PDA

View Full Version : C - Cung Hiến Đền Thờ LATÊRANÔ ( Ga.2:13-22 )



Dan Lee
11-07-2008, 04:18 PM
CUNG HIẾN ÐỀN THỜ LATÊRANÔ ( Ga.2:13-22 )

Xưa nay, mỗi lần nhắc đến Rôma: kinh đô lịch sử Giáo Hội Công Giáo, người ta thường chú ý đến 4 Ðại Thánh Ðường cổ kính mà du khách thường thăm viếng: Ðền thờ Thánh Phêrô, Ðền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, Ðền thờ Ðức Bà Cả, Ðền thờ Thánh Gioan Latêranô. Muôn người trầm trồ thích thú vì nét độc đáo riêng biệt về nghệ thuật, về kiến trúc của mỗi đền thờ.
Ðền thờ Latêranô mà chúng ta mừng kính lễ tưởng niệm cung hiến hôm nay, có một chiều dài lịch sử khá đặc biệt:


Hoàng Ðế Constantin (Alexandre Ðại Ðế) năm 313, theo đạo Công Giáo, đã dâng hiến cho Ðức Giáo Hoàng Miltiad một cung điện Latêranô nằm trên một ngọn đồi cao. Sau đó, Ðức Thánh Cha đã xây Ðại Thánh Ðường Latêranô bên cạnh cung điện ấy và ngôi nhà thờ đầu tiên này trở thành vị trí quan trọng cho Giáo Hội.
Là Vương Cung Thánh Ðường, là Nhà Thờ của Đức Giám Mục giáo phận Rôma, tức là Đức Giáo Hoàng và là Nhà Thờ Mẹ và là Ðầu của mọi nhà thờ trên toàn thế giới
Là nơi hội họp 4 Công Ðồng Chung của Giáo Hội.
Là tư thất của các Ðức Giáo Hoàng trong khoảng 1000 năm qua.


Chúng ta cùng suy niệm về vai trò và tầm quan trọng của Ðền Thờ trong đời sống kitô hữu.

A. Phụng tự đền thờ trong cuộc đời Chúa Giêsu ở trần thế.

Xuyên qua bốn Phúc Âm, chúng ta thấy trong suốt 33 năm ở trần gian, Chúa Giêsu có nhiều sinh hoạt gắn bó với phụng tự đền thờ:


Ngay từ thuở sơ sinh, Ðức Maria đã đem Chúa lên đền thờ Giêrusalem dâng tiến cho Thiên Chúa như đã qui định trong Lề Luật (Lc 2:22; Xh 13:2.13.15 ).
Năm 12 tuổi, chính Chúa cũng theo cha mẹ lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua như bao người Do Thái khác (Lc 2:41- 42).
Suốt 30 năm ẩn dật, giống như những tín hữu khác, Chúa Giêsu chắc chắn cũng đã thường xuyên đến hội đường mỗi tuần, để nghe Kinh Thánh và học hỏi sách luật Maisen.
Trong suốt 3 năm hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần vào hội đường, đọc Sách Thánh (Lc 4:16), chữa lành người bị qủy ám (Lc 4:36), chữa người bị bại tay (Lc.6:10), chữa người phụ nữ bị còng lưng suốt 18 năm dài (Lc 13:13 )…
Chúa khó chịu khi người ta dùng nhà Chúa thành nơi buôn bán (Ga 2:13-22 ), Ngài than trách về Giêrusalem (Lc 13:34) và thương khóc Giêrusalem đã không nhận biết bình an mà Chúa mang đến cho họ (Lc 19:41-42).


Nhìn chung, Ðức Giêsu Kitô vẫn xem đền thờ, hội đường là nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi Ngài gặp gỡ với Cha Ngài cách thiêng liêng.

B. Ðền thờ trong đời sống siêu nhiên các tín hữu.

Xem qua sinh hoạt các tôn giáo, ta được biết các tín hữu biểu lộ đức tin rõ nét nơi đền thờ khá nhiều:


Người Hồi Giáo hàng năm có thói quen hành hương về đền thánh La Mecque (nước Ả Rập Sê-út) trẩy hội tưng bừng. Họ hướng nguyện lên Ðấng Allah mỗi ngày 5 lần cầu kinh Coran. Ðến nơi thờ phượng, một toà nhà có chòm dát vàng óng ánh bao quanh, họ để lại giầy dép bên ngoài, đi chân không vào nơi nghiêm trang cung kính…
Người Do Thái Giáo xưa kia có đền thờ Giêrusalem do vua Salomon thu gom 3000 tấn vàng, 30.000 tấn bạc, vô số đồng và gỗ bá hương …xây dựng nguy nga hùng vĩ, nay sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại “bức tường than khóc”. Hàng tuần, họ thường vào hội đường để đọc Kinh Thánh, nghe các Thầy Rabbi hướng dẫn đạo lý.
Người Phật Giáo trong đầu tháng âm lịch và các ngày rằm, vẫn không quên đến các ngôi chùa: thắp khói nhang nghi ngút, theo nhịp chuông cầu siêu cho các vong linh, nghe các vị sư tăng thuyết pháp kinh Phật…
Người Kitô Giáo hàng tuần giữ luật của Chúa, đến các nhà thờ, nguyện đường… để cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Dâng thánh lễ Misa tôn thờ Thiên Chúa đón nhận Lời Hằng Sống và Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Như thế, đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người, nơi hội ngộ của Thượng Ðế và các thụ tạo của Ngài, nơi tín hữu tập trung để biểu lộ sức sống thần linh, niềm tin sâu xa của mình.
Vì vậy, các tín hữu có nhiệm vụ:

Luôn tôn trọng sự thánh thiêng nơi thờ phượng, không phàm tục hoá.
Tích cực đóng góp vào nơi thờ phượng: để điều hành, xây dựng, tu bổ…nhằm duy trì sinh hoạt đạo giáo.
Làm đẹp nơi thờ phượng bằng sự gìn giữ sạch sẽ, tạo bầu khí tốt lành nghiêm trang.

C. Tâm hồn kitô hữu đền thờ Chúa Thánh Thần.

Mỗi kitô hữu sau khi nhận Phép Rửa Tội, thuộc về Chúa hoàn toàn, có Chúa Thánh Thần ngự trị. Thân xác họ được thánh hoá trong ân sủng Chúa ban. Bởi đó, người kitô hữu cần cố gắng:


Giữ tâm hồn trong sạch:


Không phạm tội trọng nghịch ý Chúa muốn, làm nhơ nhớp linh hồn mình.
Năng kín múc Ơn Thánh qua việc lãnh nhận các bí tích.
Chăm học Giáo Lý, đọc Kinh Thánh…nuôi dưỡng đời sống tu đức, đạo lý vững chắc.


Giữ thể xác lành mạnh:


Kềm hãm ngũ quan (con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, tay chân…) không chiều theo sự xấu, không ngã theo khuynh hướng về sự tội, nhất là tội xác thịt…
Thanh tẩy những bụi trần dơ dáy mỗi ngày: xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, xưng tội thường xuyên, tránh xa mọi chước cám dỗ của sách báo, phim ảnh, TV, internet …



D. Lời Nguyện kết thúc:

Lạy Chúa Giêsu là nguồn Tình Yêu của con!
Trót mình con và mọi sự thuộc về con đều là của Chúa.
Con xin dâng trọn cho Chúa tất cả, qua tay Mẹ Maria là Mẹ Rất Thánh Chúa. AMEN.

LM Dominic Trần Văn Điều, SDD