PDA

View Full Version : G - Giải quyết xung đột trong đời sống hôn nhân



Dan Lee
12-11-2008, 01:02 PM
Giải quyết xung đột trong đời sống hôn nhân

Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bằng phẳng. Có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Có lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hòa, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn.

Những trang đầu của Kinh Thánh đã cho ta thấy, mọi sự khởi đầu đều tốt đẹp. Con người được dựng nên để sống trong hạnh phúc. Hạnh phúc đó trước hết là tình thân nghĩa với Thiên Chúa. Hạnh phúc đó còn là mối giao hòa giữa con người với vạn vật. Đặc biệt Thiên Chúa cho con người được sống hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi vợ chồng nguyên thủy rất tâm đầu ý hợp, họ coi nhau như một xương một thịt. Thế nhưng rồi một hôm, người này đã coi người kia như là nguyên nhân của sự tan vỡ. Điều gì đã xảy ra ? (x.. St 3, 1-12)

Con người chỉ có thể hạnh phúc trọn vẹn khi sống đúng chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng con người đã khước từ vâng phục Thiên Chúa, tự định lấy điều lành điều dữ, con người muốn ngang bằng Thiên Chúa. Kết quả là:
- Con người thấy xa lạ với chính họ: dục vọng trở nên thác loạn, không chịu nổi chính mình nên lấy lá che thân.
- Con người xa lạ với nhau: nàng không còn là xương thịt của tôi, nhưng nàng là thủ phạm, chính nàng đã gây ra tất cả...
- Con người xa lạ với Thiên Chúa: vừa nghe tiếng Chúa, con người đã chạy trốn, núp trong bụi cây.
- Con người xa lạ với các tạo vật khác: cây cỏ, đất đá trở nên chướng ngại cho con người.

Mọi tương quan đều sụp đổ, chỉ vì một lý do duy nhất: con người không tin vào tình thương của Thiên Chúa, họ muốn tự xoay sở lấy mọi sự. Họ coi mình là nhất, muốn chiếm đoạt tất cả, muốn ngang hàng với Thiên Chúa.. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của mọi bóng tối trong đời sống hôn nhân.

Ngoài ra, còn do những nguyên nhân khác như sự khác biệt về tâm sinh lý giữa nam và nữ, khác biệt về cách nhận thức, về quan điểm, về sở thích đối với các vấn đề trong cuộc sống. Sự khác biệt do ảnh hưởng của nền giáo dục mà mỗi người đã nhận được. Hoặc do những trục trặc trong đời sống chăn gối. Hay do thiếu tổ chức trong gia đình. Do bất đồng trong việc quản lý và chi tiêu. Bất đồng trong việc giáo dục con cái. Và trong cả cách cư xử với họ hàng đôi bên.

Những xung đột trên có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại:

- Về tâm lý tình cảm: làm mất hạnh phúc gia đình, tình yêu sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.
- Về đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm giá con người.
- Về gia đình: lơ là trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, dẫn đến ly thân, ly dị.....

Kinh nghiệm cho thấy, không phải tự nhiên mà đi đến xung đột đổ vỡ. Mọi sự đều bắt đầu từ một điều đáng tiếc đầu tiên nào đó, mở đầu cho những điều đáng tiếc thứ hai, thứ ba rồi dần dần càng lúc càng trầm trọng hơn. Vết thương đầu tiên ấy có lẽ chỉ bình thường như: một sự lừa dối nhỏ, một sự tự ái vặt, một câu nói thiếu kềm chế.... Thế nhưng nó lại có tính quyết định và mở đầu cho những vết thương khác.

Chính vì thế trong đời sống hôn nhân sắp tới, anh chị cần tránh, đừng bao giờ để xảy ra điều đáng tiếc đầu tiên nào.

Muốn vậy, trước khi kết hôn, các bạn cần tìm hiểu nhau thật kỹ để tránh những ảo tưởng về nhau. Mặt khác, hôn nhân cần có tình yêu thực sự, đừng biến hôn nhân thành một cuộc mua bán, trao dổi. Ngoài ra, các bạn cần học hỏi, trang bị những kiến thức căn bản nhằm nuôi dưỡng tình yêu. Phải bàn hỏi với những người khôn ngoan, có kinh nghiệm để biết cách sống hòa hợp và giải quyết những bất hòa trong gia đình. Cần sửa đổi chính mình để mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn. Và cuối cùng, các bạn phải tập thói quen đối thoại.

Việc hiểu nhau chỉ thực sự tốt đẹp, đồng thời mang lại kết quả xây dựng nếu hai người đối thoại cởi mở với nhau.

Đối thoại nghĩa là nói, bày tỏ và lắng nghe, đón nhận ý kiến người khác. Không bao giờ chỉ nói hoặc nghe suông. Đây là phương thế để loại bỏ những nghi ngờ, những hiểu lầm, những vụng về để đem lại hiểu biết, cảm thông. Nó làm cho những băn khoăn, lo lắng, vất vả, nặng nề trong đời sống vợ chồng trở nên nhẹ nhàng vui tươi hơn. Đã là vợ chồng, nên thẳng thắn bày tỏ đời sống của mình, đừng giả vờ che đậy, đừng thu vào vỏ ốc kín đáo. Nên nhớ rằng: mọi chi tiết đời mình đều là của người yêu và ngược lại. Do đó, anh hãy tập nói với chị và nghe cách chăm chú, kiên nhẫn. Chị cũng hãy tập nói với anh và chú ý nghe anh. Nếu không sẽ chẳng ai hiểu ai.

Quả thật, nhiều đôi vợ chồng rất lanh mồm lẹ miệng khi xét đoán, lên án nhau. Nhưng lại rất chậm chạp khi nhìn nhận những khuyết điểm của nình. Và như vậy hiểm nguy đang tới gần !

Khi xảy ra xung đột, mỗi người cần phải có thái độ sau:

- Tự chủ: tránh phản ứng vội vàng, làm cho tình hình thêm căng thẳng. Kìm hãm tính nóng nảy và tự ái.
- Có thiện chí muốn giải quyết: vợ chồng tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến hợp nhất, chứ không phải để ăn thua hoặc để hạ nhục nhau đi đến chia rẽ, xa cách. Trong cuộc tranh cãi, đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp, bảo vệ sai lầm của mình.
Để giải quyết vấn đề, hai người cần phải:
- Đối thoại: biết trình bày và lắng nghe nhau. Đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng niết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, quan điểm của người kia. Nhắm mục tiêu chính, giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không bới lông tìm vết.
- Chấp nhận khuyết điểm của mình: can đảm nhận ra những lỗi lầm, sai phạm để cố gắng sửa đổi.
- Cố gắng hàn gắn và làm lành: sau khi tranh cãi, xung đột với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng, giận hờn kéo dài, chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.
- Nhờ trung gian hòa giải: cần chọn người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, khách quan, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên bảo chân tình, giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.
- Cầu nguyện: nếu vợ chồng biết cầu nguyện chung thường xuyên với nhau, chắc chắn sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hòa với nhau. Đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.

Tóm lại, giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Nếu khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, vợ chồng tập thói quen ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề nho nhỏ, thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Những dịp như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt dũa cái "tôi" nhiều tự ái và vị kỷ, hầu cuộc sống gia đình được hài hòa, êm ấm và hạnh phúc hơn.

Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân

Sự hấp dẫn giữa người nam và người nữ là một cái gì rất tự nhiên, không cần ai dạy bảo. Tình yêu cũng tự nhiên như thế. Tình yêu nằm trong bản chất con người. Nhưng hỏi tình yêu là gì, không ai trả lời được trong vài hàng hay vài trang giấy. Đã có bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu bài thơ, bản nhạc nói tới tình yêu, về đủ mọi khía cạnh của tình yêu, nhưng dường như tất cả vẫn chưa nói được gì. Cuối cùng tình yêu vẫn còn được coi như một huyền nhiệm, một cái gì khó phân tích, diễn giải.

Tình yêu thật khó mà định nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải ngồi mà định nghìa tình yêu, nhưng là phải biết được lúc nào mình yêu, hay mình đã yêu chưa, yêu ở mức độ nào, và yêu như vậy rồi thì sao ?

Người ta yêu khi người ta để ý tới một người, ngẩn ngơ vì không thấy mặt người ấy, hăng hài làm việc khi người ấy đang cùng làm việc với mình. Nếu cũng để ý tới một người, nhưng sự có mặt, niềm vui hay nỗi buồn của người ấy không ảnh hưởng gì lắm tới mình, có lẽ người ta chỉ mới có tình cảm.

Khi mới yêu, có thể chỉ mới cho nhau những gì bên ngoài mình như cho một mòn quà....Rồi sâu xa hơn, người ta cho nụ cười, ánh mắt, lời nói, thời gian....Và cuối cùng, người ta cho chính bản thân mình với tất cả những quyền lợi và cuộc sống. Đã yêu thì không phải chỉ cho một lần, nhưng cho mãi, cho tới khi mình không còn gì nữa và người nhận cũng không thể nhận thêm gì nữa. Chúng ta không thể lấy của người thứ ba cho người thứ hai, nhưng lấy từ những gì của mình. Như Adam nhường cho Eva một phần thân thể của ông.

Đã cho thì không hề đặt điều kiện với người nhận. Nếu không nó sẽ trở thành một sự cầm cố, vay mượn, mua bán hay đổi chác. Cho mà không nhận sẽ nghèo đi và rơi vào tự kiêu. Nhận mà không biết cho cũng làm cho con người nghèo đi, vì rơi vào thái độ ích kỷ, hưởng thụ.

Có thể ta không thấy khó khăn lắm khi nhận một món quà, một nụ cười, một biểu lộ thiện cảm của người khác.. Nhưng nhận sẽ thật khổ khi nhận toàn thể con người của người khác với bao khuyết điểm hay những dự định, ưu tư, lo lắng của họ. Khó nhưng ta vẫn sẵn sàng đón nhận, một khi ta đã yêu, bởi như vậy mới gọi là yêu thật sự.

Sự khám phá ra Eva, Thiên Chúa không chỉ dành cho Adam ngày xưa. Những Adam thời nay cũng có một ngày thức dậy, khám phá thấy Eva của mình. Chính anh chị từng có kinh nghiệm bản thân về điều đó. Khi còn là một em bé, một thiếu niên, bạn đã khám phá ra thế giới chung quanh và say sưa với những gì nhìn thấy. Thế nhưng rồi đến một hôm, tất cả những chuyện đó: thiên nhiên, khoa học, nghệ thuật.... không còn làm các bạn thỏa mãn. Trái tim các bạn bắt đầu đi tìm kiếm. Các bạn vất bỏ các trò chơi của tuổi thơ cùng những giấc mơ của thời niên thiếu, bởi vì các bạn đã khám phá thấy tình yêu. Sự khám phá này lớn lao đến nỗi người ta quên hết tất cả: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.... Người ta bỏ hết mọi sự, lìa bỏ cha mẹ và anh chị em, bởi vì người ta đã khám phá được kho tàng vô giá, khám phá được đối tượng đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho đời mình. Và như thế, điểm hẹn của tình yêu chính là hôn nhân.

(Phanxicô Xaviê tổng hợp) Phanxicô Xaviê