PDA

View Full Version : L - Làm chứng cho Chúa



Dan Lee
12-10-2008, 10:06 PM
Mùa Vọng - III - Năm B
LÀM CHỨNG CHO CHÚA



Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mượn đoạn Tin Mừng thánh Gio-an để khai triển đề tài về ông Gio-an Tẩy giả. Ông Gio-an ý thức sứ mệnh của ông là gióng lên lời kêu gọi người ta hãy mau mắn chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế. Làm như vậy, ông trở thành một dấu chỉ của ơn cứu độ, lôi kéo người ta đến với chính Đấng Cứu Độ là Chúa Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, sứ mệnh của ông không chỉ đơn thuần như vậy, mà còn đưa ông đi xa hơn thế nữa, tức là làm chứng nhân cho Chúa Giê-su. Thánh sử Gio-an đã giới thiệu về ông trong phần Lời tựa sách Tin Mừng và giải thích thêm về sứ vụ làm chứng của ông trước khi ngài thuật lại sứ vụ của Chúa Giê-su. Làm chứng cho Chúa Giê-su có ý nghĩa gì, đó là cốt tủy sứ vụ của mỗi Ki-tô hữu trong cuộc sống trên trần gian này.

a) Nhiệm vụ của người làm chứng

Ta có thể nhận ra hai đề tài chính của Tin Mừng Gio-an: trình bày Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người và nhấn mạnh đến sứ mệnh của người môn đệ là phải làm chứng cho Chúa Giê-su. Điều này đã được Gio-an nói lên trong Lời tựa (Ga 1:1-18). Riêng điểm làm chứng cho Chúa Giê-su, thánh sử muốn giới thiệu ông Gio-an Tẩy giả như một gương mẫu cho tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”.

Người làm chứng trước hết phải có căn cước và đủ tư cách để thi hành nhiệm vụ. Vậy người làm chứng ở đây đích thực có tên là Gio-an chứ không phải một nhân vật tưởng tượng hay bịa đặt. Xuất xứ của ông rõ ràng: ông là người “được Thiên Chúa sai đến”, chứ không phải do áp lực của một phe nhóm đưa lên hoặc do tham vọng của chính người làm chứng. Những đặc tính này làm cho ta nghĩ về thân phận của ta. Nhiều khi ta muốn chối bỏ chính căn cước của ta, không muốn nhìn nhận mình là con cái Thiên Chúa, nói chi đến sứ vụ làm chứng mà Người trao cho ta! Làm chứng là phát biểu lên một điều gì có thực chính mắt ta đã nhìn thấy, tai ta đã nghe thấy, hoặc ta đã tiếp xúc.

Vậy Chúa Giê-su là “Ngôi Lời, là ánh sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9). Cho nên nhiệm vụ làm chứng của ông Gio-an Tẩy giả là nói lên cho mọi người biết chân lý về Chúa Giê-su: Người đã đến và ai đón nhận Người thì được quyền trở nên con Thiên Chúa (Ga 1:12)

Làm chứng ở trước tòa án đời chỉ đòi hỏi ta nói lên sự thật. Sự thật ấy không nhất thiết phải có quan hệ với ta. Ta nhìn thấy một người làm điều gì đó và ta phát biểu rằng ta nhìn thấy họ làm như vậy, mặc dù ta chẳng biết người ấy là ai. Nhưng làm chứng cho Chúa Giê-su đòi hỏi ta phải làm hơn thế, không chỉ nói lên điều mắt thấy tai nghe, mà còn nói lên mối quan hệ cá nhân giữa ta với Người và những tâm tình của trái tim ta đối với Người. Thánh sử Gio-an cùng với các tông đồ khác không những đã được cùng ăn uống với Chúa Giê-su và sống bên cạnh Người, mà các ngài còn được “nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1:14). Các ngài đã vượt lên trên kinh nghiệm tri giác để tiến đến kinh nghiệm đức tin, nói lên lòng tin vào Chúa Giê-su, tin rằng Người là “Con Một đầy ân sủng và sự thật”, tức là Thiên Chúa đầy lòng nhân lành và trung tín.

b) Ông Gio-an Tẩy giả làm chứng cho Chúa Giê-su như thế nào?

Người làm chứng thường dễ bị lôi cuốn vượt quá giới hạn của họ để biến họ thành quan trọng hơn cả sự kiện hoặc người mà họ làm chứng cho. Đó chính là cám dỗ ông Gio-an Tẩy giả phải đối phó. Sứ mệnh của Gio-an là làm chứng cho Đấng Cứu Thế trước mặt dân chúng. Vậy mà những nhà lãnh đạo Ít-ra-en lại cho rằng chính ông Gio-an là Đấng Cứu Thế hay ít ra là vị ngôn sứ lớn và họ hết lòng kính trọng ông. Tuy nhiên, ông Gio-an luôn trung thành với sứ mệnh của ông, không lạm dụng lòng kính trọng của người khác để mưu lợi riêng. Ông một mực nhìn nhận vai trò đích thực của ông: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Tiếng hô trong thành phố hay làng mạc vẫn còn tính cách quan trọng. Còn tiếng hô trong hoang địa thì quả thực là khiêm tốn, ít ai biết tới. Tuy nhiên khung cảnh hoang địa được sử dụng ở đây là để nói lên đặc tính của tiếng hô. Trong khung cảnh tĩnh lặng của hoang địa, chỉ một tiếng động nhỏ cũng đủ cho ta nghe thấy rõ, huống chi là một tiếng hô. Do đó, tiếng hô của Gio-an, hay nói khác đi, lời kêu gọi sám hối của ông Gio-an là một sứ điệp rõ ràng ai ai cũng nghe rõ được.

Sau khi xác định rõ ràng vai trò của ông, ông Gio-an nói về Đấng ông làm chứng: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Ông biết mọi người kính trọng ông, nên ông dùng chính sự kính trọng ấy để diễn tả tầm quan trọng và cao cả của Đấng Cứu Thế. Ông muốn diễn tả như sau: Các người kính trọng tôi, coi tôi như Đấng Ki-tô hay ngôn sứ Ê-li-a. Nhưng tôi không phải là những vị đó và không xứng đang làm đầy tớ cho Đấng đến sau tôi. Xác tín địa vị quan trọng của Đấng Cứu Thế, ông Gio-an thi hành sứ vụ làm tiếng hô báo tin Đấng Cứu Thế đến, với một nguyên tắc căn bản: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30).

Việc làm chứng của ông Gio-an là một tiến trình, đi từ khởi điểm là “tôi đã không biết Người”, rồi tới “tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, và sau cùng là “vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói” của chính Chúa Ki-tô, vị Tân lang Thiên Chúa ban cho nhân loại (Ga 3:29). Cao điểm tiến trình làm chứng của ông Gio-an là chính cái chết của ông khi ông phải nói lên tiếng nói lương tâm của một người công chính đứng trước sự dữ và bất công xã hội.

Đó là một tiến trình gương mẫu cho mỗi Ki-tô hữu trong bổn phận làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Ta nghe lời Người mời gọi: “Đến mà xem” (Ga 1:39), ở lại với Người, học với Người và làm môn đệ Người. Rồi ta sẽ được sai đi để rao giảng Tin Mừng cứu độ của Người, chia sẻ với những người chung quanh cảm nghiệm ân sủng “vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của Người”.

c) Chuẩn bị sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giê-su

Tất cả những gì ông Gio-an đã chuẩn bị để thi hành sứ vụ cũng là những điều ta sẽ học hỏi và tập luyện. Làm chứng cho Chúa Giê-su trước hết là một sứ mệnh. Ý thức việc làm chứng như một sứ mệnh là điều quan trọng. Ta thường hiểu lầm sứ mệnh như một bổn phận, một gánh nặng. Nhưng đối với Thiên Chúa, sứ mệnh là một ân sủng. Chính nhờ hiểu được như vậy, Mẹ Ma-ri-a đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mệnh Thiên Chúa ban cho Mẹ. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38)

Ngoài ra, ta cũng ý thức mình làm chứng cho ai. Làm chứng cho Chúa Ki-tô không chỉ là đọc lời tuyên xưng ta thường đọc trong kinh Tin Kính: Tôi tin kính một Chúa duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa..., nhưng là sống lối sống của Chúa Ki-tô, để cho mình được biến đổi do quan hệ với Người, đến độ “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su... được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3:8-9).

d) Suy nghĩ và cầu nguyện

Tôi có ý thức nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Ki-tô là một vinh dự như thánh Phao-lô đã hiểu không? Khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, tôi nhận lấy chức năng làm “người lính của Chúa Ki-tô”, vậy tôi đã làm gì cho Người.

Nhìn lại tiến trình làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô, tôi sẽ nhận định nó như thế nào? Từ không biết đến biết Chúa Ki-tô? Rồi từ biết đến yêu mến và kết hiệp với Chúa Ki-tô? Có sự tiến triển trong tiến trình đó không?

Thánh Gio-an Tẩy giả “vui mừng hớn hở” vì được nghe tiếng nói của Chúa Giê-su. Còn tôi, tiếng nói của Chúa Giê-su cho tôi những tâm tình nào? Tại sao tôi chưa cảm nghiệm được tâm tình vui mừng hớn hở ấy?

Cầu nguyện


“Lạy Chúa Giê-su,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giê-su,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống”.

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 2)



Lm. Đaminh Trần Đình Nhi