PDA

View Full Version : N - Nỗi buồn mang tên hiếm muộn



Dan Lee
12-05-2008, 11:37 PM
NỖI BUỒN MANG TÊN “HIẾM MUỘN”


Vào bệnh viện Từ Dũ, nghịch lý của cuộc đời vẫn ngày mỗi ngày đang diễn ra trước mắt của cuộc đời. Bên đia, một hàng dài chờ lấy số để giết đi đứa bé đang hình thành trong bụng mẹ. Bên đây, một hàng dài chờ lấy số để cầu xin “ơn trên” ban cho mình một công chúa hay một hoàng tử. Bên cạnh những con người vô tâm vô nhân tính đã đành đoạn huỷ hoại mầm sống mà Thiên Chúa ban tặng thì lại có những con người ngày đêm nguyện ước có một và chỉ một mầm sống trong dạ mình mà thôi.

Chẳng hiểu sao có cả đến chục đôi học trò cũ và vài người thân của mình rơi vào cảnh ngộ hiếm hoi !

Lâu lắm không có dịp liên lạc với một trong những người hiếm muộn mà tôi quen biết. Chiều nay đang thư thả bên ly cà phê miên man thả hồn theo gió bên bãi trước Vũng Tàu bỗng dưng nhận được giọng nói của người quen sau hồi chuông dài của điện thoại. Cuộc đối thoại hôm nay bỗng dưng khác với nhiều lần điện thoại trước. Chủ máy bên kia hôm nay mang chất giọng trầm lắng, hồi hộp và âu lo. Sau một hồi đối thoại, chủ máy cho biết là hôm nay cô đến gặp bác sĩ tư để bơm tinh trùng lần 2 !!!

Hơi bị ngạc nhiên vì hôm nay cô mới lộ cho tôi bí mật mà bấy lâu nay cô giữ kín. Chuyện hiếm muộn của đôi vợ chồng trẻ này tôi biết khá lâu nhưng hôm nay tôi sửng sốt với cách hành xử của đôi vợ chồng trẻ này ! Cô cho biết đây là lần thứ ba cô thực hiện biện pháp này sau khi nghe nhiều người chỉ vẽ. Tôi cảm thấy hết sức khó chịu vì cách làm này đi ngược lại với luân lý, lập trường của Giáo Hội.

Giận lắm nhưng tôi bình tĩnh nghe cô giải bày tâm sự: Nguyên nhân là chồng cô không có khả năng có con. Sau vài năm chữa trị thì hai vợ chồng đi đến quyết định là cho cô đi nhận tinh trùng của người khác để mà có con. Dù quyết định như thế nhưng trong lòng cô cảm thấy bất an làm sao đó và cô nhờ tôi cầu nguyện. Hỏi ra thì cô nói bất an vì lẽ một nửa bên kia mà cô nhận thì cô hoàn toàn không biết người đó như thế nào ? Cô còn bất an với rất nhiều chuyện: không biết đứa trẻ kia chào đời nó như thế nào ? Chồng cô có nhìn nhận nó là con hay không ? Tương lai nếu mà nó bình thường thì không sao nhưng nếu nó bị gì đó thì có coi như là con của mình hay không ? … Nói chung là hàng loạt những bất an đến với cô sau khi cô quyết định. Thậm chí một đồng nghiệp thân tín đã cùng cô nhìn ra những bất lợi khi quyết định như vậy.

Sau những dữ kiện bất lợi ấy cô nói rằng cô biết như vậy nhưng cô vẫn mong có một đứa con.

Hơn bao giờ hết, dẫu không phải là nữ giới nhưng tôi hiểu thế nào là thiên chức làm mẹ để rồi là nữ giới thì ai ai cũng mong cho mình có mụn con để bồng để ẵm. Tôi vẫn hiểu rằng nguyện ước này là nguyện ước vô cùng đơn giản và bình thường của một con người nhưng vẫn có vài trường hợp ta nên suy nghĩ, ta nên cân nhắc với những người rơi vào cảnh ngộ hiếm muộn như thế này.

Nếu cô được thụ thai theo cách của bác sĩ hướng dẫn nhưng thử hỏi đứa bé chào đời nó sẽ ra sao ? Với chồng của cô. Anh ta hoàn toàn có quyền và có lý để chứng minh rằng nó không phải là giọt máu của anh, nó không phải là gen của dòng họ nhà anh. Với cô, đứa trẻ chưa kịp chào đời nó đã ám ảnh cô ngay từ khi chưa kịp thụ thai. Tâm lý đời thường ta quá biết là nếu trong thời gian mang thai mà người mẹ bất an, gia đình lục đục thì đứa trẻ đó làm sao mà thông minh, khoẻ khoắn như những đứa trẻ đủ cha đủ mẹ được ? Nhiều gia đình đủ cha đủ mẹ mà con cái còn chưa ra gì huống gì đây chỉ mang dòng máu của mẹ mà chẳng có chút gì của cha. Cơm lành canh ngọt thì không có vấn đề gì nhưng khi có chuyện liệu rằng mẹ và đứa trẻ bình an trước cơn thịnh nộ của người chồng ?

Bao nhiêu bất an đang rình rập và ập vào gia đình của đôi vợ chồng trẻ sau cái quyết định tưởng chừng là hợp tình nhưng lại sai hoàn toàn với luân lý của Hội Thánh Công Giáo.

Nhìn ra biển rộng, tôi minh chứng cho cô ấy rằng ai cũng mong sang bờ bên kia nhưng nếu điều kiện ra khơi không được bình thường thì làm sao mà đi được. Dẫu biết rằng ai cũng mong đến đích cả nhưng trong những điều kiện khắc nghiệt ta phải cân nhắc cẩn thận hơn. Ta không thể làm chuyện gì mà mang tính rủi ro cao hay đi ngược lại với luân lý Kitô giáo để đạt được mục đích của ta dẫu đó là mục đích tốt. Nhiều người quên rằng luân lý Kitô giáo không bao giờ chấp nhận phương tiện xấu để đạt mục đích tốt được. Và trong những trường hợp vô sinh hiếm muộn, Hội Thánh Công Giáo vẫn chưa chấp nhận cho giải pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay là nhận tinh từ một người khác bằng cách bơm vào như trường hợp trên đây.

Tôi lại phải lấy một ví dụ minh hoạ nữa là cũng như bao nhiêu người, tôi ước ao có một chiếc Lexus đời mới nhất nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi có được như vậy. Để đạt được mơ ước như vậy chỉ có một cách đi vay đi mượn hay bi đát hơn là trộm cắp. Tất cả những hành động như thế để có được chiếc xe thì tâm hồn tôi như thế nào ? Tôi hỏi cô ấy và cô ấy trả lời rất nhanh: quá bất an !

Đó là ví dụ minh hoạ cho cô thấy về hoàn cảnh của cô cũng như những người hiếm muộn. Có được mục đích tốt nhưng trong tâm tôi nó cứ bất an làm sao đó thì làm sao sống thoải mái được. Nên nhớ rằng cuộc đời con người mong qua chóng tàn và điều quý giá nhất là sự bình an. Sự bình an quý đến độ chưa chắc có tiền mua mà có ! Kinh nghiệm nhỏ nhoi này lại là kinh nghiệm hết sức đời thường, hết sức bình thường của con người.

Cuộc đời con người không ai là không có thánh giá cả. Có chăng thì mỗi người mỗi kiểu và mỗi cách. Và để được bình an với thánh giá mà Chúa gửi đến nên chăng ta xin Chúa cho ta thêm sức để vác mỗi ngày theo Chúa chứ không nên tìm cách loại trừ ! Nếu như ngày xưa Chúa Giêsu khước từ chén đắng mà Thiên Chúa trao thì làm sao Ngài có thể cứu được con người đầy bợn nhơ tội lỗi.

Tôi đồng cảm với nỗi đau của đôi vợ chồng trẻ mà tôi quen biết ấy khi họ rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn nhưng tôi chỉ muốn nói với họ một điều là hãy dâng lên Chúa nỗi đau ấy.

Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện chiều nay tôi nói với cô bạn rằng tôi sẽ cầu nguyện cho cô và cô cũng phải cùng cầu nguyện với tôi. Chuyện là cô đã lỡ làm, lần này là đến lần thứ ba. Mỗi lần như thế phải đến bác sĩ hai ngày liên tiếp. Hôm qua cô đã đến một lần, nay còn một lần nữa cho trọn. Tôi nói với cô là coi như đây là lần cuối cho hành vi đi ngược với luân lý này vì cô hoàn toàn không hề biết. Tôi nói là tôi sẽ cùng cô cầu nguyện, đây là lần cuối và nếu như Chúa muốn thì Chúa cho có em bé còn không thì hãy đón nhận nỗi đau mà vợ chồng cô đang mang như là nỗi đau còn thiếu nơi thập giá Đức Giêsu.

Qua đây, có một điều tôi lưu ý với cô là lập trường luân lý về đời sống tính dục trong hôn nhân các sách Giáo Lý Công Giáo đã nói rất rõ. Có chăng là cô học chưa tới nơi tới chốn hay người giúp giáo lý cho vợ chồng cô đã “quên” nói ra lập trường này của Giáo Hội.

Cuộc điện thoại kết thúc đã lâu nhưng quãng đường từ bãi trước về Nhà Dòng ở Bãi Dâu sao mà nó dài hơn mọi ngày, nó nặng nề hơn mọi khi. Nỗi đau của họ cũng chính là nỗi đau của mình vì lẽ họ cũng là người thân của mình. Xin dâng lên Chúa nỗi đau này và xin Chúa ban thêm sức mạnh cho họ, cho những đôi vợ chồng hiếm muộn can đảm vâng theo thánh ý Chúa trên cuộc đời của họ.

Anmai, CSsR