PDA

View Full Version : S - Suy niệm Giáng Sinh: Thân nhân Người đã không tiếp nhận Người



Dan Lee
12-23-2008, 10:29 AM
Suy niệm Giáng Sinh: Thân nhân Người đã không tiếp nhận Người


(Ga 1,1-18)

«Nhưng thân nhân Người đã không tiếp nhận Người. Người đã đến trong thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người».

Ðiều đó có nghĩa là gì?

Ðiều đó có nghĩa là thế gian muốn được yên thân, chứ không muốn để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống họ, không muốn để Thiên Chúa ngăn cản lối sống phóng túng và lệch lạc cố hữu của mình. Con người muốn được yên thân tiếp tục sống theo con đường đã chọn dầu hậu quả ra sao thì mặc, chứ không muốn chấp nhận con đường Thiên Chúa đề nghị: Con đường đòi phải từ bỏ, phải hy sinh ép xác, phải canh tân cuộc sống, nhưng cũng chính là con đường dẫn tới sự cứu rỗi vĩnh cửu, dẫn tới hạnh phúc chân thật! Bởi vậy, tuy thế gian nhờ Thiên Chúa mà có, nghĩa là chính Thiên Chúa đã dựng nên thế gian, nhưng thế gian lại tìm cách xa lánh Thiên Chúa. Ðó là tâm trạng muôn thủa của con người – xưa kia cũng như ngày nay. Chúng ta không thể nói được rằng, lời đó chỉ nói về những ai không nghe hay không muốn nghe lời Thiên Chúa mà thôi. Nhưng nếu lời đó lại nói về chính chúng ta, thì chúng ta cần phải biết điều gì sẽ xảy đến cho chúng ta.

Tiếp đến, lời sau đây có ý nghĩa gì: «Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm»? Ðiều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã chấp nhận con người, Thiên Chúa đã chấp nhận chúng ta và cho chúng ta được tham dự vào cuộc sống của Người khi chính Người thực sự tham dự vào cuộc sống phàm hèn của chúng ta. Nói cách khác, Thiên Chúa đã chấp nhận tất cả mọi người trong một người: trong Ðức Giêsu Kitô, Con Một Người. Nhờ Thiên Chúa mà tất cả những gì có thể hiện hữu, đã hiện hữu. Thiên Chúa và con người cùng liên kết chặt chẽ với nhau, cả hai không được phân ly, nhưng là trở nên một. Ðó là ý nghĩa của câu: «Và Ngôi lời đã mặc lấy xác phàm!»

Còn chúng ta: Chúng ta có chấp nhận Thiên Chúa không? Chúng ta có thực sự kết hiệp với Thiên Chúa không? Chúng ta cần phải kiểm điểm lại thái độ sống cũng như những tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chấp nhận Thiên Chúa có nghĩa là chấp nhận người đồng loại như Thiên Chúa đã chấp nhận. Ai không muốn chấp nhận người đồng loại của mình, thì người đó gánh chịu lời khiển trách: «Thân nhân Người đã không chấp nhận Người». Vâng, Thiên Chúa chấp nhận con người, nhưng chúng ta là người, lại không muốn tiếp cận với người khác, chúng ta không muốn chấp nhận người đồng loại của mình.

Ðó là thực tại cụ thể của cuộc sống xã hội loài người. Nếu chúng ta nghĩ đến những người hằng ngày tiếp cận và chung đụng với chúng ta qua cuộc sống hay qua công việc, chắc chắn chúng ta đã cảm nhận được sự khó khăn khi phải chấp nhận kẻ khác, nhất là những kẻ không giống chúng ta, những kẻ khác quan điểm hay đối nghịch với chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu với những người gần gũi chúng ta nhất trong gia đình: với chồng, vợ, con cái, và với cha mẹ. Chúng ta có đối xử với nhau như những người được Thiên Chúa chấp nhận và yêu thương hay không? Chúng ta có thể chấp nhận những người hằng ngày cùng đi chung với chúng ta trên một con hẻm, ở chung với chúng ta trong cùng một căn nhà, trên cùng một đường phố, hay những người ở sát bên cửa nhà chúng ta và những người cùng làm chung với chúng ta trong một hãng xưởng? Chúng ta nghĩ gì về những người có ý kiến khác với chúng ta? Chúng ta đối xử thế nào với những người có quan điểm sống và lập trường chính trị khác với chúng ta? Chúng ta xét đoán thế nào về những người đã một lần lầm lỡ sa ngã và có lẽ đã sa đi ngã lại nhiều lần? Một điều chắc chắn mà chúng ta cần biết là tất cả họ đều được Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận.

Giáng Sinh luôn là một đại lễ của tình yêu. Kinh Thánh ghi rõ. «Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian». Ðó chính là biến cố mà chúng ta vui mừng cử hành hôm nay. Qua đó Thiên Chúa cũng muốn nói cho chúng ta hay là chúng ta cũng cần phải quan tâm săn sóc anh em đồng loại như thế nào, cần phải gặp gỡ và nghĩ tưởng về họ như thế nào, cần phải thông cảm và yêu thương họ như thế nào. Lời Ðức Giêsu: «Ðiều gì các con làm cho một kẻ bé mọn nhất trong các anh em của Thầy, là các con đã làm cho Thầy» là một mệnh lệnh bất khả thoái thác. Ðúng vậy, tình bác ái đối với đồng loại là một điều bất khả thoái thác. Ðàng khác, đức ái nhân, lòng bác ái đối với tha nhân, không thể nhường chỗ cho bất cứ thứ tình yêu nào khác. Ðức ái phải vượt lên trên tất cả mọi thứ tình yêu vị kỷ, tình yêu xác thịt, lòng ích kỷ.

Ðến đây chúng ta còn phải đối mặt với một vấn nạn: Ðiều gì ngăn cản chúng ta trong việc chấp nhận kẻ khác và coi họ như những người được Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận? Ðiều gì ngăn cản chúng ta trong việc nhìn nhận kẻ khác một cách đúng đắn và có thể thành thật nói với anh ta: bao lâu anh còn sống với chúng tôi trên cõi đời này, anh vẫn luôn là một người đã được Thiên Chúa chấp nhận? Phải chăng tất cả không phải là lòng ích kỷ, sự tự ái quá độ của chúng ta?

Lễ Giáng Sinh muốn chúng ta biết mở rộng lòng mình chấp nhận thế giới và con người, như Thiên Chúa đã mở lòng mình để chấp nhận thế giới và con người. Ðó cũng chính là ý nghĩa của câu: «Và Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. »

LM. Nguyễn Hữu Thy