PDA

View Full Version : DĐ - Đa số Kitô hữu không biết, không đọc, và không cầu nguyện với Kinh Thánh



Dan Lee
11-04-2008, 05:51 PM
Đa số Kitô hữu không biết, không đọc, và không cầu nguyện với Kinh Thánh

Một số nhận định của Linh Mục Bruno Maggioni, chuyên viên Kinh Thánh về Kinh Thánh như linh hồn của cuộc sống mục vụ

Trong các ngày từ mùng 5 đến 25 tháng 10 vừa qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ thứ XII về Lời Chúa đã diễn ra tại Roma với sự tham dự của 253 nghị phụ đến từ 118 quốc gia. Đặc biệt cũng có đại biểu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Phó Nha Trang và Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa. Ngoài ra có một người Việt thứ ba là Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giáo sư Kinh Thánh tại đại chủng viện Nha trang, trợ tá cho Đức Tổng Giám Mục Tổng Thư Ký đặc biệt Monsengwo Pasinya.

http://www.vietcatholic.net/pics/DocNgheThanhKinh.jpg

Xét về châu lục số nghị phụ đến từ Âu châu đông nhất với 90 vị, tiếp đến là Mỹ châu 62 vị, Phi châu 51 vị, Á châu 41 vị và sau cùng là 9 vị đến từ châu Đại Dương. Các vị tham dự công nghị này với nhiều danh nghĩa khác nhau: 173 vị được bầu ra, 38 vị do chức vụ, 32 vị do Đức Thánh Cha bổ nhiệm và 10 vị là Bề Trên Tổng Quyền đại diện Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền.

Xét về cấp bậc của các nghị phụ, vó 8 Thượng Phụ, 52 Hồng Y, 2 Tổng Giám Mục Trưởng, 79 Tổng Giám Mục và 130 Giám Mục. Nghị phụ cao niên nhất là Đức Hồng Y Nasrallah Sfeir, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronít Libăng, năm nay 88 tuổi; vị trẻ nhất 39 tuổi là Đức Cha Anton Leichtfried, Giám Mục phụ tá giáo phận Sankt Poelten, bên Áo.

Tham dự khóa họp cũng có 41 Linh Mục chuyên gia đến từ 21 nước và 37 dự thính viên nam nữ đền từ 26 nước. Ngoài ra còn có 10 đại biểu các Giáo Hội và Cộng Đoàn Giáo Hội Kitô anh em, trong đó có các Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Armeni Tông Truyền, Giáo Hội Anh giáo, Giáo Hội Kitô Hoa Kỳ và Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô ở Genève.

Cũng có ba vị được Đức Thánh Cha mời đặc biệt là Rabbi Trưởng Cộng Đoàn Do thái ở Haifa Israel Shear Yashyr Cohen, Mục Sư Miller Milloy, Tổng Thư Ký Liên Hiệp các Hội Kinh Thánh và Thầy Alois, tu viện trưởng Cộng Đoàn Đại Kết Taizé bên Pháp.

Phụ giúp công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục có 32 Linh Mục trợ tá, các thông dịch viên và nhân viên kỹ thuật.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, Linh Mục Federico Lombardi, tổng giám đốc đài phát thanh Vaticăng, kiêm giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cách đây 3 năm Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đào sâu về bí tích Thánh Thể, giờ đây lại đào sâu về Lời Chúa là một suối nguồn khác của cuộc sống Giáo Hội. Theo trường học của Công Đồng Chung Vaticăng II mọi Kitô hữu và các cộng đoàn phải biết lắng nghe Lời Chúa trở lại. Còn rất nhiều điều phải làm để phổ biến giữa lòng cộng đoàn dân Chúa việc quen thuộc với Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh để cầu nguyện. Lý do là vì Lời Chúa là nền tảng của việc loan báo Kitô cả trong thế giới tân tiến ngày nay và trong việc đối thoại với các tôn giáo khác. Với Thượng Hội Đồng Giám Mục này về ”Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội”, Giáo Hội chuẩn bị sống thời gian suy tư và cầu nguyện sâu đậm.

Hiện nay sách Kinh Thánh đã được dịch ra 2.454 thứ tiếng khác nhau trên tổng số 6.000 thứ tiếng trên thế giới, và là cuốn sách được in ấn và phổ biến rộng rãi nhất thế giới. Nhưng số người thực sự đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh không tương xứng với số ấn bản Kinh Thánh đã phát hành.

Mới đây tổ chức GFK-Eurisko đã làm một cuộc thăm dò ý kiến dưới sự hướng dẫn của nhà xã hội học Luca Diotallevi, bằng cách thực hiện 13.000 cuộc phỏng vấn người lớn tại Hoa Kỳ, Anh quốc, Hòa Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan và Nga, nghĩa là tại các nước có đông dân theo Kitô giáo và có truyền thống Kitô sâu đậm nhất. Các kết qủa cho thấy tại Italia là quốc gia có 88% theo Công Giáo, và 75% có sách Kinh Thánh trong nhà, nhưng trong suốt 12 tháng qua đã chỉ có 27% đọc Kinh Thánh. Tại Hoa Kỳ có 93% Kitô hữu có Kinh Thánh trong nhà và 75% đã đoc Kinh Thánh trong 12 tháng qua. Số người đọc Kinh Thánh trong thời gian này tại Pháp chỉ được 21%, mặc dù 50% có sách Kinh Thánh trong nhà, và tại Tây Ban Nha số người đọc Kinh Thánh chỉ được 20%.

Kết qủa đó là sự hiểu biết về Kinh Thánh của tín hữu Kitô cũng rất hạn hẹp. Khi được hỏi về Kinh Thánh chỉ có 14% tín hữu Italia trả lời một cách đúng đắn, 17% người Hoa Kỳ, 15% người Đức, 11% người Pháp và 8% người Tây Ban Nha, Ba Lan khá hơn với 20%. Do đó không là điều lạ, khi có người trả lời ngớ ngẩn như Chúa Giêsu đã viết ít nhất một cuốn Phúc Âm, thánh Phêrô và thánh Phaolô là tác giả Phúc Âm và ông Môshê không phải là nhân vật của Cựu Ước.

Liên quan tới số người cầu nguyện với Kinh Thánh tại Italia chỉ có 10%, tại Hoa Kỳ được 37% và Tây Ban Nha chỉ có 8%. Tại Hoa Kỳ số người có Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh cao, vì đa số là các anh chị em Tin Lành có truyến thống đọc Kinh Thánh. Chính sự ”dốt nát” về Kinh Thánh trên đây khiến cho số người ước mong đem Kinh Thánh vào trong chương trình học rất cao: 63% tại Nga, 62% tại Italia, 56% tại Đức và 24% tại Pháp.

Cũng trong ý hướng tìm hiểu tầm hiểu biết của Kitô hữu đối với Kinh Thánh Nguyệt San ”Gia Đình Kitô” cũng đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến. Kết qủa cuộc thăm đò cho thấy trong 12 tháng qua chỉ có 27% tín hữu Công Giáo Italia là đã đọc một đoạn trong Kinh Thánh; 65% - kể cả 60% các tín hữu thực hành đạo - đã không bao giờ đọc trọn bốn Phúc Âm trong suốt cuộc đời mình; và 15% chỉ đọc một phần của 4 Phúc Âm. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà có tới 63% mong muốn chương trình học đường dành nhiều chỗ hơn cho văn hóa tôn giáo và 35% những người không có lòng tin Kitô cũng mong ước như thế.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một vài nhận định của Linh Mục Bruno Maggioni, chuyên viên Kinh Thánh về ”Kinh Thánh như linh hồn của cuộc sống mục vụ”. Cha Maggioni là một trong các chuyên viên Kinh Thánh nổi tiếng nhất tại Italia, và là giáo sư Kinh Thánh tại đại chủng viện Como, cũng như đã từng là giáo sư tại Phân Khoa Thần Học Bắc Italia.

Hỏi: Thưa cha Maggioni, như là chuyên viên Kinh Thánh và mục tử cha mong đợi gì nơi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa?

Đáp: Tôi ước mong công việc của các nghị phụ và của Đức Thánh Cha làm cho chúng ta ngày càng nếm hưởng Lời Chúa như là suối nguồn, từ đó phát xuất ra các lựa chọn mục vụ hữu hiệu. Đây đã là viễn tượng mà Hiến Chế về Lời Chúa Dei Verbum đã chỉ định một cách rõ ràng, nhưng chưa được thực hiện một cách tràn đầy trong các cộng đoàn Giáo Hội. Vì thế Thượng Hội Đồng Giám Mục này đến đúng lúc. Ngoài ra Năm Thánh Phaolô cũng là một thúc đẩy mạnh việc áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống mục vụ của Giáo Hội.

Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa diễn ra 40 năm sau khi kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II. Chúng ta có thể làm một bảng tổng kết thời gian này, từ một quan điểm Kinh Thánh hay không thưa cha?

Đáp: So sánh với thời tiền Công Đồng, chắc chắn là tình hình có tiến triển nhiều hơn. Trong các thập niên qua Kinh Thánh đã đến trong tay tín hữu. Giờ đây cần phải bổ túc công việc làm sao để cho Lời Chúa càng ngày càng linh hứng cho việc rao giảng, dậy giáo lý và công tác mục vụ.

Hỏi: Làm thế nào để cho công việc của Thượng Hồi Đồng Giám Mục được tuôn chảy vào trong cuộc sống của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận thưa cha?

Đáp: Trước hết cần phải tránh nguy cơ ngầm không phải chỉ của Thượng Hội Đồng Giám Mục này về Lời Chúa, mà đối với tất cả mọi Thượng Hội Đồng Giám Mục: đó là coi chúng như là một cuộc hội họp của các chuyên viên chung quanh Đức Thánh Cha, và như thế trong một cách nào đó không chú ý tới chúng vì tưởng chúng không liên hệ gì tới chúng ta. Trái lại các Thượng Hội Đồng Giám Mục liên quan tới từng thành phần Giáo Hội.

(Avvenire 5-10-2008)
Linh Tiến Khải