PDA

View Full Version : S - Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh



Dan Lee
01-03-2009, 07:13 PM
SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH - TRIỀU BÁI VÀ DÂNG QUÀ CHÚA HÀI NHI

(Mt 2:1-12)

Trong tuần qua, toàn thể Giáo Hội vừa long trọng mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho loài người một món quà vô giá là chính Con Một Ngài.

Bước vào tuần này, Giáo Hội vui mừng cử hành Lễ Hiển Linh, ghi nhớ biến cố ba nhà đạo sĩ từ phương Đông nhờ ngôi sao lạ dẫn đường, tìm đến hang Bêlem triều bái và thờ lạy Chúa Hài Nhi. Các Ngài tượng trưng cho nhân loại, đền đáp hồng ân Thiên Chúa Cha đã ban tặng, dâng lên Con Thiên Chúa ba lễ vật qúi giá: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Tình yêu đáp trả tình yêu. Ân tình đền đáp ân tình. Ôi cao qúi thay tình Chúa, tình người!!!

A. Món quà trao tặng và ý nghĩa của nó.

Thương ai mến ai, con người thường trao tặng nhau những món quà lưu niệm.

Bên Mỹ, sau dịp lễ Tạ Ơn ( ThanksGiving Day), người người đã chuẩn bị sớm, mua quà Giáng Sinh nhớ đến người thân. Đơn giản nhất là một tấm thiệp Noel với lời chúc chân thành. Trân trọng hơn một bộ quần áo len mặc mùa Đông, một phong bì Christmas Gift,một Gift Card mua sắm hàng hoá tự do tùy ý. Có đôi tình nhân lại tặng nhau chiếc nhẫn lưu dấu một thời để yêu.

Nói chung, quà tặng thì đa dạng, mang giá trị vật chất khác nhau nhưng mục đích đều giống nhau: biểu lộ sự quan tâm, lòng quý mến của người tặng dành cho đối tượng nhận quà.


† Thiên Chúa yêu thương con người: ban tặng Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại.
† Con cái kính mến cha mẹ: thương cha mẹ lái xe cũ kỹ hay chết máy dọc đường, anh chị em chung nhau mua xe hơi đời mới brand-new làm quà Giáng Sinh.
† Ông Già Noel thương yêu trẻ em bất hạnh: đêm Chúa giáng trần, đi phát kẹo bánh và trao quà ý nghĩa cho nhóm trẻ lạc loài, cho đàn em bé ngoan hiền…

Tình thương nối kết lòng mến. Món quà trao tặng mà không có lòng mến chất chứa bên trong, thì việc tặng quà chỉ là bất đắc dĩ, cho vì phải cho, cho để cầu cạnh xin xỏ, hối lộ mua chuộc tình cảm.


† Thực trạng chung vẫn còn: Việt Kiều về thăm quê hương, qua cửa khẩu hải quan, phải biết thủ tục “đầu tiên”.
† Nghe nói người dân VN làm đơn từ xin giải quyết việc gì phải quen đi “một cửa” “hai cửa”, thậm chí đôi lúc phải qua “cửa ba” “cửa bốn” mới thoả đáng vấn đề.

B. Ba Đạo Sĩ dâng quà Chúa Hài Nhi.

Các Đạo Sĩ thực sự chỉ nghiên cứu về thiên văn, về các hiện tượng vũ trụ và không biết nhiều về Kinh Thánh. Thấy ngôi sao lạ xuất hiện, họ tin một Đấng Cao Cả vừa sinh ra. Không ngại gian nan: vượt đồi núi chập chùng, đi giữa sa mạc nắng cháy ban ngày, lạnh thấu xương ban đêm…họ quyết tâm lên đường tìm gặp Vị Cứu Tinh. Dọc đường, tự dưng ngôi sao lạ biến mất, các đạo sĩ vẫn dò dẫm kiếm tìm, bền chí đi đến nơi Chúa Hài Nhi giáng sinh.

Sự hy sinh kiên trì đó, cho ta thấy tâm hồn khao khát sự thật, thiện chí chân thành của họ.

Các Đạo Sĩ không chỉ dâng tặng Chúa 3 lễ vật qúi giá, song thực tế họ còn dâng nhiều hy lễ khác nữa:


† Họ có lòng yêu mến sùng mộ Hài Nhi: dâng lễ vật đức Tin.
† Họ có sự hăng hái quyết tâm tìm Hài Nhi: dâng lễ vật đức Cậy.
† Họ không ngại biếu tặng Hài Nhi vàng, nhũ hương, mộc dược: dâng lễ vật đức Mến.

C. Những lễ vật dâng Chúa hôm qua và hôm nay.

1. Nhìn vào bốn Phúc Âm, ta thấy lòng mến Chúa nhiệt tình là động cơ thúc đẩy nhiều người sẵn sàng tìm gặp Chúa, dâng tặng Chúa những món quà đầy ý nghĩa.


† Bà goá nghèo (Lc 21:1-4) đã không tiếc những đồng xu mưu sinh của bà.
† Ông Giakêu (Lc 19:1-10) đã không ngại hy sinh phân nửa tài sản cho người nghèo.
† Maria Mađalêna (Ga 20:1) đã không ngại sương gió đến mồ Chúa từ sáng sớm.
† Một em bé (Ga 6:9) đã không tiếc nuối dâng năm tấm bánh và hai con cá cho Chúa.
† Anh mù Bartimê (Mc 10:48)) đã không sợ lời quát nạt dâng lòng tin cậy vào Chúa.
† Gioan Tông Đồ (Ga 20:4) đã không màng nguy hiểm chạy vội vã đi tìm xác Thầy.
† Phêrô (Ga 21:15-19) đã không sợ xấu hổ mạnh dạn xác tín yêu mến Chúa hết tình.
† Mười hai Tông Đồ (Mt 28:16-20) đã không còn nhút nhát sẵn sàng đi truyền giáo.
† Bảy mươi hai Môn Đệ (Lc 10:1-12) đã hy sinh lợi thú thế gian, can đảm dâng trọn cuộc sống dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Mỗi món quà dâng hiến đều được định giá riêng biệt. Nhưng trên hết và trước hết, lòng mến ấy đòi buộc người dâng tặng phải hy sinh rất nhiều.Vì “tình yêu mà không có hy sinh, chỉ là tình yêu giả dối và hy sinh mà không có tình yêu, chỉ là hy sinh thừa thải” (ĐGM.Bùi Tuần)

2. Đêm Con Thiên Chúa giáng trần, muôn thiên thần hát vang: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.Đó là đêm Hồng Ân vì Con Chúa đã làm người. Đó là đêm Nhiệm Mầu vì trời và đất giao hoà, lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau. Đó là đêm Thanh Bình vì công lý va hoà bình hôn nhau âu yếm.

Nhân loại hôm nay cần dâng Chúa món quà Hoà Bình, món quà Bình An, vì:


† Chúa đến, ban Bình An cho nhân loại, cho người Chúa thương yêu.
† Thế giới hôm nay không ngừng gia tăng chiến tranh mỗi lúc một khốc liệt hơn.
† Bình An là khởi điểm giúp con người ngồi bên nhau, nhìn lại vấn đề với nhau, để tìm ra chià khoá giải cứu thoả đáng.

Đến với Chúa, nếu thực sự ta dâng món quà An Bình, ta cần:

† biết cảm thông: nhìn người mình không ưa bằng con mắt trìu mến.
† lòng tin tưởng: dẹp bỏ đầu óc nghi kỵ, nghĩ xấu thường xuyên, chụp mũ anh em.
† sống yêu thương: mở rộng tâm hồn nhìn ưu điểm hơn là tìm khuyết điểm tha nhân, chú tâm những khía cạnh tích cực hơn là soi mói tiêu cực lẫn nhau.

Một khi trở về trọn vẹn trong Ơn Thánh Chúa, ta mới kiến tạo an bình thực cho mình.

D. Lời Nguyện Kết:


Lạy Chúa! Nào đời con có gì để dâng lên cho Chúa trong hiến lễ hôm nay?
Xưa ba nhà đạo sĩ đã dâng Chúa bao hy sinh cùng các lễ vật qúy giá.
Nay con chỉ biết dâng lên Chúa một chút lòng thành với tâm tình bình an.
Xin Hồng Ân giáng sinh lan toả An Bình thực sự cho muôn người lòng ngay. Amen”.

LM Dominic Trần Văn Điều, SDD