PDA

View Full Version : C - Con Thiên Chúa



Dan Lee
01-07-2009, 10:00 PM
Con Thiên Chúa


Con ông lớn

Tôi thấy không chỉ ở Việt Nam, mà hầu như ở các nước, cũng có cái lệ thường là: “Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Mỗi hoàng tộc đều xây dựng, củng cố cho mình một hoàng triều vững chắc, đến nỗi chuyện quốc sự to nhỏ gì cũng phải thông qua cái gọi là hoàng gia ấy. Có một vài nơi tỏ ra rất dân chủ, nhưng rồi cũng chỉ là một mớ lý thuyết bòng bong. Rồi đâu cũng vào đấy. Tính gia tộc và cục bộ địa phương, dẫn đến bao nạn kỳ thị, giai cấp, phân biệt chủng tộc. Có biết bao người ra sức đấu tranh để tìm lại sự công bằng cho con người, cho xã hội…vẫn hoài công vô ích. Cuối cùng thì, hết đời vua cha rồi tới đời vua con, hết tổng thống cha, đến tổng thống con, hết chủ tịch cha, rồi đến chủ tịch con….

Thiết nghĩ, ấy như chuyện thường tình không đáng nói, miễn là quốc thái dân an. Nhưng điều đáng nói là hết đời cha gian dối, đến đời con còn dối gian hơn, và biết chắc là đến đời cháu thì mạt vận. Cứ nhìn vào quả thì biết cây; nhìn con ông lớn, biết ông lớn. Bao nhiêu đứa con của ông lớn đang tung hoành còn hơn cái bị gọi là “cường hào ác bá” thuở thời chưa văn minh, chưa tiến bộ. “Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Ông lớn mất đạo đức thì bảo làm sao con của ông ta có chút đạo đức nào khá hơn, may ra, nếu có khá hơn, thì chắc là cách mất đạo đức khá tinh vi hơn? Đúng là đã đến thời mạt vận, vì không thể nào cái sự gian dối của một con người, một gia tộc hay kể cả một đảng phái trên đời kia có lý do để tồn tại.

Ấy là chuyện của các nước thế gian, của ông vua thế gian. Còn chuyện của Nước Trời?

Ngôi Con Thiên Chúa chịu phép rửa

Hôm nay, kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giodan hơn hai ngàn năm trước. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Con của Đấng Thượng Trí Quyền năng tác sinh nên muôn loài. Con ông lớn ở trên trời xuống làm người thế, tội tình chi mà phải chịu phép rửa? Chẳng là vì muốn nhận tội thay cho toàn nhân loại cái tội ngu xuẩn ngàn đời không bao giờ biết cúi đầu trước Thiên Chúa Vĩ Đại, Thiên Chúa Hằng Hữu, Thiên Chúa Đời Đời, lại còn dành sự vĩ đại, cái muôn năm cho mình một cách lếu láo xấc xược nữa chứ! Cái tội kiêu ngạo ấy nó cứ quanh đi quẩn lại hết đời nầy tới đời kia vì chính nó là căn nguyên của muôn tội trên đời, mà tổ tiên loài người đã truyền lại cho con người sinh ra theo cốt nhục.

Con Thiên Chúa mà sinh ra trong cái kiếp tồi tàn, cái cảnh bần cùng ở Bêlem thế sao? Rồi bị truy nả như một tên tội phạm để phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà trốn sang một Ai cập nào đó khi hãy còn đỏ hon hỏn ấy sao?, Hôm nay, Con Thiên Chúa lại cúi đầu nhận lấy phép rửa của một người phàm ăn châu chấu với mật ong rừng, đi dép da, mang áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, như một anh chàng vô danh tiểu tốt. Cuộc sống quá bi đát của Con Thiên Chúa như thế không làm mất mặt Cha của mình sao?

Thưa, không hề. Vì chính sự khiêm hạ thẳm sâu của Người Con, đã làm đảo lộn cái nhịp suy tư, nhịp sống từ ngàn đời của một loài người kiêu ngạo do tội tổ tông truyền, và sự khiêm tốn ấy đã làm nên một mạc khải quan trọng về mầu nhiệm Thiên Chúa. Mầu nhiệm ấy là: Người Con Chí Thánh khiến cho Cha mình không thể làm thinh được nữa, đành phải thốt lên với thế gian rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta”.

Và thiết tưởng, đó chính là cái căn cốt của con Vua Trời. Không mảy may giống với Con Vua trần gian một tí nào. Không ham chức quyền, không ham danh vọng của cải, cũng không ham cái phù vân sang trọng mỹ miều, vì chính Ngài đã đầy quyền uy, danh dự và cao trọng trong vinh quang Thiên Chúa Cha- Con Thiên Chúa là Ngôi Hai Thiên Chúa. Cái không giống với trần gian, là cái cá biệt của một vị Vua Trời có một không hai. Con Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, và đã ở giữa chúng ta, để mỗi chúng ta, có cơ hội thiết lập lại đời mình qua việc thiết lập một tương quan với Con Thiên Chúa bằng chính việc tự hạ đến tận cùng sâu thẳm.

Chịu phép rửa để làm con Thiên Chúa

Chúa Giêsu chịu phép rửa, một biến cố lạ lùng, nhưng có thật và ý nghĩa thật cho tất cả những ai muốn làm con Thiên Chúa. Trong thực tế, khi được rửa tội sau hơn một tuần, một tháng chào đời, mấy ai hiểu được mình đã lãnh nhận những gì và sau khi lãnh nhận đã được biến đổi như thế nào. Nhưng giáo lý dạy: ơn thánh của Bí tích Rửa tội đã tái sinh chúng ta trong Thánh Thần và biến chúng ta thành con cái của Thiên Chúa. Một vinh dự lớn lao cho mỗi tín hữu khi được gọi Thiên Chúa là Cha và sản nghiệp của Cha ban cho chính là Nước Trời. Sản nghiệp của Cha thì sẵn có, nhưng có phải hết thảy con người đều được cả đâu. Vì đức tin là một ơn huệ Thiên Chúa ban cho ai có lòng khiêm tốn sâu thẳm. Chỉ có lòng khiêm tốn sâu thẳm, con người mới mở được trí mình ra mà tôn vinh một Thiên Chúa quyền uy cao cả, mới mở được tấm lòng nhỏ bé của mình ra mà đón nhận Thiên Chúa Vĩ Đại. Còn biết bao con người đang mơ hồ, còn xa lạ về Thiên Chúa. Họ được sinh ra và lớn lên do tình thương của Thiên Chúa sáng tạo mà không hề biết mình có một Cha trên trời. Lại có cả khối người đã được Thiên Chúa mạc khải cách này cách khác, nhưng họ không những không muốn nhận ra và tôn phục mà còn chống lại Thiên Chúa, không muốn làm con của Thiên Chúa vì không chấp nhận sự yếu hèn của mình.

Phần các tín hữu, ý thức được vinh dự làm con Thiên Chúa, họ không chỉ lo cho con cái mình được rửa tội mà còn lo sao cho con cái hiểu biết sâu xa về ơn cao trọng của bí tích rửa tội qua việc dạy và học giáo lý khi còn rất nhỏ trong gia đình. Người lớn tuổi muốn được lãnh nhận bí tích rửa tội, phải được học giáo lý đầy đủ để ý thức được ơn cao trọng của bí tích rửa tội mang lại và sống ơn bí tích để mọi người nhận thấy rằng họ là con cái của Thiên Chúa, Con của Vua Nước Trời.

Sống làm sao cho ra con của Thiên Chúa

Nếu ở trần gian, các con ông lớn luôn tự hào về các ông lớn- cha của mình, thì mỗi Kitô hữu càng phải ý thức và tự hào về Thiên Chúa, Cha trên trời biết là chừng nào! Ý thức là con cái của Thiên Chúa được thể hiện qua đời sống công chính trong gia đình, ngoài xã hội. Con cái Thiên Chúa không thể có cách sống như con ông lớn ở trần gian được: không thể tham lam, bất công -cướp của giữa ban ngày bằng quyền lực, rồi dùng tiền của bất chính ấy mà ăn chơi vô độ đến sa đọa suốt sáng thâu đêm; không thể sống gian dối lọc lừa nói đàng đông làm đàng tây để miễn sao thâu tóm được cái lợi trước mắt cho mình.

Đời sống các Kitô hữu càng công chính bao nhiêu, thì lời chứng về Thiên Chúa càng hùng hồn bấy nhiêu. Có nhiều người đã đến với bí tích rửa tội thật cảm kích, vì không những họ phải vượt qua bao nhiêu thử thách về đức tin, mà còn phải vượt qua cái rào cản đầy gai góc, đó là, cách sống bê bối của người có đạo. Họ đã theo đạo nhưng không theo người có đạo.

Thiết nghĩ, mỗi Kitô Hữu, để xứng đáng là con cái Thiên Chúa, cần sống thiết thực tinh thần của Kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy: sống sao cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”

Lạy Chúa, chúng con muốn sống trọn vẹn niềm vui và vinh dự với ơn ích bí tích rửa tội, xin cho ý nguyện “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện” luôn thấm nhập trong tâm hồn chúng con, và thực thi trong đời sống, để chúng con trở thành một biểu chứng sống động về Cha chúng con ở trên trời.

Pm. Cao Huy Hoàng