Dan Lee
12-26-2008, 12:09 AM
HÀI NHI GIÊSU, TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
Mỗi dịp lễ Chúa Giáng Sinh, ta đến trước máng cỏ kính viếng Chúa Hài Đồng. Chúa Hài Đồng là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương muốn ngỏ lời với nhân loại. Hài nhi Giêsu chưa có tiếng nói. Nhưng bản thân và cuộc đời của Người chính là Lời Thiên Chúa nói với nhân loại. Từ trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu đang nói với ta. Ta hãy lắng nghe tiếng nói âm thầm của Người.
http://www.vietcatholic.org/pics/LeGsNTCTHanoi23.JPG
Trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu phải tạm trú trong chuồng súc vật. Người trở thành người nghèo khổ nhất trong nhân loại. Sinh ra không nhà không cửa, Người đang lên tiếng thay cho những người nghèo khổ. Hôm nay vẫn còn biết bao gia đình phải lang thang không nhà không cửa. Vẫn còn biết bao trẻ em sinh ra ngoài đầu đường xó chợ. Vẫn còn nhiều kiếp người sống cuộc sống lam lũ tăm tối khổ sở, chui rúc trong những căn nhà ổ chuột không hơn chuồng súc vật. Những người đó hiện thân trong Chúa Giêsu Hài Đồng đang chất vấn chúng ta về công bằng và bác ái.
Trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu đang rét run trong tiết trời lạnh giá. Không chăn chiếu màn mùng, phải nằm trên máng cỏ, Người đang lên tiếng thay cho những nạn nhân thiên tai và nhân tai. Trận lụt vừa qua đã cuốn trôi bao nhiêu sinh mạng. Có những người cha người mẹ là lao động chính trong gia đình đã bị dòng nước oan nghiệt cuốn đi khi đang trên đường công tác. Có những trẻ em đang tuổi lớn khôn bị thiệt mạng trên đường đến trường học tập. Và trong những vụ sập cầu, sập nhà, những tại nạn giao thông, biết bao gia đình lâm vào cảnh tang tóc, biết bao người vợ dại, con thơ thiếu nơi nương tựa, biết bao mảnh đời lâm vào bế tắc. Tất cả những nạn nhân đó hiện thân trong Chúa Giêsu Hài Đồng đang chất vấn chúng ta về trách nhiệm và tình liên đới.
Trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu đang bị bạo chúa Hêrôđê đe dọa giết chết. Vừa chào đời, Người đã hứng chịu áp bức bất công. Để bảo vệ ngai vàng, Hêrôđê không ngần ngại tàn sát tất cả các trẻ em tại Bêlem. Là nạn nhân của áp bức bất công, Hài nhi Giêsu đang lên tiếng thay cho những nạn nhân này. Hôm nay biết bao trẻ thơ không được cất tiếng khóc chào đời. Biết bao trẻ thơ bị cướp mất quyền sống. Biết bao người vẫn còn chịu áp bức bất công. Biết bao người bị các thế lực đen tối đe dọa, bạo hành. Biết bao người lao động không được trả lương đúng mức. Biết bao người lấy vợ lấy chồng nước ngoài không được cư xử xứng đáng là một người vợ, người chồng. Biết bao người thấp cổ bé miệng bị chèn ép, bóc lột. Biết bao vụ án oan sai. Tất cả những người đó hiện thân trong Chúa Giêsu Hài Đồng, đang chất vấn chúng ta về quyền làm người, quyền được tự do và hạnh phúc.
Không chỉ lên tiếng thay cho các nạn nhân, Chúa Giêsu còn chia sẻ nỗi niềm với họ. Người đã sống như một người nghèo, không nhà không cửa, “không có cả chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Người đồng hành với các nạn nhân thiên tai khi ở trên thuyền trong cơn bão (x.Mt 8, 23-26), chịu đói khát đến bên cây vả mà không tìm được quả nào (x.Mc 11,12-14), và các môn đệ đi theo Người phải tuốt lúa ăn đỡ dạ (x.Mt 12,1). Người đứng trong hàng ngũ các nạn nhân của bất công khi chịu xét xử trước tòa Philatô. Người vô tội mà bị kết án tử hình trong khi kẻ trộm cướp là Baraba lại được trắng án (x. Mt, 27, 11-26).
Trong hang đá, trên máng cỏ, Hài nhi Giêsu không nói, nhưng cất tiếng khóc. Tiếng khóc đó chất vấn lương tâm chúng ta. Tiếng khóc đó mời gọi chúng ta quảng đại chia sẻ với những người đói khát thiếu thốn. Tiếng khóc đó hướng tâm hồn chúng ta đến tôn trọng phẩm giá đồng loại, tôn trọng quyền con người, quyền được sống và được hạnh phúc của con người.
Nhưng trên hết, lễ Giáng sinh cho ta được niềm vui đón nhận Đấng Cứu Thế. Người không đến như một ông quan xa cách quần chúng, nhưng như một người anh em thân tình đến chia sẻ cuộc sống của chúng ta. Người đồng hành với chúng ta trong những khó khăn vất vả của cuộc sống hằng ngày. Người ban cho chúng ta niềm vui lớn lao được diễm phúc đón tiếp Thiên Chúa. Người mở ra cho ta chân trời hi vọng khi xuống thế làm người để cho ta được làm con Thiên Chúa. Biến đổi thân phận con người, Người khai thông những bế tắc của kiếp người, mở ra cho ta chân trời hạnh phúc trong Nước Chúa. Giải quyết rốt ráo những vấn đề của con người, Người đưa ta ra khỏi miền tối tăm, dẫn ta vào nguồn ánh sáng huy hoàng của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, con cảm tạ tình thương bao la của Chúa. Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa, để biết quan tâm yêu mến, kính trọng và chia sẻ với Chúa hiện thân trong những anh chị em nghèo khổ, đang gặp hoạn nạn và đang bị chà đạp.
+TGM. Ngô Quang Kiệt
Mỗi dịp lễ Chúa Giáng Sinh, ta đến trước máng cỏ kính viếng Chúa Hài Đồng. Chúa Hài Đồng là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương muốn ngỏ lời với nhân loại. Hài nhi Giêsu chưa có tiếng nói. Nhưng bản thân và cuộc đời của Người chính là Lời Thiên Chúa nói với nhân loại. Từ trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu đang nói với ta. Ta hãy lắng nghe tiếng nói âm thầm của Người.
http://www.vietcatholic.org/pics/LeGsNTCTHanoi23.JPG
Trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu phải tạm trú trong chuồng súc vật. Người trở thành người nghèo khổ nhất trong nhân loại. Sinh ra không nhà không cửa, Người đang lên tiếng thay cho những người nghèo khổ. Hôm nay vẫn còn biết bao gia đình phải lang thang không nhà không cửa. Vẫn còn biết bao trẻ em sinh ra ngoài đầu đường xó chợ. Vẫn còn nhiều kiếp người sống cuộc sống lam lũ tăm tối khổ sở, chui rúc trong những căn nhà ổ chuột không hơn chuồng súc vật. Những người đó hiện thân trong Chúa Giêsu Hài Đồng đang chất vấn chúng ta về công bằng và bác ái.
Trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu đang rét run trong tiết trời lạnh giá. Không chăn chiếu màn mùng, phải nằm trên máng cỏ, Người đang lên tiếng thay cho những nạn nhân thiên tai và nhân tai. Trận lụt vừa qua đã cuốn trôi bao nhiêu sinh mạng. Có những người cha người mẹ là lao động chính trong gia đình đã bị dòng nước oan nghiệt cuốn đi khi đang trên đường công tác. Có những trẻ em đang tuổi lớn khôn bị thiệt mạng trên đường đến trường học tập. Và trong những vụ sập cầu, sập nhà, những tại nạn giao thông, biết bao gia đình lâm vào cảnh tang tóc, biết bao người vợ dại, con thơ thiếu nơi nương tựa, biết bao mảnh đời lâm vào bế tắc. Tất cả những nạn nhân đó hiện thân trong Chúa Giêsu Hài Đồng đang chất vấn chúng ta về trách nhiệm và tình liên đới.
Trong hang đá Bêlem, Hài nhi Giêsu đang bị bạo chúa Hêrôđê đe dọa giết chết. Vừa chào đời, Người đã hứng chịu áp bức bất công. Để bảo vệ ngai vàng, Hêrôđê không ngần ngại tàn sát tất cả các trẻ em tại Bêlem. Là nạn nhân của áp bức bất công, Hài nhi Giêsu đang lên tiếng thay cho những nạn nhân này. Hôm nay biết bao trẻ thơ không được cất tiếng khóc chào đời. Biết bao trẻ thơ bị cướp mất quyền sống. Biết bao người vẫn còn chịu áp bức bất công. Biết bao người bị các thế lực đen tối đe dọa, bạo hành. Biết bao người lao động không được trả lương đúng mức. Biết bao người lấy vợ lấy chồng nước ngoài không được cư xử xứng đáng là một người vợ, người chồng. Biết bao người thấp cổ bé miệng bị chèn ép, bóc lột. Biết bao vụ án oan sai. Tất cả những người đó hiện thân trong Chúa Giêsu Hài Đồng, đang chất vấn chúng ta về quyền làm người, quyền được tự do và hạnh phúc.
Không chỉ lên tiếng thay cho các nạn nhân, Chúa Giêsu còn chia sẻ nỗi niềm với họ. Người đã sống như một người nghèo, không nhà không cửa, “không có cả chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Người đồng hành với các nạn nhân thiên tai khi ở trên thuyền trong cơn bão (x.Mt 8, 23-26), chịu đói khát đến bên cây vả mà không tìm được quả nào (x.Mc 11,12-14), và các môn đệ đi theo Người phải tuốt lúa ăn đỡ dạ (x.Mt 12,1). Người đứng trong hàng ngũ các nạn nhân của bất công khi chịu xét xử trước tòa Philatô. Người vô tội mà bị kết án tử hình trong khi kẻ trộm cướp là Baraba lại được trắng án (x. Mt, 27, 11-26).
Trong hang đá, trên máng cỏ, Hài nhi Giêsu không nói, nhưng cất tiếng khóc. Tiếng khóc đó chất vấn lương tâm chúng ta. Tiếng khóc đó mời gọi chúng ta quảng đại chia sẻ với những người đói khát thiếu thốn. Tiếng khóc đó hướng tâm hồn chúng ta đến tôn trọng phẩm giá đồng loại, tôn trọng quyền con người, quyền được sống và được hạnh phúc của con người.
Nhưng trên hết, lễ Giáng sinh cho ta được niềm vui đón nhận Đấng Cứu Thế. Người không đến như một ông quan xa cách quần chúng, nhưng như một người anh em thân tình đến chia sẻ cuộc sống của chúng ta. Người đồng hành với chúng ta trong những khó khăn vất vả của cuộc sống hằng ngày. Người ban cho chúng ta niềm vui lớn lao được diễm phúc đón tiếp Thiên Chúa. Người mở ra cho ta chân trời hi vọng khi xuống thế làm người để cho ta được làm con Thiên Chúa. Biến đổi thân phận con người, Người khai thông những bế tắc của kiếp người, mở ra cho ta chân trời hạnh phúc trong Nước Chúa. Giải quyết rốt ráo những vấn đề của con người, Người đưa ta ra khỏi miền tối tăm, dẫn ta vào nguồn ánh sáng huy hoàng của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, con cảm tạ tình thương bao la của Chúa. Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa, để biết quan tâm yêu mến, kính trọng và chia sẻ với Chúa hiện thân trong những anh chị em nghèo khổ, đang gặp hoạn nạn và đang bị chà đạp.
+TGM. Ngô Quang Kiệt