khổ, nhưng phải chờ đến sau năm 1975 sự trả giá thật sự mới xảy ra như mọi người đều đã biết.

Lẽ ra những người nhỏ tuổi như chúng tôi, vào ngày xảy ra biến cố 1/11/63 mới chỉ được dăm ba tuổi, chẳng đủ tư cách để được phép đả động đến biến cố này. Nhưng oái oăm một điều là những người ‘góp công’ gây ra nó sau ngày 30/4/1975 hầu hết đã "ra đi" khỏi đất nước này, họ bỏ mặc lại sau lưng những gia đình thường dân không đủ điều kiện tìm đường tự do như họ, mặc dù chẳng dính dáng gì đến biến cố có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai họa mất nước, nhưng đã phải lãnh đủ cái hậu quả do các bậc “cha chú” mình gây nên, không lên tiếng liệu có quá bất công?

Mấy năm gần đây, từ trong nước, chúng tôi lại phải nghe mỗi năm một nhiều những sự thật về biến cố trọng đại này. Một mặt nó giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng, một trong số đó là việc bác bỏ dư luận cho rằng ông Diệm đã chủ trương đàn áp Phật Giáo, từ đó khôi phục lại hình ảnh một vị tổng thống hết sức mẫu mực, nhưng đồng thời chính những sự thật ấy càng khiến cho các thế hệ con cháu chúng tôi càng có lý do để trách móc những thế hệ đi trước nhiều hơn, đặc biệt những ai đã tham gia gây nên biến cố 1/11/63.

Thật ra chẳng phải đến bây giờ nhờ có internet mà những sự thật về cuộc đời và sự nghiệp của cố tổng thống Ngô Đình Diệm mới được nhiều người biết đến. Vì ngay từ lúc còn là học sinh trung học, tôi cũng đã có dịp xem qua quyển “Làm thế nào để giết một tổng thống?” được xuất bản ở Sàigòn khoảng đầu thập niên 70, quyển sách này đã khắc họa lại khá đầy đủ giúp cho người đọc nhìn thấy chân dung một Ngô Đình Diệm khác xa một trời một vực với những con người đã rắp tâm hãm hại ông.

Chỉ có thể tóm tắt rằng, mặc dù bị rơi vào thế hiểm nguy nhưng hai anh em ông Diệm Nhu vẫn luôn tỏ ra khí khái, khiến ngay cả ông Minh và các tướng tá phe đảo chánh luôn cảm thấy sợ hãi về cái uy của vị tổng thống. Chỉ có những bậc trượng phu quân tử trước cái chết mới không tỏ ra sợ hãi, vẫn từ chối những yêu sách hạ cấp của những người tỏ ý muốn cứu mạng ông.

Năm nay 2008, tôi lại vừa đưọc xem thêm một ít tài liệu mới được người Mỹ công bố về biến cố này, trong một bài viết mang tên “Mỹ chủ mưu thanh toán anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm” do tác giả Ngô Kỷ tổng hợp và chuyển ngữ. Đây là những tài liệu có giá trị, trong số đó có một đoạn liên quan đến cái nhân cách hơn người của ông Diệm, một vị tướng người Mỹ đã nói như sau:

“…Sau này, Tướng Maxwell D. Taylor, từng là Chủ Tịch Liên Quân Hoa Kỳ (Tổng Tham Mưu Trưởng) thời đó kể lại là Ban Cố Vấn của Tổng Thống Kennedy chia làm 2 phe: một phe thì muốn lật đổ Tổng Thống Diệm vì nói là "không thể thắng Cộng Sản nếu còn Tổng Thống Diệm", còn phía ủng hộ Tổng Thống Diệm mà trong đó có Tướng Taylor thì nói là "có thể chúng ta không thể thắng Cộng Sản nếu đi với Tổng Thống Diệm, nhưng nếu không đi với Diệm thì đi với ai?" Mọi người đều im lặng, không ai trả lời được câu này.”

Dẫu sao, tôi nghĩ bản thân ông Dương Văn Minh người chủ mưu trong vụ án 1/11/1963 cũng đã trở thành người đầu tiên phải trả giá vì tội lật đổ và giết chết cố tổng thống Ngô Đình Diệm, trước tất cả dân chúng miền Nam.

Việc đó đã diễn ra vào trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập Sàigòn, khi ông ta đang hớn hở về chuyện bàn giao thành phố Sàigòn này cho quân giải phóng để lập công, thì bất ngờ đã bị những bộ đội miền Bắc dội ngay một gáo nước lạnh vào mặt, bằng câu nói lạnh lùng “các ông là những kẻ chiến bại nên chẳng có gì để bàn giao cả!”

Không biết khi cầm đầu cuộc đảo chính 12 năm trước, ông ta có lường nổi sẽ có một ngày tệ hại nhục nhã như vậy xảy ra? Riêng tôi, nghe xong mà cảm thấy đau đớn thay cho một cuộc đời làm tướng như ông vì ngày nay nhắc đến mấy chữ “đại tướng Dương Văn Minh” nhiều người thế hệ chúng tôi chỉ còn biết nó đã từng gắn liền với hai việc, một là giết cố tổng thống Ngô Đình Diệm và hai là bị từ chối bàn giao vì bị cho là tù binh, mà không phải gắn liền với những trận đánh lịch sử để đời cho các thê hệ sau nghiêng mình khâm phục.

Sàigòn, 2/11/2008
Alfonso Hoàng Gia Bảo