PDA

View Full Version : N - Nơi lý tưởng để lắng nghe. Mùa Vọng - II - Năm B



Dan Lee
12-03-2008, 07:53 AM
Mùa Vọng - II - Năm B

NƠI LÝ TƯỞNG ĐỂ LẮNG NGHE


Nghe đọc bài Tin mừng hôm nay, bất cứ thính giả nào cũng nhận ra một nghịch lý: Người rao giảng và sứ điệp của người đó lại được đặt trong bối cảnh hoang địa. Đã là hoang địa thì làm gì có người để nghe sứ điệp? Vậy thì tiếng kêu đó chắc chắn sẽ rơi vào thinh lặng của núi rừng thiên nhiên! Nhưng Phúc âm cũng cho chúng ta hay rất đông người từ khắp miền Giuđêa và thành Giêrusalem kéo đến để nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, thú nhận tội lỗi của mình và chịu phép rửa ở sông Giođan (Giođan có nghĩa là xét xử). Do đó từ "hoang địa" phải được hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn.

Mới đây, khi ra khỏi cửa nhà thờ tôi gặp một phụ nữ. Bà thành khẩn nói với tôi: "Thưa Cha, xin cầu nguyện nhiều cho con, con sắp phải trải qua thời gian hoang địa của đời con". Bà chẳng cần phải nói thêm: Giọng bà nói, nét mặt bà đã quá đủ để tôi đoán được vấn đề: Người đàn bà này đang phải bước qua những kinh nghiệm cực kỳ khó khăn trong cuộc sống. Kinh nghiệm đó mang nhiều hình thù khác nhau, không ai nói được là cái gì. Hay nói theo ngôn ngữ ví von: hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai (one-size-fits all = một cỡ quần áo vừa vặn cho tất cả mọi người). Đời có những chỗ quẹo bất ngờ. Nó đang xô đẩy bà này vào trong hoang địa, một hành trình gồ ghề, bà chẳng muốn và tôi cũng không ưa. Phải chăng đó là tuổi già và các bệnh tật giai dẳng? Phải chăng chồng bà vừa qua đời? Phải chăng con cái hỗn láo, bất hiếu? Phải chăng bà cảm thấy cầu nguyện khô khan và không được ủi an? Những nỗi niềm hoang địa này có khi ngắn ngủi, có lúc kéo dài, có lúc thoáng qua, có khi gay gắt. Một số là những đau khổ tinh thần khi đức tin rơi vào khủng hoảng, sa sút. Một số khác là những vật lộn về kinh tế: làm ăn thất bại, tính toán sai lầm, bạn bè xa lánh, phản bội. Dù thế nào đi nữa thì trước những hoang địa này Tin mừng hôm nay cho chúng ta hay nó là những nơi chốn mà chúng ta có thể gặp vị tiên tri của Chúa với sứ điệp chúng ta cần nghe.

Dân tộc Do thái đã quá quen thuộc với những loại hoang địa này. Bài đọc một kể lại tiên tri Isaia đã khơi dậy các kỷ niệm mà Israel đã phải trãi qua. Vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, tác giả Đệ nhị Isaia gióng tiếng an ủi những người bị đế quốc Babilon phát vãng lưu đầy. Mặc dầu đang ở thời kỳ đầu nhưng tiên tri đã nhân danh Thiên Chúa, đoan hứa sẽ có ngày trở lại quê cha đất tổ Palestin. Những hình ảnh hoang địa mà Ngôn sứ sử dụng đã gợi nhớ lại biến cố Dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập thuở xưa. Thiên Chúa đã dẫn dắt cha ông qua sa mạc đến bến bờ tự do, thì Ngài cũng sẽ làm đúng như vậy cho những người lưu đày hiện nay. Do đó dù cuộc hành trình khó khăn, nhục nhã, đau khổ hiện thời sang Babilon thì vẫn còn hy vọng được giải thoát, và có lại tương giao mới mẻ với Thiên Chúa của Tổ tiên.

Trong hoàn cảnh hiện tại dân Israel đang bị hành hạ, tủi nhục, mất tinh thần, bị giết hại cho nên Đức Chúa đã truyền cho tiên tri phải phát ngôn dịu dàng: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta, hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem". Chính Thiên Chúa sẽ làm cho đường lối họ đi được dễ dàng: "Trong sa mạc hãy mở một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, mọi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu". Như vậy hoang địa, dù gập ghềnh, gồ ghề, khó khăn, chẳng hấp dẫn chút nào, sẽ lại trở nên phương tiện Thiên Chúa giải phóng dân Ngài. Ngài sẽ dùng "quyền lực và cánh tay dũng mãnh" thi hành điều đó, nhưng với lòng âu yếm và dịu dàng. Bởi dân Ngài đang ở trong tình thế ngặt nghèo, gian truân. Thiên Chúa sẽ như một vị mục tử nhân hiền chăn dắt bầy chiên bé nhỏ "tập trung cả đoàn dưới cánh tay, lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt".

Tôi lại liên tưởng đến người đàn bà bất hạnh ở trước cửa nhà thờ và tất cả những ai đang cần sự giúp đỡ. Thường thì họ gặp gỡ tôi sau kinh cầu nguyện chung, bằng một đôi lời ngắn ngủi họ đã tổng kết được những lo lắng, buồn nản của lòng mình: gia đình tan vỡ, sức khoẻ sa sút, tiền bạc thiếu thốn, thất nghiệp, con cái hư hỏng v.v...Nhưng như tiên tri Isaia tuyên bố Thiên Chúa sẽ dẫn đưa tất cả chúng ta qua sa mạc khó khăn một ngày nào đó và bằng cách nào đó, ngoài sự hiểu biết và dự kiến của mỗi người. Để rằng lúc ấy "vinh quang của Ngài sẽ được tỏ hiện." Đúng thế, theo lời thánh Phaolô: Quyền năng Thiên Chúa được cảm nghiệm rõ ràng nhất ở những hoàn cảnh yếu đuối nhất. Nhiều khi Ngài không cứu giúp tức thời, nhưng vị tiên tri tuyên bố: Thiên Chúa dịu hiền luôn luôn quan tâm đến những kẻ lưu đày, di dân đang khiếp sợ con đường "hoang địa" trước mắt.

Khi tôi viết những dòng này ở trong phòng đợi của một bệnh viện phục hồi chức năng cho các người tàn tật. Một cụ bạn lâu đời đang được khám nghiệm gẫy xương vì té ngã ở nhà. Có người nói với tôi: tuổi già chẳng phải là một cái hạn. Nhưng thực tế thì đúng là như vậy. Lúc già chúng ta sẽ thấy mình không còn như hồi còn thanh xuân, tự mình làm được hết mọi sự, lúc này già là một con người khác hẳn. Những sự việc quen thuộc bây giờ xem ra xa lạ. Chúng ta bị phát vãng sang thế giới hạn chế, lệ thuộc và mỏng manh. Hôm nay tôi có ý tưởng đó khi nhìn quanh gian phòng một lượt, toàn những cái bao bị bệnh tật. Thật rõ khổ, khi còn bé tôi thường được nghe bà nội nói bằng ngôn ngữ Italia, dịch sang tiếng Anh thì đại loại thế này: "Sau tuổi 40, mỗi ngày có một cơn đau mới". (Every day after forty a new pain). Trong vòng 40 năm trở lại đây, kỹ thuật thuốc men và nuôi dưỡng những người già cả đã tiến bộ nhiều. Nhưng trong buổi sáng nay tình trạng y tế cho những người trọng tuổi trong gian phòng này vẫn còn nói lên rằng: Họ phải đang trải qua những cuôc hành trình "hoang địa" của riêng mình. Hoàn cảnh có lẽ hết hy vọng nếu không nhờ lời bảo đảm của tiên tri Isaia: Thiên Chúa luôn ở bên họ (cũng là ở bên chúng ta) để hướng dẫn, nâng đỡ và ngay cả bồng bế qua những cơn thử thách gian nan, để tránh cho chúng ta khỏi rơi vào thất vọng hư vong.

Bài Tin mừng thánh lễ hôm nay là lời tựa hay nhập đề của toàn thể Phúc âm thánh Marcô. Trước khi tác giả giới thiệu nội dung Tin mừng và các nhân vật liên hệ, ngài cung cấp chút ít tin tức về ngoại cảnh và các lời tiên tri. Ngoại cảnh là hoang địa gần bờ sông Giođan và lời tiên báo là Isaia 40,3. Chỉ trong tám câu ngắn gọn tác giả đã cho rất nhiều về thân thế và sự nghiệp của Gioan Tẩy giả. Ngài cũng giới thiệu luôn mục tiêu của cuốn sách: Đức Giêsu Kitô là con Thiên Chúa (1,1), được Thánh thần ngự xuống và sẵn sàng ban Thần khí cho những ai vâng phục Phúc âm. Đức Giêsu không phải là cái bóng hoặc tiếng vọng của quá khứ mà là nhân tố khai mở một tương lai hoàn toàn mới cho nhân loại. Trong Ngài, Thượng đế, Đấng Tạo thành vũ trụ, tái tạo chúng ta nên những con người mới, tinh tuyền và thánh thiện. Chúng ta phải gạt bỏ con người cũ, lột xác để trở thành những tạo vật tinh khôi. Gioan Tẩy giả làm phép rửa bằng nước để bày tỏ lòng thống hối ăn năn, thì Chúa Kitô sẽ thanh tẩy nhân loại bằng máu, lửa và Thánh Thần. Do đó, tái sinh chúng ta nên những tạo vật đẹp lòng Đức Chúa Trời trong ơn thánh của Ngài.

Có điểu rất lạ, là sứ điệp quan trọng như vậy lại được rao giảng cho nhân loại trong hoang địa. Lúc ấy Dân đã có đền thờ Giêrusalem sang trọng, nơi người ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và được đổi mới. Thay vì như thế địa chỉ để canh tân và diện kiến thực sự với Đấng Tối Cao lại là nơi hoang vắng. Có lẽ điều này nhắc nhớ về hoang địa sa mạc Biển Đỏ mà dân Israel đã thoát khỏi kiếp nô lệ Ai- Cập và được gặp gỡ Thiên Chúa lần đầu tiên! Vậy thì ngày nay, cũng chính ở hoang địa mà chúng ta được hạnh phúc xem thấy Thượng Đế. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, bận tâm, lo lắng, chia trí, phân tán để lắng nghe lời Thiên Chúa. Nếu còn những vướng mắc thì không thể có cơ hội nhìn xem Ngài. Đây là bài học lớn chi các tín hữu, nhất là những linh hồn ưa thích chiêm niệm: Hoàn toàn trút bỏ mọi thứ giả hình, gian dối để được tiến bộ trong đàng thiêng liêng.

Như vậy thánh Marcô đã có lý khi mô tả hoang địa là nơi lý tưởng để lắng nghe lời Thiên Chúa. Những lữ hành "hoang địa" cần được nghe Tin mừng để tâm hồn phấn khởi vững lòng cậy trông, bền vững trong đức tin giữa sóng gió ba đào. Thánh nhân đã liên kết chúng ta với lời lẽ của đệ nhị Isaia khi ông gợi lại thời kỳ sống trong sa mạc của nhân dân Do Thái. Khi ấy dân Israel luôn được kêu gọi tin tưởng vào lời Thiên Chúa hứa: Ngài sẽ dẫn đưa họ vào miền đất đầy sữa và mật ong, miền đất an toàn và thân thiết với Ngài.

Hôm nay, thánh Gioan Tẩy giả loan báo thời giờ đã đến, Thiên Chúa đã khởi sự làm tròn lời hứa thuở xưa cho dòng giống Israel. Những ai bằng lòng lắng nghe lời loan báo ấy thì phải ăn năn thống hối, quyết định vất bỏ đường lối tội lỗi cũ, quay về với cha ông, đổi mới tâm tư và đừng lừa dối mình bằng tư tưởng viển vông: tự cứu được mình do các công việc lề luật bên ngoài. Thánh nhân cũng cho hay Thiên Chúa đã thấu rõ nỗi thống khổ của dân và Đấng Thiên sai mạnh mẽ vô cùng ở những nơi đâu xem ra dễ bị thương tổn nhất. Đấng Thiên sai sẽ đổ Thần khí xuống linh hồn họ, lôi kéo họ ra khỏi những buồn nản, thất vọng hay mệt nhọc vì những gian truân của cuộc đời. Một con đường bằng phẳng sẽ được khai mở qua sa mạc và Chúa Giêsu sẽ bước đi trên con đường ấy cùng với chúng ta. Ngài sẽ giúp đỡ nhân loại đối phó với các núi đồi, thung lũng của hoang địa trần gian mà nếu không có sự trợ giúp của Ngài chẳng ai vượt qua nổi.

Đến đây tôi lại nhớ tới người phụ nữ ở cửa nhà thờ. Tôi cầu mong bà được cơ hội may mắn lắng nghe sứ điệp của các bài đọc hôm nay, Chúa Nhật thứ hai mùa vọng. Bà sẽ chấp nhận nó như Tin mừng cứu thoát bà khỏi những lo âu đè nặng tâm hồn.Thực ra, đây là sứ điệp dành cho hết mọi người đang cảm thấy mình trong hoang địa, kiểu này hay kiểu khác. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP