PDA

View Full Version : Y - Yêu cuộc đời, yêu con người



Dan Lee
12-17-2008, 10:35 PM
Mùa Vọng - IV - Năm B


YÊU CUỘC ĐỜI-YÊU CON NGƯỜI


Jacques Duquesne là một văn hào hiện đại của nước Pháp có kể rằng : Trong một cuộc tranh luận ở thư viện ngoại ô Paris, với thành phần tham dự đủ mọi loại người, thuộc nhiều tầng lớp xã hội và tuổi tác khác nhau, đề tài được bàn đến là Đức Giêsu.

Đang khi mọi người tranh luận, một thiếu niên Ả Rập giơ tay nói với Duquesne : thưa ông, một con người không thể là Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể là người.

Quả thật đây là vấn đề được đặt ra từ lâu. Không chỉ người thiếu niên Hồi giáo đặt ra mà suốt 20 thế kỷ qua nhân loại vẫn luôn thao thức.

Tin vào một Thiên Chúa thần linh thì hầu hết các tôn giáo đều làm như vậy. Nhưng tin vào một Thiên Chúa làm người, chấp nhận thân phận con người, không loại trừ bất cứ điều gì chỉ trừ tội lỗi là một điều vượt quá lý trí nhân loại.

Làm sao một Thiên Chúa lại có thể làm những chuyện quá tầm thường, thậm chí không xứng đáng với bản tính thần linh của Ngài như là được cưu mang, được sinh hạ, phải ăn uống ngũ nghỉ, mệt mỏi, vui buồn ?

Vậy mà Giáo hội Kitô giáo hơn 20 thế kỷ qua vẫn kiên trì bảo vệ niềm tin vững chắc của mình vào một Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Trong phụng vụ Lễ Giáng Sinh khi đọc đến câu Tin mừng Ga 1, 14 “ Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” thì mọi người đều quì gối. Trong Lễ Truyền Tin, lúc đọc kinh Tin kính, mọi người đều quì gối khi đọc câu “Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria và đã làm người”

Đức Giêsu, Thiên Chúa thật, người thật, làmột mầu nhiệm thâm sâu. Đức Hồng Y Henri De Lubac bảo rằng : Mầu nhiệm Nhập thể là nghịch lý của mọi nghịch lý. Văn hào Tertulianô đã xác tín : Tôi tin vì nó phi lý. Thiên Chúa làm người, điều phi lý đối với lý trí nhưng ông đã tin vì Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa làm người là một nghịch lý, một điều không thể tin được, bởi lẽ, đã là Thiên Chúa thì phải là Đấng cao cả, tuyệt đối, hằng hữu, bất tử. Đối với triết lý Hylạp, các thần linh thuộc về một thế giới siêu phàm hoàn toàn khác biệt với thế giới phàm nhân. Các thần linh đều bất di bất dịch, bất động vô cảm đối với thế giới vật chất. Còn vật chất là một thực tại xấu xa. Thân xác con người là tù ngục nhốt kín linh hồn và linh hồn tìm cách thoát khỏi tù ngục thân xác để trở về thượng giới. Do đó họ không thể tin nổi một Thiên Chúa yêu thương con người tới mức làm người, sống với con người cách đơn sơ bé nhỏ.

Vậy mà niềm tin Kitô giáo lại khẳng định : Điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, dân ngoại cho là điên rồ ( 1Cor 1, 23) thì lại là niềm tin căn bản nhất trong giáo lýGiáo hội : Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/gospelnet3/90gospel_files/image004.jpg

Chúa nhật IV mùa vọng hướng về Lễ Giáng sinh. Giáo hội chọn đọc đoạn Phúc âm Lc 1, 26- 38 : Truyền tin cho Đức Maria để nói cho chúng ta về việc nhập thể lạ lùng của con Thiên Chúa trong cung lòng một trinh nữ. Một trinh nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Kitô giáo.

Đoạn Phúc âm này được đọc trong các lễ Đức Maria, nói lên sự thánh hiến tuyển chọn của Thiên Chúa đối với một thụ tạo được đặc ân vĩ đại nhất. Trang Tin mừng được công bố trong Chúa nhật này muốn hướng chúng ta đến mầu nhiệm nhập thể làm người của Con Thiên Chúa.

Trong cuộc đối thoại giữa Sứ thần Gabriel và Đức Maria, chính Sứ thần đã nói “ Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế con bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”. Từ ngữ quan trọng ở đây là “Bao trùm lên”. Trong Thánh kinh Cựu ước, sách Xuất hành kể lại : Một đám mây mầu nhiệm bao trùm lên Lều Tạm, nơi dân Do thái để Hòm Bia Giao Ước;Một giao ước được Thiên Chúa ký kết với Môisen trên núi Sinai. Hòm Bia, nơi chứa đựng Thập giới; Xh 40, 34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ Lều Tạm thì Lều Tạm có Thiên Chúa hiện diện. Thánh Luca dùng từ bao trùm lên không phải là ngẫu nhiên mà là có ý nghĩa thâm sâu. Luca so sánh thân thể Đức Maria với Lều Tạm, nơi đặt Hòm Bia giao ước của Thiên Chúa. Cung lòng Đức Maria, nơi Đức Giêsu cư ngụ; Hòm bia giao ước, nơi đặt hai phiến đá ghi 10 giới răn của Thiên Chúa, trung tâm cựu ước. Vậy khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria thì có Thiên Chúa hiện diện trong Ngài. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cung lòng Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn làsự hiện của Thiên Chúa trong Nhà Tạm, vì nơi đó Đức Giêsu bằng xương bằng thịt hiện diện. Quyền năng Chúa Thánh Thần bao phủ và máu thịt Đức Maria tạo nên hình hài Đức Giêsu. Đức Giêsu mặc lấy thân xác con người nhờ máu thịt Đức Maria và Người vẫn là Thiên Chúa được Chúa Cha sinh ra từ muôn thuở. Cả hai bài đọc giúp chúng ta hiểu thêm về mầu nhiệm ấy.

Bài đọc 1 trong sách 2 Sm 7, 1-16 : Thiên Chúa từ chối ngôi đền vật chất mà Đavit muốn xây cho Ngài; nhưng traí lại Thiên Chúa hứa cho Đavit một ngôi nhà thiên thu là dòng dõi Đavit. Lời hứanày được thực hiện nơi Đức Maria, Đấng nên Hòm Bia Thiên Chúa, nơi đây Con Thiên Chúa đến với loài người. Đó cũng là mạc khải của mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nay được bày tỏ ra mà Thánh Phaolô đề cập đến trong bài đọc 2, thư Rm16, 25-27.

Qua lời Xin Vâng của Đức Maria, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Nói như Thư Do thái, Ngài đã muốn nên giống anh em mình về mọi phương diện, phải trải qua thử thách và đau khổ, phải nếm sự chết. Đau thương, thử thách, gian khổ, chết, đó làthân phận con người. Hữu sinh hữu tử. Đức Giêsu đã chấp nhận sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật như Lời Thánh Phaolô trong Gal 4, 4 thì Người cũng chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thập giá và táng xác như chúng ta đã tuyên xưng trong kinh tin kính. Đó là niềm tin vững chắc của người Kitô hữu hơn 20 thế kỷ qua.

Đức Giêsu đã sinh ra và đã đi vào lịch sử. Thiên Chúa của chúng ta không phải là vị Chúa Tể xa cách uy nghi ngự chín tầng mây, mà qua Đức Giêsu, Người đã trở thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân. Chính Người đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và tuyên bố với các học trò mình “ Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy sẽ cho anh em biết” ( Ga 15, 15).

Con Thiên Chúa làm người cũng lớn lên như hàng tỉ con người khác, cũng cần chín tháng mười ngày trong lòng mẹ để khóc chào đời mong manh yếu đuối. Người cũng đã đi hết hành trình cuộc đời với tất cả buốn vui, âu lo trăn trở. Như thế Con Thiên Chúa làm người dạy cho mỗi người chúng ta yêu mến cuộc đời, yêu mảnh đời bé nhỏ âm thầm đơn sơ của mình. Cuộc đời Đức Giêsu không chỉ toàn màu hồng. Ngài đã phải long đong với phận nghèo, cũng ê chề vì thất bại chống đối khinh khi, bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá. Nhưng Ngài vững tin đến cùng vào tình yêu Chúa Cha ngay giữa lúc tối tăm nhất.

Con Thiên Chúa làm người dạy chúng ta yêu mến mọi người. Từ khi Đức Giêsu mang lấy khuôn mặt con người thì mọi người đều mang khuôn mặt Thiên Chúa. Mọi người đều là anh em trong Đức Giêsu.

Yêu cuộc đời và yêu mọi người là thắp lên ngọn lửa đức tin để sưởi ấm cho xã hội đang mất dần niềm tin vào Thiên Chúa vào con người. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người đã mạnh mẽ nóirằng : Con người là con đường của Giáo hội. con người là đối tượng phục vụ của Giáo hội.

Xin Đấng Emmanuel giúp chúng con yêu mến con người và yêu mến cuộc đời.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An