Dan Lee
11-03-2008, 09:28 PM
Hạnh Phúc Thật
Trong khi hình ảnh những người thân yêu của cộng đồng tôi tử nạn trong chuyến hành hương Missouri còn đang nằm sâu trong tâm trí, thì tuần trước tôi lại đến nhà quàn viếng xác một Giáo Lý viên, cũng là hiền thê của một người bạn. Chị bị bắn chết ngay sau khi rời siêu thị vào ban đêm. Cách đây mấy ngày tôi lại đến nhà quàn một lần nữa để cầu nguyện và hôm qua đã dự Lễ An Táng của một em học sinh Lớp Thêm Sức, vừa tròn 18 tuổi, đã ra đi vì một tai nạn xe hơi giữa ban ngày.
Ở bên ngoài những nhà quàn đó. Người ta vẫn mê mải đi tìm hạnh phúc mà không mấy người nghĩ rằng mình sẽ chết, chết lúc nào, và chết ra sao.
Vì đi tìm hạnh phúc mà người ta phải đau khổ. Đau khổ vì tìm không thấy hạnh phúc. Đau khổ vì chưa tìm thấy hạnh phúc. Đau khổ vì sợ mất hạnh phúc mình đang có. Đau khổ vì đánh mất hạnh phúc mình đã có. Đau khổ vì muốn tìm lại hạnh phúc.
Tại sao có nhiều người giàu có và quyền thế mà không bao giờ có hạnh phúc? Tại sao có những người nghèo khổ xác xơ mà trên môi lúc nào cũng nở nụ cười?
Sở dĩ có người đau khổ vì họ đã hiểu lầm về hạnh phúc và đã tìm một thứ hạnh phúc chóng qua, tạm bợ, dễ đổ vỡ. Còn có người hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào vì họ đã tìm được hạnh phúc thật. Nhưng hạnh phúc là gì và làm sao để tìm được nó?
Hôm nay nhân dịp Lễ Các Thánh và Các Linh Hồn, tôi xin chia sẻ một ít suy tư về hạnh phúc.
Theo định nghĩa thì có bốn loại hạnh phúc ở trên đời.
1. Hạnh Phúc Giác Quan.
Đang đói mà được ăn là thấy hạnh phúc. Đang muốn nhậu mà bạn bè đem rượu và đồ nhắm đến là thấy hạnh phúc. Đang thèm khát tình yêu mà được người ta yêu lại là thấy hạnh phúc. Đang nghèo mạt rệp mà trúng độc đắc là thấy hạnh phúc. Đang lo mất việc mà được chủ gọi lên khen thưởng và tăng lương là thấy hạnh phúc. Đang ngứa mà được người ta gãi đúng chỗ là thấy hạnh phúc. Đang thèm…, mà được thỏa mãn là thấy hạnh phúc…. Tất cả những loại hạnh phúc này là do bên ngoài đem đến. Chúng ngắn hạn, tạm bợ, và dù có đạt được chúng rồi, người ta vẫn chưa được thỏa mãn. Nhiều khi chúng còn đem lại những hậu quả tai hại gấp trăm cái hạnh phúc tạm bợ mà người ta được hưởng. Đang theo đuổi người yêu thì tưởng rằng lấy được người yêu là hạnh phúc. Lấy được rồi lại muốn bỏ đi vì lấy lầm, hay đành “vác thánh giá bùn” suốt đời. Đang nghèo thì muốn giàu. Giàu rồi thì lại sợ trôm cướp…. Thèm khát nhục dục thì đi tìm thỏa mãn bất chính, rồi sau bị lương tâm cắn rứt, và đôi khi bị mang bệnh suốt đời. Nghiện ngập thèm hút sách, hút rồi thấy mình lâng lâng được đôi phút, và sau đó cảm thấy buồn rầu, thất vọng. Đây là một loại hạnh phúc thấp hèn nhất mà có lẽ đa số con người đang theo đuổi.
2. Hạnh Phúc Danh Vọng
Mình thấy hạnh phúc vì được hơn người khác. Có thể vì giàu hơn người; có thể vì có quyền thế hơn người; có thể vì có tiếng tăm hơn người; có thể vì nhan sắc hơn người; có thể vì tài giỏi hơn người; có thể vì đạo đức hơn người… Những người này luôn so sánh mình với người khác. Hơn người thì thấy hạnh phúc. Thua người thì tức tối, ghen tương. Đây là một loại hạnh phúc thiếu vững chắc. Cha ông chúng ta có nói: “trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì không ai bằng mình.” Những người tìm hạnh phúc loại này thường tự ái và tự ti mặc cảm khi trông lên. Nhưng khi nhìn xuống thì lại tự cao tự đại. Làm được một lại muốn hai, làm được bao nhiêu vẫn chưa đủ. Trên đời bao giờ mà chẳng có kẻ hơn tôi, thế mà tôi cứ phải chạy đua với họ cho nên tôi không bao giờ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng dù tôi là kẻ ăn xin, vẫn có những người thua tôi vì xin được ít tiền hơn tôi, vì không được những người ăn xin khác kính trọng bằng tôi, nên tôi vẫn có lý do để kiêu hãnh, để khinh người… Loại hạnh phúc này tuy cao hơn loại thứ nhất một chút, nhưng vẫn là hạnh phúc tạm bợ vì:
Cười người chớ khá cười lâu,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
3. Hạnh Phúc Cao Thượng
Hạnh phúc cao thượng là loại hạnh phúc của Thánh Hiền, của người Quân Tử, của bậc Bồ Tát. Những người này không còn nghĩ đến mình nữa. Họ sung sướng khi làm điều lành. Họ muốn tìm hết cách để giúp cho người khác bớt đau khổ. Họ tìm ra những phương pháp để diệt khổ. Đức Khổng Tử dạy: “Điều gì mình không muồn ngưởi khác làm cho mình, thì đừng làm cho người” (Luận Ngữ 12:2). Chúa Giêsu dạy: “Hãy làm cho người khác điều mình muôn người ta làm cho mình” (Mt 7:12, Lc 6:31). Đức Phật Thích ca vạch ra con đường Trung Đạo. Ngài nhận ra tội lỗi chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên trần gian. Ngài dạy người ta về Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo để giúp con người thoát khổ và đạt được cõi Niết Bàn. Chúa Giêsu dạy chúng ta “Tám Mối Phúc Thật” và dạy ta yêu kẻ thù (x. Mt 5:44). Đức Lão Tử cũng dạy chúng ta yêu kẻ thù (x. Đạo Đức Kinh 49). Còn Đức Phật thì dạy chúng ta đối xử với mọi người với lòng từ bi (x. Kinh Pháp Cú 331-333). Như thế các tôn giáo lớn đều dạy người ta ăn ngay ở lành, đều dạy người ta sống cao thượng. Khi con người vượt lên trên dục vọng và danh lợi để sống với một lý tưởng cao thượng, người ta sẽ được hạnh phúc lâu bền hơn. Vì theo luật Nhân Quả, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm khi còn sống trên thế gian (x. Mt 16:27). Tuy nhiên mức độ hạnh phúc con người có thể được hưởng ở đời sau cũng bị giới hạn bởi Tội Nguyên Tổ và những tội cá nhân chúng ta làm ở đời này. Vì thế dù có sống cao thượng đến đâu đi nữa, nếu không có ơn cứu độ, ơn tha thứ và ân sủng của Thiên Chúa thì con người vẫn không được hoàn toàn hạnh phúc.
4. Hạnh Phúc Tuyệt Vời
Con người sở dĩ đạt được mức hạnh phúc thứ ba ở trên vì họ được Thiên Chúa soi sáng để biết một phần chân lý. Nhưng nếu chỉ ở mức này, mà không có sự mặc khải của Thiên Chúa thì giáo huấn của họ vẫn còn pha lẫn nhiều sai lầm. Con người chỉ được hạnh phúc tuyệt vời, được hoàn toàn sung mãn, khi được gặp Thiên Chúa (x. Thánh Augustinô, Tự Thú, I,I,I:PL 32, 669-661), được làm con cái Ngài ở đời này và được hưởng Nhan Thánh Ngài đời sau. Vì con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, nên con người chỉ được thỏa mãn hoàn toàn khi được ở cùng Thiên Chúa.
Đức Khổng Tử coi Thiên Chúa như một Đấng Cao Vời mà chỉ Thiên Tử mới có quyền cúng tế. Đức Lão Tử coi Thiên Chúa là “Đạo” mà con người không thể hiểu thấu được (Đạo Đức Kinh 1). Đức Phật thì cho rằng không có Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng dạy các đệ tử đừng thắc mắc gì về về tình trạng của những người đã nhập Niết Bàn ra sao, thế giới từ đâu mà đến…. Vì thắc mắc như thế chỉ làm cho người ta ra điên khùng (Tăng Chi Bộ IV, 77).
Các vị trên dù có thoát tục đến đâu đi nữa thì vẫn chưa hoàn toàn biết được những gì siêu vượt lý trí con người. Các vị ấy cũng chỉ biết lờ mờ về Thiên Chúa và chưa gặp được Ngài.
Chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng cho chúng ta biết Chúa Cha vì Người là Con Thiên Chúa, như Thánh Gioan viết: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Con Một, là Thiên Chúa, và là Ðấng hằng ở trong cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng Người là Bánh từ Trời xuống, Người đã xác quyết rằng: “Không phải ai cũng được thấy Chúa Cha, trừ Ðấng từ Thiên Chúa mà đến; Ðấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6:46). Trước khi tạm biệt các môn đệ Chúa đã bảo đảm với các ngài: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Chúa cũng nói rõ mục đích của Người khi xuống thế gian là để cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), và Chúa nói rằng chính Người sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời (x Xem Ga 10:28). Như thế các bậc Thánh Hiền ở trên chỉ cho chúng ta con đường để đạt được mức hạnh phúc thứ ba. Còn Chúa Giêsu đến để dẫn chúng ta về cùng Chúa Cha, để được hưởng Hạnh Phúc Tuyệt Vời.
Kết Luận
Vật chất và xác thịt có thể đem lại cho chúng ta một chút hạnh phúc giác quan, nhưng chúng cũng mang theo nhiều tai hại khôn lường nếu chúng ta để chúng làm chủ mình. Tiếng khen, danh vọng, và tiền tài cũng làm cho chúng ta thỏa mãn phần nào những thèm muốn hão huyền, nhưng chúng cũng đem theo hận thù, ghen ghét và tranh chấp là căn nguyên của vô số bất hạnh trên thế gian.
Sống như thánh hiền, như quân tử, sẽ làm cho lương tâm chúng ta yên hàn, và có thể cũng được một phần nào hạnh phúc đời này và đời sau. Tuy nhiên với sự yếu đuối của con người, muốn tự mình tu luyện để trở thành hiền nhân như Đức Phật, Đức Khổng Tử hay Đức Lão Tử dạy không phải là dễ. Đồng thời những hạnh phúc này cũng chỉ có giới hạn. Chúng ta có thể không cảm thấy đau khổ, nhưng nếu thiếu Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Đó là thứ hạnh phúc mà các tôn giáo ngoài Kitô Giáo có thể đem đến cho con người.
Muốn được Hạnh Phúc hoàn toàn thì con người phải qua Đức Kitô. Đức Kitô xuống thế gian không những để chỉ cho chúng ta con đường Hạnh Phúc Tuyệt Vời, mà Người đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta và giao hòa chúng ta với Chúa Cha, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Ngài. Người là Con Đường dẫn đến Chúa Cha, nguồn hạnh phúc thật. Không những thế, Người còn là lương thực nuôi dưỡng chúng ta trên Con Đường ấy. Ngoài Người ra, không ai có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc này.
Lạy Chúa, Chúa là Hạnh Phúc của con, Chúa ơi, Chúa là Hy Vọng đời con. Xin đừng để con bao giờ lìa xa Chúa. Amen
Phaolô Phạm xuân Khôi
Trong khi hình ảnh những người thân yêu của cộng đồng tôi tử nạn trong chuyến hành hương Missouri còn đang nằm sâu trong tâm trí, thì tuần trước tôi lại đến nhà quàn viếng xác một Giáo Lý viên, cũng là hiền thê của một người bạn. Chị bị bắn chết ngay sau khi rời siêu thị vào ban đêm. Cách đây mấy ngày tôi lại đến nhà quàn một lần nữa để cầu nguyện và hôm qua đã dự Lễ An Táng của một em học sinh Lớp Thêm Sức, vừa tròn 18 tuổi, đã ra đi vì một tai nạn xe hơi giữa ban ngày.
Ở bên ngoài những nhà quàn đó. Người ta vẫn mê mải đi tìm hạnh phúc mà không mấy người nghĩ rằng mình sẽ chết, chết lúc nào, và chết ra sao.
Vì đi tìm hạnh phúc mà người ta phải đau khổ. Đau khổ vì tìm không thấy hạnh phúc. Đau khổ vì chưa tìm thấy hạnh phúc. Đau khổ vì sợ mất hạnh phúc mình đang có. Đau khổ vì đánh mất hạnh phúc mình đã có. Đau khổ vì muốn tìm lại hạnh phúc.
Tại sao có nhiều người giàu có và quyền thế mà không bao giờ có hạnh phúc? Tại sao có những người nghèo khổ xác xơ mà trên môi lúc nào cũng nở nụ cười?
Sở dĩ có người đau khổ vì họ đã hiểu lầm về hạnh phúc và đã tìm một thứ hạnh phúc chóng qua, tạm bợ, dễ đổ vỡ. Còn có người hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào vì họ đã tìm được hạnh phúc thật. Nhưng hạnh phúc là gì và làm sao để tìm được nó?
Hôm nay nhân dịp Lễ Các Thánh và Các Linh Hồn, tôi xin chia sẻ một ít suy tư về hạnh phúc.
Theo định nghĩa thì có bốn loại hạnh phúc ở trên đời.
1. Hạnh Phúc Giác Quan.
Đang đói mà được ăn là thấy hạnh phúc. Đang muốn nhậu mà bạn bè đem rượu và đồ nhắm đến là thấy hạnh phúc. Đang thèm khát tình yêu mà được người ta yêu lại là thấy hạnh phúc. Đang nghèo mạt rệp mà trúng độc đắc là thấy hạnh phúc. Đang lo mất việc mà được chủ gọi lên khen thưởng và tăng lương là thấy hạnh phúc. Đang ngứa mà được người ta gãi đúng chỗ là thấy hạnh phúc. Đang thèm…, mà được thỏa mãn là thấy hạnh phúc…. Tất cả những loại hạnh phúc này là do bên ngoài đem đến. Chúng ngắn hạn, tạm bợ, và dù có đạt được chúng rồi, người ta vẫn chưa được thỏa mãn. Nhiều khi chúng còn đem lại những hậu quả tai hại gấp trăm cái hạnh phúc tạm bợ mà người ta được hưởng. Đang theo đuổi người yêu thì tưởng rằng lấy được người yêu là hạnh phúc. Lấy được rồi lại muốn bỏ đi vì lấy lầm, hay đành “vác thánh giá bùn” suốt đời. Đang nghèo thì muốn giàu. Giàu rồi thì lại sợ trôm cướp…. Thèm khát nhục dục thì đi tìm thỏa mãn bất chính, rồi sau bị lương tâm cắn rứt, và đôi khi bị mang bệnh suốt đời. Nghiện ngập thèm hút sách, hút rồi thấy mình lâng lâng được đôi phút, và sau đó cảm thấy buồn rầu, thất vọng. Đây là một loại hạnh phúc thấp hèn nhất mà có lẽ đa số con người đang theo đuổi.
2. Hạnh Phúc Danh Vọng
Mình thấy hạnh phúc vì được hơn người khác. Có thể vì giàu hơn người; có thể vì có quyền thế hơn người; có thể vì có tiếng tăm hơn người; có thể vì nhan sắc hơn người; có thể vì tài giỏi hơn người; có thể vì đạo đức hơn người… Những người này luôn so sánh mình với người khác. Hơn người thì thấy hạnh phúc. Thua người thì tức tối, ghen tương. Đây là một loại hạnh phúc thiếu vững chắc. Cha ông chúng ta có nói: “trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì không ai bằng mình.” Những người tìm hạnh phúc loại này thường tự ái và tự ti mặc cảm khi trông lên. Nhưng khi nhìn xuống thì lại tự cao tự đại. Làm được một lại muốn hai, làm được bao nhiêu vẫn chưa đủ. Trên đời bao giờ mà chẳng có kẻ hơn tôi, thế mà tôi cứ phải chạy đua với họ cho nên tôi không bao giờ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng dù tôi là kẻ ăn xin, vẫn có những người thua tôi vì xin được ít tiền hơn tôi, vì không được những người ăn xin khác kính trọng bằng tôi, nên tôi vẫn có lý do để kiêu hãnh, để khinh người… Loại hạnh phúc này tuy cao hơn loại thứ nhất một chút, nhưng vẫn là hạnh phúc tạm bợ vì:
Cười người chớ khá cười lâu,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
3. Hạnh Phúc Cao Thượng
Hạnh phúc cao thượng là loại hạnh phúc của Thánh Hiền, của người Quân Tử, của bậc Bồ Tát. Những người này không còn nghĩ đến mình nữa. Họ sung sướng khi làm điều lành. Họ muốn tìm hết cách để giúp cho người khác bớt đau khổ. Họ tìm ra những phương pháp để diệt khổ. Đức Khổng Tử dạy: “Điều gì mình không muồn ngưởi khác làm cho mình, thì đừng làm cho người” (Luận Ngữ 12:2). Chúa Giêsu dạy: “Hãy làm cho người khác điều mình muôn người ta làm cho mình” (Mt 7:12, Lc 6:31). Đức Phật Thích ca vạch ra con đường Trung Đạo. Ngài nhận ra tội lỗi chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên trần gian. Ngài dạy người ta về Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo để giúp con người thoát khổ và đạt được cõi Niết Bàn. Chúa Giêsu dạy chúng ta “Tám Mối Phúc Thật” và dạy ta yêu kẻ thù (x. Mt 5:44). Đức Lão Tử cũng dạy chúng ta yêu kẻ thù (x. Đạo Đức Kinh 49). Còn Đức Phật thì dạy chúng ta đối xử với mọi người với lòng từ bi (x. Kinh Pháp Cú 331-333). Như thế các tôn giáo lớn đều dạy người ta ăn ngay ở lành, đều dạy người ta sống cao thượng. Khi con người vượt lên trên dục vọng và danh lợi để sống với một lý tưởng cao thượng, người ta sẽ được hạnh phúc lâu bền hơn. Vì theo luật Nhân Quả, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm khi còn sống trên thế gian (x. Mt 16:27). Tuy nhiên mức độ hạnh phúc con người có thể được hưởng ở đời sau cũng bị giới hạn bởi Tội Nguyên Tổ và những tội cá nhân chúng ta làm ở đời này. Vì thế dù có sống cao thượng đến đâu đi nữa, nếu không có ơn cứu độ, ơn tha thứ và ân sủng của Thiên Chúa thì con người vẫn không được hoàn toàn hạnh phúc.
4. Hạnh Phúc Tuyệt Vời
Con người sở dĩ đạt được mức hạnh phúc thứ ba ở trên vì họ được Thiên Chúa soi sáng để biết một phần chân lý. Nhưng nếu chỉ ở mức này, mà không có sự mặc khải của Thiên Chúa thì giáo huấn của họ vẫn còn pha lẫn nhiều sai lầm. Con người chỉ được hạnh phúc tuyệt vời, được hoàn toàn sung mãn, khi được gặp Thiên Chúa (x. Thánh Augustinô, Tự Thú, I,I,I:PL 32, 669-661), được làm con cái Ngài ở đời này và được hưởng Nhan Thánh Ngài đời sau. Vì con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, nên con người chỉ được thỏa mãn hoàn toàn khi được ở cùng Thiên Chúa.
Đức Khổng Tử coi Thiên Chúa như một Đấng Cao Vời mà chỉ Thiên Tử mới có quyền cúng tế. Đức Lão Tử coi Thiên Chúa là “Đạo” mà con người không thể hiểu thấu được (Đạo Đức Kinh 1). Đức Phật thì cho rằng không có Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng dạy các đệ tử đừng thắc mắc gì về về tình trạng của những người đã nhập Niết Bàn ra sao, thế giới từ đâu mà đến…. Vì thắc mắc như thế chỉ làm cho người ta ra điên khùng (Tăng Chi Bộ IV, 77).
Các vị trên dù có thoát tục đến đâu đi nữa thì vẫn chưa hoàn toàn biết được những gì siêu vượt lý trí con người. Các vị ấy cũng chỉ biết lờ mờ về Thiên Chúa và chưa gặp được Ngài.
Chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng cho chúng ta biết Chúa Cha vì Người là Con Thiên Chúa, như Thánh Gioan viết: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Con Một, là Thiên Chúa, và là Ðấng hằng ở trong cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng Người là Bánh từ Trời xuống, Người đã xác quyết rằng: “Không phải ai cũng được thấy Chúa Cha, trừ Ðấng từ Thiên Chúa mà đến; Ðấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6:46). Trước khi tạm biệt các môn đệ Chúa đã bảo đảm với các ngài: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Chúa cũng nói rõ mục đích của Người khi xuống thế gian là để cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), và Chúa nói rằng chính Người sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời (x Xem Ga 10:28). Như thế các bậc Thánh Hiền ở trên chỉ cho chúng ta con đường để đạt được mức hạnh phúc thứ ba. Còn Chúa Giêsu đến để dẫn chúng ta về cùng Chúa Cha, để được hưởng Hạnh Phúc Tuyệt Vời.
Kết Luận
Vật chất và xác thịt có thể đem lại cho chúng ta một chút hạnh phúc giác quan, nhưng chúng cũng mang theo nhiều tai hại khôn lường nếu chúng ta để chúng làm chủ mình. Tiếng khen, danh vọng, và tiền tài cũng làm cho chúng ta thỏa mãn phần nào những thèm muốn hão huyền, nhưng chúng cũng đem theo hận thù, ghen ghét và tranh chấp là căn nguyên của vô số bất hạnh trên thế gian.
Sống như thánh hiền, như quân tử, sẽ làm cho lương tâm chúng ta yên hàn, và có thể cũng được một phần nào hạnh phúc đời này và đời sau. Tuy nhiên với sự yếu đuối của con người, muốn tự mình tu luyện để trở thành hiền nhân như Đức Phật, Đức Khổng Tử hay Đức Lão Tử dạy không phải là dễ. Đồng thời những hạnh phúc này cũng chỉ có giới hạn. Chúng ta có thể không cảm thấy đau khổ, nhưng nếu thiếu Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Đó là thứ hạnh phúc mà các tôn giáo ngoài Kitô Giáo có thể đem đến cho con người.
Muốn được Hạnh Phúc hoàn toàn thì con người phải qua Đức Kitô. Đức Kitô xuống thế gian không những để chỉ cho chúng ta con đường Hạnh Phúc Tuyệt Vời, mà Người đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta và giao hòa chúng ta với Chúa Cha, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Ngài. Người là Con Đường dẫn đến Chúa Cha, nguồn hạnh phúc thật. Không những thế, Người còn là lương thực nuôi dưỡng chúng ta trên Con Đường ấy. Ngoài Người ra, không ai có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc này.
Lạy Chúa, Chúa là Hạnh Phúc của con, Chúa ơi, Chúa là Hy Vọng đời con. Xin đừng để con bao giờ lìa xa Chúa. Amen
Phaolô Phạm xuân Khôi