PDA

View Full Version : C - Chén Cơm Chúa Giáng Sinh



Dan Lee
12-25-2008, 10:34 AM
CHÉN CƠM GIÁNG SINH

Đêm.

Thanh vắng. Không gió thỏang. Trời se lạnh báo hiệu mùa đông đã sang. Căn nhà thấp hẹp càng co lại khi màn đêm buông xuống. Tôi ngồi thu lu trong ghế nệm đã bẹp dúm dó. Một vết hõm sâu luôn nhăn nhó không còn đủ độ đàn hồi dù còm cõi cái thân tôi. Bên ngoài một cái kệ chứa vài mặt hàng nhu yếu phẩm. Bên trong chiếc màn ngủ vừa phủ kín diện tích còn lại. Thời gian cô đọng khô khốc. Đầu óc xoáy sâu trong ngày. Đọc xong báo cáo của anh John Pham về chiến dịch “chén cơm Giáng Sinh” do hội KMF, mà Đức Ông Giuse Hòang Minh Thắng, giáo sư Kinh Thánh tại Rôma, làm chủ tịch phát động (x. www.llcvk.com), tôi nao nức khôn tả và cũng cảm động không ít. Danh sách đóng góp mỗi ngày mỗi cộm dầy. Nhiều cháu nhỏ đập heo tung tăng hồn nhiên đóng góp. Một sự sẻ chia đàm ấm dành cho các bạn nghèo hèn mồ côi còn thiếu chăn ấm nệm êm nơi miền cao nguyên mà năm xưa gợi nhớ...

Mỗi khi trở về từ cái nôi là Hội Thừa Sai Paris (M.E.P), cố GM Paul Seitz luôn ví von ngài như một bà nội trợ. Ngài đi thuyết giảng nhiều nơi chốn trong đó có cả những viện mồ côi để kêu gọi lòng yêu thương đối với những người đồng cảnh ngộ. Những chuyến đi xa chính là những lần ngài “đi chợ” mua mắm muối, chút lương thực, con cá miếng thịt để vỗ béo các chú nhỏ yếu đuối còm cỏi của Ngài cùng những người nghèo dân tộc khác. Trước những hình ảnh vồn vã yêu thương này làm tôi quay cuồng không kém. Để rồi đêm như lắng đọng như hút sâu trăn trở.

Mẹ Tê-rê-sa như còn nhắn nhủ:

“Mỗi người có một sứ mệnh để thi hành. Sứ mệnh đó là Yêu Thương. Khi giờ chót đến, chúng ta sẽ đối diện với Thiên Chúa; không phải chúng ta đã làm bao nhiêu, nhưng chúng ta đã biết bỏ bao nhiêu vào những công việc của mình.”

Thế đấy tôi như được mời gọi. Bổn phận. Trách nhiệm. Đồng cảm. Giáo Hôi lữ hành thúc giục mọi người cùng đồng hành là thiết yếu, là hữu tình. Chí phải khi cuộc sống là “một lữ hành khám phá”. Tôi xao xuyến về sự “biết bỏ bao nhiêu yêu thương vào những việc mình làm.”

Đêm sâu.

Hun hút. Đường xá chìm vào giấc ngủ. Cây lặng gió. Tôi chao đảo. Da thịt teo tóp. Vết lở bầm tím. Tôi thấp thỏm trên ghế. Thánh Toma a Kempi bảo:

“Những đau khổ hiện tại làm cho ta trở nên cao thượng và đem lại cho ta một vĩnh hằng bất diệt”.

Còn Hàn Mạc Tử thì lại rên rỉ nhưng trong niềm tin:



“.. .Thịt da tôi sượng sần và khô điếng

Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên

Tiếng rú ban đêm rợn bóng mờ

Tiếng rú hồn tôi ru vỡ sóng . . .

Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian

“Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi!”



Tôi bỗng thấy mình thật nhẹ như được phó thác. Lâng lâng khỏi ghế ngồi. Hồn phiêu lạc tựa “Vào trần gian ta chẳng đem gì, thì ta cũng chẳng đem gì lúc ra đi”. Dù chẳng có gì nhưng tận sâu tôi còn có cả một ước vọng khát khao mà Chúa dậy:

“Hỡi những kẻ được Cha ta chúc phúc . . . vì Ta đói các con đã cho ăn, Ta khát các con đã cho uống, Ta trần truồng các con đã cho mặc”.

Chính vì thế mà đêm càng sâu ta càng như linh động trong trăn trở. Và tôi linh cảm thấy rằng tôi còn đủ sức để cùng anh em gầy dựng “chén cơm Giáng Sinh“ đang cận kề.

Hôm sau .

Chiều không mưa. Con hẻm vẫn ngập ngụa từ cơn mưa hôm trước. Vẫn tiếng xôn xao. Tiếc xót ngậm ngùi văng vẳng: “Thôi chết tôi rồi! Đi đoong một triệu như không! Ôi giời ơi “thần đề” láo toét. Quái quỉ với con số chỉ sai một ly ông cụ.” Tôi chẳng còn lạ gì cái thời khắc chiều buồn điên đảo này. Mọi người như lao ra đường nhìn vào những con số trong tờ giấy dò bằng bàn tay mà than vãn. Lắm kẻ tan gia bại sản chỉ trong một buổi chiều kinh hòang. Rồi cũng vài ba con “nghiện đề” điên tiết vì những con số đã nuôi lâu ngày và đã cúng bái. Họ ậm ực đổ đóang lên đầu những người bán vé số. Cứ thế inh ỏi vỡ toang một buổi chiều đông ngan ngát lạnh. Chú bán vé số loay hoay mãi vẫn không thoát ra khỏi vòng vây của những con đề vì đôi chân khập khiễng. Quả thật đáng tội! Chú có dính dáng gì đến họ đâu. Thế mà vẫn bị chì chiết, bị sỉ nhục, bị vạ lây. Người phụ nữ 3 trong 1 mà chòm xóm thường ví von khi chị ta chưa tròn tuổi ba mươi nhưng đã ba đời chồng. Đúng là 3 đời chồng trong 1 đời hoa. Chị ta đã chẳng từ nan bất kể người đó là ai. Chị oang oang giọng khản đặc chòng ghẹo:

- Anh đẹp trai ơi! Anh đã có vợ chưa đấy? Nếu chưa cho em theo cùng!

Chú bán vé số đỏ mặt tía tai ngượng ngịu. Chú quay ngoắt bỏ đi. Nhưng vẫn chưa yên, chị ta lại sằng sỗ hơn:

- Em sẽ làm anh sướng rên lên đấy!

Lúc này tôi không cầm lòng được trước sự nhẫn tâm vô cãm của chị. Tôi dằn mặt:

- Xin để cho anh ta yên đi. Ba người chưa đủ sướng sao.

Chị ta vẫn chẳng vừa, ngoái cổ lại rống tiếp:

- Bao nhiêu cho vừa một đời hoa, hỡi anh!

Kinh nghiệm sống cho tôi biết không nên đối đầu với những ai bỉ ổi vô liêm sỉ. Tôi quay vào nhưng ánh mắt của chú bán vé số đượm buồn chan chứa lời cám ơn đã làm tôi khựng lại. Chú nói như khóc mắt cụp xuống:

- Chú mua giúp cháu ít vé đi chú. Giọng van nài níu kéo gọi mời. Tôi ủi an nhẹ như sóng đêm tràn về:

- Vào nhà đi cháu.

Chú vé số theo sau. Người chú lắc giật. Chân phải bị co rút lại nhỏ thó. Còn tôi vịn vào tủ kệ lần mò chễm chệ nơi ghế. Tôi chỉ chiếc ghế nhựa đã hoen ố. Anh sáng đèn néon đủ nhận diện người đối diện. Khuôn mặt hốc hác. Hai mắt lõm sâu. Anh nhìn như lạc hướng. Mầu tròng trắng lấn át màu đen sắc sảo. Da mầu hăng hắc dưới nắng. Quần áo mặc trên người bốc mùi và nhầu nát. Thân hình gầy đét. Tôi vào đề:

- Cháu tên gì ?

- Cháu tên Trần văn An, 30 tuổi, trình độ văn hóa hết lớp 5 phổ cập còn độc thân – Chú đọc như khai lý lịch trước cán bộ.

- Gia đình cháu ra sao? - Tôi thật nhẹ mớm An bớt đi xa lạ.

- Chưa đủ một tuổi, mẹ cháu mất vì ung thư chỗ đẻ. Còn cháu, khi mới sinh, chân phải đã co rút lại và lặc lè từ đó. Ba cháu vất vả nuôi 7 chị em nheo nhóc. Nhiều lần ba vẫn than: “biết thế chẳng cần chạy theo lương con làm gì khi còn trong lính. Con nhiều lĩnh lương nhiều. Nhưng nay thì làm “dân biểu”, khách sai chở đi đâu đến dó, vẩn chỉ nuôi được thằng cha chứ làm gì nuôi được thằng con.” Thế rồi ba cháu cũng lâm bệnh xuất huyết cấp tính khi cháu tròn 18 . -

Tôi ngắt lời An khi đôi mắt đỏ ngầu, khi giọng nói nghèn nghẹn. Ngoài trời có tia chớp. Mây van vũ hoảng loạn.

- An đã bán được nhiều chưa? Sao còn nhiều thế?

Vừa nói tôi vừa nhìn vào bàn tay phải đen đúa vẫn ôm khư khư chắc nịch xấp vé số được cột chặt bằng một sợi thung mỏng manh. Tay trái giữ chặt chiếc cặp nhỏ mầu da bò để nhét tiền và những gì thân thiết nhất cho một kẻ hầu như suốt ngày lang thang kiếm ăn trên đường. Tư thế tự vệ cố hữu của người kém may mắn rong đuổi đường đời.

- Đã bán được tờ nào đâu chú. Bọn họ chỉ dò số đánh đề thôi. Chú mở hàng cho cháu vài tờ nhé?

Lúc này An đã bình tâm. An cũng khéo nói như là ngón nghề đòi hỏi phải thế. An mời chào thêm lần nữa nhưng tâm lý hơn:

– Chú mà mua chắc cháu sẽ đắt hàng lắm đây.

Tôi thầm khen An chịu khó lăn lội vào nghề. Nhiều lúc bầm dập khi mà hằng ngày tôi vẫn nghe bọn lưu manh thường nhắm vào kẻ khốn cùng để quỵt, để giật, để lừa. An không trên đau khổ của người khác. Đôi khi còn bị xe tông và quẹt nhưng cuối cùng người tật nguyền vẫn thiệt thân. Tôi cảm thông nhận xấp vé trên tay rồi rút ra vài tờ. Tôi xoa dịu:

- Nếu chú mở hàng đắt thật sự, An có muốn chú mua mỗi ngày nữa không?

- Có chứ. Bởi mua mau bán đắt là điều ước của người buôn. Thế nên người mua mau mắn cũng dễ chịu vô cùng khiến cả ngày như gặp may. - An nói như người sành điệu. Tôi khai thác sự lanh lẹ đó:

- Cháu đã bán được bao lâu rồi?

- Đã nhiều năm nhưng . . . hay bị gián đoạn lắm. - An ngập ngừng.

- Sao lại thế? - Tôi như người bị cuốn hút vào câu chuyện có hơi hướm ly kỳ lạ lẫm.

- Bị bọn xấu đi xe máy láng coóng trên đường chộp giật rồi chuồn. Thế là mất vốn. Khóc lóc riết cũng chẳng ra làm sao rồi lại xoay đổi cách sống không vốn. Đi bán rau củ cho chủ hàng kiếm miếng ăn và huê hồng. Cứ thế mà tăng dần vốn. Khi nào vốn đủ 100 tờ số lại lăng quăng ra đường hút bụi và dè chừng những kẻ khốn nạn giựt dọc. Mặc cho đời lăn lóc. Riết rồi cũng quen, chú ạ.

Vừa nói An vừa đảo mắt sòng sọc. Lông mày nhíu xoắn lại biểu lộ sự căm giận cũng căng thẳng không ít. Miệng không hé rộng. Môi mỏng dính. Giọng đanh thép. Nghe như có tiếng rít trong răng nghiến lại. Chiều đã xuống thật thấp. Gió lạnh xóa tan nhanh bầu trời đục gầm rú trước đó. Tôi nghe xát muối trong lòng. Chắc rằng trong ngõ ngách u tối của tâm hồn mộc mạc và ngây thơ có một nổi hận nào đó đang chất chứa. Tôi không muốn nghe An bực dọc trong khi xấp vé số còn cộm cứng. Tôi an ủi vu vơ:

- Ác giả ác báo mà! Thôi An đi bán tiếp nhé. Nếu đắt hàng, ngày mai ghé lại chú hưởng ứng cho. - Tôi nói để xoa dịu bâng quơ nhưng trong sâu thẳm tôi thấy mình như giả dối với chính mình.

- Ngày mai cháu lại đến vậy.

Nói rồi An cúi xuống nhặt chiếc dép nhựa trắng đã gáu bẩn và mòn choe choét nơi những ngón chân, rồi xỏ vào bàn chân phải dại khờ tím tái. Lúc này tôi mới chú ý đến chuỗi tràng hạt dạ quang rơi ra khỏi cổ áo. Đúng là cuộc đời như một sâu chuỗi những sự kiện được thắt gúc lại. Miệng tôi đắng nghét khi nhìn những bước chân của An lắc giật mạnh đến nỗi con thuyền An như đang chòng chành chống chọi lại với bão giông biển đời. Đêm tối đang bao phủ liệu An có bình yên trở về!

Năm ngày trôi qua.

Những hạt kết tụ lại thành sâu chuỗi của đời An sần sùi thô ráp với những ngày tháng u tối mờ mịt. Sinh ra đã tật nguyền. Chưa bước đi đã mất mẹ dắt dìu. Mười tuổi vẫn chưa cắp sách đến trường. Tuổi mười lăm mới ê a con chữ trong những buổi tối muộn màng. Cha mất. Anh em giành nhau phần hơn đã đẩy An vào đời lặng lẽ buồn tênh. Giành giật kiếm sống bằng lòng thương hại của con buôn. Đánh đổi sức vóc lê lết kiếm cơm manh áo đến trầy trụa rướm máu. An cắn răng tạo dựng bằng những đồng tiền bố thí. Để rồi ti toe với những tấm vé số làm hành trang tự lập. Chưa đầy năm tháng liếm bụi đường đã trắng tay. Một kẻ bất lương trong bộ vó đại gia vô lương tâm cướp đi đồng vốn đã bào mòn thân xác bầm giập. Sự chịu đựng tàn nhẫn từ khi mới lọt lòng. Nước mắt đã thôi rơi. Cạn khô. Kiên nhẫn là đức tính tồn tại lâu đời nhất cho người tàn tật. An nghiệm ra rằng cay đắng vốn dĩ là thước đo lòng người vượt qua số phận khắc nghiệt. An lại lao vào làm cu li cho lái buôn tìm đồng vốn nhặt nhạnh. Nhưng hôm ấy với tám mươi tờ vé số An lại mời chào rồi lại mời chào. Quán nào An chẳng ghé. Người nào An chẳng bắt chuyện. Miệng lưỡi dẻo quẹo. Trên lề đường lởm chởm lồi lõm đá dăm, An thất thểu. Bỗng chiếc xe hai bánh mới cáo ngừng lại. Chàng thanh niên bảnh bao quần jean xanh áo pull mầu cam nhạt vẫn ngồi chễm chệ trên xe đang nổ máy. Mắt đeo kiếng râm mờ trông thật bảnh choẹ. Mồm mép oai phong ra lệnh cho An ngừng lại:

- Ê! Nhãi ranh! Còn cặp nào đẹp không đưa cho anh Hai đắt hàng cho. - An mừng quýnh khi nhìn chàng trai có bộ vó nhà giầu. An cười reo:

- Anh Hai mà mua cho thì còn gì bằng. - An vừa nói tay vừa như cung kính thưa gửi. Mắt bừng sáng. Đầu liến thoắng: “An gặp khách sộp rồi, cám ơn Trời Phật”.

Người khách nhận cọc vé số. Lựa ra hai cặp số ưng ý. Mỗi cặp hai mươi tờ kẹp riêng ra đặt lên phía trên cọc số còn tinh nguyên. Miệng choai choải đón đưa:

- Đẹp tuyệt ! Mày tốt số mới gặp đại ca đấy.

- Thật phước cho em, thưa đại ca. - Chàng quí tử đưa cho An số tiền ứng với hai mươi tờ vé rồi nhét xấp vé vào túi quần. Như ngập ngừng, chàng ta, sau thoáng suy tư, ra dấu cho An ngừng lại khi An vừa định quay gót. Chàng liến thoắng:

- Này nhỏ, cho đại ca đổi cặp khác đi, số này thế nào ấy! Nói xong hắn móc từ túi quần ra xấp vé số khác đổi lấy hai mươi tờ mà hắn đã kẹp riêng. Mọi thao tác nhuần nhuyễn và nhanh gọn như diễn viên xiếc thành thạo. Hắn rồ máy phóng đi vẫn không quên thòng lai phía sau: “chúc nhỏ may mắn nhé!”.



An nhìn theo. Mắt có đuôi. Chúm chím cười. Đèn đường đã bật. Mầu sáng trắng đục như sương phủ. An hân hoan tiếp bước. Lòng thầm thì: “Quá hên! Quá trời hên!” An lủi vào một quán nước hí hửng mời khách trong quán. Hai người khách đang đấu láo cũng không cầm lòng trước lời mời với dáng đi xiêu vẹo đáng thương của An. “Mua giúp đi anh Hai, anh Ba”. An chìa vé số trước mặt khách vẻ van lơn. Người khách bỏ ngang câu chuyện liếc qua cọc vé số ngăn nắp. Đủng đà đủng đỉnh nhìn từng cặp. Bất ngờ anh ta quát lớn:



- Thằng chó đểu! Mày bán vé số kiểu gì đây, đồ con lừa! - An cuống lên nhìn cặp vé số của khách trưng ra. Vé số của ngày hôm qua. Mắt đỏ quạch. Rướm khóc. An lủi thủi rời quán. Lòng căm phẫn. Một lời giải thích cũng thừa. An đã bị lừa. Đổi hai mươi tờ cũ lấy mới. Gian ác. Lọc lừa ngọt sớt. Nhói đau. Tiền mất tật mang. Hổ thẹn khi An chính là kẻ bị lừa. Ấy vậy mà lại vô tình đi lừa người khác. Không còn gì tê tái tủi nhục hơn thế nữa.



Bầu trời đổ sụp trên đầu. Mắt hoa lên choáng váng. An bất thần đổ nhào về phía trước khi chân vấp phải cục đá tảng lăn lóc trên vẻ hè. Thần sắc ủ rũ. Máu rỉ ra nơi đầu gối chân lành lặn. Lết về được chiếc xạp chợ làm giường thì đêm cũng đã cạn dần. Ngày hôm sau An lên cơn sốt co ro nơi mái hiên nhà gần đó. Rất may còn có đồng nghiệp biết chuyện an ủi thuốc men. Sau nỗi đau đắng chát cạn kiệt đó An chán nản khi con người ta toàn là lũ người dưng. Anh em ruột đẩy thằng út chân rưỡi xuống đường ngủ bờ ngủ bụi. Kẻ mạnh ức hiếp kẻ đầy đọa tật nguyền. Lũ giầu tiền nhưng nghèo nhân ái không thương xót người bần hàn. Phường buôn lợi dụng người yếu thế. Lại có cả đám hàm hồ vô tâm nói xóc, mánh khóe, góc cạnh. Thế rồi An đành xin ẩn trú trong ngôi chùa từ thiện dành cho người khuyết tật. An tìm một công việc vừa học vừa làm đủ mong tìm miếng cơm hàng ngày. Trong thế giới đồng cảnh ngộ An cũng nguôi ngoai cơn đau nhớ đời đã làm tâm hồn An sớm cạn khô khắc khoải. An gần gũi rồi thân thiết với vài bạn khiếm thị. Để chan hòa với các bạn, An đã nhiệt tình dẫn đường giúp họ mỗi khi họ đi dự thánh lễ vào những ngày chủ nhật. Trong ngôi nhà thờ ấm cúng và nghiêm trang, An tự hỏi khi nhìn thấy các bạn cung kính chấp tay hướng về bàn thờ: “Trong những giây phút trầm lắng đọng suy tư này không biết các bạn đang thầm thì điều gì với Người Chịu Nạn trên cao chót vót nơi kia. Chỉ nhìn thấy họ cung kính. Tay chắp lại hiền dịu. Khuôn mặt rạng rỡ. Miệng lẩm nhẩm. Đôi mắt mù lòa ngước lên cao dù chưa bao giờ nhìn được hình ảnh Người bị chết thê thảm trên đó. Sao ta như bị cuốn hút vào nơi tĩnh lặng thần thánh sâu xa cùng họ. Cuộc đời tan biến đâu mất trong thinh không. Thật lạ kỳ cái giây phút huyền diệu dấu ái này”. Với suy tư khập khiễng này buộc An tìm hiểu và đặt ra với Định một trong những người bạn khiếm thính. Định thiện tâm giải thích:



- Khi bạn mệt mỏi, khi bạn mất phương hướng hay khi bạn đau khổ, bạn hãy lặng thinh ngắm nhìn hình ảnh đau đớn tận cùng của Chúa trên thánh giá bạn sẽ thấy đớn đau chán chường của mình chẳng thấm vào đâu. Lúc này bạn sẽ thấy quên đi mọi nỗi gian nan. Rồi thì sau đó là sự bình an. Vô cùng sảng khoái. Nhưng mà bạn chưa thấu hiểu được tâm trạng diệu kỳ này nếu bạn chưa biết Chúa của chúng tớ là ai đâu”. An thắc mắc trong sự cuốn hút khá lắng đọng:

- Thế Chúa ấy là ai? Làm sao biết được?

- Tớ sẽ giới thiệu bạn với một chị Giáo Lý viên. Chị này sẽ giảng giải cho bạn cặn kẽ hơn. Bạn đồng ý chứ ?



Sau đó ít lâu, An theo học khóa giáo lý tân tòng. An được chị giáo lý viên và các bạn mù hướng dẫn giúp đở kể cả vật chất. Chị tìm cho An một người đỡ đầu đạo đức và khá giả để có điều kiện nâng đỡ An khi gặp khó khăn. Sau ba tháng miệt mài học giáo lý, An được cha xứ cho chịu phép rửa. Từ đó mà An luôn mang theo mình chuỗi tràng hạt dạ quang. Cuộc đời đúng là một xâu chuỗi những biến cố. Với An xâu chuỗi này được kết nối lại với thánh giá mà An hằng ngày nâng niu nơi vòng cổ của mình.



Trong đêm sâu, sự linh cảm của tôi sao diệu vợi đến thế! Thật nhiệm mầu! “Chén cơm giáng sinh” mà anh em đang ra sức nâng niu, đang ân cần tha thiết kêu gọi để cùng nhau chia sẻ với những người bất hạnh như được bàn tay Chúa nâng đỡ. ”Bỏ bao nhiêu yêu thương vào việc mình làm“ là động lực thúc đẩy tôi đi tới. Và Chúa đã lắng nghe.



Sau khi được nghe câu chuyện về An, tôi say mê tìm những quần áo cũ nơi những người thân yêu khác vì “Ta trần truồng các con cho mặc”. Để rồi cũng một buổi chiều muộn, An đến với tôi. Nơi chiếc ghế đối diện, An khoan thai nhìn tôi, mắt đã đen nhánh hơn:



- Chú thấy cháu có chân thành không?

- Cháu rất can đảm trong cuộc sống không may nhưng cũng vô cùng diễm phúc trong ơn lành của Chúa. Cháu đã nhớ tên thánh của cháu khi rửa tội là ai chưa?



Tôi khâm phục An trước thật nhiều những bất trắc để rồi vẫn lao vào với đời. An không nhớ tên thánh của mình khi tôi hỏi vào ngày hôm trước. Nay An đưa cho tôi bảng tên thánh mà vào ngày chịu phép rửa anh chị giáo lý viên gắn nơi ngực. An nói trong chút ân hận:



- Ông thánh này đọc thế nào chú?

- Phanxicô Xaviê. Cháu nhớ được chứ?

- Chưa chắc lắm. Sẽ cố gắng thôi.

- Hiện nay cháu đủ vốn mua số chưa? Và ai giúp cháu số vốn đó?

- Dạ, ông bố đỡ đầu cho đủ mua 150 vé. Với tiền lãi cháu cũng trả được tiền nhà và ăn uống.



Nhìn bộ quần áo An mặc vẫn rách rưới bẩn thỉu tôi xót xa. Tôi thận trọng muốn giúp đỡ khi tôi đã chuẩn bị. Tôi chia sẻ thật tâm:

- Hôm nay chú giúp cháu mấy bộ quần áo để thay đổi. Trong đó có một bộ còn mới nguyên để cháu mặc mỗi khi đi dự lễ nhé! -Vừa nói tôi vừa trao cho An túi xách bằng nylon .

- Thật cám ơn chú rất nhiều. Cháu sẽ có quần áo mới đi dự lễ Giáng Sinh.

- Còn vốn thì thế nào, đã đủ chưa?

- Dạ lúc này thì vừa nhưng chỉ sợ lại bị lừa như trước kia.

- Cố gắng thận trọng. Làm sao tránh được những kẻ gian đội lốt thánh phật đầy dẫy trên đường đời. Khi nào hụt vốn cháu cho chú biết nhé. Biết đâu chú giúp được.

An cười. Nụ cười thật ấn tượng. Ngây thơ. Trong sáng. Hiền lành. Trước khi chia tay, tôi mua cho An mấy tờ số. An bước đi vẫn lặc lè. Nay xộc xệch vẹo vọ hơn khi phải mang theo túi quần áo. Ngoài trời mát dịu. Chỉ còn một vài ngày nữa, Chúa sẽ đến với nhân loại. Mong sao đêm nay An về quán trọ bình an. Để rồi An cùng chung vui với mọi người mà hát vang lên:

“Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người Chúa thương!”

Saigon, Mừng Giáng Sinh 2008

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Email: peterquivu@gmail.com