PDA

View Full Version : T - Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Ngài



Dan Lee
11-30-2008, 02:27 AM
Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Ngài

Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A (1 Cr 1:3-9)

Tuần trước trong khi mừng Lễ Đức Kitô làm Vua Vũ Trụ, chúng ta cũng tôn Người làm Vua lòng mình để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi sự của chúng ta. Hôm nay mở đầu Mùa Vọng, Thánh Phaolô nhắc nhở về những hồng ân Chúa ban để chúng ta cùng với ngài cảm tạ Thiên Chúa và sống trung thành cho đến cùng trong khi chờ đợi ngày trở lại vinh quang của Vua Giêsu. Ngài nhắc cho chúng ta rằng tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban cách nhưng không. Đức Kitô đã ban cho chúng ta mọi sự. Với Lời Người, Người dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về Thiên Chúa, không phải chỉ hiểu biết xuông mà là một sự hiệp thông với Ngài qua Người. Ân sủng kéo chúng ta đến cùng Thiên Chúa, soi sáng tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta một trái tim biết phân biệt điều gì đẹp lòng Chúa. Nhờ cộng tác với ân sủng, ngày Chúa đến sẽ là ngày hồng phúc thay vì ngày kinh hãi đối với chúng ta.

Câu 3. Chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô.

Câu này là phần thứ ba của công thức chào mừng thông dụng trong hầu hết các Thư của Thánh Phaolô (1Cor 1:3, 2Cor 1:2, Gal 1:3, Eph 1:2, Php 1:2, Col 1:2, 1Thes 1:1, 2Thes 1:2; Phm 1:3). Đây không phải là một lời cầu chúc xã giao mà là một lời cầu nguyện mở đầu của ngài. Đúng hơn phải dịch là: “Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô ở cùng anh em”. Thánh Phaolô không cầu chúc giàu sang thịnh vượng như cầu chúc ân sủng và bình an.

Ân sủng. Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Chúa ban để ta trở thành con cái Ngài. Ân sủng cho ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Ân sủng của Ðức Kitô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Ngài. Ðó là ơn thánh hóa hay thần hóa ta nhận được trong bí tích Thánh Tẩy. Ơn này là một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện hóa linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Ngài. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và làm theo tiếng gọi của Thiên Chúa, còn ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa (x. GLCG 1996-2000).

Ngoài mục đích thánh hóa chúng ta, ân sủng cũng gồm các ơn giúp ta có khả năng cộng tác vào việc cứu độ tha nhân và phát triển Hội Thánh. Ðó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng. Ngoài ra, còn có đặc sủng qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Trong các đặc sủng, có các ơn chức phận được ban cho người thi hành các nhiệm vụ của đời Kitô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh. Vì ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin, nên ta không thể dựa vào tình cảm hay các việc làm để kết luận rằng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi. Tuy nhiên, việc suy niệm về các ơn Chúa trong đời ta và các thánh, cho ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong ta, giúp cho đức tin của ta thêm lớn mạnh, và tín thác hơn vào Thiên Chúa (x. GLCG 2003-2005).

Bình an. Thường chúng ta hiểu bình an là tình trạng không có chiến tranh. Nhưng bình an ở đây phải hiểu là bình an của Thiên Chúa dành cho những người Chúa thương (Lc 2:14); bình an mà các môn đệ Chúa đem đến cho những ai sẵn sàng đón nhận Lời Chúa (Mt 10:12-13). Bình an mà chính Chúa Giêsu mang xuống trần và để lại cho chúng ta (Ga 14:27) trước khi Người về trời (Ga 20:21, 26). Chúng ta chỉ có bình an này khi sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Như vậy người nào có ân sủng Chúa thì người ấy có bình an. Hội Thánh chúc bình an này cho chúng ta ở cuối Thánh Lễ để chúng ta mang ân sủng vừa lãnh được nơi Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể về với đời sống thường nhật. Chúng ta sẽ đem bình an đến cho môi trường chúng ta đang sống, là gia đình, sở làm, giáo xứ, xã hội,…, nếu chúng ta để cho Lời Chúa ngự trị cách dồi dào trong chúng ta như Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy để bình an của Ðức Kitô ngự trị trong tâm hồn anh em, vì anh em đã được mời gọi để hưởng ơn bình an đó trong cùng một thân thể. Và anh em hãy biết ơn. Hãy để Lời Ðức Kitô ngự cách dồi dào trong anh em” (Col 3:15-16).

Câu 4. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa thay cho anh em. Thực ra ở đây Thánh Phaolô dùng chữ “Thiên Chúa của tôi” như trong Rm 1:8 và Phl 1:3, chứ không phải Thiên Chúa xuông. Trong xã hội thời đó, có nhiều quan niệm khác nhau về Thiên Chúa như quan niệm của chủ nghĩa phiếm thần chẳng hạn. Là một nhà truyền giáo, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Thiên Chúa mà ngài nói ở đây là “Thiên Chúa của tôi” chứ không phải Thiên Chúa theo nghĩa nào khác. Ngày nay có nhiều thần học gia Công Giáo và nhiều nhà truyền giáo không dám nói về “Thiên Chúa của tôi” mà chỉ nói về một Thiên Chúa khơi khơi vì họ sợ đụng chạm đến các tôn giáo khác, hay vì chính họ nghĩ rằng Thiên Chúa nào cũng là Thiên Chúa. Thánh Phaolô cảm tạ Thiên Chúa thay cho các tín hữu Côrinthô vì ngài thừa nhận rằng ngài chỉ là công cụ trong việc truyền giáo, còn Chúa Thánh Thần mới là Đấng tác động trong lòng họ và giúp họ mở lòng ra lãnh nhận ơn Chúa và hiểu biết Lời Chúa.

Những ơn mà Thánh Phaolô nói ở đây chính là những ân sủng Chúa đã ban cho các tín hữu Côrinthô trong Đức Kitô. Theo Thánh Phaolô thì tất cả mọi sự tốt lành chúng ta có đều do Thiên Chúa ban: “Có gì anh em có mà anh em đã không nhận lãnh? Nhưng nếu anh em đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự hào như là đã không lãnh nhận?” (1 Cor 4:7). Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng ngay cả việc chuẩn bị con người đón nhận ân sủng cũng là một công trình của ân sủng. Việc chuẩn bị này cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, vào việc thánh hóa nhờ đức ái. Thiên Chúa tự do đi bước trước, và Ngài muốn con người tự do đáp trả. Chỉ khi tự nguyện, con người mới có thể bước vào hiệp thông tình yêu (x. GLCG 2001-2002).

Câu 5. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết,

Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch câu này là: “Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người." Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: “Bởi chưng về mọi mặt, anh em đã được nên giàu có trong Ngài, về mọi thứ ngôn ngữ, và mọi ơn trí tri”. Bản Hy Lạp viết: οτι (rằng) εν (trong) παντι (mọi sự) επλουτισθητε (anh em được nên phong phú) εν (trong) αυτω (Người,) εν (trong) παντι (mọi) λογω (lời) και (và) παση (mọi) γνωσει (sự hiểu biết).

Trước hết, Đức Kitô là nguồn mạch mọi ân sủng (x. Ga 1:16; Dt 5:9), do đó chúng ta chỉ nhận được ân sủng trong Đức Kitô. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, và thành nghĩa tử Thiên Chúa, được gọi Ngài là "Cha". Chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần trong Nhiệm Thể này, là Hội Thánh, đặc biệt là qua các bí tích, là những dấu bề ngoài mà Thiên Chúa dùng để ban ân sủng cho chúng ta.

Trong Hội Thánh, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đặc sủng để làm ích lợi cho các phần tử khác. Dân Côrinthô đã nhận được rất nhiều đặc sủng. Ở đây Thánh Phaolô nhấn mạnh đến hai đặc sủng quan trọng nhất, có lẽ cũng là những điều làm cho họ ra kiêu căng, tự mãn.

Ơn ngôn ngữ - Thật khó mà dịch παντι λογω ra tiếng Việt cho đúng nghĩa. Chữ λογος (Logo) trong Tiếng Hy Lạp có rất nhiều nghĩa: Ngôi Lời như trong Gioan 1:1-4, lời nói, một lời, một điều mà một người đã nói, Lời Chúa giáo huấn, lời các ngôn sứ trong Cựu Ước, ăn nói… Dịch là “được nghe Lời Chúa” cũng đúng, nhưng có lẽ đây là tất cả những đặc sủng về ngôn ngữ: nghe và rao giảng Lời Chúa, có tài ăn nói, hủng biện,…, kể cả nói và hiểu tiếng lạ.

Ơn hiểu biết chính là khả năng nhận thức để hiểu được những lời rao giảng. Giữa một xã hội tự hào là văn minh như xã hội Hy Lạp, rao giảng về Thập Giá Đức Kitô thật là một sự điên rồ (1 Cor 1:18), thế mà các tín hữu Côrinthô đã đón nhận và sẵn sàng chịu mọi đau khổ vì Tin Mừng này. Sở dĩ thế vì phần lớn những người trong họ là những người bình dân và khiêm nhường (x. 1 Cor 1:26), nên sẵn sàng đón nhận sự mặc khải của Chúa Thánh Thần (1 Cor 2:10-12). Nếu chúng ta muốn lãnh nhận được ơn hiểu biết này, chúng ta cũng phải trở nên những người bé mọn trước mặt Thiên Chúa vì Ngài “mặc khải chúng cho những người bé mọn” (Lc 10:21).

Tóm lại, khi nói đến tất cả các ơn liên hệ đến logo và mọi sự hiểu biết, có lẽ Thánh Phaolô muốn nói đến các đặc sủng mà người Côrinthô đã lãnh nhận như ngài khai triển trong chương 12 và chương 14.

Câu 6. đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em,

Dịch câu này là “đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em” có lẽ sai nghĩa. Bản Hy Lạp là καθως (theo như) το μαρτυριον (lời chứng) του χριστου (về Đức Kitô) εβεβαιωθη (đã được kiên định) εν υμιν (nơi anh em). Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: “tùy theo mức kiên cố chứng cứ về Ðức Kitô đã đạt được nơi anh em”, và Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch: “lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em”.

Lời chứng về Đức Kitô ở đây có thể hiểu là lời rao giảng về Đức Kitô của các Tông Đồ. Nhiều người giải thích rằng lời chứng này là Tin Mừng. Hiểu như thế là đúng nếu Tin Mừng là lời công bố Kerygma mà các Tông Đồ rao giảng như Thánh Phaolô nói rất nhiều lần trong các Thư của ngài, và sai nếu hiểu là bốn Sách Tin Mừng, vì khi đó chưa có các sách này. Lời chứng ở đây cũng có thể được hiểu là cách sống phản ảnh giáo huấn của Đức Kitô của các Tông Đồ và của các Kitô hữu. Như Thánh Phaolô nói trong Thư Thứ I gửi tín hữu Thêxalônica: “Tin Mừng của chúng tôi đến với anh em không phải chỉ trong lời nói, mà còn trong quyền năng, và trong Chúa Thánh Thần, và một niềm xác tín trọn vẹn. Anh em biết chúng tôi đã sống thế nào vì anh em khi còn ở với anh em; còn anh em đã theo gương chúng tôi và theo gương Chúa, vì anh em đã đón nhận lời Chúa giữa bao gian khổ, với niềm vui của Chúa Thánh Thần” (1 Th 1:5-6).

Câu 7 - khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra.

Có Đức Kitô là có tất cả vì Người là Sự Khôn Ngoan và Quyền Năng của Thiên Chúa (x. 1 Cor 18:25). “Vì nơi Người hiện diện tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa về thể lý, và anh em được sung mãn trong Người, Ðấng là thủ lãnh của mọi lãnh thần và quyền thần” (Col 2:9).

Ðức Kitô không chỉ sống cho mình, nhưng cho chúng ta, từ lúc nhập thể cho đến khi chết và phục sinh. Người là gương mẫu cho ta. Người sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Chúng ta được hiệp thông với Người như chi thể của Nhiệm Thể Người (x. GLCG 519-521). Tuy nhiên, bao lâu còn ở nơi dương thế, chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn và không chắc chắn. Vì thế như những người đầy tớ chờ chủ trở về trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 13:33-37), chúng ta cũng phải tỉnh thức mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra – nghĩa là chờ đợi ngày Người trở lại trong vinh quang. Chỉ khi đó chúng ta mới chắc chắn được ở mãi với Người.

Câu 8 - Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến.

Như trong câu 4, Thánh Phaolô một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn bền vững đến cùng chứ đừng cậy vào sức mình. Nhiều người cho rằng mình khôn ngoan và có một ý chí sắt đá nên liều mình đến những nơi nguy hiểm mà quên rằng “khôn ba năm dại một giờ”. Khi bừng tỉnh thì đã lỡ rồi! Chính Chúa Giêsu cũng nói: “không có Thầy, các con chẳng làm được gì" (Ga 5:15). Vì thế chỉ những ai hoàn toàn khiêm nhường trông cậy vào Chúa mới mong đứng vững đến cùng. Nói như thế không có nghĩa là Người sẽ cưỡng bách chúng ta phải làm theo Người, nhưng Người sẽ ban ơn để chúng ta cộng tác với ân sủng của Người. Chúng ta vẫn có tự do, và phải tình nguyện cộng tác với ơn Chúa, phải chấp nhận hy sinh, đau khổ, chứ không để mặc cho xác thịt và thế gian lôi kéo. Có như thế chúng ta mới thật sự được bền vững đến cùng.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy rằng trong ngày Chúa trở lại, “Người vừa là Thẩm Phán vừa là Đấng Cứu Độ, là Đấng đã để lại cho chúng ta quyết tâm sống trong thế gian theo cách sống của Người. Người đã ban cho chúng ta các nén vàng (các tài năng) của Người. Vậy thái độ thứ ba của chúng ta là có trách nhiệm đối với thế gian, đối với anh em trước mặt Đức Kitô, và đồng thời xác tín về lòng thương xót của Người” (Triều yết chung ngày 12/11/2008). Nếu chúng ta có trách nhiệm đối với thế gian thì dù người đời có ghét bỏ chúng ta đi nữa thì cũng không ai có thể trách móc được chúng ta. Mà dù đời có trách chúng ta đi nữa, chúng ta cũng không màng, vì chỉ có Chúa là Đấng có quyền xét xử chúng ta, và trong ngày Chúa đến, Người không trách chúng ta là đủ rồi.

Câu 9 - Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, vì thế Ngài không để chúng ta mò mẫm trên thế gian mà ban Con Ngài đến để dạy dỗ và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta được hợp nhất với Đức Kitô trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người. Trong Hội Thánh chúng ta được thừa hưởng gia tài Đức Tin đã được vun trồng trên 2000 năm qua. Chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua Huấn Quyền để hiểu Lời Chúa cách chắc chắn mà không sợ sai lạc. Chúng ta được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa qua các bí tích. Chúa trung thành đến nỗi Người lập Bí Tích Thánh Thể để được ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế như Người đã hứa trong Matthêu 18:20, cùng để lại cho chúng ta Kho Tàng Đức Tin là Thánh Kinh và Thánh Truyền là hiện thân của Lời Người, cùng Chúa Thánh Thần để dạy dỗ hướng dẫn chúng ta qua Huấn Quyền của Hội Thánh, chứ không để chúng ta bơ vơ mò mẫm như những đứa trẻ mồ côi (Ga 14:15-18).

Kết Luận

Muốn hiệp nhất với Đức Kitô, “chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn tất cả chúng ta, cố gắng sống trong tự do được quy hướng trong Đức Tin vào Đức Kitô và được thể hiện bằng việc phục vụ anh em. Điều cần thiết là càng ngày càng nên giống Đức Kitô. Chính nhờ cách này mà một người thật sự được tự do, bằng cách này mà trung tâm sâu thẳm nhất của lề luật được diễn tả nơi chúng ta: đó là kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta chia sẻ những tình cảm của Người, học cùng Người sự tự do chân chính và tình yêu Phúc Âm bao bọc tất cả mọi người” (ĐTC Bênêđictô XVI, triều yết chung ngày 1/10/2008).

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng tất cả mọi sự con có về vật chất cũng như tinh thần đều do hồng ân Chúa ban, để con biết khiêm nhường chia sẻ với người khác vì vinh danh Chúa, chứ không kiêu căng lạm dụng chúng để biến chúng thành án phạt đời đời cho con. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1. Khi cầu chúc những điều tốt lành cho bằng hữu, bạn chỉ nói xuông hay bạn thật sự cầu nguyện cho họ? Bạn nghĩ sao nếu người khác chỉ chúc bạn những điều tốt lành ngoài môi ngoài miệng?

2. Trong mùa lễ Tạ Ơn, hãy kể ra bốn hồng ân trọng nhất mà bạn nhận được từ Thiên Chúa. Bạn đã làm gì với những hồng ân này?

3. Trong những lời cảm tạ của Thánh Phaolô trong bài đọc này, lời nào áp dụng cho bạn, lời nào không? Tại sao?

4. Có khi nào bạn là phần tử của một đoàn thể hay một giáo xứ mà trong đó người nào cũng đòi người khác phải làm theo ý mình không? Tình trạng đoàn thể hay giáo xứ ấy ra sao?

5. Có khi nào bạn lo sợ rằng không có bạn thì những người trong đoàn thể hay giáo xứ của bạn sẽ làm hỏng chuyện không? Nghĩ như thế có đúng với tinh thần của Bài Đọc hôm nay không? Tại sao?

Phaolô Phạm Xuân Khôi