Dan Lee
11-17-2008, 09:12 PM
CÂY ĐA TỬ ĐẠO
Cây đa là cây rất quen thuộc ở vùng chúng tôi. Hồi tôi còn nhỏ, tôi cũng thấy ở đầu làng tôi (làng Bối Xuyên, xứ Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có trồng hai cây đa trên một gò đất lớn ngay lối đi ra cánh đồng trồng lúa. Hai cây đa này được gọi là “Cây Đa Đầu Làng” hoặc “Cây Đa Điền”. Các cụ làng tôi, thuở xa xưa, đã trồng hai cây này để lấy bóng mát cho những người làm ruộng, hoặc các khách bộ hành, đến nghỉ mát vào những buổi trưa mùa hè nóng bức. Sở dĩ các cụ trồng cây đa vì cây đa sống lâu, cành lá rất xum xuê. Hai cây đa đầu làng tôi nghe nói, bây giờ vẫn còn, dù đã già cỗi, sau cả một thế kỷ đứng đó để che bóng mát cho không biết bao nhiêu người, và chứng kiến bao nhiêu những thăng trầm biến đổi của lịch sử làng tôi cũng như của đất nước.
Nói đến cây đa, tôi lại nhớ đến chuyện hồi tôi còn nhỏ, khi đi xuống xứ Đồng Đội (cách làng tôi chừng 2 cây số) để dự Thánh Lễ hoặc thăm bà con, ba má tôi thường nói đến “Cây Đa Tử Đạo” ở đầu làng Đồng Đội, và nói cho tôi biết là vào thời kỳ các Vua Chúa cấm đạo, có nhiều người Công Giáo ở các nơi bị bắt và dẫn đến chỗ cây đa đó để chịu thiêu sống, tiếng la hét rất thảm thiết; từ đó cây đa được gọi là ‘Cây Đa Tử Đạo’.
Khi đã khôn lớn, tôi lại được nghe nói đến “Khu Bẩy Mẫu” cũng là nơi nhiều vị tử đạo đã bị xử tại đó. “Khu Bẩy Mẫu” nằm bên phải con đường từ Nam Định đi Hà Nội, chỉ cách thị xã Nam Định chừng vài cây số.
Trong Huyện Vụ Bản, Nam Định, có nhiều giáo dân đã bị giết tại Cây Đa Tử Đạo, hoặc “Khu Bẩy Mẫu”; đa số những người bị thiêu sống tại ‘Cây Đa Tử Đạo’ đã chết âm thầm, không xét xử, không ai ghi lại tên tuổi, và thường do nhóm Văn Thân chủ trương. Đặc biệt xứ Xuân Bảng (thường gọi là Kẻ Báng, cách làng tôi chừng 8 cây số) đã có hơn 100 người tử đạo, trong đó có hai vị đã được phong thánh: Thánh Gioan Baotixita Cỏn và Thánh Martinô Thọ.
Tại họ đạo Bối Xuyên (thuộc xứ Đồng Đội) nơi tôi sinh trưởng, thì kính đặc biệt Cha Cố Hương như Thánh Bổn Mạng. Theo như sổ sách và những lời kể của ba tôi, Cha Cố Hương tên thật là Gioan Louis Bonnard, tên Việt Nam thường gọi là Cha Cố Hương. Vào ngày 21 tháng 3 năm 1852, Cha Cố Hương âm thầm đến họ Bối Xuyên để giúp tĩnh tâm Mùa Chay và ban phép Bí Tích ngay tại nhà Ông Nội của Ba Tôi, tức là chính ngay ngôi nhà tôi được sinh ra. Nhà ở ngay bìa làng, đằng trước có một cái ao nuôi cá và trồng rau muống, rau súng. Làng tôi là một làng nhỏ, vào ‘mùa nước’ thì nước ngập chung quanh. Sở dĩ Cha Cố Hương dâng Thanh Lễ và cử hành các phép Bí Tích ở nhà Ông Cố Nội tôi là vì lúc đó làng tôi chưa có Nhà Thờ, và Ông Cố Nội tôi lúc đó làm trùm họ đạo và cũng tham gia vào ban hành chánh trong làng.
Hồi đó, quan Tổng Đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh rất hăng say đi truy lùng và bắt đạo. Quan cho các binh lính đi tìm và bắt các ‘đạo trưởng’ ẩn núp ở các nơi. Theo như sử sách và lời các cụ trong làng biết chuyện kể lại: hôm đó, khi Cha Cố Hương vừa dâng Thánh Lễ và ban các phép Bí Tích xong, thì nghe tin các quân lính đang bao vây làng. Khi thấy nguy cơ không thể thoát được, Cha Cố Hương đã bảo mọi người cứ giữ mọi sinh hoạt như bình thường, còn Cố một mình đi ra bờ tre và lội nước ra ngoài cánh đồng để quan quân bắt; chủ đích là không để gia đình Ông Cố Nội tôi bị liên lụy vì tội ‘chứa chấp đạo trưởng’. Tuy nhiên, Ông Cố Nội tôi cũng bị bắt đi theo. Cha Cố Hương bị xử trảm tại Khu Bẩy Mẫu, Nam Định vào ngày mùng 1 tháng 5 năm 1852. Ông Cố Nội tôi thì bị chết rũ tù ở Nam Định. Khi tôi còn nhỏ, ba tôi thường kể cho tôi nghe những điều này, và tên tuổi các vị liên hệ đều có ghi trong Gia Phả; tuy nhiên sau này, trong chiến tranh, nhà tôi đã bị ‘lính tây về làng’ đốt phá. Mọi tài sản và các tài liệu của gia đình đều bị thiêu hủy. Rồi gia đình tôi và dân làng phải ly tán, một số di cư vào miền Nam trong cuộc di cư năm 1954.
Nhìn lại lịch sử cuộc bách hại đạo Công giáo ở Việt Nam, chúng ta thấy đã kéo dài bốn thế kỷ. Theo sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, thì ngay từ năm Nguyên Hòa (1533) dưới thời Vua Lê Trang Tôn đã có chỉ dụ ‘cấm đạo Gia Tô’. Như vậy, đạo Thánh Chúa đã được rao giảng tại Việt Nam từ lâu trước đó và số giáo dân đã khá phát triển, nên gây ra những sự ‘kỳ thị tôn giáo’ đưa đến việc triều vua Lê Trang Tôn ra chỉ dụ cấm đạo.
Cuộc bách hại như vậy ở khắp ba miền đất nước, và đã kéo dài từ thời vua Lê Trang Tôn qua đến thời các Chúa Trịnh (miền Bắc) và Chúa Nguyễn (miền Nam), qua thời Tây Sơn, đến các triều đại nhà Nguyễn, có lúc thật hung bạo, có lúc giảm bớt, tùy theo các biến cố thời cuộc lúc đó. Trong triều đại vua Minh Mạng (1820-1841) và Tự Đức (1847 – 1883) thì mạnh mẽ, cùng với phong trào Văn Thân muốn tiêu diệt hẳn đạo Công Giáo tại Việt Nam. Các ‘đạo trưởng’ bị lên án và xử tội. Giáo dân bị khắc hai chữ ‘tả đạo’ trên trán, bị bắt buộc phải bỏ đạo bằng cách phải bước qua Thánh Giá gọi là “quá khóa”. Ai không chịu thì bị bắt và bị xử án. Ngoài ra, các làng Công Giáo bị giải tán, người Công Giáo phải bỏ nhà cửa và mọi tài sản để đi sống trong các làng khác để dễ dàng mất tinh thần đức tin. Chiến thuật đó gọi là ‘Gia Tô phân sát’ (chia ra và sát nhập vào các nơi khác).
Trong cuộc bách hại kéo dài như vậy, con số bị sát hại thường được ghi là 130 ngàn người; tuy nhiên, con số thực sự thì lớn hơn, vì nhiều người đã bị giết một cách âm thầm, không đưa ra xử án, thường do nhóm Văn Thân thi hành, không thể ghi lại tên tuổi, như những người bị thiêu sống tại Cây Đa Tử Đạo ở xứ Đồng Đội.
Các vị đã bị đưa ra tòa để xử và kết án thì bị chết nhiều cách khác nhau như chết rũ tù (như thánh Guise Nguyễn Văn Lựu, Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành); bị xử trảm (như Thánh Nguyễn Văn Hương, Lê Văn Phụng); bị xử giảo (như Thánh Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Hữu Quỳnh); bị lăng trì (như Thánh Phan Viết Huy, Thánh Bùi Đức Thể); bị thiêu sống như Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng, Vinh Sơn Dương); bị tra tấn đến chết (như Thánh Đaminh Vũ Đình Tước).
Những vị bị tử đạo thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, nam có, nữ có. Có vị đã cao niên, có vị tuổi còn trẻ. Riêng trong 117 vị đã được Tuyên Thánh, ngoài các vị thừa sai ngoại quốc, thuộc Hội Thừa Sai Paris, hoặc Dòng Đaminh, thì các vị người Việt Nam gồm có những vị làm nghề nông (như Thánh Nguyễn Duy Khang, Nguyễn Văn Vinh), làm thợ mộc (như Thánh Phêrô Đa), buôn bán (như Thánh Lê Văn Gẫm), nghề đánh cá (như thánh Đinh Văn Thuận, Thánh Đaminh Toại), làm y sĩ (như Thánh Hoàng Lương Cảnh), quân nhân (như Thánh Đaminh Đinh Đạt, Bùi Đức Thể), hạ sĩ quan (như Thánh Trần Văn Trung, Lê Đăng Thi), làm quan trong triều đình (như Thánh Hồ Đình Hy, Phạm Viết Khảm, Tống Viết Bường), lý trưởng (như Thánh Nguyễn Huy Mỹ, Gioan Baotixita Cỏn), chánh tổng (như Thánh Vinh Sơn Tường, Phạm Trọng Thìn), trùm họ (như Thánh Nguyễn Văn Lựu, Nguyễn Văn Đắc, Mathêu Nguyễn Văn Phượng), chánh trương (như Thánh Đaminh Nguyên), Thày dạy giáo lý (như Thánh Đoàn Văn Vạn, Nguyễn Văn Mỹ), chủng sinh (như Thánh Tôma Trần Văn Thiện), và nhiều Linh mục thuộc các giáo phận khác nhau. Có những vị đã cao niên (như Thánh Tạ Đức Thịnh, 80 tuổi, sinh năm 1760 tại Thanh Trì, Hà Nội, chịu tử đạo ngày 8-11-1840), có những vị còn là thanh niên (như Thánh Giuse Túc, 19 tuổi, sinh năm 1843 tại Hưng Yên, tử đạo ngày 1-6-1862; Thánh Tôma Trần Văn Thiện, sinh năm 1820 tại Quảng Bình, tử đạo ngày 21-9-1838). Mỗi vị đều có ngày kính riêng vào chính ngày các Ngài chịu tử đạo. Tất cả được kính chung trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 24 tháng 11 hàng năm.
Nhìn lại cuộc bách hại đạo Công Giáo tại Việt Nam, cũng như nhớ lại cuộc đời của những vị tử đạo, không phải để chúng ta đem lòng oán hận, kết án; vì chính các vị tử đạo cũng noi gương Chúa Giêsu trên Thánh giá đã xin ơn tha thứ cho những kẻ đã giết Ngài vì lầm lỗi (Tin Mừng theo Thánh Luca 23,34). Nhìn lại cuộc sống của các Thánh Tử Đạo để chúng ta tạ ơn Chúa cho các Ngài đã được ơn Chúa ban để đủ can đảm chịu từ bỏ mọi địa vị, mọi của cải, và chịu mọi cực hình để tuyên xưng Đức Tin nơi Chúa. Xin các Ngài cầu cùng Chúa cho chúng ta luôn được Đức Tin mạnh mẽ để sống xứng đáng con cái Chúa và dòng dõi các Thánh tử Đạo Việt Nam, can đảm chịu mọi thử thách khó khăn trong đời sống đức tin hằng ngày. Xin cho đất nước Việt Nam sớm đến ngày được bình an, hạnh phúc, nhân quyền được tôn trọng, tự do thật sự, nhất là tự do tôn giáo; mọi người sống hòa hợp yêu thương để chung tay xây dựng Quê Hương Việt Nam yêu dấu.
LM. Anphong Trần Đức Phương
Cây đa là cây rất quen thuộc ở vùng chúng tôi. Hồi tôi còn nhỏ, tôi cũng thấy ở đầu làng tôi (làng Bối Xuyên, xứ Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có trồng hai cây đa trên một gò đất lớn ngay lối đi ra cánh đồng trồng lúa. Hai cây đa này được gọi là “Cây Đa Đầu Làng” hoặc “Cây Đa Điền”. Các cụ làng tôi, thuở xa xưa, đã trồng hai cây này để lấy bóng mát cho những người làm ruộng, hoặc các khách bộ hành, đến nghỉ mát vào những buổi trưa mùa hè nóng bức. Sở dĩ các cụ trồng cây đa vì cây đa sống lâu, cành lá rất xum xuê. Hai cây đa đầu làng tôi nghe nói, bây giờ vẫn còn, dù đã già cỗi, sau cả một thế kỷ đứng đó để che bóng mát cho không biết bao nhiêu người, và chứng kiến bao nhiêu những thăng trầm biến đổi của lịch sử làng tôi cũng như của đất nước.
Nói đến cây đa, tôi lại nhớ đến chuyện hồi tôi còn nhỏ, khi đi xuống xứ Đồng Đội (cách làng tôi chừng 2 cây số) để dự Thánh Lễ hoặc thăm bà con, ba má tôi thường nói đến “Cây Đa Tử Đạo” ở đầu làng Đồng Đội, và nói cho tôi biết là vào thời kỳ các Vua Chúa cấm đạo, có nhiều người Công Giáo ở các nơi bị bắt và dẫn đến chỗ cây đa đó để chịu thiêu sống, tiếng la hét rất thảm thiết; từ đó cây đa được gọi là ‘Cây Đa Tử Đạo’.
Khi đã khôn lớn, tôi lại được nghe nói đến “Khu Bẩy Mẫu” cũng là nơi nhiều vị tử đạo đã bị xử tại đó. “Khu Bẩy Mẫu” nằm bên phải con đường từ Nam Định đi Hà Nội, chỉ cách thị xã Nam Định chừng vài cây số.
Trong Huyện Vụ Bản, Nam Định, có nhiều giáo dân đã bị giết tại Cây Đa Tử Đạo, hoặc “Khu Bẩy Mẫu”; đa số những người bị thiêu sống tại ‘Cây Đa Tử Đạo’ đã chết âm thầm, không xét xử, không ai ghi lại tên tuổi, và thường do nhóm Văn Thân chủ trương. Đặc biệt xứ Xuân Bảng (thường gọi là Kẻ Báng, cách làng tôi chừng 8 cây số) đã có hơn 100 người tử đạo, trong đó có hai vị đã được phong thánh: Thánh Gioan Baotixita Cỏn và Thánh Martinô Thọ.
Tại họ đạo Bối Xuyên (thuộc xứ Đồng Đội) nơi tôi sinh trưởng, thì kính đặc biệt Cha Cố Hương như Thánh Bổn Mạng. Theo như sổ sách và những lời kể của ba tôi, Cha Cố Hương tên thật là Gioan Louis Bonnard, tên Việt Nam thường gọi là Cha Cố Hương. Vào ngày 21 tháng 3 năm 1852, Cha Cố Hương âm thầm đến họ Bối Xuyên để giúp tĩnh tâm Mùa Chay và ban phép Bí Tích ngay tại nhà Ông Nội của Ba Tôi, tức là chính ngay ngôi nhà tôi được sinh ra. Nhà ở ngay bìa làng, đằng trước có một cái ao nuôi cá và trồng rau muống, rau súng. Làng tôi là một làng nhỏ, vào ‘mùa nước’ thì nước ngập chung quanh. Sở dĩ Cha Cố Hương dâng Thanh Lễ và cử hành các phép Bí Tích ở nhà Ông Cố Nội tôi là vì lúc đó làng tôi chưa có Nhà Thờ, và Ông Cố Nội tôi lúc đó làm trùm họ đạo và cũng tham gia vào ban hành chánh trong làng.
Hồi đó, quan Tổng Đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh rất hăng say đi truy lùng và bắt đạo. Quan cho các binh lính đi tìm và bắt các ‘đạo trưởng’ ẩn núp ở các nơi. Theo như sử sách và lời các cụ trong làng biết chuyện kể lại: hôm đó, khi Cha Cố Hương vừa dâng Thánh Lễ và ban các phép Bí Tích xong, thì nghe tin các quân lính đang bao vây làng. Khi thấy nguy cơ không thể thoát được, Cha Cố Hương đã bảo mọi người cứ giữ mọi sinh hoạt như bình thường, còn Cố một mình đi ra bờ tre và lội nước ra ngoài cánh đồng để quan quân bắt; chủ đích là không để gia đình Ông Cố Nội tôi bị liên lụy vì tội ‘chứa chấp đạo trưởng’. Tuy nhiên, Ông Cố Nội tôi cũng bị bắt đi theo. Cha Cố Hương bị xử trảm tại Khu Bẩy Mẫu, Nam Định vào ngày mùng 1 tháng 5 năm 1852. Ông Cố Nội tôi thì bị chết rũ tù ở Nam Định. Khi tôi còn nhỏ, ba tôi thường kể cho tôi nghe những điều này, và tên tuổi các vị liên hệ đều có ghi trong Gia Phả; tuy nhiên sau này, trong chiến tranh, nhà tôi đã bị ‘lính tây về làng’ đốt phá. Mọi tài sản và các tài liệu của gia đình đều bị thiêu hủy. Rồi gia đình tôi và dân làng phải ly tán, một số di cư vào miền Nam trong cuộc di cư năm 1954.
Nhìn lại lịch sử cuộc bách hại đạo Công giáo ở Việt Nam, chúng ta thấy đã kéo dài bốn thế kỷ. Theo sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, thì ngay từ năm Nguyên Hòa (1533) dưới thời Vua Lê Trang Tôn đã có chỉ dụ ‘cấm đạo Gia Tô’. Như vậy, đạo Thánh Chúa đã được rao giảng tại Việt Nam từ lâu trước đó và số giáo dân đã khá phát triển, nên gây ra những sự ‘kỳ thị tôn giáo’ đưa đến việc triều vua Lê Trang Tôn ra chỉ dụ cấm đạo.
Cuộc bách hại như vậy ở khắp ba miền đất nước, và đã kéo dài từ thời vua Lê Trang Tôn qua đến thời các Chúa Trịnh (miền Bắc) và Chúa Nguyễn (miền Nam), qua thời Tây Sơn, đến các triều đại nhà Nguyễn, có lúc thật hung bạo, có lúc giảm bớt, tùy theo các biến cố thời cuộc lúc đó. Trong triều đại vua Minh Mạng (1820-1841) và Tự Đức (1847 – 1883) thì mạnh mẽ, cùng với phong trào Văn Thân muốn tiêu diệt hẳn đạo Công Giáo tại Việt Nam. Các ‘đạo trưởng’ bị lên án và xử tội. Giáo dân bị khắc hai chữ ‘tả đạo’ trên trán, bị bắt buộc phải bỏ đạo bằng cách phải bước qua Thánh Giá gọi là “quá khóa”. Ai không chịu thì bị bắt và bị xử án. Ngoài ra, các làng Công Giáo bị giải tán, người Công Giáo phải bỏ nhà cửa và mọi tài sản để đi sống trong các làng khác để dễ dàng mất tinh thần đức tin. Chiến thuật đó gọi là ‘Gia Tô phân sát’ (chia ra và sát nhập vào các nơi khác).
Trong cuộc bách hại kéo dài như vậy, con số bị sát hại thường được ghi là 130 ngàn người; tuy nhiên, con số thực sự thì lớn hơn, vì nhiều người đã bị giết một cách âm thầm, không đưa ra xử án, thường do nhóm Văn Thân thi hành, không thể ghi lại tên tuổi, như những người bị thiêu sống tại Cây Đa Tử Đạo ở xứ Đồng Đội.
Các vị đã bị đưa ra tòa để xử và kết án thì bị chết nhiều cách khác nhau như chết rũ tù (như thánh Guise Nguyễn Văn Lựu, Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành); bị xử trảm (như Thánh Nguyễn Văn Hương, Lê Văn Phụng); bị xử giảo (như Thánh Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Hữu Quỳnh); bị lăng trì (như Thánh Phan Viết Huy, Thánh Bùi Đức Thể); bị thiêu sống như Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng, Vinh Sơn Dương); bị tra tấn đến chết (như Thánh Đaminh Vũ Đình Tước).
Những vị bị tử đạo thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, nam có, nữ có. Có vị đã cao niên, có vị tuổi còn trẻ. Riêng trong 117 vị đã được Tuyên Thánh, ngoài các vị thừa sai ngoại quốc, thuộc Hội Thừa Sai Paris, hoặc Dòng Đaminh, thì các vị người Việt Nam gồm có những vị làm nghề nông (như Thánh Nguyễn Duy Khang, Nguyễn Văn Vinh), làm thợ mộc (như Thánh Phêrô Đa), buôn bán (như Thánh Lê Văn Gẫm), nghề đánh cá (như thánh Đinh Văn Thuận, Thánh Đaminh Toại), làm y sĩ (như Thánh Hoàng Lương Cảnh), quân nhân (như Thánh Đaminh Đinh Đạt, Bùi Đức Thể), hạ sĩ quan (như Thánh Trần Văn Trung, Lê Đăng Thi), làm quan trong triều đình (như Thánh Hồ Đình Hy, Phạm Viết Khảm, Tống Viết Bường), lý trưởng (như Thánh Nguyễn Huy Mỹ, Gioan Baotixita Cỏn), chánh tổng (như Thánh Vinh Sơn Tường, Phạm Trọng Thìn), trùm họ (như Thánh Nguyễn Văn Lựu, Nguyễn Văn Đắc, Mathêu Nguyễn Văn Phượng), chánh trương (như Thánh Đaminh Nguyên), Thày dạy giáo lý (như Thánh Đoàn Văn Vạn, Nguyễn Văn Mỹ), chủng sinh (như Thánh Tôma Trần Văn Thiện), và nhiều Linh mục thuộc các giáo phận khác nhau. Có những vị đã cao niên (như Thánh Tạ Đức Thịnh, 80 tuổi, sinh năm 1760 tại Thanh Trì, Hà Nội, chịu tử đạo ngày 8-11-1840), có những vị còn là thanh niên (như Thánh Giuse Túc, 19 tuổi, sinh năm 1843 tại Hưng Yên, tử đạo ngày 1-6-1862; Thánh Tôma Trần Văn Thiện, sinh năm 1820 tại Quảng Bình, tử đạo ngày 21-9-1838). Mỗi vị đều có ngày kính riêng vào chính ngày các Ngài chịu tử đạo. Tất cả được kính chung trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 24 tháng 11 hàng năm.
Nhìn lại cuộc bách hại đạo Công Giáo tại Việt Nam, cũng như nhớ lại cuộc đời của những vị tử đạo, không phải để chúng ta đem lòng oán hận, kết án; vì chính các vị tử đạo cũng noi gương Chúa Giêsu trên Thánh giá đã xin ơn tha thứ cho những kẻ đã giết Ngài vì lầm lỗi (Tin Mừng theo Thánh Luca 23,34). Nhìn lại cuộc sống của các Thánh Tử Đạo để chúng ta tạ ơn Chúa cho các Ngài đã được ơn Chúa ban để đủ can đảm chịu từ bỏ mọi địa vị, mọi của cải, và chịu mọi cực hình để tuyên xưng Đức Tin nơi Chúa. Xin các Ngài cầu cùng Chúa cho chúng ta luôn được Đức Tin mạnh mẽ để sống xứng đáng con cái Chúa và dòng dõi các Thánh tử Đạo Việt Nam, can đảm chịu mọi thử thách khó khăn trong đời sống đức tin hằng ngày. Xin cho đất nước Việt Nam sớm đến ngày được bình an, hạnh phúc, nhân quyền được tôn trọng, tự do thật sự, nhất là tự do tôn giáo; mọi người sống hòa hợp yêu thương để chung tay xây dựng Quê Hương Việt Nam yêu dấu.
LM. Anphong Trần Đức Phương